Khi Josephine nổi giận

Ian Bùi

Josephine Baker sinh năm 1906 tại St Louis, Missouri. Giấy khai sinh ghi tên bà là Freda Josephine McDonald. Từ nhỏ Josephine đã tỏ ra một cô bé cá tính, thích diễn trò cho bạn bè trong xóm. Lớn một chút cô chuyển sang múa hát và ít lâu sau làm vũ công cho các gánh hát dạo trong vùng…

Josephine Baker vào thập niên 1920. Nguồn: wikimedia

Năm 15 tuổi Josephine gặp William Howard Baker, chỉ sau vài tuần cô trốn nhà đi theo Baker và hai người lấy nhau. Thật ra trước đó Josephine đã lấy chồng một lần khi mới 13 tuổi, nhưng cuộc “hôn nhân” ấy không sống lâu. Ít lâu sau cô lên New York để làm nghề múa hát ở Broadway; William không ưng nên hai người ly dị, nhưng cô giữ tên sân khấu Josephine Baker suốt đời.

Thuở bấy giờ xã hội Mỹ vẫn còn tình trạng phân chủng (segregation), người da Trắng và da Ðen không sinh hoạt chung – từ tiệm ăn, xe bus, cho tới thể thao, giải trí. Năm lên 19, Josephine được mướn vào một đoàn vũ nhạc toàn người da Ðen để sang Paris trình diễn. Xã hội Pháp không có segregation. Một trong những điều bất ngờ đối với Josephine là khi lên xe lửa ở Paris cô được phép ngồi bất cứ chỗ nào có ghế trống. Một khám phá thú vị nữa là ở Paris có các màn múa mà nữ vũ công ở trần, chỉ mặc bikini kết lông chim flamingo ở phần dưới. Josephine đặc biệt thích môn này và chẳng bao lâu đã trở thành một ngôi sao. Không ngừng ở đó, vài năm sau Josephine Baker đã chứng tỏ là một nghệ sĩ tài năng, được mời đóng phim và hát cho nhạc kịch opera. Bà là nữ diễn viên da Ðen đầu tiên trong lịch sử điện ảnh trong vở phim câm ‘Siren of the Tropics’ (1927) của đạo diễn Henri Étiévant. Nhà văn Ernest Hemingway từng gọi Josephine là “người đàn bà nảy lửa nhất hành tinh.” Thuở ấy Josephine Baker có lẽ là phụ nữ da Ðen giàu nhất thế giới.

Năm 1928, Josephine Baker làm một chuyến lưu diễn vòng quanh Âu Châu. Ðiểm đến đầu tiên là Vienna (Áo). Khi ấy quyển “Mein Kampf” của Hitler vừa xuất bản không lâu và tư tưởng “bạch chủng thượng tôn” đang lan mạnh. Trước khi Josephine Baker đặt chân tới Vienna dân Áo đã cho treo bích chương khắp thành phố để phản đối, họ gọi bà là “hắc quỷ” và nhiều thứ tên xấu xa khác. Và khi bà đến, thiên hạ xếp hàng hai bên để “dàn chào”. Josephine kể cảnh tượng lúc đó làm bà nhớ các cuộc đàn áp sắc tộc ở quê nhà.

Josephine thời mới lớn ở Mỹ. Nguồn: wikimedia

Mười năm sau Ðệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, Josephine Baker phải ngưng trình diễn một thời gian. Lúc bấy giờ bà đã lấy người chồng thứ ba là một nhà buôn người Pháp gốc Do Thái. Mặc dù hai người ly dị năm 1941, nhưng dưới con mắt của người Ðức thời đó Josephine Baker đại diện cho tất cả những gì giống dân Aryan thượng tôn khinh bỉ và thù ghét. Không những là một phụ nữ thành công, bà còn là da Ðen và kết hôn với một người Do Thái. Ðã vậy bà còn là một người song tính (bisexual) có quan hệ bán công khai với nhiều người phụ nữ đương thời, kể cả hoạ sĩ nổi tiếng Frida Kahlo.

Nên khi quân Ðức sắp chiếm Paris năm 1940, biết chắc mình sẽ bị hại, bà chạy xuống miền Nam lánh nạn. Tại đây bà mướn một toà lâu đài cổ không chỉ để làm chỗ ở mà còn là nơi tạm trú cho một số gia đình tị nạn khác. Sau khi Paris thất thủ, Josephine Baker bắt liên lạc với Jacques Abtey, người đứng đầu cơ quan tình báo của quân kháng chiến. Abtey cần một người làm gián điệp, và Josephine là một đối tượng tuyệt vời vì bà là ca sĩ nổi tiếng, có thể đi lại giữa các nước Âu Châu tương đối dễ dàng và an toàn. Khi được Abtey mời tham gia lực lượng kháng chiến, Josephine Baker nhận lời ngay.

