Ngọc Mai
Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc gần đây đã phải hứng chịu mức phạt chống độc quyền kỷ lục từ chính quyền Trung Quốc, tuy nhiên Alibaba lại nhanh chóng công khai bày tỏ lòng biết ơn đối với Bắc Kinh. Tại sao lại như thế? Nhà nghiên cứu Alexander Liao đã phân tích nguyên nhân về thái độ của Alibaba trong bài bình luận đăng trên Epochtimes.
Ngày 10/4, Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới đã bị các cơ quan quản lý Trung Quốc phạt 18,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,8 tỷ USD) vì vi phạm luật độc quyền trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) siết chặt kiểm soát các ngành công nghệ phát triển nhanh ở đại lục.
Để đáp lại, Alibaba đã nhanh chóng bày tỏ trong một bức thư công khai rằng họ “tràn đầy lòng biết ơn và tôn trọng” [với ĐCSTQ], vì tập đoàn sẽ không thể đạt được sự tăng trưởng [như ngày nay] nếu không có những quy định hợp lý và sự hỗ trợ quan trọng của chính phủ.
Thật ngạc nhiên, tại sao Alibaba ngay lập tức đưa ra một tuyên bố như vậy sau khi bị phạt một khoản tiền lớn? Nhưng nhìn lại quá khứ của Alibaba, chúng ta có thể tìm thấy lời giải cho câu hỏi này.
Bối cảnh ra đời của hệ thống Alipay
Năm 2000 khi thế giới bước vào kỷ nguyên internet và thương mại điện tử trở nên cực kỳ phổ biến, thì Trung Quốc lại mất dần vị thế do thiếu công cụ thanh toán trực tuyến.
Trong những ngày đầu, thương mại điện tử ở nước ngoài dựa vào thanh toán bằng thẻ tín dụng, nhưng ở Trung Quốc, có rất ít người dùng thẻ tín dụng. Thiếu hệ thống thanh toán trực tuyến, thêm vào đó là tình trạng lừa đảo tràn lan đã khiến việc thúc đẩy thương mại điện tử ở Trung Quốc trở nên khó khăn trong một thời gian dài.
Năm 2004, Alibaba bắt đầu thành lập Alipay với tư cách là nền tảng thanh toán trực tuyến đầu tiên của Trung Quốc. Kể từ đó, ngành thương mại điện tử ở Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ và Alibaba đã kiếm được rất nhiều tiền, trong đó Alipay trở thành doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất.
Theo Jack Ma, người sáng lập Alibaba, ý tưởng ra mắt hệ thống thanh toán trực tuyến Alipay của Alibaba được sao chép từ mô hình PayPal. Trong một bài phát biểu, Jack Ma đã đề cập ông từng nói với các nhân viên của mình khi thành lập Alipay rằng: Nếu Alipay gây ra bất kỳ vấn đề pháp lý nào, ông sẽ chịu trách nhiệm cho bất kỳ hậu quả nào – kể cả việc ngồi tù. Theo cách nói của Jack Ma, chỉ sau khi ra mắt Alipay thì Alibaba mới phát triển vượt bậc và ngành thương mại điện tử của Trung Quốc mới bắt đầu “cất cánh”.
Bất cứ ai hiểu được sự toàn trị của ĐCSTQ sẽ biết tại sao chính quyền Trung Quốc lại cho phép Alibaba [quyền] tiếp cận đầu tiên với thị trường trực tuyến khổng lồ của Trung Quốc. Điều này không chỉ [đơn giản] là do sự dũng cảm và kiên trì của Jack Ma, mà là do ông ta đã và vẫn đang nhận được sự ủng hộ từ một lực lượng chính trị lớn khiến ĐCSTQ phải nhượng bộ.
Vậy ai “chống lưng” cho Alibaba?
Đứng đầu danh sách là các con trai và cháu trai của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Tất nhiên, ngoài gia đình Giang, các cổ đông đứng sau Alibaba vào thời điểm đó bao gồm các thành viên gia đình của gần như tất cả quan chức cấp cao nhất trong Bộ Chính trị của ĐCSTQ, chẳng hạn như gia đình của Tập Cận Bình. Anh rể của ông Tập sau đó đã rút khỏi Alibaba khi ông Tập chính thức lên nắm quyền lãnh đạo ĐCSTQ. Nhưng hầu hết các quan chức cấp cao khác thì không, và họ là cốt lõi thực sự của sự độc quyền của Alibaba. Nói cách khác, nếu không có nhóm lực lượng chính trị này thì sẽ không có Alibaba, chưa nói đến sự độc quyền của Alibaba.
