Trại súc vật trong “Cõi nhân gian”*

Tạ Duy Anh

Có thể là hình minh họa về 1 người và trong nhà

Cuốn tiểu thuyết đồ sộ về dung lượng này đậm đặc yếu tố tự truyện.

Hương, nhân vật chính, xưng tôi, có lý lịch hoàn hảo theo tiêu chí thời cuộc lúc anh từ Liên Xô trở về nước: Bằng tiến sĩ, cùng với cái thẻ đảng. Nhưng mọi bi hài kịch của cuộc đời anh trong cõi nhân gian này, cũng bắt đầu từ sự hoàn hảo đó.

Về mặt nghệ thuật, tôi chỉ muốn nói rằng: Tác giả đã thiết lập và định vị được một thứ ngôn ngữ cho riêng mình.

Có lẽ giá trị quan trọng nhất của cuốn sách lại ở khía cạnh phơi bày thực trạng xã hội. Mọi chuyện được kể lại trần trụi, thẳng băng, không cần đến phép tu từ. Tác giả không dựng truyện, không bày binh bố trận, không kỳ công tổ chức các tuyến nhân vật phục vụ ý đồ vẽ lên một cõi nhân gian khiến người khác ngột ngạt. Nhưng chính thế mà sự ngột ngạt- và còn hơn thế-bao trùm lên toàn bộ tám tập sách.

Cõi nhân gian” của Nguyễn Phúc Lộc Thành, chính là hình ảnh không thể chân xác và tức cười hơn, được vẽ chi tiết, đặc tả cái xã hội Việt Nam, trong khoảng ba thập kỉ (cái đuôi của nó vẫn dài lê thê cho đến tận bây giờ). Đó là khúc ngoặt, là cú vượt ổ gà, là một pha bứt tốc mạo hiểm đầy bản năng, nhằm “cắt đuôi” cuộc dượt đuổi của quá khứ u ám, tràn ngập khổ đau, đầy tính khủng bố, luôn bám ngay phía sau mỗi cuộc đời và được khoác cho bộ y phục mỹ miều.

Có tất cả mọi thứ làm nên cái “cõi nhân gian” nói thẳng ra là nhơ nhuốc, kinh tởm, đáng sợ ấy. Tại đó mỗi người đều vong thân ngày ngày, bị đánh cắp mất linh hồn ngày ngày, bị súc vật hóa ngày ngày. Tại đó những kẻ mang bộ mặt nhân từ thì đích thực là lũ quỷ sứ, trong khi đám xã hội bị coi là “đen”, là hạ đẳng lại có tâm Bồ Tát! Không một thành phần nào trong xã hội được ngòi bút của tác giả ưu ái. Tất cả đều bị tha hóa, tự biến mình thành bất hợp pháp, dù không ít người trong số họ vẫn âm thầm nuôi khát vọng làm điều tử tế.

Tất cả họ đều đang bị nhuộm đen mà đành bất lực.

Cứ mỗi lần vuốt ve cái bằng tiến sỹ và cái thẻ đảng, với ý định nhắc mình gìn giữ đức hạnh, thì Hương lại lao sâu hơn xuống cái hố đồi bại. Anh càng giãy giụa càng không thoát. Bởi vì trong xã hội ấy, những khái niệm như phẩm giá, tự trọng, sự trung thực…là những thứ không chỉ xa lạ mà còn bị coi thù địch!

Tác giả trải đời mình ra trên mỗi con chữ, bằng thứ giọng kể “dửng dưng”, cứ như mọi chuyện, dù lớn hay bé, đều chả có gì quan trọng, bởi nó vốn thế, bởi nó là cuộc sống, là lẽ sống, là “chân lý” thời đại.

Có lẽ bản thân người kể cũng không ý thức mình đang vẽ ra một thứ địa ngục trần gian hỗn độn và hỗn loạn đến thế.

“Cõi nhân gian” xứng đáng là một ghi chép, một sự ghi nhớ về thời cuộc, thời đại, cái thời mọi thứ bị đảo lộn, bùng nhùng nhưng vẫn đầy sức sống và không thiếu quyến rũ.

