Thanh Hải
Truyền thông Nhật Bản đưa tin, ông Toshimitsu Motegi, nhà ngoại giao hàng đầu nước này đã bắt đầu chuyến công du đến khu vực Trung Âu và Đông Âu để thu hút sự ủng hộ đối với một đường lối cứng rắn hơn đối với chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc, Nikkei thông tin.
Chuyến đi của ông Motegi diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu nỗ lực để nêu rõ chiến lược chính thức đầu tiên của mình đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
EU đang tìm cách hoàn thiện một chiến lược chi tiết về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào đầu tháng 9. Các nước mà ông Motegi đến thăm lần này là các thành viên EU có tiếng nói trong các quyết định kinh tế và ngoại giao của khối. Họ cũng là những nước tham gia vào sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai Con đường của Trung Quốc.
Ông Motegi đã gặp người đồng cấp Slovenia Anze Logar vào thứ Sáu, và trong một cuộc họp báo chung hai ông bày tỏ hợp tác song phương chặt chẽ hơn và nhấn mạnh rằng luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Vị ngoại trưởng Nhật Bản cũng đến Bosnia-Herzegovina và Ba Lan. Tại Ba Lan, ông gặp gỡ các đối tác của mình từ Nhóm Visegrad (còn gọi là nhóm V4), nhóm này bao gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia và Hungary. V4 cũng đang có sức ảnh hưởng trong khối, một phần nhờ vào việc gia nhập thành viên EU vào năm 2004. Các cuộc xâm phạm hàng hải của Trung Quốc được dự kiến sẽ là chủ đề trọng tâm trong suốt các cuộc họp trong hành trình của Ngoại trưởng Motegi.
Trong thời gian gần đây, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần đi vào vùng biển của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Trung Quốc cũng đã và đang xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Nhật Bản, giống như Hoa Kỳ, đã có lập trường kiên định chống lại chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc. Tokyo đang theo dõi sát sao việc liệu EU có tuân theo hành động và cách khối giải quyết các vấn đề kinh tế và an ninh liên quan đến Trung Quốc.
Trung Quốc và EU có khoảng cách xa nhau về mặt địa lý, nghĩa là Bắc Kinh chưa gây ra mối đe dọa ngay lập tức như đối với Nhật Bản chẳng hạn. Cũng có lo ngại rằng, EU có thể chọn lập trường mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc so với Nhật và Mỹ, đặc biệt là trước ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc.
Mỹ gần đây đã thúc giục EU tách mình khỏi Trung Quốc vì an ninh của chính khối này, nhưng nhiều người trong EU không thể bỏ qua mối quan hệ kinh tế của họ và do dự trong việc chống lại Trung Quốc.