Tin thế giới ngày thứ hai

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc “tin chắc” Nga sẽ không tấn công Ukraina

Thu Hằng

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, trong cuộc phỏng vấn tại trụ sở LHQ, New York, Hoa Kỳ, ngày 20/01/2022. AP – Robert Bumsted

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tin chắc Nga sẽ không tấn công hay thập nhập vào Ukraina và các bên liên quan cần “tránh được điều tồi tệ nhất”. Cuộc khủng hoảng Ukraina được ông Antonio Guterres đề cập trong bài phát biểu ngày 21/01/2022 nằm trong số những vấn đề quan ngại mà cộng đồng quốc tế phải nhanh chóng cùng nhau tìm ra giải pháp hiệu quả.

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten tường trình :

“Tại buổi giới thiệu các mục tiêu trong nhiệm kỳ thứ hai, bắt đầu từ tháng này, ông Antonio Guterres đã chia sẻ những tiến bộ ngoại giao về một số cuộc khủng hoảng trên thế giới. Trong khi cả thế giới hướng về biên giới Nga-Ukraina, còn tổng thống Mỹ cho rằng đồng nhiệm Nga Vladimir Putin sẽ quyết định xâm chiếm Ukraina, thì tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lại có một trực giác hoàn toàn khác.

Ông phát biểu : “Không nên can thiệp quân sự vào Ukraina. Tôi nghĩ rằng ngoại giao là phương tiện để giải quyết các vấn đề. Dĩ nhiên, bất kỳ cuộc xâm lăng của một nước này đối với nước khác đều đi ngược với luật pháp quốc tế và tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra. Tôi tin chắc rằng chuyện đó sẽ không tới và tôi hy vọng là đúng”.

Niềm tin của ông Antonio Guterres tạm được củng cố nhờ những tuyên bố sau cuộc họp tại Gevene ngày hôm qua (21/01) giữa hai ngoại trưởng Mỹ và Nga. Hiện tại, cả hai nước khẳng định tiếp tục các cuộc đàm phán ngoại giao”.

NATO bác yêu sách của Nga về Bulgari và Rumani

Thanh Hà

Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, Jens Stoltenberg, sau cuộc hộp Hội đồng NATO-Nga, ngày 12/01/2022 tại Bruxelles, Bỉ. AP – Olivier Matthys

“NATO duy trì khả năng phòng thủ, tiếp tục hiện diện tại hai nước thành viên Bulgari và Rumani ” : trong thông cáo ngày 21/01/2022 Liên Minh Bắc Đại Tây Dương mạnh mẽ bác bỏ điều kiện của Nga đòi chấm dứt sự hiện diện quân sự của NATO tại hai quốc gia từng thuộc khối Vacxava.

Yêu sách này là một trong những đòi hỏi của Matxcơva nhằm giải quyết khủng hoảng Ukraina mà ngoại trưởng Lavrov nêu lên nhân cuộc họp tại Genève, Thụy Sĩ với đồng nhiệm Mỹ Blinken.  

Phát ngôn viên NATO, Oana Lungescu, trong thông cáo khẳng định liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương « không chối bỏ khả năng phòng thủ và tự vệ giữa các thành viên, trong đó có cả biện pháp điều động quân sang sườn đông của Liên Minh ».  
Bulgari và Rumani bất ngờ được đưa thêm vào chương trình nghị sự cuộc họp Nga- Mỹ hôm qua. Matxcơva đòi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương rút quân và trang thiết bị quân sự tại hai nước đã gia nhập NATO từ 2004 là Bulgari và Rumani.  

Hiện tại có khoảng 1000 lính Mỹ, gần 400 lính Ý và Ba Lan đang đồn trú tại Rumani. Về phần Bulgari, chính quyền Sofia đã ký một thỏa thuận với Hoa Kỳ đón nhận 2500 quân nhân Mỹ trong khuôn khổ các chương trình tập huấn.  

Bucarest và Sofia mạnh mẽ phản đối yêu sách của Nga. Bộ Ngoại Giao Rumani tuyên bối « không thể chấp nhận » đòi hỏi của Nga. Bulgari cũng đã phẫn nộ không kém tuy nhiên thủ tướng nước này trong thế đi dây, như giải thích của thông tín viên  Damian Vodénitcharov từ thủ đô Sofia :  

“Bulgari là một quốc gia tự chủ và từ lâu nay chúng tôi đã có một sự chọn lưa khi trở thành thành viên NATO” – thủ tướng Bulgari, Kiril Petkov đã phản ứng như trên về yêu sách của Nga đòi liên quân rút khỏi Bulgari.

Tuy nhiên về mặt ngoại giao, Sofia cần thận trọng trong quan hệ cả với phương Tây là với Nga. Bulgari lệ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga. Tân thủ tướng Bulgari bày tỏ lập trường thân phương Tây và nhất là thân NATO. Bộ trưởng Quốc Phòng Stefan Yanev chủ trương hòa hoãn hơn với nước Nga.

Tổng thống Roumen Radev kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhắm vào Liên Bang Nga. Nhân một cuộc tranh luận trước đợt bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái, ông này thậm chí còn khẳng định Crimée bắt buộc phải thuộc về Nga. Công luận Bulgari chủ yếu thân Nga, nhưng một bộ phận cũng ủng hộ châu Âu và NATO ». 

