Vũ Dương
Chuyên gia Trịnh Trung Nguyên nhìn nhận rằng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản (ĐCSTQ) đương nhiệm Tập Cận Bình ngày càng có nhiều biểu hiện giống với Từ Hy Thái hậu thời nhà Thanh. Dưới đây chúng tôi xin gửi tới quý độc giả bài viết của chuyên gia Trịnh trên Sound of Hope.
Hơn 120 năm trước, Từ Hy Thái hậu đã nhầm tin rằng đám “quyền phỉ” Nghĩa Hòa Đoàn có tấm thân kim cương bất hoại, đao thương bất nhập, hỏa pháo bất xâm. Tin vào điều này, Từ Hy cho rằng vương triều nhà Thanh không cần phải sợ đế quốc nữa, thế nên đã ngang nhiên tuyên chiến với cả thế giới, mặc cho đám quyền phỉ đốt phá nhà thờ, giết hại linh mục, bao vây lãnh sự quán các nước. Kết quả Liên minh tám nước đánh vào Bắc Kinh, buộc nhà Thanh phải ký “Điều ước Tân Sửu”, bồi thường 450.000 vạn lượng bạc.
Hơn 120 năm sau, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tin lầm đám nịnh bợ bên cạnh, đưa ra tuyên bố hoang đường rằng ĐCSTQ đã gặt hái được “kỳ tích nhân gian” toàn dân thoát nghèo, đánh giá sai hình thế cả trong lẫn ngoài nước “phương đông trỗi dậy, phương tây đi xuống”, cho rằng “đất nước Trung Quốc thật là lợi hại” có thể “nhìn thẳng thế giới”. Sau khi thay đổi các chiến sách “ném đá giấu tay”, một nhóm các quan chức ngoại giao giống như “sói điên” đã làm ra các hoạt động ngoại giao lưu manh, thường xuyên xung đột với các nước phương Tây, phô ra bộ dạng chỉ mình ta là nhất. Thế là, ĐCSTQ đối nội thì phá bỏ nhà thờ, thiêu hủy thánh giá, đàn áp các giáo hội ngầm, thực thi chính sách diệt chủng ở Tân Cương, đối ngoại thì liên tục gây hấn Biển Đông, sau khi phá bỏ lời hứa “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông liền chuyển mục tiêu sang Đài Loan.
Trong thời kỳ này, đầu tiên là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung giáng xuống, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến ĐCSTQ nhận thấy rằng họ đã bị “bóp cổ” trong lĩnh vực công nghệ chủ chốt. Tuy vậy, kẻ đứng đầu ĐCSTQ vẫn chưa tỉnh ngộ và nghĩ rằng đây vừa khéo là thời cơ lấy phong trào chủ nghĩa dân tộc ra đối phó, bắt chước cách đánh theo kiểu của Mao “toàn dân chế tạo chip”.
Sau đó là đại dịch viêm phổi Vũ Hán từ Trung Quốc lan rộng ra toàn thế giới vào năm ngoái. Bởi ĐCSTQ đã cố tình che giấu dịch bệnh ngay từ đầu đã dấy lên một làn sóng truy cứu trách nhiệm về nguồn gốc của dịch bệnh và khoản bồi thường khổng lồ từ xã hội quốc tế.
ĐCSTQ không chỉ đối mặt với “Liên quân tám nước” mà nhà Thanh phải đối mặt, mà đây là liên quân “tám mươi nước”, toàn thế giới đều sẽ truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ. Có điều mũi giáo cũng chính là nhắm thẳng vào ông Tập Cận Bình.
Theo thống kê của phương tiện truyền thông tính đến ngày 25/4/2020, ít nhất hơn 40 quốc gia đã đệ đơn kiện hoặc đòi ĐCSTQ bồi thường. Riêng tại Hoa Kỳ, Anh, Ý, Đức, Ai Cập và Ấn Độ, tổng kim ngạch bồi thường đã vượt quá 43 nghìn tỷ đô-la Mỹ. Tờ “Economic Daily” của Hồng Kông ngày 29/4 đưa tin, tổng kim ngạch mà chính phủ hoặc các tổ chức tư nhân yêu cầu ĐCSTQ bồi thường chỉ riêng ở 8 quốc gia có thể đã lên tới hàng trăm tỷ đô-la Mỹ, tương đương hơn 7 năm GDP của Trung Quốc.
Đây là một bội số rất lớn so với khoản bồi thường năm Canh Tý của năm 1900. Cuối cùng thì nó sẽ lớn đến mức nào? Sau đó không thấy thêm bảng thống kê nào nữa. Trước mắt cả thế giới đang có cuộc tranh cãi xung quanh cuộc điều tra về nguồn gốc dịch bệnh của WHO, và các cáo buộc phòng thí nghiệm Vũ Hán làm rò rỉ virus cũng đang là phần mở rộng trong vấn đề bồi thường.