Josephine biến thành mẹ nuôi chiến sĩ. Lâu đài Château des Milandes của bà trở thành chỗ ẩn trú cho quân kháng chiến, ngoài ra bà còn giúp kiếm giấy thông hành cho họ. Là một nghệ sĩ, bà thường dự tiệc với giới quý tộc, ngoại giao và chính trị, đặc biệt là các buổi tiệc tại Toà lãnh sự Ý, đồng minh của Ðức Quốc Xã. Từ những nhân vật cao cấp của Ðức và Ý bà thu thập được nhiều thông tin bổ ích — như phi trường hay hải cảng nào sắp được trưng dụng, quân Ðức đang di chuyển tới đâu v.v. Bà kể lúc bấy giờ bà không sợ bị phát giác vì bà tin không ai dám nghi ngờ một nghệ sĩ tiếng tăm như bà lại đi làm gián điệp. Và với tài diễn xuất thiên phú, bà có thể nhập bất cứ vai nào bà muốn khi cần. Những thông tin bà kiếm được có khi bà ghi vào lòng bàn tay, khi thì ghim trong quần lót vì bà biết không ai sẽ khám một nghệ sĩ nổi tiếng như mình.

Josephine Baker năm 1948. Nguồn: wikimedia

Nhưng dần dà bọn Nazi cũng bắt đầu đánh hơi được. Chúng cho người đến lâu đài của bà để dò hỏi ngay lúc bà đang ẩn chứa một số kháng chiến quân. Josephine đã phải tận dụng mọi mánh khoé nhà nghề để đánh lạc hướng mấy tên sĩ quan Ðức. Biết đã bị bại lộ, bà quyết định rời Pháp. Jacques Abtey liên lạc với tướng Charles de Gaulle. Ông ra lệnh hai người phải tức tốc trốn sang London qua ngõ Lisbon, Bồ Ðào Nha, khi ấy vẫn còn là một quốc gia trung lập. Họ đem qua Anh hơn 50 tập tài liệu tình báo; Josephine Baker còn cẩn thận dùng mực vô hình để ghi một số tài liệu mật lên những bản nhạc bà mang theo.Xem thêm:   Vespa lịch sử & huyền thoại

Sau ngày Âu Châu được giải phóng, tức D-Day, Josephine Baker quay trở lại Paris trong bộ quân phục và được đón tiếp long trọng. Tuy nhiên, nhìn thấy cảnh đói khổ của cư dân thành phố sau những năm bị Nazi chiếm đóng, bà liền bắt tay vào việc cứu tế. Bà bán một số nữ trang và của cải riêng để lấy tiền mua than và thực phẩm cho người nghèo. Sau khi Ðức đầu hàng, đại tướng De Gaulle tặng bà huân chương ‘Croix de Guerre’ (Anh dũng Bội tinh) và ‘Rosette de la Resistance’ (Huy chương Kháng chiến). Ngoài ra ông còn trao bà danh hiệu ‘Chevalier de Légion d’Honneur’ (Hiệp sĩ Danh dự) — danh hiệu cao quý nhất dành cho quân đội hoặc thường dân do Napoleon Bonaparte khởi xướng hồi đầu thế kỷ 19.

Josephine Baker, Jo Bouillon cùng bầy con nuôi tên “Bộ lạc Đa sắc”. Nguồn: wikimedia

Thập niên 1950 Josephine trở về thăm nước Mỹ và bị sốc khi thấy tình trạng phân biệt màu da (segregation) vẫn còn quá nặng. Mặc dù đã là công dân Pháp, bà tham gia phong trào tranh đấu cho dân quyền ở Mỹ. Tại cuộc biểu tình vĩ đại ở Washington, D.C. với Martin Luther King năm 1963, bà là phụ nữ duy nhất được mời làm một trong những diễn giả chính. Trong bài phát biểu của mình, bà nói: “Tôi từng đặt chân vào cung điện của vua chúa, của hoàng hậu, của tổng thống, và nhiều nơi khác nữa trên thế giới. Nhưng tôi lại không được phép bước vào một khách sạn ở Mỹ để mua một ly cà phê. Ðiều đó làm tôi giận ghê lắm. Mà một khi Josephine nổi giận, nàng sẽ mở to miệng để nói. Tiếng nói của nàng dẫu có khó nghe nhưng sẽ vang rất xa…

Dù không thể có con vì lý do sức khoẻ, Josephine Baker xác quyết sự bình đẳng của con người bằng cách nhận 12 người con nuôi — hai gái mười trai, gồm nhiều chủng sắc khác nhau: Morocco, Ðại Hàn, Nhật Bản, Colombia, Phần Lan, Pháp, Do Thái, Algeria, Ivory Coast, và Venezuela. Bà và người chồng thứ tư, Jo Bouillon, gọi bầy con của họ là “Bộ Lạc Ða Sắc”.

Ðầu tháng Tư năm 1975, Hoàng tử Rainier và Công chúa Grace của Monaco, cùng với Phu nhân Jacqueline Kennedy Onassis, đã tài trợ một chương trình nhạc đặc biệt ở Paris cho Josephine Baker trình diễn để kỷ niệm 50 năm trong nghề của bà. Người đi xem đông đến độ nhà hát phải đặt thêm ghế xếp. Ðêm ra mắt thành công rực rỡ, được giới showbiz khen hết lời. Nhưng chỉ bốn ngày sau bà bỗng bị xuất huyết não trong khi đang ngủ và rơi vào hôn mê. Josephine Baker qua đời ngày 12 tháng Tư, 1975, thọ 68 tuổi.

Related posts