Thanh Hải
Đầu tuần trước (ngày 13/4), Tập đoàn Dược phẩm Fosun Thượng Hải (Fosun Pharma) thông báo rằng lô vắc xin Pfizer đầu tiên đã đến Trung Quốc và sẽ được Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc (NMPA) giám sát chặt chẽ. Nhiều cư dân mạng đã lên kế hoạch sẽ tiêm vắc-xin Pfizer nhập khẩu, thậm chí họ sẽ trả phí, trong khi vắc-xin nội địa Trung Quốc được tiêm miễn phí, trang Epochtimes thông tin.
Hãng Pfizer (Mỹ) đã phối phát triển vắc-xin Covid-19 với công ty BioNTech của Đức. Fosun Pharma, đối tác Trung Quốc của BioNTech, được cho là đã được cấp quyền tiếp thị vắc-xin này ở Trung Quốc, Hồng Kông, Macao và Đài Loan.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chặn tin tức về sự xuất hiện của vắc-xin Pfizer ngay khi nó xuất hiện trên internet.
ĐCSTQ từ chối thông báo các phản ứng có hại đối với vắc-xin sản xuất trong nước
Tính đến ngày 28/3, thống kê chính thức của ĐCSTQ cho thấy hơn 100 triệu liều vắc-xin Trung Quốc đã được sử dụng ở Trung Quốc, nhưng không có phản ứng bất lợi nghiêm trọng hoặc tử vong nào được báo cáo công khai.
Vào ngày 21/3, Cơ chế phòng ngừa và kiểm soát chung của Quốc vụ viện Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo. Wang Huaqing, chuyên gia chính về Chương trình Tiêm chủng Quốc gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã được hỏi về phản ứng có hại của vắc-xin sản xuất trong nước và liệu dữ liệu có thể được công bố thường xuyên hay không.
Ông Wang cho biết các phản ứng bất lợi bao gồm đau, đỏ, sưng nhưng giải thích rằng “tỷ lệ chung của các phản ứng có hại là tương đối thấp” và “không có trường hợp bất thường nào xảy ra”. Ông nói thêm rằng có những phản ứng khác tương đối phổ biến hơn như đau đầu, mệt mỏi và sốt nhẹ nhưng không giải quyết được câu hỏi về việc công bố dữ liệu liên quan.
Phản ứng của ông Wang đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi giữa công chúng Trung Quốc. Nhiều người tiết lộ một số phản ứng của họ sau khi tiêm vắc-xin, chẳng hạn như đau cơ, đau cánh tay trong vài ngày và đau họng.
Nhiều người Trung Quốc không muốn tiêm vắc-xin nội địa
Nhiều người Trung Quốc sợ tiêm vắc-xin nội địa vì lịch sử lâu đời về tình trạng an toàn thực phẩm và thuốc giả ở Trung Quốc, ngoài ra còn thiếu thông tin minh bạch.
Ông Wu, một cư dân của Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nói với Epoch Times rằng ông không muốn tiêm vắc-xin trong nước.
Ông Wu nói: “Do hiệu quả của vắc xin trong nước thấp hơn vắc xin của Âu Mỹ nên có nhiều trường hợp chống chỉ định và có thể xảy ra phản ứng có hại. Ngoài ra, không có sự bảo vệ quyền lợi của những người có phản ứng có hại nghiêm trọng với các loại vắc xin này, vì vậy người dân khó có thể tiếp nhận chúng một cách tin tưởng”.
Ông Wu cho biết cha của ông là một quan chức trong hệ thống địa phương, nhưng ông “cũng không muốn tiêm vắc-xin vì ông nghĩ rằng nó không cần thiết và ông sợ rằng vắc-xin không an toàn”.
Một quan chức đã nghỉ hưu ở Bắc Kinh nói với Epoch Times rằng ông ấy cũng không muốn việc tiêm chủng. Anh ấy lo ngại về “những tác dụng phụ sau khi tiêm chủng, chẳng hạn như tàn tật hoặc tử vong trong vài ngày sau khi tiêm chủng, hoặc bất kỳ di chứng nào.
ĐCSTQ biến việc tiêm chủng thành một nhiệm vụ chính trị
Ở Trung Quốc, việc chủng ngừa virus cúm Vũ Hán đã chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc và trở thành một nhiệm vụ chính trị trong các doanh nghiệp nhà nước, với áp lực và khuyến khích ở các cấp độ khác nhau. Các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ cũng đã phát động một chiến dịch tuyên truyền, kêu gọi mọi người đi tiêm phòng.
Để thực hiện nhiệm vụ chính trị này, nhiều nơi đã áp dụng các biện pháp khuyến khích, trong đó phổ biến nhất là tặng trứng cho những người đi tiêm phòng và khuyến khích tiền mặt từ 15-30 đô-la Mỹ ở một số khu vực. Một số cộng đồng lân cận ở Bắc Kinh cung cấp các đặc quyền như vé vào cửa Cung điện Vĩnh Hòa, các kỳ nghỉ hoặc đánh giá hiệu suất hàng năm tốt hơn.
Ngoài ra, người nhận vắc xin được yêu cầu ký các thỏa thuận bảo mật và bị cấm tiết lộ thông tin tiêm chủng.
Đáp lại, nhiều người đã bình luận trên mạng rằng, để giúp người dân Trung Quốc tin tưởng vào vắc-xin trong nước, “ các nhà lãnh đạo nên tiêm trước tiên”.