Thiện Phong
Đối với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không công nhận sự tồn tại của Trung Hoa Dân quốc, học giả Tăng Kiến Nguyên đã khẳng định mạnh mẽ với các phần tử “chống phá” ở Đài Loan, rằng đừng bao giờ ảo tưởng về một sự thống nhất dưới chế độ ĐCSTQ, theo nội dung bài viết trang Epochtimes.
Ông Tăng mở đầu bài viết của mình rằng: “Quốc Dân đảng phải bảo vệ và làm rõ việc ĐCSTQ xuyên tạc về lịch sử của Trung Hoa Dân quốc. Hy vọng rằng Quốc Dân Đảng sẽ chú ý hơn đến ý muốn và tâm nguyện của người Đài Loan”.
Ông Tăng dẫn chứng, một số sách giáo khoa lịch sử ở Hồng Kông gần đây đã đổi nội dung “Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc chuyển đến Đài Loan” thành “Quốc Dân Đảng Trung Quốc chuyển đến Đài Loan”. Mã Hiểu Quang, người phát ngôn của Văn phòng sự vụ Đài Loan của Quốc vụ viện ĐCSTQ tuyên bố hôm 14/4 rằng, Quốc Dân đảng rút về Đài Loan sau khi thất bại trong cuộc nội chiến và từ đó Quốc Dân đảng mất tư cách là một chính phủ hợp pháp ở Trung Quốc. Đây là một thực tế lịch sử không thể chối cãi. Về việc thực thi Hiến pháp của Trung Hoa Dân Quốc, ông Mã Hiểu Quang nhấn mạnh rằng sự đồng thuận quốc tế là một thực tế và sẽ không bị thay đổi bởi lập trường của một vài cá nhân.
Dựa trên lòng yêu nước, người dân Trung Quốc đặt niềm tin sai lầm vào ĐCSTQ
Học giả Tăng Kiến Nguyên đã chỉ ra rằng, Văn phòng sự vụ Đài Loan ĐCSTQ có ẩn ý rằng người dân Trung Quốc đã “chọn” ĐCSTQ, và ĐCSTQ có tính chính danh, hợp pháp để cai trị Trung Quốc. Thoạt nghe có vẻ rất hợp lý, nhưng khi quay đầu nhìn lại thời gian và hoàn cảnh lúc bấy giờ, khi Trung Quốc đang lâm vào cảnh hỗn loạn sau Thế chiến thứ 2. Quốc Dân Đảng bị ĐCSTQ ngầm thâm nhập từ đó mất đi sự ủng hộ của người dân. Cũng từ đó ĐCSTQ dưới khẩu hiệu “xây dựng một tương lai tươi sáng” thực sự đã mê hoặc được rất nhiều người.
Vào thời điểm đó, “hầu hết người dân Trung Quốc, gồm cả người dân Đài Loan (cũng có phần tử ĐCSTQ giấu mặt ở Đài Loan) vẫn chưa thấy rõ được bản chất thật của ĐCSTQ chính là một đảng chính trị vô thần, sùng bái cá nhân, phản dân chủ và phản truyền thống”, học giả Tăng nói.
Ông Tăng cho biết, vào năm 1957, ĐCSTQ đã phát động nhiều chiến dịch chính trị khác nhau, như cuộc đấu tranh chống “cực hữu” và đàn áp những kẻ phản cách mạng. Nó (ĐCSTQ) đã giết hại các quan chức Quốc Dân đảng của chính phủ “Trung Hoa Dân Quốc”, cũng như các binh sĩ và những phần tử tri thức của Quốc Dân đảng đã năm xưa không chịu theo Tưởng Giới Thạch đến Đài Loan.
“Những thành viên Quốc Dân đảng này đã bị đàn áp, đấu tố và bị giết hại trong các chiến dịch chính trị do ĐCSTQ phát động. Ví dụ, ba vị tướng kiệt xuất của Quốc Dân Đảng là Trương Trị Trung, Đường Sinh Trí và Hoàng Thiệu Hoành, đã quay sang gia nhập ĐCSTQ, nhưng cuối cùng đã bị bức hại và chết trong thời Đại Cách mạng Văn hóa, cái kết bi thảm thật khiến người ta thương tiếc không thôi”.
