COVID ƠI! VĨNH BIỆT MI!

Trịnh Sơn Tùng 

     Ngày ông bác sĩ Trụ (bác sĩ của gia đình tôi) mất vì bị ung thư tôi còn bé lắm, chỉ mới khoảng 7, 8 tuổi. Tuy vậy tôi đã cảm nhận được sự hãi hùng của hai chữ “ung thư”. Thấy tôi cứ mãi lo lắng vì căn bệnh ung thư, mẹ tôi ôm tôi vào lòng và trấn an: 

     – Việc gì mà con phải lo. Biết đâu đến khi con lớn đã có thuốc chữa rồi thì sao. 

     Lời an ủi của mẹ theo tôi mãi đến tận bây giờ, nghĩ mà thương người quá. Tuy nhiên có lẽ đó chỉ là bản năng của người mẹ, lúc nào cũng cố gắng tìm một lối thoát nào đó cho con mình cho dù chỉ trong mộng tưởng. Có thể mẹ tôi cũng biết thừa sự ghê gớm của bệnh ung thư nhưng không nói ra.

Tấm hình này chụp năm tôi khoảng 7, 8 tuổi. Đây là lúc tôi bắt đầu biết khiếp sợ bệnh ung thư. 
Từ trái qua phải: Vân (em kế tôi) + tôi (Tùng) + mẹ tôi bế Thủy (em kế Vân) + Thắng (anh cả tôi)  

     Ngày ấy bệnh ung thư thuộc loại “bí mật quốc phòng”. Bác sĩ không bao giờ nói thật với bệnh nhân rằng họ đang mắc bệnh nan y, mà chỉ giả vờ cho biết họ đang bị một thứ bệnh vô hại nào đó. 

     Bây giờ tôi đã gần 70 (đã về già) nhưng bệnh ung thư vẫn còn đó, vẫn là căn bệnh gần như không thuốc chữa. Lời trấn an chan chứa tình mẫu tử của mẹ tôi thời thơ ấu tôi vẫn còn nhớ. Mỗi khi cảm thấy ưu tư về bệnh ung thư, tôi lại nhớ đến câu an ủi của người thuở đầu đời ấy, và nở một nụ cười biết ơn đầy yêu thương. 

     Khi theo học chứng chỉ Sinh Lý Sinh Hóa của Đại Học Khoa Học Sài Gòn, tôi lại được biết thêm nhiều điều lạ lùng nữa về bệnh ung thư. 

     Hôm ấy chúng tôi dự giờ môn Sinh Học Tế Bào tại đại giảng đường 1 của Chi Khoa Thủ Đức. Thầy Trần Ngọc Tiếng thao thao giảng về tầm mức quan trọng của ADN (bên Anh ngữ gọi là DNA) trong tế bào. Thầy giảng về rất nhiều chuyện khác nhau nhưng tôi chú ý nhất khi thầy đề cập đến bệnh ung thư. Thầy cho biết tế bào ung thư là tế bào của chính mình, do ADN bị biến đổi tính chất mà thành. Có thể ví tế bào ung thư như những “con dân” nổi loạn. Mà vì tế bào ung thư cũng là “của mình” chứ không phải vật ngoại nhập như vi trùng nên bạch huyết cầu làm ngơ, không chịu tiêu diệt. Và đây chính là mối đại họa. Khi nào và vì duyên cớ nào ADN bị biến đổi tính chất để trở thành tế bào ung thư trong những người kém may mắn, vẫn là một điều bí ẩn. Thầy Tiếng còn cho biết bệnh ung thư có lẽ đã xuất hiện từ khi bắt đầu có loài người, nhưng người tiền sử không biết nó là ung thư và cũng không có phương tiện ghi chép để lưu lại cho hậu thế. Tôi ngẩn ngơ với bài giảng của thầy và càng thêm kinh hãi với căn bệnh ung thư (Thầy Trần Ngọc Tiếng khi đó là Giáo Sư của hai trường: Đại Học Khoa Học Sài Gòn và Đại Học Dược Khoa Sài Gòn). 

     Trên đất Úc với tư cách thông dịch viên, tôi đã làm việc trong khá nhiều bệnh viện. Nhờ vậy có cơ hội học hỏi thêm nhiều về ung thư, và cũng nghe được nhiều tâm tình của bệnh nhân (ung thư) thời kỳ cuối.  

     Căn bệnh ung thư rất quái ác. Dường như nó không bao giờ chịu buông tha người đã bị nó “chiếu cố”. Sau khi chữa trị, bệnh nhân thường được một thời gian bình yên. Có khi 2-3 năm, có khi 5-7 năm, thậm chí có người được tới hơn 20 năm yên ổn, những tưởng là đã “dứt nọc” nhưng rồi “hung thủ” ung thư vẫn quay trở lại. Và lần “tái ngộ” này thì có thể nói không còn phương cứu chữa! Càng biết nhiều, càng nghe nhiều tôi càng thêm ngán ngẫm. 

