Triệu Hằng
Đan Đông, một thành phố vùng biên giữa Trung Quốc và Triều Tiên đang chuẩn bị nâng cấp các cơ sở thương mại xuyên biên giới trong bối cảnh có tin tức cho rằng hai nước đang tiến tới củng cố mối quan hệ vốn gián đoạn bởi dịch bệnh để nhằm đối phó với Mỹ.
SCMP cho hay, các tài liệu của chính phủ cho thấy, chính quyền Đan Đông thuộc tỉnh Liêu Ninh gần đây đã bắt đầu mời thầu một loạt dự án, qua đó cho thấy cây cầu trên sông Áp Lục nối Trung-Triều bị đóng cửa khá lâu có thể sớm được khai thông.
Dự án cầu đường bộ mới với 8 làn xe đã được thiết kế để thay thế cây cầu Hữu nghị Trung – Triều từ thời quân Nhật chiếm đóng năm 1943. Cây cầu cũ chỉ có một đường ray đơn và đường một chiều.
Cây cầu mới được cho là có thể giúp mang lại các khoản đầu tư cho một khu kinh tế được quy hoạch ở Đan Đông, thành phố 2,5 triệu dân nằm đối diện với thành phố bên kia sông Tân Nghĩa (Sinujiu) của Triều Tiên, và thúc đẩy giao thương Trung Quốc với nước láng giềng nghèo khó và cô lập. Dự án cầu mới đã bắt đầu hoạt động cách đây 10 năm và dự kiến ban đầu sẽ mở cửa vào năm 2014. Tuy nhiên, không bên nào giải thích lý do tại sao cây cầu mới vẫn chưa sẵn sàng đi vào hoạt động, nhưng nhiều người cho rằng phía Triều Tiên phải chịu trách nhiệm trong việc này.
Nhưng gần đây chính quyền thành phố Đan Đông đã tiến hành đấu thầu một nghiên cứu có tính khả thi cập nhật cho một dự án cảng biên giới mới ở cây cầu bên phần đất Trung Quốc.
Tháng trước, cơ quan giao thông vận tải tỉnh Liêu Ninh cũng đã bắt đầu quá trình đấu thầu một hợp đồng kiểm tra an toàn kéo dài 6 tháng cho cây cầu mới, theo đó họ cho biết cây cầu mới sẽ “sớm đưa vào hoạt động”.
Ngoài việc chậm trễ trong việc khai trương cây cầu mới, thương mại xuyên biên giới Trung – Triều đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc áp đặt sau các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, và dự án đã gần như dừng lại vào tháng 1/2020 khi Triều Tiên đóng cửa biên giới sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Những nỗ lực thông cầu mới nhất đã làm hồi sinh những đồn đoán rằng Bắc Kinh – Bình Nhưỡng đang tiến tới củng cố quan hệ đôi bên trước sức ép từ Washington.
Vào hôm thứ Hai (12/4) Bắc Kinh đã thông báo rằng Lưu Hiểu Minh, cựu Đại sứ tại Anh đã được bổ nhiệm làm Đặc phái viên mới về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, việc bổ nhiệm này đã lấp đầy một vị trí bị bỏ trống trong gần hai năm.
Trích dẫn các nguồn tin thương mại, đài truyền hình Hàn Quốc JTBC đưa tin rằng các quan chức ở Đan Đông đã bắt đầu chấp nhận đơn xuất khẩu cho một cửa khẩu có khả năng mở lại vào thứ Sáu (16/4), một ngày sau ngày sinh nhật của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành, ngày được xem là một trong những ngày lễ trọng đại nhất của Triều Tiên.
Một thương nhân giấu tên ở Đan Đông nói với JTBC rằng các quan chức hải quan ở Trung Quốc và Triều Tiên “đang tiến hành giáo dục kiểm dịch cho các công ty thương mại”, nói thêm rằng hàng hóa, chủ yếu là than và phân bón hóa học cho vụ gieo hạt xuân, đã sẵn sàng để vận chuyển lưu thông.
Một nguồn tin khác nói với đài truyền hình Hàn Quốc rằng việc nối lại thương mại sẽ chỉ giới hạn ở hàng hóa trong khi vẫn duy trì các quy định nghiêm ngặt về giao lưu giữa người với người, bao gồm cả du lịch.
Các nhà lãnh đạo của cả Trung Quốc và Triều Tiên gần đây đã bày tỏ mong muốn quan hệ hai bên chặt chẽ hơn. Trong thông điệp do đại sứ mới được bổ nhiệm Ri Ryong-nam đưa ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã cam kết tăng cường mối quan hệ vốn được cả thế giới “ghen tị” trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đáp rằng tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Triều Tiên là “kho báu chung” của nhân dân hai nước.