“ĐCSTQ đã mang đến cho người dân Trung Quốc hy vọng về cải cách, nhưng vào năm 1949, sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ĐCSTQ) được thành lập, nó đã phản bội lý tưởng mà nó giương cao, phản bội cách mạng và phản bội lại kỳ vọng của người dân Trung Quốc”.
“Lấy lịch sử làm tấm gương, năm 2021 là kỷ niệm 100 năm ngày thành lập của ĐCSTQ, nhìn lại 100 năm ĐCSTQ xuất sinh ở Trung Quốc, người dân Trung Quốc phải tỉnh táo suy ngẫm. Người dân phải thấy được trong 100 năm qua ĐCSTQ đã phản bội người dân Trung Quốc và những lý tưởng đã hứa ngay từ đầu như thế nào, để rồi nhưng kỳ vọng của người dân tan thành mây khói. Đúc kết từ những bài học đẫm máu của lịch sử, thử hỏi ĐCSTQ có đáng tin không?”, ông Tăng đặt câu hỏi.
Rốt cuộc ai có thể đại diện cho chính quyền Trung Quốc? Ông Tăng tin rằng nếu ĐCSTQ muốn tuyên bố rằng họ đại diện cho Trung Quốc một cách hợp pháp, thì hãy kiểm tra xem nó đã hứa với người dân Trung Quốc như thế nào vào năm 1949? Vì sao nó lại tạo ra muôn vàn nỗi thống khổ cho người dân Trung Quốc? Nếu không có ĐCSTQ, có lẽ Trung Quốc ngày nay đã thịnh vượng và lớn mạnh hơn và được cả thế giới kính trọng.
“Trung Quốc không cần ai đến đại diện, hãy để người dân quyết định đất nước họ muốn. Bất kỳ đảng chính trị nào cũng phải tôn trọng ý muốn và lựa chọn của người dân. Tuy nhiên như chúng ta đều biết, người dân Trung Quốc cho đến bây giờ đều không có quyền lựa chọn”, ông Tăng nói.
So sánh hai bờ eo biển
Quốc Dân đảng rút về Đài Loan năm 1949 không có nghĩa là chính phủ Trung Hoa Dân Quốc không tồn tại, sự tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc là một sự thật được luật pháp quốc tế công nhận.
Ông Tăng nói: “ĐCSTQ nói dối quá nhiều, mở mắt ra là nói những điều vô nghĩa, họ luôn nhắm mắt làm ngơ trước những sự thật này. Hơn nữa, kể từ khi có sự phân chia hai bờ eo biển, Trung Hoa Dân Quốc đã thực hiện hiến pháp và thúc đẩy một hệ thống dân chủ ở Đài Loan, trở thành mô hình dân chủ hàng đầu châu Á và là ngọn hải đăng của nền dân chủ Trung Quốc. Sự tồn tại của Đài Loan cũng thúc đẩy Trung Quốc tiến tới một hệ thống chính trị cởi mở hơn và tốt đẹp hơn cho người dân”.
Ông Tăng cho biết các cuộc đàm phán xuyên eo biển phải được tiến hành có đi có lại trên hai cơ sở chính là tôn trọng ý chí của người dân Đài Loan và bảo vệ chủ quyền.
Ông Tăng cho rằng sự khác biệt về hệ thống chính trị giữa hai bờ eo biển Đài Loan chính là những trở ngại cho việc thống nhất. Người dân Đài Loan không thừa nhận chế độ độc tài, người dân Đài Loan có những lựa chọn chính trị của riêng mình. Hiện tại tuy rằng ở Đài Loan vẫn có một số “phe chống đối” cho rằng ĐCSTQ đang trỗi dậy và thị trường Trung Quốc rất lớn, nhưng họ lại bỏ qua những lợi thế của Đài Loan về tự do, dân chủ và minh bạch. “Hy vọng những người này, họ thấy rõ là họ đang ảo tưởng về sự thống nhất dưới sự thống trị của ĐCSTQ”.
Cuối cùng ông nhấn mạnh, “Quốc Dân đảng phải bảo vệ và làm rõ việc ĐCSTQ hiểu sai về lịch sử của Trung Hoa Dân Quốc. Tôi hy vọng rằng Quốc Dân Đảng sẽ chú ý hơn đến ý muốn và nguyện vọng của người dân Đài Loan, khôi phục lại tinh thần của Quốc Dân Đảng, và dựng lại ngọn cờ tiên phong chống ĐCSTQ”.