     Nỗi lo sợ, nỗi phiền muộn về bệnh ung thư đã chất cao ngút ngàn, thế nên khi bệnh Covid-19 (Coronavirus disease) xuất hiện tôi thấy dửng dưng!  

     Tôi có lẽ trong trạng thái tâm lý: “Cùi đâu sợ lở”. Một người đã bị cùi rồi thì những bệnh ghẻ lở ngoài da (đối với những người khác là ghê gớm) đối với họ (người cùi) chỉ là chuyện nhỏ, không đáng quan tâm. Tôi cũng thế, niềm lo lắng ưu tư về bệnh ung thư đã lấp đầy tâm trí tôi, không còn chỗ cho bệnh Covid nữa!            

     Bệnh ung thư đối với tôi là mối họa “trong ruột trong gan”, còn bệnh Covid chỉ là một cái họa “ngoài da”. Bệnh ung thư đã đến với loài người từ hàng 100 000 năm nay và sẽ còn tiếp tục đeo đuổi theo loài người dài dài trong tương lai. Bệnh ung thư đến rồi ở lại không chịu đi, trong khi Covid chỉ là một loại bệnh dịch, nó đến rồi sẽ đi. Tôi dám nói như vậy vì đã từng có những cơn đại dịch kinh hoàng trong lịch sử loài người, nhưng tất cả rồi cũng ra đi. 

     Dưới đây là một số những trận đại dịch đã xẩy ra trên thế giới:  

     * Đại dịch Antonine (năm: 165 – 180) kéo dài 15 năm và giết chết 5 triệu người. 

     * Đại dịch Justinian (năm: 541 – 750) gây thiệt mạng cho 50 triệu người, tức là nửa dân số thế giới thời ấy 

     * Cái chết đen – Dịch hạch (năm: 1346 – 1351) với số lượng người chết từ 75 tới 200 triệu người, cả Âu Châu lẫn Á Châu. 

     * Đại dịch bí hiểm Cocoliztli (thế kỷ XVI) lấy đi 15 triệu sinh mạng. 

     * Dịch tả (thế kỷ XIX) cướp đi sinh mạng hàng trăm ngàn người. 

     * Dịch cúm Tây Ban Nha (năm: 1918 – 1919). Dịch cúm này xẩy ra cuối Đệ Nhất Thế Chiến và đã khiến 50 triệu người thiệt mạng. 

     * Đại dịch cúm Á Châu (năm: 1957 – 1958). Cơn đại dịch này đã gây tử vong cho 2 triệu người tại Trung Quốc, Tân Gia Ba (Singapore) và Mỹ. 

     Như vậy chúng ta có thể thấy các trận đại dịch cho dù có kinh khiếp và có kéo dài như thế nào đi chăng nữa, rồi cũng có ngày phải chấm dứt. 

     Bây giờ bàn về các con số thống kê. 

     Người mắc bệnh ung thư xác suất “tiêu tùng” gần 100%, trong khi bệnh nhân Covid xác suất được chữa khỏi khoảng 97%. Nói cách khác tỉ lệ tử vong của các bệnh nhân Covid chỉ khoảng 3%. 

     Tôi xin đưa ra vài con số về hai quốc gia gần gũi với tôi nhất: Mỹ (nơi gia đình tôi sinh sống) và Úc (quê hương thứ hai của tôi).      

     * Năm 2020 tổng số người chết vì ung thư tại Mỹ khoảng: 606 520. Còn con số qua đời vì Covid khoảng: 318 000 

     * Riêng tại Úc trong năm 2020. Số người chết vì ung thư khoảng: 48 099. Số người chết vì Covid khoảng: 909. 

     Như vậy con số người qua đời vì Covid không nhỏ nhưng so với con số tử vong vì ung thư vẫn ít hơn rất nhiều, theo như số liệu trên đây.  

     Không biết đến khi hết dịch Covid, tổng số người thiệt mạng (vì Covid) trên khắp thế giới sẽ là bao nhiêu. Tuy nhiên có lẽ hầu hết các bạn đều biết rằng cứ 4 người thì sẽ có 1 chết vì ung thư, như vậy tỉ lệ: ¼ hoặc 25%. Dân số thế giới hiện nay vào khoảng 7.8 tỉ, như vậy sẽ có 1.95 tỉ người chết vì ung thư (7.8 tỉ x ¼ = 1.95 tỉ). Con số tử vong chung cuộc của dịch Covid có lên đến đâu, thì tôi cho rằng cũng chẳng thể nào so sánh được với con số gần 2 tỉ người sẽ phải mất mạng vì ung thư (nêu trên). Chẳng qua ung thư giết người một cách thầm lặng, trong khi Covid lại “ra tay” một cách ồn ào theo kiểu “thùng rỗng kêu to” vậy thôi. 