Loại độc quyền thứ hai, cũng liên quan đến quyền lực, đã đạt được bằng cách ngăn cản các đối thủ cạnh tranh nước ngoài thâm nhập thị trường Trung Quốc. Nếu ĐCSTQ không chặn thẻ tín dụng nước ngoài, chặn các công cụ thanh toán trực tuyến của nước ngoài và các công ty thương mại điện tử nước ngoài vào [thị trường] đại lục, thì Alibaba đã không phát triển dễ dàng như vậy.
Vấn đề lớn nhất của độc quyền là nó kiểm soát thị trường và giá cả, khiến các nguồn lực xã hội được phân bổ một cách kém hiệu quả hơn và cuối cùng là cản trở sự phát triển của toàn xã hội.
Nguyên nhân cơ bản khiến các nguồn lực xã hội ở Trung Quốc đại lục được phân bổ không hiệu quả trong những năm qua không phải do các doanh nghiệp độc quyền, mà là do sự lũng đoạn về quyền lực. Ví dụ, đằng sau Alibaba là sự lũng đoạn quyền lực [của nhóm chính trị]. Đây là kết quả tất yếu của hệ thống toàn trị.
Lời giải thích cho thái độ của Alibaba
Jack Ma chắc chắn là người hiểu biết về kinh doanh và rất thông minh, nhưng nếu không có quyền lực chính trị đằng sau, ông ấy không bao giờ có cơ hội xây dựng Alibaba — biến một công ty nhỏ vài triệu người thành một trong những đế chế thương mại điện tử lớn nhất thế giới chỉ trong hơn một thập kỷ.
Sau khi ĐCSTQ công bố khoản tiền phạt kỷ lục 18,2 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD) đối với Alibaba, tập đoàn này đã tuyên bố công khai rằng họ chấp nhận hình phạt và bài học [do ĐCSTQ “răn dạy”] với lòng biết ơn sâu sắc. Các phương tiện truyền thông nước ngoài đã tỏ ra bối rối trước phản ứng của công ty.
Hãy tưởng tượng điều xảy ra nếu chính phủ Mỹ phạt Google hoặc Amazon một khoản tiền khổng lồ: hai công ty sẽ không chỉ chống đối lại chính phủ mà còn chi tiền cho quảng cáo và bày tỏ sự bất bình của họ ở khắp mọi nơi.
Nếu truyền thông nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài biết Alibaba đã xây dựng đế chế của mình như thế nào trong những năm qua và cách các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động, họ sẽ không ngạc nhiên trước tình thế [hiện tại] của Alibaba.
Doanh nghiệp Trung Quốc khác với các công ty phương Tây. Họ không phải là những chủ thể kinh doanh độc lập mà chỉ là một mắt xích trong chuỗi quyền lực. Hiến pháp Trung Quốc không có điều khoản tôn vinh “sự tôn nghiêm của tài sản tư hữu” vì đó là xã hội độc tài do ĐCSTQ kiểm soát.
Khoảng một nửa hoạt động kinh doanh của các doanh nhân Trung Quốc có liên quan đến giao dịch với ĐCSTQ.
Tôi có một người bạn từng kinh doanh bất động sản ở Trung Quốc. Khi chúng tôi nói chuyện qua điện thoại, anh ấy luôn có vẻ rất vui vì đã kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng đôi khi anh tỏ vẻ vô cùng hối tiếc vì đã bỏ lỡ một siêu dự án có thể khiến ra anh ta trở thành tỷ phú cấp quốc gia. Vào năm 2014, anh ấy thay đổi thái độ và nói rằng nhiều sếp lớn hồi đó nhận được những siêu dự án như vậy đã bị bỏ tù. Lý do rất đơn giản – những dự án lớn là kết quả của sự vận hành quyền lực. Khi quan chức đứng sau các dự án bị hạ bệ do xung đột chính trị, thì cấp dưới của họ cũng bị liên lụy.