Đặc biệt tác giả rất giỏi khi dựng lên trong “Cõi nhân gian” một “Trại súc vật”.

Từ trải nghiệm bản thân khi làm doanh nhân, nên tác giả thông thạo mọi ngóc ngách của giới quan chức và chắc chắn không thể xóa hết nỗi đau đớn, uất hận, khinh bỉ từ những lần phải cúi mình cống nạp, đến mức nhiều phen “Xếp hàng cả ngày vẫn sợ không đến lượt vào cống nộp (dưới danh nghĩa quà biếu)”, mà phần quan trọng này của cuốn sách vừa đậm đặc chất tư liệu vừa tiểu thuyết nhất? Có lẽ khó mà có thêm ai viết về sự đồi bại của giới quan chức hơn được Nguyễn Phúc Lộc Thành?

Hầu như tất cả cái “đám ấy” đều khốn nạn, đểu cáng, trơ tráo. Từ bé tí là gã dân phòng, chỉ chớp mắt là biến thành tên xã hội đen đáng sợ, đến có danh có vị một chút là “anh Thông”, phó công an phường Yên Định, làm gì cũng hỏi lạnh tanh “Vụ này tôi được bao nhiêu?” Cao hơn chút nữa là “anh Yên”, không rõ thân phận, chỉ biết làm trong ngành công an. Yên càng vơ vét càng đồi bại càng lên cao. Bất cứ việc lớn bé nào, kể cả cướp của giết người, anh ta cũng thò tay can thiệp được bằng muôn vàn thủ đoạn tàn độc ở mức tinh vi, miễn là có tiền. Với Yên thì quyền đẻ ra tiền và đến lượt tiền lại mua được quyền lớn hơn. Cao cao phía bên trên, phải ngước lên mới thấy, là cụ Điển, ông Thiện…. Dù không có hình dong cụ thể, mọi thứ đều hư ảo trong bóng tối nhưng quyền uy của họ còn hơn cả ma quỷ.

Mỗi vị “cha mẹ dân” cứ thế được hiện lên như tạc theo những chuyện kể cụ thể, qua vẻ mặt khi nhận quà biếu, qua những cuộc làm tình kiểu “con heo”, thậm chí qua vài câu đối thoại. Ngôn ngữ của giới ấy chỉ gồm những lời giáo huấn cao đạo về lý tưởng đã thuộc lòng và thỏa thuận tiền bạc, ngã giá việc mua bán chức tước, mắng mỏ ra oai với cấp dưới. Mức độ trắng trợn, trơ trẽn thì có lẽ kho từ vựng tiếng Việt của tôi không đủ để mô tả và nó được mặc nhiên thừa nhận như một hiện thực đời sống bình thường, lành mạnh chốn cung đình! Nhờ vào những “chỉ dẫn” mà ta biết họ là ai, ở tầng bậc nào trong guồng máy quyền lực tha hóa toàn diện và không thể cứu chữa.

Anh Yên có thể lập tức yêu cầu bên viễn thông kiểm tra thông tin trong máy điện thoại của người tình để tìm tình địch (Trang 241, quyển ba). Cụ Điển thì đến cả quan đứng đầu thành phố cũng run cầm cập khi nghe tên. Còn đây, vị cha mẹ dân đức cao vọng trọng nhận hối lộ thản nhiên như việc được thiên hạ cung phụng là quyền thiên định dành cho ông ta:

“Bất chợt, tôi nhớ hôm đến nhà đồng chí Thiện. Tôi mang chiếc chìa khóa xe Mercedes-benz S450 Luxury, chiếc xe giá thị trường hai trăm năm mươi ngàn đô, đến nhà đồng chí Thiện, theo yêu cầu của anh Yên. Nhà đồng chí Thiện trong một khu dân cư gần phố Tân Thịnh, có hai mặt đường. Mặt chính căn biệt thự sáu tầng mặt đường Tân Thịnh, cửa luôn đóng im ỉm. Mọi giao dịch được diễn ra ở mặt sau căn biệt thự, nằm trong khu dân cư, đường nội bộ từ Tân Thịnh vào.Tôi thấy từ đường lớn vào, mơ hồ như có vệ sỹ mặc áo thường dân, đang đứng cảnh giới dọc theo con đường nội bộ vào khu biệt thự. Trước cổng biệt thự, một tổ bảo vệ, tất cả ăn vận thường phục, túc trực toàn thời gian hai tư trên hai tư. Tôi trình chứng minh nhân dân, nói rõ lý do xin gặp đồng chí và ngồi chờ. Một lát tôi thấy chủ tịch Liên thành phố, sếp nhất của anh Yên, cùng ông bộ trưởng Bộ văn chương và nghệ thuật, đi từ trong khu biệt thự ra. Cảnh vệ gọi điện vào. Được đồng ý, chiếc cổng sắt mở ra cho tôi, rồi lại khép kín”.

Nhưng tính chất “Trại súc vật” còn ở chỗ bất cứ nơi công đường thâm nghiêm dày đặc các hình ảnh, khẩu hiệu luôn được coi là linh thiêng nào, cũng bị đám quan chức “đức cao vọng trọng” biến thành nhà thổ, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Đó là nơi mặc cả, chia chác, ngã giá, lập mưu bức hại nhau, tìm cách tinh vi để bòn rút ngân sách và…là nơi an toàn tuyệt đối-vì nó được bảo vệ- để giở các trò mèo chuột theo kiểu phim con heo!

Trình ra một cõi nhân gian nhầy nhụa như vậy và mặc kệ nó, (không cái ác nào bị trừng phạt đúng nghĩa) tác giả muốn nói với chúng ta điều gì? Bạn đọc có rất ít tín hiệu để lần ra manh mối trừ vài lời tự vấn của nhân vật chính:

“Dù vẫn rất tự hào với mảnh bằng tiến sĩ và cái thẻ đảng viên, tôi lại thấy giận mình bị tha hóa trong cái cỗ máy chuyên chế này. Càng vào sâu hệ thống, tôi nhận thấy con đường phản tỉnh chính mình càng khép lại”.

“Tôi tự vấn, còn tư duy thế, đất nước làm sao mà giầu, xã hội làm sao mà phát triển được đây? Lại nhớ đến câu nói của Winston Churchill: “Chủ nghĩa tư bản không chia đều sự giầu có, nhưng chủ nghĩa xã hội lại chia đều sự nghèo khổ”. Tôi thấy đúng trong trường hợp này.”

Ở cuối sách, tác giả để nhân vật chính mơ một giấc mơ êm ái, nhưng khi bừng tỉnh thì thấy vẫn là cái cõi nhân gian ấy, mọi thứ vẫn thế, khiến anh thốt lên: Cõi nhân gian này là những giấc mơ dang dở, không đầu không cuối…

Liệu có phải tác giả muốn mô tả hậu quả sự sụp đổ của những giấc mơ hão huyền, của thứ “thiên đường mù”, của thứ lý tưởng chỉ mang đến sự tàn lụi nhưng luôn được bọc, được phủ bằng cái vỏ gấm vóc hào nhoáng, lóa mắt? Hay chính những thứ đó là cái gốc sâu xa của muôn nỗi kinh hoàng trên cõi nhân gian này, mà tác giả không thể nói hết, dù đã phải dùng tới 1763 trang sách in khổ lớn.

Sự sụp đổ không chỉ làm tan xác các thần tượng, mà cũng có thể làm sống lại những giấc mơ bị cướp mất.

Gần một trăm năm trước, Eric Arthur Blair, với bút danh George Orwell (1903-1950) cũng từ một người say đắm với lý tưởng về sự công bằng, đã bừng tỉnh sau trải nghiệm thực tế những điều khủng khiếp của xã hội Liên Xô thời Staline, nơi cõi nhân gian đồng nghĩa với tù ngục, khủng bố, chết chóc… đã thay đổi triệt để và viết lên tiểu thuyết vĩ đại có tên là “Trại súc vật”.

___________________________

*Tên tiểu thuyết của Nguyễn Phúc Lộc Thành, gồm 4 quyển, chia thành 8 tập, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2022.

Related posts