                                        oOo     oOo     oOo 

     Nhân mùa Covid tôi muốn nói về chuyện ngôn từ một chút. 

     Sau 75, chính quyền mới chỉ trích miền Nam dùng tiếng Hán Việt. Thế nên có rất nhiều danh từ chính thức và rất thân thuộc với người dân miền Nam đã bị họ thay thế, thí dụ: 

     – “Máy bay trực thăng” được đổi thành “máy bay lên thẳng” 

     – “Hỏa tiễn” được đổi thành “tên lửa” v.v… 

     Họ chỉ trích dân miền Nam dùng danh từ Hán Việt nhưng chính họ lại đi xài tiếng Tây! Thí dụ: 

     – “Siêu vi trùng” hoặc “siêu vi khuẩn” (hoặc “siêu vi”), danh từ chính thức của miềm Nam, bị họ đổi thành “vi-rút” (một thứ tiếng Tây “nửa mùa” lấy từ chữ “virus” trong tiếng Pháp). 

     – “Thuốc ngừa”, một danh từ “thuần Việt” của miền Nam, bị họ đổi thành từ ngữ lai căng “vắc-xin” (một thứ tiếng Tây “nửa vời” lấy từ chữ “vaccin” cũng trong tiếng Pháp) v.v… 

     Tôi rất bất mãn. Tại sao danh từ tiếng Việt có không dùng, mà lại đi xài tiếng Tây? 

     Trong một chuyến về Việt Nam đã lâu, tôi dùng chữ “vi-rút” thì anh chèo đò không hiểu. Sau đó tôi giải thích “vi-rút” có nghĩa là “siêu vi trùng” thì anh ta hiểu ngay.  

     Tôi cũng đã thấy một số người Việt ở Úc tưởng “vắc-xin” là thuốc chữa Covid. Đến khi tôi giải thích “vắc-xin” chỉ là “thuốc ngừa” họ mới hiểu rõ. Như thế danh từ “Hán Việt” hoặc “thuần Việt” vẫn tốt hơn danh từ “Tây lai”!  

                                        oOo     oOo     oOo 

     Đầu năm mới xin gửi đến các bạn một chuyện vui trong gia đình tôi. 

     Tôi và Nga (bà xã) có ý hướng hoàn toàn khác biệt về Covid. Theo lời Nga thì tôi thuộc thành phần: “ngang tàng, coi trời bằng vung”, trong khi tôi liệt Nga vào loại người: “sợ Covid hơn sợ cọp”! 

     Hôm ấy tụi tôi cần đi ra ngoài. Nga “phòng thủ” rất kỹ lưỡng, trang bị đủ loại “vũ khí”: khẩu trang (mask), kính đeo mắt, nón, khăn quấn cổ, thuốc sát trùng v.v… Trong khi tôi chẳng có bất cứ một thứ gì trên người. Năn nỉ mãi mà tôi vẫn không chịu đeo khẩu trang, cô nàng nổi “dóa” nguýt tôi một cái thiệt dài: 

     – Thiệt đúng là “cà chớn” mà! 

     Tôi cười hề hề: 

     – “Cà chớn” quá phải không? “Phản động” quá phải không? 

     Khoái chí quá Nga làm luôn: 

     – Đúng rồi “cực kỳ phản động” luôn! 

     Tôi cười hô hố: 

     – Dám đi ngược với “trào lưu” chung của “nhân dân” toàn thế giới. Tội này đáng bị cho đi “cải tạo” mút chỉ cà tha hả? 

     Đến đây Nga không nhịn cười nổi: 

     – Cha, lấy nhằm ông “cán bộ”. Vậy mà hồi nào tới giờ mình hỏng biết chớ!… Ừa, cho đi “cải tạo” cũng còn chưa vừa nữa… 

     – Trời! “Tan nát một đời hoa” mà cũng còn chưa chịu… 

     – Chớ sao! Em mà là vua đó hả?… Lập tức truyền lệnh “tru di tam tộc”! 

     – Trời đất! 

     Tôi lè lưỡi trong khi Nga ôm bụng cười nắc nẻ… 

     Bây giờ vẫn còn là đầu năm mới (âm lịch), nên có lẽ vẫn còn kịp để gửi đến các bạn một lời chúc. Tôi chỉ xin thân chúc tất cả các bạn luôn luôn tràn đầy sức khỏe, chan chứa hạnh phúc và mãi mãi yêu nhau… như khi yêu lần đầu! 

     Còn về dịch Covid. Chúng ta hãy vững tin. Một ngày không xa lắm nó sẽ phải ra đi như các “anh em” của nó trong lịch sử nhân loại thôi. Ngày ấy tất cả chúng ta sẽ cùng nhau hân hoan đưa tay vẫy chào: 

     – COVID ƠI! VĨNH BIỆT MI! 

Trịnh Sơn Tùng 

Sydney 25/04/2021 

Related posts