Hàn Dương
Tình cảm chống chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) trong toàn xã hội Hàn Quốc đang lớn lên từng ngày khi người dân xứ sở kim chi phản đối việc ĐCSTQ sử dụng phim ảnh để viết lại lịch sử Hàn Quốc. Cuộc chiến ngôn từ trên các phương tiện truyền thông giữa hai quốc gia đã khiến hơn 620.000 người Hàn Quốc gửi thư lên chính phủ Hàn Quốc phản đối việc thành lập khu phố Tàu ở tỉnh Gangwon, theo Epochtimes.
Mới đây, bộ phim “Người trừ tà Triều Tiên” do đài truyền hình SBS của Hàn Quốc sản xuất bị cho là đã xuyên tạc sự thật lịch sử, đồng thời xuất hiện đồ ăn, đạo cụ của Trung Quốc khiến dư luận phản đối gay gắt.
Mặc dù kịch bản của “Người trừ tà Triều Tiên” dựa trên bối cảnh thời đại của vua Taejong của Triều Tiên, nhưng trang phục và đạo cụ tương tự như các bộ phim truyền hình cổ trang của Trung Quốc.
Trước sự phản kháng mạnh mẽ của khán giả, bộ phim truyền hình trị giá 28 triệu đô la Mỹ đã bị hạ bệ chỉ sau hai tập phát sóng. Kênh truyền hình đã phát sóng bộ phim truyền hình này cũng đã gửi lời xin lỗi đến khán giả Hàn Quốc.
Những nhận xét của ĐCSTQ về kim chi trong những tháng gần đây đã kích động người dân Hàn Quốc và làm gia tăng xung đột giữa hai nước. Nên vụ việc dùng đạo cụ có yếu tố Trung Quốc trong phim Hàn Quốc hiện đang rất nhạy cảm và bị người dân xứ kim chi phản ứng dữ dội.
Liên quan đến vụ việc kim chi, tranh chấp nảy sinh sau khi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), một cơ quan quản lý ngành công nghiệp toàn cầu có trụ sở tại Thụy Sĩ, công bố “Tiêu chuẩn mới cho sản xuất Kimchi Trung Quốc”. Truyền thông chính thức của ĐCSTQ – Thời báo Hoàn cầu đã khoe rằng tiêu chuẩn này chứng minh rằng kim chi có nguồn gốc từ Trung Quốc. Và trong tiêu chuẩn nói chung này cũng bao gồm kim chi của Hàn Quốc.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ dẫn lời Peter Charles của Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Australia cho rằng vụ việc kim chi cho thấy “chiến lang” đã tự dẫm nát chân mình. Bắc Kinh đã chọn một chủ đề không có giá trị ngoại giao và hoàn toàn không cần thiết đem ra gây hấn dẫn tới xung đột, điều này sẽ chỉ khiến sự căm giận của người Hàn Quốc đi xa hơn. Tổn hại về danh tiếng của ĐCSTQ trong công chúng Hàn Quốc đã khiến tình thế của các quan chức Hàn Quốc thân Bắc Kinh và đang sẵn sàng hợp tác với ĐCSTQ trở nên khó khăn hơn.
Kim Joon-hyung, Giám đốc Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc, nói rằng ông thấy bất ngờ trước hành động của Bắc Kinh. Ông nói: “Các vị không thể trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu nếu các vị làm điều này”, “bóp méo lịch sử và nghĩ rằng Kim chi là thức ăn của mình ư”. “Các vị có một lịch sử lâu đời và sức mạnh mềm của riêng mình. Tại sao lại phải hẹp hòi như vậy?”
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ nhận xét rằng chiến lược ngoại giao “chiến lang” của ĐCSTQ đang khiến người dân Hàn Quốc tức giận ở mức đáng báo động. Hai cuộc thăm dò gần đây cho thấy ấn tượng của người Hàn Quốc về ĐCSTQ đã xấu đi rất nhiều.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Hoa Kỳ, chỉ có 37% người Hàn Quốc có quan điểm tiêu cực đối với ĐCSTQ vào năm 2015. Nhưng đến năm 2020, con số này đã tăng hơn gấp đôi, đạt 75%.
Theo báo cáo gần đây của truyền thông Hàn Quốc, hơn 600.000 người ở Hàn Quốc đã ký một ký kết chung yêu cầu tỉnh Gangwon hủy bỏ việc xây dựng khu phố Tàu.
Dự án này đang gây bất bình mạnh mẽ trong người dân Hàn Quốc, tính đến sáng sớm ngày 21/4, hơn 627.000 người đã đăng ký yêu cầu chính quyền thu hồi dự án. Theo quy định, số lượng người đồng ký tên vượt quá 200.000 người thì chính phủ Hàn Quốc sẽ phải có phản hồi và thụ lý vụ việc.