Cập nhật tin tức dịch bệnh tại VN: Ngày 11/5 có 125 ca nhiễm COVID-19, cao nhất trong 4 đợt dịch

Hiểu Minh

Ảnh minh họa.

Thêm 28 ca COVID-19 cộng đồng

Bộ Y tế sáng 11/5 ghi nhận thêm 28 ca dương tính nCoV, trong đó 27 ca trong khu vực đã được phong tỏa, một ca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

28 ca mới ghi nhận trong nước tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (1), Bắc Ninh (13), Vĩnh Phúc (7), Bắc Giang (5), Lạng Sơn (1), Hải Dương (1).

125 ca nhiễm COVID-19 chỉ trong ngày 10/5

VnExpress – Bộ Y tế ngày 10/5 công bố 125 bệnh nhân Covid-19, cao nhất trong bốn đợt dịch từ đầu năm 2020 đến nay, dịch xuất hiện ở 26 tỉnh, thành.

Tổng ca nhiễm trong ngày nói trên cao hơn 4 “đỉnh” gần đây, từ 6/5 đến 9/5, lần lượt số mắc Covid-19 là 65, 41, 80 và 92. Trong 14 ngày bùng phát dịch vừa qua, cả nước ghi nhận 458 ca bệnh. Hà Nội xuất hiện 143 ca (trong đó Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương 79 ca, Bệnh viện K 13 ca); tiếp đến là Bắc Ninh 85, Vĩnh Phúc và Đà Nẵng mỗi nơi 53 ca, Bắc Giang 47, Hưng Yên 19, Hà Nam 16, Thái Bình 6, Hoà Bình và Hải Dương mỗi địa phương 5, Lạng Sơn 4, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế mỗi nơi 3, Điện Biên, Đăk Lăk, Nam Định mỗi nơi 2 và TP.HCM, Yên Bái, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Thanh Hoá, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Trị mỗi nơi một ca.

Chuyên gia dự đoán COVID-19 đạt đỉnh trong hai tuần tới

VnExpress – Các chuyên gia y tế cho rằng số ca Covid-19 sẽ đạt đỉnh trong vòng hai tuần tới, song dự đoán có thể thay đổi do một số yếu tố.

Ngày 10/5, Việt Nam ghi nhận 125 ca lây nhiễm cộng đồng, số ca cao nhất tính theo ngày, kể từ khởi đầu đại dịch vào 2020 đến nay. Những ngày trước đó, số ca mắc cộng đồng cũng liên tục “lập kỷ lục”, với 92 trường hợp ghi nhận ngày 9/5, 80 ca ngày 8/5, 64 ca ngày 6/5.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, dự đoán đường cong dịch tễ sẽ đạt đỉnh trong vòng hai tuần tới. Tuy nhiên, có thể có nhiều yếu tố khác làm thay đổi đỉnh dịch đó. Chẳng hạn hoạt động bầu cử sắp tới, nếu tổ chức phòng dịch không tốt, có thể làm virus lây lan vì tập trung đông người.

“Để khống chế được dịch, phải ngăn chặn toàn bộ các F1, chặt đứt tất cả mối liên quan lây truyền bệnh”, bác sĩ Hùng nói.

Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết số ca nhiễm đang trên đà tăng nhanh và khả năng sẽ còn tăng cao trong những ngày tới, chưa thấy có xu hướng giảm. Cùng với đó, số lượng ổ dịch tiếp tục gia tăng. Nếu khả năng truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch tốt, khoảng hai tuần nữa, Covid-19 sẽ được khống chế.

“Nếu trong vòng hai tuần tới, cơ quan chức năng can thiệp không tốt, hoặc do nhiều yếu tố khác tác động tiêu cực đến công tác khoanh vùng, dập dịch thì Covid-19 có thể còn bùng phát mạnh hơn”, bác sĩ Khanh nói.

Theo bác sĩ Khanh, với tình hình hiện nay, trong vòng hai tuần nữa mới có thể đánh giá số ca nhiễm có tăng hay không, và Covid-19 sẽ đạt đỉnh lúc nào.

“Biện pháp của nhà chức trách cùng ý thức của người dân trong hai tuần nữa sẽ quyết định lớn đến công tác chống dịch”, ông Khanh nói.

Cháu bé 19 tháng tuổi cùng mẹ dương tính với COVID-19 trong khu cách ly

Người lao Động – Ngày 10/5, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh, con của 1 bệnh nhân Covid-19 đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo dương tính với COVID-19. Cụ thể, cháu bé (19 tháng tuổi) là con của bệnh nhân T.T.N. (25 tuổi, ở huyện Nho Quan, Ninh Bình), người được ghi nhận dương tính với COVID-19 trước đó.

Trước đó, tối 27/4, bệnh nhân cùng với bố mẹ đi xe riêng với 3 người khác (sau này được xác định là 3 ca bệnh: BN 2932, BN 2933, BN 2934) từ Viêng Chăn về Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh. Ngày 28/4, gia đình này làm thủ tục nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo về cách ly tập trung tại khu ký túc xá Mitraco – thị xã Kỳ Anh vào khoảng 21 giờ đêm.