Điều thú vị là vào tháng 4/2020, khi mà các nước cùng đưa ra yêu sách bồi thường, khi mà sự khiển trách của cộng đồng quốc tế đã tạo thành áp lực lên thân ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đã đến Tây An để chiêm bái “Long mạch” ở dãy núi Tần Lĩnh và nói về “phong thủy, nhắc lại “tinh thần di dời đến Tây An” của trường đại học Giao thông Thượng Hải. Điều này vô tình lại giống với cuộc tháo chạy của Từ Hy Thái hậu đến Tây An vào năm Canh Tý cách đây 120 năm về trước (năm 1900), vẽ nên một bức tranh đáng kinh ngạc về ngày tàn của triều đại đỏ.
Thời gian khốn khó và thảm hại nhất trong đời Từ Hy Thái hậu là đầu mùa thu năm 1900.
Theo sử sách ghi lại, trong năm này, Liên quân tám nước tiến vào Bắc Kinh, Từ Hy Thái hậu dẫn theo Hoàng đế Quang Tự vội vàng tháo chạy khỏi Bắc Kinh. Thậm chí vì tháo chạy quá vội, nhóm người của Từ Hy Thái hậu chẳng kịp chuẩn bị lương thực, mấy ngày sau đành phải chịu đói, khổ hơn cả người dân chạy nạn.
Cuối cùng, sau khi trải qua hành trình hơn 2.000 cây số, Từ Hy Thái hậu đã đến được điểm cuối của cuộc trốn chạy: thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Bà đã ở đây được gần một năm.
Nguyên nhân khiến Từ Hy Thái hậu phải tháo chạy về Tây An lại chính là dưới sự kích động của phe chủ chiến nhà Thanh, bà đã thu nạp Nghĩa Hòa Đoàn tuyên chiến với các cường quốc.
Vào tháng 5 và tháng 6 của năm 1900, phong trào bạo lực Nghĩa Hòa Đoàn tiến vào Bắc Kinh, đốt phá nhà thờ, tàn sát giáo dân, khiến lãnh sự quán các nước phải vũ trang đầy đủ như lâm đại địch. Bên ngoài Đại Cô Khẩu, tàu chiến dày đặc, Liên quân tám nước chuẩn bị hành quân từ Thiên Tân đến Bắc Kinh. Ngày 21/6/1900, Từ Hy Thái Hậu đã lắng nghe ý kiến của phe chủ chiến trong triều đình, mượn danh nghĩa hoàng đế Quang Tự ban hành chỉ dụ tuyên chiến với đế quốc. Kết quả thảm bại. Vào ngày 20/7 năm Quang Tự thứ 26 (sáng sớm ngày 14/8/1900), Liên quân tám nước đánh vào Bắc Kinh. Sáng sớm ngày 15/8, Từ Hy Thái hậu buộc phải đưa Hoàng đế Quang Tự cùng gia quyến trong cung trốn khỏi kinh đô từ cổng Đức Thắng, tháo chạy đến Tây An.
Một năm sau khi Từ Hy Thái hậu chạy đến Tây An, năm Quang Tự thứ 27 (ngày 25/7 năm Tân Hợi), tức ngày 7/9 năm 1901, Đại Thanh đã ký kết “Hòa ước Tân Sửu” với các nước đế quốc, đây được xem là khoản bồi thường lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Chính phủ nhà Thanh buộc phải bồi thường cho các nước thay cho phong trào Nghĩa Hòa Đoàn năm Canh Tý 1900, các nhà sử học gọi đây là bồi thường năm Canh Tý. Từ Hy Thái hậu cũng đẩy trách nhiệm chiến tranh cho Nghĩa Hòa Đoàn, và ra lệnh tiêu diệt tận gốc “Nghĩa Hòa Đoàn”.
Sau vụ việc lần này, nhà Thanh đã tìm đủ mọi cách để tự cứu lấy mình, kéo dài hơi tàn được chục năm, sau khi Cách mạng Tân Hợi năm 1911 bùng nổ, tháng 2 năm sau nhà Thanh chính thức diệt vong.
Phải chăng đây là sự trùng hợp một cách ngẫu nhiên, 120 năm sau sự kiện Từ Hy Thái hậu tháo chạy đến Tây An, ông Tập Cận Bình cũng chạy đến Tây An. Ông Tập thậm chí còn xem Tây An là nơi lánh nạn trong tương lai và đã có sự bố trí trước. Xét cho cùng, Thiểm Tây là quê hương của ông, nghĩa trang của cha ông cũng được xây dựng ở nơi này.
Giờ đây, những gì Tập Cận Bình làm trong mấy tháng đầu năm nay xác thực có nhiều chỗ tương đồng với Từ Hy Thái hậu.
