Tháng Tư, đọc vài bài thơ lính của Cái Trọng Ty và Nguyễn Phúc Sông Hương

Trần Doãn Nho

Tháng Ba, Tháng Tư, 1975, là tháng chạy. Chạy chiến tranh. Chạy Cộng Sản. Dân khổ, lính còn khổ hơn. Đau nhất là có súng mà không được bắn. Có quân mà không được đánh. Không đánh mà phải thua; không thua mà phải chạy. Thành ra nghịch lý: đáng lẽ phải bảo vệ dân, lính phải chạy theo dân.
Trong lịch sử, chưa có cuộc chiến nào kết thúc một cách lạ lùng dường ấy. Đó là nỗi uất ức không có gì giải nỗi. Chẳng lạ gì, 44 năm sau khi tàn cuộc chiến, trong lúc có thể có người đã quên, nhưng người lính thì không bao giờ. Bài thơ Tháng Ba, Tháng Tư nào của người lính miền Nam Việt Nam cũng ưu uất, tức tối. Lịch sử đã qua, nhưng những sự kiện lịch sử vẫn còn nằm đó.

Năm nay, Tháng Tư, tôi đọc vài bài thơ lính của hai tác giả, một là Cái Trọng Ty và hai là Nguyễn Phúc Sông Hương. Cả hai nhà thơ đều là sĩ quan trong Quân Lực VNCH. Trong những tháng ngày cuối cùng của cuộc chiến, hai ông ở hai hoàn cảnh tương đối khác nhau, do đó, thơ Tháng Tư của hai ông cũng có những hình ảnh và trạng thái tâm lý khác nhau. Nhưng cảm xúc thì vẫn là cảm xúc. Đau. Buồn. Uất ức. Tháng Tư đến, đọc lại thơ hai ông, lòng vô cùng cảm khái.
Hai bài thơ của Cái Trọng Ty, một, “Ban Mê;” và hai, “Tháng Tư Bẻ Súng;” nằm trong “Có Một Mùa Trăng Xa Người” (Thư Ấn Quán 2015), tập thơ đầu tay gồm có 60 bài cùa ông. Cái Trọng Ty đóng ở cao nguyên, ngay chính nơi là “thủ phạm” cho cuộc triệt thoái phi lý, đưa đến sự tan rã của quân đội VNCH: Ban Mê Thuột. Chứng kiến cảnh triệt thoái khiến thơ Cái Trọng Ty vừa thực, vừa bàng hoàng, xót xa xen lẫn phẫn uất. Bài “Ban Mê” (Ban Mê Thuột) khái quát hình ảnh đau lòng của một khởi đầu bi thảm:
“này anh lính trẻ trói tay thất trận

ngày lui binh súng đạn tả tơi

tạ từ buôn bản theo đơn vị

chiều cao nguyên mắt cỏ mục vàng hoe

đêm pháo dập nghe chim trời vỗ cánh”

Một số chữ dùng, tuy rất bình thường mà nghe khá lạ, lại chính xác: “trói tay thất trận,” “mắt cỏ mục vàng hoe.” Chính vì bị trói tay, không phải vì khiếp nhược bỏ chạy, nên hơi thơ nghe đầy uất ức:
“tiếng hát hỏa châu rụng cánh sao sa

lòng đau uất những điều không muốn nhớ

có vì sao khuya thức dậy bên trời

sinh bất phùng thời

thiên hạ rối tung

ngày tháng ba giặc tràn qua tây vực

đêm ban mê tanh khiếp máu nhân quần

ở phía thành đô trời chớp lóe

đoàn quân ma trơ trốc núi xương khô”

Hai chữ trơ trốc (= trơ và trốc), lạ, hiếm có ai dùng, nhất là trong thơ. Nhưng ở đây rất gợi hình. Cả câu thơ “đoàn quân ma trơ trốc núi xương khô” như lột tả được hết thực cảnh của cuộc “trói tay thất trận” của lính trận VNCH đóng ở cao nguyên ngày đó.
Tháng Ba “trói tay thất trận,” nên có “Tháng Tư Bẻ Súng.” Bài thơ như một bút ký ghi lại thực cảnh chen lẫn nhiều cảm xúc khá phức tạp, khi thì đớn đau, dằn xé, khi thì trầm tư, khi thì cay đắng, khi thì chùng xuống, da diếc. Bài thơ bắt đầu bằng những hình ảnh dữ dội:
“Lương Sơn xa lắc đồi rỉ máu
ngựa cuồng quay quắt chiến trường xưa

