Hàn Dương
Hôm 20/4, “Thời báo Hoàn cầu” – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố một cuộc thăm dò cập nhật về “Những thay đổi trong quan điểm của người trẻ Trung Quốc về phương Tây”, theo đó gần 90% số người được phỏng vấn tin rằng Trung Quốc có thể coi thường phương Tây. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đều chỉ ra rằng đây là một màn giả tạo méo mó và nguy hiểm, Sound of Hope cho hay.
“Trung tâm Khảo sát Ý kiến Công chúng Toàn cầu” chính thức thực hiện khảo sát trực tuyến từ ngày 9-12/4. Thời báo Hoàn Cầu tuyên bố rằng 1281 bảng câu hỏi hợp lệ đã được gửi lại, với những người trả lời tới từ hơn 100 thành phố bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến.
Cuộc ” thăm dò ý kiến ” trực tuyến này cho thấy tỷ lệ thanh niên tin rằng Trung Quốc và phương Tây ngang hàng nhau đã tăng lên 42,1%, trong khi những người không thích và coi thường phương Tây đã tăng 41,7%. Theo báo cáo, khi những người trẻ tuổi Trung Quốc được phỏng vấn, được hỏi “ảnh hưởng của Trung Quốc đã vượt qua các nước phương Tây trong lĩnh vực nào”, 60,3% người được phỏng vấn coi đó là an sinh xã hội và 57,1% người được phỏng vấn trả lời rằng họ tôn trọng nhân quyền, 53% chọn lịch sử và văn hóa.
Báo cáo cũng cho biết trong vòng 5 năm, tâm lý ngưỡng mộ phương Tây, đã chuyển biến thành tâm lý bình đẳng hơn, và qua đại dịch viêm phổi Vũ Hán, tâm lý đề cao Trung Quốc, và đánh giá thấp phương Tây đã là chủ đạo..
Về vấn đề này, Kiều Thành Lạc, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Luật Châu Á của Đại học Georgetown, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do rằng, “độ tin cậy của loại khảo sát này là rất thấp”.
Theo báo cáo, nhiều học giả được phỏng vấn cũng hoài nghi về các cuộc ” thăm dò ” do các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ tiến hành dưới sự kiểm soát chặt chẽ về ngôn luận , nhưng họ cũng nhận thấy rằng tình cảm dân tộc chủ nghĩa đang gia tăng ở Trung Quốc.
Theo Đằng Bưu, một học giả pháp lý Trung Quốc giảng dạy tại Đại học Hunter thuộc Đại học Thành phố New York, cho biết “Trung Quốc là quốc gia đàn áp tự do ngôn luận, bắt giữ các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, và giam giữ các dân tộc thiểu số ở Tân Cương, lại có thể tạo ra ảo tưởng về quyền con người ở Trung Quốc. Điều này thật trớ trêu”, “Thực tế cho thấy hầu hết mọi người bị tẩy não bởi hệ thống tuyên truyền chính thức, và nó cũng phản ánh rằng chính phủ muốn định hình một số loại dư luận trong nội bộ để duy trì sự ổn định của chế độ”.
Ông Tập Cận Bình đưa ra khái niệm “cái nhìn ngang hàng với thế giới” tại Ủy ban Toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc vào ngày 6/3 năm nay .
Theo tờ Nhân dân Nhật báo, ông Tập Cận Bình đã nói tại cuộc họp, “Sau những năm 70, 80, 90 và 2000, người Trung Quốc đã có thể có cái nhìn ngang hàng với thế giới. Nó không giống như chúng ta đã làm trong quá khứ”, ý rằng trước đây người Trung Quốc thường có cái nhìn yếu thế, tự ti so với thế giới.
Sau cuộc đối đầu cấp cao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Alaska vào ngày 19/3, các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ một lần nữa đã thổi phồng cái lý lẽ này. Một bài phát biểu của Khang Huy, người dẫn chương trình chính của CCTV, nói rằng, “Chúng ta có thể bình đẳng hoàn toàn với thế giới. Cụ thể hơn, chúng ta có thể coi thường phương Tây và Hoa Kỳ”.
Vào ngày 16/4, Thứ trưởng Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc Lạc Chu Thành cũng đề cập đến ý tưởng này trong một cuộc phỏng vấn với Associated Press .
Nhà nghiên cứu Kiều Thành Lạc của Trung tâm Luật Châu Á, Đại học Georgetown phân tích, trong quan hệ quốc tế, cái gọi là nhìn xuống, nhìn lên, nhìn thẳng kiểu Trung Quốc chỉ cho thấy họ tách mình khỏi thế giới, khiến thế giới dân chủ càng tăng cường cảnh giác với Trung Quốc.
ĐCSTQ luôn tuyên truyền, khiến người dân đối đầu với phần còn lại của thế giới, nào là trước đây thì bị coi thường, nay thì mạnh mẽ rồi nên lại đi coi thường phương Tây, dẫn đến trạng thái dù xoay chuyển nhưng sự đối đầu vần còn, và khiến người dân có cái nhìn méo mó, về quan hệ giữa các quốc gia là quan hệ bóc lột và bị bóc lột.
Ông Đằng Bưu phân tích thêm rằng việc ĐCSTQ đàn áp kinh tế không công bằng đối với Úc, chống lại các lệnh trừng phạt đối với Liên minh châu Âu và các nền dân chủ phương Tây khác, và cuộc chiến ngoại giao chiến lang là do thế giới quan bị bóp méo này.
Tài khoản Twitter “Horizon” cho biết: Cuộc thăm dò này không liên quan gì đến thanh niên Trung Quốc, mà chỉ liên quan đến tuyên truyền của ĐCSTQ. Cũng giống như trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, các cuộc ” thăm dò ý kiến” của Trung Quốc cho thấy người dân tin rằng người dân các nước khác trên thế giới đang “lâm vào cảnh khốn cùng” và chỉ có “người Trung Quốc mới là người làm chủ đất nước thôi”.
Một cư dân mạng khác nói: “Mặc cảm tự ti sẽ dẫn tới tâm lý muốn ngẩng cao đầu mỗi ngày”.
Một số cư dân mạng tự chế giễu rằng: “Trước tiên hãy để người Trung Quốc vượt qua bức tường lửa, sau đó mới nói đến việc nhìn lên thế giới!”