 Hai tập đoàn dầu khí của Pháp và Mỹ rút lui khỏi Miến Điện


image.png
Ảnh minh họa: Trụ sở chính của tập đoàn năng lượng Pháp TotalEnergies, tại Paris, ngày 28/05/2021. AFP – CHRISTOPHE ARCHAMBAULT
Thanh Hà
TotalEnergies và Chevron thông báo rút lui khỏi Miến Điện, ngưng khai thác khí đốt tại Yadana. Gần một năm sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, hai tập đoàn dầu khí lớn của Pháp và Mỹ hôm 21/01/2022 giải thích : “tình trạng nhân quyền tại Miến Điện liên tục xấu đi” nên phải “đánh giá lại sự hiện diện” tại quốc gia Đông Nam Á này.  

Theo các hiệp hội bảo vệ nhân quyền Miến Điện từ cuộc đảo chính hôm 01/02/2021 tới nay đã có ít nhất 1.500 thường dân bị sát hại.  

TotalEnergies hoạt động tại Miến Điện từ năm 1992, tuyển dụng hơn hai trăm nhân viên trong ngành khai thác khí đốt. Năm 2020, công ty này đã nộp 176 triệu đô la tiền thuế cho nhà nước Miến Điện. Tập đoàn Pháp là đối tác kiểm soát hơn 31 % vốn trong các hoạt động khai thác mỏ Yadana ; Chevron của Mỹ kiểm soát hơn 28% ; PTTEP một chi nhánh của tập đoàn năng lượng Thái Lan tham gia ở mức 25% và 15% còn lại do quân đội Miến Điện kiểm soát.

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại TotalEnergies và Chevron là những công ty ngoại quốc hiếm hoi ngưng hoạt động tại Miến Điện. Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, khí đốt là nguồn thu nhập chính mang ngoại tệ về cho Miến Điện. Riêng mỏ Yadana, có mức sản xuất 6 tỷ mét khối khí đốt một năm, 70% sản lượng được xuất khẩu sang Thái Lan.  

Trả lời đài RFI, bà Benedicte Jeannerod, đại diện cho tổ chức Human Rights Watch đánh giá cao quyết định của tập đoàn năng lượng pháp TotalEnergies. Theo bà, bước kế tiếp, các chính phủ cũng phải đưa ra những biện pháp trừng phạt tập đoàn quân sự Miến Điện :  

« Quyết định rất quan trọng rút lui khỏi Miến Điện, như vậy xua tan mọi nghi ngờ có liên quan đến các hành vi khủng khiếp tập đoàn quân sự đang tiến hành. Bước kế tiếp là phải đánh thẳng vào các nguồn thu nhập của chính quyền nước này nhờ khai thác khí đốt. Đó là phương tiện để quân đội Miến Điện tiến hành tội ác nghiêm trọng nhất. Giờ đây quả bóng đang ở trong sân chơi của các chính chính phủ, cần đưa ra những biện pháp trừng phạt để khí đốt không là công cụ tài chính của quân đội.

Đến nay cộng đồng quốc tế đã ban hành một số biện pháp trừng phạt nhắm vào một số nhân vật trong tập đoàn quân sự, nhắm vào một số doanh nghiệp khai thác khí đốt hay kim cương, đá quý … nhưng cần triệt hẳn các nguồn thu nhập của bên quân đội nhờ khai thác khí đốt bởi đây chính là một nguồn thu nhập quan trọng. Cần cắt hẳn nguồn thu nhập đó và cần ban hành các biện pháp trừng phạt ».  

Covid-19 : Thêm một biến thể mới của Omicron được theo dõi chặt chẽ

Thu Hằng

Ảnh minh họa: Các nhà khoa học Anh phân tích giải trình tự gien của virus gây Covid-19 để tìm các biến thể, ngày 07/01/2022 AP – Frank Augstein

BA.2, được phát thiện cách đây vài tuần, là một chủng phụ của biến thể Omicron và hiện đang được các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ. Tại Pháp, BA.2 được bộ trưởng Y Tế Olivier Véran nhắc đến lần đầu tiên trong buổi họp báo ngày 20/01/2022

BA.2 được phát hiện vào cuối tháng 12/2021 đến từ Ấn Độ và Nam Phi, là một nhánh của dòng chính của biến thể Omicron nên được gọi là « chủng phụ ». Cần nhắc lại là biến thể Omicron (BA.1) cũng là một đột biến của biến thể Delta.

Các nhà dịch tễ học phát hiện nhiều chủng phụ khác, nhưng quan tâm đặc biệt đến BA.2, mang đến hơn 20 đột biến, “có những đặc điểm khác về khả năng lây nhiễm, thoát miễn dịch hay mức độ nghiêm trọng “, theo thông cáo ngày 21/01 của Cơ quan Y Tế Pháp, được AFP trích dẫn.

Việc ngày càng có nhiều ca nhiễm chủng phụ này cũng khiến giới y tế quan tâm. Ví dụ tại Đan Mạch, biến thể BA.2 dần thay thế biến thể Omicron (BA.1) và số ca nhiễm Covid-19 gia tăng trong những ngày gần đây. Pháp cũng phát hiện biến thể BA.2 “nhưng ở mức rất thấp”. Biến thể này cũng xuất hiện ở Anh, Đức, Bỉ, Ý, cũng như Bắc Mỹ, châu Á và Úc.

Hiện tại, Tổ Chức Y Tế Thế Giới hiện chưa tách biệt BA.2 với Omicron. Theo giám đốc Viện Sức Khỏe Toàn Cầu ở Genève, hiện còn quá sớm để lo lắng, nhưng vẫn phải “cảnh giác”. Có thể biến thể BA.2 “có mức độ nghiêm trọng như Omicron” nhưng vẫn còn thiếu dữ liệu, do đó “cần phải triển khai kỹ thuật sàng lọc để phát hiện BA.2 tốt hơn và sớm tìm ra được những đặc tính của chúng”.

Related posts