đồng đội cũ đâu lưng nỗi chết…)biển gầm núi hú quân tàn rã

lịch sử sang sông bão tố tràn

ráng chiều đỏ quạch trăng tận tuyệt

biển dâu cung kiếm bóng chiều sương”
Rồi đột nhiên trầm xuống, lắng đọng:
“về đây ngồi ngóng triền sông cũ

chợt thấm vô cùng thương tích xưa

tháng Tư bẻ súng người tự sát

oan khiên tận khốc nỗi niềm đau”

Sau đó, theo dòng sự kiện và cảm xúc, khi thì giọng thơ lên cao, ưu uất, khi thì trầm xuống, ngậm ngùi, cay đắng:
“quân về xuôi tan tác phương Nam

mịt mờ chiến trận

mây lửa mênh mông(…)em đau đớn

tìm anh vô vọng

cái chết tuổi tràn xuân

(…) chàng phiêu giạt

rời Sông Pha cùng đơn vị bơ vơ (…)

nước mất thân vong

ngậm ngùi quê quán cũ…(…)tháng Tư đêm đen

đồi chiêm rực lửa

trời sông Lâu trôi cuối mùa Xuân

khổ nạn chập chùng

bèo dâu vạn hướng”

Bài thơ kết thúc bằng hai hình ảnh chia cách nhau nhưng phản chiếu lẫn nhau, giữa người lính và người tình. Gắn bó và cách biệt. Đắm đuối và tan nát.
“bãi trầm luân se sắt

bão đời xoay

thân lính trận rách bươm
em trồng một đóa hoa trên đá

vỡ nát tàn phai một cuộc tình

ngày ấy bên sông tàn nắng mật

chiều vàng rơi lại giọt thiên thu”

Những hình ảnh ghi lại thật bất ngờ: trồng hoa trên đá, tàn nắng mật, giọt thiên thu.
“Em trồng một đóa hoa trên đá.” Câu thơ đẹp và buồn.
Ngậm ngùi đến thế thì thôi!

***

Nếu Cái Trọng Ty bi phẫn, tuyệt vọng vì phải bẻ súng, thì tâm trạng của một người lính khác, Nguyễn Phúc Sông Hương, có phần hơi khác. Nguyễn Phúc Sông Hương đóng quân ở Xuân Lộc. Trong lúc các miền Trung và cao nguyên chạy thì phòng tuyến Xuân Lộc vẫn còn đứng vững. Lính vẫn còn cầm súng, chưa đi theo dòng người di tản hỗn loạn.
Nhưng rồi, đến những ngày cuối Tháng Tư, trong cơn vật vã đau thương của lịch sử miền Nam, đơn vị ông cũng đành ôm hận, lui quân. Nếu “Tháng Tư Bẻ Súng” là một bút ký thì “Nửa Hồn Xuân Lộc” là một tùy bút, vừa tình yêu, vừa tình đất, vừa tình lính. Cả mấy thứ tình chen lộn lẫn nhau. Hơi thơ lúc đầu nghe vẫn còn bình tĩnh, chừng mực nhưng chứa chan ân hận.
“Còn ta nhận lệnh rời Xuân Lộc

Lại muốn tìm em nói ít lời,

Nhưng sợ áo mình đầy khói súng

Cay nồng mắt người gục trên vai.
Vì chắc ôm nhau em sẽ khóc,

Khóc theo, vợ lính cả trăm người!

Em biết dù tim ta sắt đá
Cũng vỡ theo ngàn giọt lệ rơi.

Mây xa dù quen đời chia biệt

Ngoảnh mặt ra đi cũng ngậm ngùi.

Rút quân, bỏ lại hồn ta đó

Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời!
Bí mật lui quân mà đành phụ

Mối tình Long Khánh tội người ơi.

Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn

Núm ruột miền Trung càng xa vời.(…)Đêm nay Xuân Lộc vầng trăng khuyết

Như một vành tang bịt đất trời!

Chân theo quân rút, hồn ta ở

Sông nước La Ngà pha máu sôi(…)Ta đi, áo nhuộm màu đất đỏ

Cao su vướng tóc mãi thơm mùi,

Tiếc quá nắng vàng phơi áo trận,

Vườn nhà em chuối chín vàng tươi.