Vì vậy, chúng ta hãy xem xét lại tuyên bố công khai của Alibaba, và nếu bạn có thể khám phá ẩn ý đằng sau thì, đây là những gì công ty thực sự đã nói: Sự độc quyền về quyền lực của Bắc Kinh đã cung cấp cho chúng tôi cơ hội phát triển bằng cách loại bỏ vô số đối thủ cạnh tranh; mặc dù trước đây chúng tôi có những hành vi bất hợp pháp nhưng chúng tôi vẫn nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh. Quyền lực của Bắc Kinh là vô hạn và có thể quyết định sự sống còn [của chúng tôi]. Bây giờ Bắc Kinh cho phép chúng tôi tiếp tục tồn tại bằng cách yêu cầu chúng tôi thay đổi và nộp phạt, thay vì bắt giữ và lấy đi tất cả tài sản của công ty chúng tôi. Bởi vậy, chúng tôi vô cùng biết ơn!
Bây giờ, mọi thứ bắt đầu hợp lý hơn. BAT — viết tắt của Baidu, Alibaba và Tencent là bộ ba công ty công nghệ lớn của Trung Quốc — hiện đang cạnh tranh với các đối tác của họ tại Hoa Kỳ. Sau Alibaba, Bắc Kinh muốn điều tra Tencent, công ty chủ yếu độc quyền về âm nhạc và trò chơi. Trên thực tế, cấu trúc của các công ty công nghệ lớn này rất giống với cấu trúc của Alibaba.
Mỹ giỏi đổi mới, Trung Quốc giỏi… ăn cắp
Đầu tháng này, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, cùng cựu cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Robert O’Brien, đã tổ chức Hội thảo Nixon. Trong hội thảo, ông Peter Thiel, một nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng ở Thung lũng Silicon được mời để thảo luận về sự cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Ông Thiel nói rằng người Mỹ giỏi đổi mới và sáng tạo, còn người Trung Quốc giỏi ăn cắp. Một số người không thích từ “ăn cắp”, vì vậy hãy sử dụng từ “học tập” trong ngữ cảnh này. Ý của ông Thiel là trong vài thập kỷ qua, hầu hết tất cả các cải tiến và sáng tạo công nghệ đều do người Mỹ thực hiện. Trong khi đó, dựa trên các sáng tạo của Hoa Kỳ, Trung Quốc cải thiện chúng thành những sản phẩm dễ bán hơn và được gọi là mang “đặc điểm của Trung Quốc”.
Bạn thử nghĩ xem, không phải Thiel đã nói quá chính xác sao? Hầu hết các thành tựu khoa học và công nghệ của Trung Quốc trong những năm gần đây đều dựa trên mô hình như vậy.
Tại hội thảo, ông Pompeo đã hỏi liệu Trung Quốc có thể bắt đầu tạo ra công nghệ của riêng mình mà không cần phải “học hỏi” từ Hoa Kỳ hay không. Ông Thiel cho rằng điều đó khó xảy ra, vì tinh thần đổi mới là một nền văn hóa và cơ chế xã hội mà Trung Quốc dường như chưa phát triển được.
Peter Drucker, một trong những chuyên gia quản lý kinh doanh nổi tiếng nhất thế giới từng nói rằng hoạch định tập trung là kẻ thù lớn nhất cho sự đổi mới của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ĐCSTQ coi hoạch định tập trung là sức mạnh lớn nhất trong hệ thống của mình. ĐCSTQ là một hệ thống chuyên chế – không chỉ ở cấp nhà nước, mà còn ở tất cả các cấp địa phương. Về mặt hệ thống, nó đối lập với hệ thống đổi mới và cởi mở ở phương Tây, vốn cho phép mâu thuẫn mang tính xây dựng, khuyến khích những ý tưởng và ý kiến khác nhau, và chấp nhận sự thất bại.
Điều gì chờ đợi những những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc nổi lên trong những năm gần đây như Alibaba? Thứ nhất, họ sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn từ sự độc quyền về quyền lực của ĐCSTQ. Thứ hai, họ vẫn sẽ thiếu đổi mới. Và thứ ba, các cơ hội “học hỏi” từ Hoa Kỳ có thể sẽ ngày càng trở nên ít hơn và khó hơn. Do đó, thời kỳ tốt đẹp đối với những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc sẽ kết thúc.
Alexander Liao là một nhà báo và nhà nghiên cứu về các vấn đề quốc tế tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Ông đã xuất bản lượng lớn các báo cáo, bài bình luận và các chương trình video trên các tờ báo và tạp chí tài chính Trung Quốc tại Hoa Kỳ và Hồng Kông.