Vũ Dương
Các công ty năng lượng Trung Quốc ký hợp đồng xây dựng các nhà máy điện ở Myanmar đã bị đình chỉ dự án và một số đang cân nhắc rút khỏi thị trường này, một dấu hiệu cho thấy cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar có thể làm nản lòng ngay cả các nhà đầu tư Trung Quốc, trang Nikkei cho hay.
Các dự án do các công ty năng lượng mặt trời và khí đốt hóa lỏng do nhà nước Trung Quốc thực hiện sẽ khó thực hiện ngay cả trước khi quân đội tiếp quản vào ngày 1/2, những người trong cuộc cho biết.
Bây giờ cuộc đảo chính còn có những vấn đề phức tạp hơn nữa. Các công ty đã giữ bí mật giá thầu của họ dưới thời chính phủ bị lật đổ của bà Aung San Suu Kyi thông qua hai cuộc đấu thầu gây tranh cãi, đang bị đưa vào tầm ngắm trở lại.
Một nhà thầu lớn đã được các nhà vận động nhân quyền xác định là làm ăn trực tiếp với quân đội. VPower, công ty niêm yết tại Hồng Kông, công ty này đã trúng thầu 4/5 dự án nhà máy điện khí đốt và khí đốt tự nhiên hóa lỏng trong cuộc đấu thầu khẩn cấp năm 2019 của Myanmar, được cho là đã được thuê đất thuộc sở hữu của quân đội.
Các nhóm nhân quyền đã gây áp lực lên các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục giao dịch với chính quyền quân đội kể từ khi Tướng Min Aung Hlaing lật đổ chính quyền dân sự trong cuộc đảo chính. Nhiều người trong giới tài phiệt nước ngoài đã công bố cắt đứt quan hệ với các thực thể quân sự trong vài ngày sau chính biến, VPower và những người khác dường như cũng đang chuyển hướng các thỏa thuận.
Trang tin Nikkei dẫn tài liệu đầu tư chính phủ cho biết: VPower đang thuê đất tại Thị trấn Thanlyin ở Yangon, khu đất này thuộc sở hữu của Myanmar Economic Holdings Limited (MEHL), một tập đoàn do quân đội kiểm soát, thông qua Tập đoàn Tư vấn Kinh doanh Myanmar. Chính phủ Mỹ vào ngày 25/3 đã công bố các lệnh trừng phạt đối với MEHL.
Ngoài ra, còn có những tác động lớn hơn đối với ngành điện của Myanmar, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt câu hỏi liệu có nên tiến hành các dự án hay không, do lo ngại về khả năng của quân đội trong việc tuân thủ các thỏa thuận mua bán điện.
Hồi tháng 3, Ủy ban Đầu tư Myanmar đã công bố 10 dự án đầu tư nước ngoài được phê duyệt, cho biết một số dự án liên quan đến các nhà đầu tư Trung Quốc, bao gồm cả lĩnh vực điện, chưa kể các dự án riêng lẻ khác.
Romain Caillaud thuộc công ty cố vấn SIPA Partners cho biết, các dự án năng lượng lớn có khả năng bị chậm lại, nếu không muốn nói là phải hủy bỏ, vì rủi ro giờ đã “tăng vọt”. Thêm nữa, theo một người trong ngành điện cho biết, thì “các tướng lĩnh đang dồn hết sự tập trung vào tình hình chính trị lúc này và không quan tâm đến tình hình ngành điện của Myanmar”. Các công ty Trung Quốc và các đối tác địa phương của họ đã không trả lời yêu cầu bình luận của Nikkei.