Lợi dụng sự thay đổi của cuộc bầu cử Hoa Kỳ, ĐCSTQ đã bất ngờ giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc trong cuộc đối thoại cấp cao Trung-Mỹ đầu tiên diễn ra tại Alaska vào giữa tháng 3 năm nay. Ông Dương Khiết Trì, quan chức ngoại giao cấp cao của ĐCSTQ, đã đơn phương phát biểu trong 16 phút mà không cần đến phiên dịch viên, trong suốt quá trình phát biểu cũng không chừa lại thời gian cho người phiên dịch, ông đặc biệt nhấn mạnh rằng “Người dân Trung Quốc sẽ không chịu nhận một bộ các thứ này”. Trong nước, truyền thông ĐCSTQ đã kích hoạt một trào lưu chống Mỹ theo đúng phong cách của Nghĩa Hòa Đoàn. Tất nhiên, ông Dương Khiết Trì là làm đúng theo một bộ chỉ thị của ông Tập, dù rằng phía sau hậu trường có trù tính của “quốc sư” Vương Hộ Ninh.
Điều này vẫn chưa đủ, dưới lệnh trừng phạt chung của các nước phương Tây bởi các vấn đề nhân quyền Tân Cương, ĐCSTQ đã tuyên bố sẽ có đòn đáp trả. Sau đó, truyền thông ĐCSTQ khơi lại bản tuyên bố không sử dụng bông Tân Cương (một sản phẩm từ mồ hôi lao động cưỡng bức) của hãng thời trang H&M và các công ty thương hiệu quốc tế khác, một cơn bão tẩy chay hàng hóa nước ngoài đã lan khắp Trung Quốc, đến nay vẫn chưa dừng lại.
Kể từ khi Ủy ban Trung ương của Đoàn Thanh niên ĐCSTQ trả đũa H&M, hầu như tất cả các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ, gồm cả CCTV, Nhân dân Nhật báo, đều tung ra các cuộc tấn công toàn diện nhắm vào H&M trong cùng một thời điểm. Với sự trợ giúp của truyền thông nhà nước, làn sóng tẩy chay này rất nhanh đã lan rộng đến hơn một chục thương hiệu nổi tiếng quốc tế, như NIKE và Adidas. Có rất nhiều video được đăng tải trên mạng cho thấy có những người đã cắt bỏ quần áo của hãng H&M, đốt giày thể thao thương hiệu Mỹ. Giới nghệ sĩ ở Trung Quốc và các nghệ sĩ Hồng Kông, Đài Loan đang kiếm sống ở Trung Quốc cũng bị ép phải tuyên bố cắt đứt với các thương hiệu liên quan.
Không khó để nhận định rằng làn sóng chủ nghĩa dân tộc một cách đột ngột này là do ĐCSTQ thao túng đằng sau. Bè lũ “tiểu phấn hồng” với tình cảm quá khích cực đoan nào khác chi các thành viên của Nghĩa Hòa Đoàn năm xưa.
Trong thời gian diễn ra làn sóng tẩy chay hàng hóa nước ngoài, chính quyền ĐCSTQ đã mặc kệ các cuộc tấn công, đập phá, cướp bóc và đốt cháy nhằm thẳng vào các thương hiệu. Tuy nhiên, người đứng đầu ĐCSTQ thành thạo kỹ năng trong việc duy trì sự ổn định rất nhanh đã tuyên bố rằng “có phần tử xấu trà trộn vào đám người biểu tình” để phong trào tẩy chay có thể nằm trong tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Về điểm duy trì sự ổn định này, chế độ cuối thời nhà Thanh tất nhiên không so được với người nắm quyền của triều đại đỏ ĐCSTQ, bởi kẻ sau đậm chất lưu manh.
Tuy nhiên, bên trong Trung Quốc, do sự xúi giục của bộ máy tuyên truyền và sự phong tỏa của bức tường lửa Internet, xác thực có rất nhiều người đã bị tẩy não và mê tín vào ĐCSTQ. Bè lũ “tiểu phấn hồng”, gồm cả Bộ Ngoại giao mà ngày càng nhiều người gọi là “sói chiến”, ví như Triệu Lập Kiên, những kẻ tự động xông pha chiến đấu cho ĐCSTQ cả trong lẫn ngoài nước, vẫn đang không ngừng gào thét. Trước sự hình thành của Liên minh Thế giới Tiêu diệt ĐCSTQ, “Nghĩa Hòa Đoàn” phiên bản hiện đại không biết thức tỉnh kia cuối cùng sẽ mang đến kết cục gì cho chính quyền ĐCSTQ, điều này chỉ cần nghĩ thôi cũng đã tự biết.
Tóm lại, dù ông Tập Cận Bình có muốn hay không, có đoán trước được hay không, bản thân ông nếu cứ khăng khăng trói chặt vận mệnh bản thân với triều đại đỏ ĐCSTQ, cùng nhau đi đến bước đường cùng, kết cục của ông có thể sẽ còn tệ hơn cả Từ Hy Thái hậu nữa