Thanh Phương
Ngoại trưởng của các nước thành viên nhóm G7 họp hôm nay, 04/05/2021, tại Luân Đôn, để bàn về những đối sách chung trước những mối đe dọa toàn cầu. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của nhóm này kể từ hơn 2 năm qua, trước cuộc họp thượng đỉnh G7 vào tháng 6 ở miền tây nam Anh Quốc.
Theo hãng tin AFP, Trung Quốc, Miến Điện, Libya và Syria là những hồ sơ chính trong chương trình nghị sự của cuộc họp trong 2 ngày giữa các ngoại trưởng của 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp, Canada, Nhật Bản, Ý, Đức). Các ngoại trưởng G7 cũng sẽ thảo luận tình hình Ethiopia, Iran, Bắc Triều Tiên, Somalia, vùng Sahel (châu Phi) và vùng Balkans. Đó những nước và vùng, mà theo chính phủ Anh, đang đặt ra “những vấn đề địa chính trị khẩn thiết làm xói mòn nền dân chủ, các quyền tự do và các quyền của con người”.
Trong một thông cáo, ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh: “Nhiệm kỳ chủ tịch G7 của nước Anh là một cơ hội để tập hợp các xã hội dân chủ và cởi mở, và thể hiện sự đoàn kết vào lúc đang cần nhất, để đối phó với những thách thức chung và các mối đe dọa ngày càng lớn”.
Về phần ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông khẳng định cam kết của Hoa Kỳ về việc thiết lập “một trật tự quốc tế dựa trên các luật lệ”, để thế giới cùng đối đầu với những vấn đề, từ biến đổi khí hậu cho đến phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Đối với châu Á, hôm qua 03/05, ngoại trưởng Blinken đã kêu gọi Bình Nhưỡng đi theo con đường ngoại giao để giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Còn về Miến Điện, theo hãng tin AFP, các ngoại trưởng sẽ thảo luận về cuộc đảo chính ngày 01/02 và sẽ được nghe báo cáo về tình hình hiện nay. Ngoại trưởng Anh theo dự kiến sẽ kêu gọi các đối tác trong nhóm G7 thi hành các biện pháp mạnh hơn đối với tập đoàn quân sự Miến Điện.
Tham gia cuộc họp hôm nay ở Luân Đôn còn có các đại diện của Liên Hiệp Châu Âu. Các nước Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, Nam Phi và hiệp hội ASEAN cũng được mời dự.
Do tình hình đại dịch, cuộc họp trực tiếp hôm nay giữa các ngoại trưởng G7 phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch: hạn chế số người của các phái đoàn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn.
Antony Blinken liên tục tiếp xúc các ngoại trưởng dự hội nghị G7
Trước khi bước vào hội nghị chính thức, hôm qua, 03/05/2021, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có một loạt các cuộc tiếp xúc song phương với các đồng nghiệp G7 để thông báo chính sách mới của Washington đối với Bắc Triều Tiên vừa được tổng thống Biden trình bày trước Quốc Hội cách đây ít ngày.
Theo AFP, ông Antony Blinken đã gặp riêng các ngoại trưởng Nhật và Hàn Quốc. Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết, trong các cuộc tiếp xúc, ông Antony Blinken và các đồng nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản đã thông nhất với nhau về mục tiêu chung là tiến tới giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu trước Quốc Hội nhân 100 ngày cầm quyền tại Hoa Kỳ, tổng thống Joe Biden đã đề nghị xem xét lại chính sách với Bắc Triều Tiên mà chính quyền tiền nhiệm đã thực thi theo cách rất riêng của Donald Trump, đã có 3 cuộc gặp thương đỉnh với Kim Jong Un nhưng không đem lại kết quả nào.
Tổng thống Mỹ cho biết sẽ sử dụng “ngoại giao đồng thời với răn đe nghiêm khắc” để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Chủ trương của chính quyền Biden ngày hôm 02/05 đã bị Bình Nhưỡng tố cáo là “chính sách thù địch”, “ngoại giao xảo trá”.
Ngoại trưởng Mỹ, hôm qua, đã kêu gọi Bình Nhưỡng cam kết giải quyết qua con đường ngoại giao hồ sơ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông Bliken tuyên bố ; “Chúng tôi chờ đợi được thấy không chỉ những gì Bắc Triều Tiên nói mà cả những gì họ sẽ làm thực sự trong những ngày tháng tới đây”.
Trong cuộc gặp với ngoại trưởng Anh Dominic Raab, vấn đề được hai bên quan tâm liên quan đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Dominic Raab nhấn mạnh đến ưu tiên của Anh đối với vùng này cũng như thấy Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trong chính sách với người Duy Ngô Nhĩ và Hồng Kông.
Liên quan đến hồ sơ Miến Điện, ngoại trưởng Mỹ đã đề cập đến trong các cuộc gặp riêng với đồng nghiệp Brunei, nước chủ tịch luân phiên ASEAN, và với ngoại trưởng Nhật Bản. Các bên đều thống nhất cần phải khẩn cấp đưa Miến Điện trở lại con đường dân chủ và quy trách nhiệm cho chính quyền quân sự nước này trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.