Thanh Hải
Việc Tổng thống Nga Putin tăng cường quân sự ở biên giới Ukraine đã kích động một cuộc tranh giành quyền lực phức tạp với Thổ Nhĩ Kỳ trên Biển Đen, khả năng nó sẽ bùng phát trên khắp Trung Á, theo Nikkei Asia.
Và giống như ông đã làm vào năm ngoái tại Caucasus, vị tổng thống “hay đổi ý thay lời” của Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang làm khớp ngôn từ với sức mạnh cứng – gửi cho Ukraine các máy bay không người lái bắn tên lửa bổ sung.
Nga nói lực lượng 80.000 người mà Moscow đã triển khai tới vùng rìa Donbass của Ukraine chỉ là một cuộc tập trận, nhưng ông Putin dường như cũng đang cố gắng đạt được đòn bẩy với Washington. Nó dường như đã thành công khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đề nghị một cuộc gặp thượng đỉnh với người mà gần đây ông đã gọi là “tên sát nhân”.
Nhưng chính ông Erdogan mới là người có hành động cụ thể nhất để đáp lại hành động ngang ngược của Nga – có lẽ được mô tả hợp lý nhất trong những ngày này là việc ông đã mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới Istanbul vào đầu tháng này để tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược của họ.
Đối với ông Erdogan, vấn đề là phải bảo đảm rằng Nga không mở rộng ảnh hưởng của mình ở Biển Đen sau khi Nga chiếm bán đảo Crimea vào năm 2014.
Ông Erdogan cũng đang thúc đẩy kế hoạch trị giá 12,5 tỷ đô-la cho một tuyến đường thủy mới, tuyến đường này nối Biển Đen với Địa Trung Hải như một giải pháp thay thế cho eo biển hẹp nhất thế giới Bosporus. Cái gọi là Kênh đào Istanbul sẽ làm giảm áp lực lên eo biển Bosporus vốn ngày càng tắc nghẽn, giúp tăng doanh thu vận chuyển hàng hóa cho Thổ Nhĩ Kỳ và mang lại cho nước này sự linh hoạt của hải quân.
Trong khi sự quan tâm của quốc tế về cuộc xung đột đã giảm dần, Moscow vẫn không ngừng ủng hộ phe ly khai ở vùng Donbass ở miền đông Ukraine, điều này như một biện pháp gây bất ổn cho Kyiv và ngăn chặn Ukraine gia nhập các thể chế của phương Tây như NATO và EU.
Tất nhiên, điều trớ trêu là không đời nào Erdogan lại để mất tình cảm với đồng minh NATO của ông, cụ thể là việc ông cũng đã mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Điều đó chẳng giúp ích gì cho trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc cố gắng ngăn cản Biden tiếp tục với quyết định cuối tuần này của ông là chính thức tuyên bố vụ thảm sát hàng loạt năm 1915 của người Armenian dưới thời Đế quốc Ottoman là “diệt chủng”. Nhưng về vấn đề Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây đang cùng một phe.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết cung cấp cho Ukraine nhiều máy bay không người lái hơn. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ký một thỏa thuận bán cho Ukraine 4 tàu chiến tàng hình, giúp nâng cao năng lực hải quân ở Biển Đen.
Điện Kremlin, có thể là đã rất khó chịu, và theo đó tung ra một chiêu bài mà họ sử dụng nhiều lần, bằng việc Ngoại trưởng Sergei Lavrov đổ lỗi cho Ukraine về việc đã gia tăng căng thẳng, đồng thời lên án Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo điều kiện cho cái mà ông gọi là khuynh hướng “quân phiệt” của Kyiv. Cuộc tranh cãi ở Biển Đen bổ sung vào một danh sách ngày càng nhiều những địa điểm mà hai cường giả kỳ cựu đã tranh giành với nhau. Ankara đã và đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng của mình ở các quốc gia giàu tài nguyên và nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Á, chống lại lợi ích của Nga mà Nga gọi là sân sau của mình.
Thổ Nhĩ Kỳ đã rất tích cực trong việc sử dụng quyền lực mềm với việc dùng các công ty và các nhà ngoại giao để mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng của họ, ngoài 20 đại sứ quán mới trên khắp châu Âu. Và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang duy trì sự hiện diện cứng rắn ở Afghanistan ngay cả sau khi Mỹ, dẫn đầu khối NATO đã rút quân khỏi khu vực vào tháng 9 này. Nhưng trong khi Thổ Nhĩ Kỳ có thể có đội quân lớn thứ hai ở NATO sau Mỹ, thì việc đối đầu với Nga về Ukraine được xem là một canh bạc lớn.
Nhưng địa chính trị ngày nay, hơn bao giờ hết nó giống như một thực đơn, với những lựa chọn vừa bổ sung vừa mâu thuẫn với nhau. Và lần này, phương Tây rất vui khi Thổ Nhĩ Kỳ đứng cùng phe trong lúc họ đang vật lộn với một đối thủ lớn của Thổ Nhĩ Kỳ trên Biển Đen.