Lục Du
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây đã phát hành ấn bản mới nhất của cuốn sách “Lược sử Đảng Cộng sản Trung Quốc” – để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập của tổ chức này, theo Taiwan News.
Ấn bản mới nhất này phủ nhận những sai lầm của Mao Trạch Đông và nhấn mạnh khoảng thời gian phát triển của đảng kể từ khi Tổng Bí thư Đảng ĐCSTQ Tập Cận Bình lên nắm quyền. Ấn bản này dày 531 trang bao gồm 10 chương, trong đó phần nói về ông Tập chiếm khoảng 1/4 cuốn sách.
Trong một ấn bản lịch sử đảng xuất bản năm 2001, chương nói về Cách mạng Văn hóa viết rằng, lý do Mao Trạch Đông phát động “cuộc cách mạng vĩ đại” này là để ngăn chặn sự phục hồi của chủ nghĩa tư bản, duy trì sự trong sạch của ĐCSTQ và tìm kiếm con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của chính Trung Quốc”.
Chương này mô tả “ước tính sai lầm” của đảng về tình hình chính trị của đất nước là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc cách mạng thất bại. Ấn bản 2001 cũng nêu rõ “hiện tượng tùy tiện cá nhân và sùng bái cá nhân trong đảng đang dần gia tăng” vào thời điểm đó, nhưng nó vẫn khẳng định rằng Mao phải gánh phần lớn trách nhiệm về Cách mạng Văn hóa.
Ấn bản mới nhất không còn dành riêng một chương để viết về Cách mạng Văn hóa. Thay vào đó, mục này chỉ xuất hiện trong phần thứ ba của Chương 6, với nội dung chỉ có 13 trang.
Phần nội dung này mô tả những sai lầm của Mao bằng cách nói: “Là lãnh đạo của một đảng vô sản cầm quyền, Mao Trạch Đông liên tục quan sát và suy nghĩ các vấn đề thực tế của xã hội xã hội chủ nghĩa đang nổi lên và rất chú ý đến những vấn đề khó khăn đối với đảng và nhân dân”.
Ấn bản mới nhất cũng nói rằng Mao Trạch Đông thực hiện Cách mạng văn hóa là để củng cố quyền lực chính trị nhằm chống lại “nguy cơ khôi phục chủ nghĩa tư bản, và các cuộc đấu tranh không ngừng tìm tòi và không ngừng được thực hiện để loại bỏ tham nhũng, đặc quyền và quan liêu trong đảng và chính phủ”.
Tuy nhiên, án bản mới nhất vẫn khẳng định Cách mạng Văn hóa, trên thực tế, không phải là một cuộc cách mạng, hay tiến bộ về mặt xã hội theo bất kỳ nghĩa nào. “Đó là một cuộc hỗn loạn dân sự do người lãnh đạo sai lầm và các nhóm phản cách mạng sử dụng để mang lại tai họa nghiêm trọng cho đảng, đất nước và nhân dân các dân tộc, để lại những bài học vô cùng đau đớn”.
Giới sử học nhìn nhận cuộc “Cách mạng văn hoá” diễn ra trong 10 năm, từ tháng 5 năm 1966 tới tháng 10 năm 1976, là “mười năm hỗn loạn” hay “mười năm thảm họa” của Trung Quốc. Năm 1981, ĐCSTQ cho biết có khoảng 1,5 đến 1,8 triệu người Trung Quốc bị giết chết hay tự sát trong giai đoạn này, khoảng 20 triệu người bị đưa về nông thôn lao động cưỡng bức trong nhiều năm. Khoảng 200 triệu người bị thiếu ăn thường xuyên. Tuy nhiên một số nhà sử học cho rằng con số thực tế có thể cao hơn.