Ta nhớ người bên đàn thỏ trắng,

Cho bầy gà nắm lúa đang phơi,

Chôm chôm hai gốc đong đưa võng,

Ru nắng mùa xuân đẹp nụ cười…”

Nhưng càng về sau, hơi thơ càng nghe uất ức:

“Nếu được đưa quân lên Định Quán

Cuối cùng một trận cũng là vui

Núi Chứa Chan kia sừng sững đứng

Sư đoàn 18 sao quân lui?

Thân ta là ngựa sao không hí

Cho nỗi đau lan rộng đất trời.

Hồn ta là kiếm sao không chém

Rạp ngã rừng xanh, bạt núi đồi.(…)Chân bước, nửa hồn chinh chiến giục

Nửa hồn Xuân Lộc gọi quay lui.”

Bài thơ kết thúc bằng một hình ảnh bi thảm và buồn thảm:
“Ta biết dưới hầm em đang khóc

Thét gầm pháo địch dập không thôi

Em ơi Xuân Lộc, em Xuân Lộc

Xích sắt nghiến qua những xác người.”
Rồi đến cái ngày định mệnh tàn nhẫn ấy: 30 Tháng Tư!
Lính đau! Miền Nam đau! Đất nước đau!
Có lẽ không có hình ảnh nào kỳ lạ bằng hình ảnh nảy, ghi dấu ngày tàn cuộc chiến:

“Tiểu đoàn hai hàng đều bước

Tay không súng đạn,

Vẫn ngước cao đầu,

Dân làng bên đường

Vỗ tay chào đón,

Người được thắng trận

Ngơ ngác nhìn nhau.”

Đoạn thơ này nằm ở trong một bài thơ khác, cũng của Nguyễn Phúc Sông Hương, “Chén cơm làng Long Thạnh Mỹ ngày 30-4.”
Để kết thúc, xin trích một đoạn ngắn trong một bài viết khá dài, “Mỗi tháng Tư về…” của một cô giáo trẻ lớn lên ở miền Bắc (Hải Phòng), Thảo Dân, tìm thấy trong Facebook của cô, nhắc đến chiến trường Xuân Lộc: (1)
“Tôi từng vô cùng xúc động khi bạn gửi cho vị trí sông La Ngà trên Messenger. Nhìn chiếc xe nhích từng ô trên địa đồ, tôi như nhìn thấy trước mắt mình, từng đoàn quân của Sư Đoàn 18BB kiêu dũng đang lặng lẽ rút khỏi Xuân Lộc vào trung tuần Tháng Tư năm 1975 sau những trận đánh được ghi vào Quân Sử VNCH như một chiến thắng sau cùng, bi tráng nhất, ác liệt nhất và tầm vóc của nó không thua kém bất kỳ trận huyết chiến nào trên thế giới. Nhưng cuộc tử thủ phá vòng vây phong tỏa như trận Leningrad kinh điển trong Chiến Tranh Thế Giới 2 đã không xảy ra…

‘Đêm nay Xuân Lộc vầng trăng khuyết

Như một vành tang bịt đất trời!

Chân theo quân rút, hồn ta ở

Sông nước La Ngà pha máu sôi.’

Chưa khi nào, con sông La Ngà trong sử sách, trong thơ của Nguyễn Phúc Sông Hương, vị tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 3, Sư Đoàn BB18 lại gần với tôi tới như thế.”

***
Cái Trọng Ty là sĩ quan quân lực VNCH. Sau 1975, ở tù Cộng Sản 10 năm. Định cư tại Hoa Kỳ năm 1991.
Nguyễn Phúc Sông Hương, tên thật là Nguyễn Hồng Phúc. Vào Tháng Tư, 1975, ông là tiểu đoàn trưởng thuộc Sư Đoàn 18 BB, người trực tiếp cầm tiểu đoàn dự trận Xuân Lộc ngày 29 Tháng Tư. Sau 30 Tháng Tư, đi tù gần 10 năm. Hiện định cư tại Hoa Kỳ.

Trần Doãn Nho

Chú thích (1):

Thảo Dân có một bài khác, viết về thơ Tô Thùy Yên, “Ta về một bóng trên đường lớn…” đi ở trang mạng Văn Việt. Xem ở:https://vandoanviet.blogspot.com/search/label/Thảo%20Dân

Tham khảo:

– Nguyễn Phúc Sông Hương: https://hung-viet.org/author/post/7729/1/nguyen-phuc-song-huonghttps://vietbao.com/a267041/doc-tho-nguyen-phuc-song-huong– Cái Trọng Ty, Có một mùa trăng xa như biển, tập thơ, Thư Ấn Quán, 2015

Related posts