Sau khi 3 ca bệnh (BN 2932, BN 2933, BN 2934) có kết quả dương tính, qua điều tra cho thấy gia đình của chị T.T.N. có nguy cơ rất cao nên tối ngày 30/4, lực lượng chức năng đã đưa cả gia đình chị N. đến cách ly y tế tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Ngày 4/5, chị T.T.N. có kết quả dương tính với virus COVID-19. Ngày 10/5, cháu bé con chị N. cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Hiện nay cả 2 mẹ con chị N. đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Hà Nội xem xét dừng các quán bia hơi

Chiều 10/5, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid-19 Chủ tịch TP. Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh cho biết, đang xem xét tiếp tục tạm dừng một số loại hình ăn uống không thiết yếu như quán bia hơi để phòng chống dịch Covid-19.

Theo Chủ tịch TP. Hà Nội, các chuyên gia đánh giá sắp tới sẽ còn tăng các ca bệnh, cần chú trọng nguy cơ F0 từ địa bàn các tỉnh giáp ranh với Hà Nội. Ông Chu Ngọc Anh nêu việc vẫn còn chỗ này chỗ kia thực hiện chưa tốt như ở công viên, vườn hoa vẫn tụ tập; loại hình kinh doanh không thiết yếu như bia hơi vẫn đông người…

Chủ tịch UB TP. Hà Nội đề nghị xem xét tiếp tục tạm dừng một số loại hình ăn uống không thiết yếu như quán bia hơi… TP sẽ có quy định cụ thể từ khoảng cách giãn cách người với người đến việc tránh tụ tập đông người.

Nhà hàng cho hát karaoke trong dịch bị phạt 65 triệu đồng

VnExpress – Nhà hàng The King trên đường Lê Lai, phường Bến Thành, quận 1, bị phạt 65 triệu đồng do vi phạm quy định chống dịch, kinh doanh karaoke không phép.

Quyết định xử phạt Công ty TNHH thương mại dịch vụ nhà hàng The King được UBND quận 1 ký hôm 6/5. Nhà hàng này đăng ký kinh doanh vào tháng 10/2018, theo loại hình công ty TNHH, do một thanh niên 35 tuổi làm chủ.

TP.HCM dừng hoạt động karaoke từ ngày 30/4. Tuy nhiên, tối 4/5 đoàn kiểm tra chấp hành phòng chống Covid-19 do Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức dẫn đầu, phát hiện 6 phòng của The King trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng công suất lớn. Bên trong các nữ tiếp viên ăn uống, hát karaoke cùng 8 khách quốc tịch Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong đó, một người Trung Quốc 45 tuổi vừa xong cách ly tập trung tại huyện Văn Lâm, Hưng Yên và chưa hoàn thành 14 ngày tự cách ly tại nơi cư trú ở Long An – nơi ông đến công tác. Thời điểm kiểm tra, quán có 98 người, trong đó có 30 khách và 68 nhân viên, đa phần là nữ.

Ngoài việc xử phạt, chính quyền quận 1 giao UBND phường Bến Thành giám sát việc ngừng kinh doanh của The King. Cơ quản quản lý cần rà soát những giấy phép liên quan hoạt động của nhà hàng này, như: Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, sổ quản lý lao động, giấy tác quyền âm nhạc, thang bảng lương… Quận 1 đã báo cáo, đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố nghiên cứu thu hồi giấy phép hoạt động của nhà hàng.

Ổ dịch COVID-19 tại bệnh viện – Thách thức trong công tác ngăn dịch

VTV – Đợt dịch bệnh bùng phát lần này được đánh giá là rất nghiêm trọng do các ổ dịch xuất hiện ở nhiều bệnh viện, trong đó, có cả bệnh viện đầu não trong điều trị COVID-19.

Tính đến 12h ngày 10/5, số lượng ca mắc mới COVID-19 tính từ ngày 27/4 đến nay là 442 ca. Riêng ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 lây lan ra rất nhiều địa phương và bệnh viện. Từ ổ dịch này đã ghi nhận 252 ca bệnh tại 10 địa phương và một số bệnh viện, trong đó có bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Đến ngày 10/5, ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh tại Bệnh viện K Tân Triều và 12 ca tại 5 tỉnh thành phố. Hiện, bệnh viện K đã tiến hành xét nghiệm cho khoảng 4.000 nhân viên y tế và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân chủ yếu tập trung tại khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy. Điều lo ngại hiện nay là các bệnh nhân điều trị ngoại trú sẽ đi đâu để tiếp tục các đợt hóa trị và xạ trị.

Đây là một thách thức lớn trong công tác ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng. Ngay lúc này, rất nhiều sự chia sẻ, chi viện đã hướng về các bệnh viện này.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 bắt đầu điều trị bệnh nhân COVID-19

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân từ bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương. Việc này sẽ giúp giảm áp lực trong công tác điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và quan trọng nhất là tránh nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân do quá tải.

Tính đến trưa 10/5, đã có 110 người bao gồm cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Tất cả các bệnh nhân đều có kết quả âm tính từ 1 đến 3 lần với virus SARS-CoV-2. Đáng lưu ý là đây có cả những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, như suy gan, suy thận, bệnh có khả năng diễn biến nguy hiểm, vì thế, thời gian điều trị dự kiến còn kéo dài.

40 bác sĩ từ bệnh viện Bạch Mai và Hà Nam đã được điều động đến tăng cường tại đây. Giường bệnh, trang thiết bị y tế cũng được chuyển đến từ nơi khác. Việc triển khai điều trị COVID-19 tại một bệnh viện hoàn toàn mới, không có bệnh nhân cũ đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phân khoa, bố trí các khu điều trị riêng biệt, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra những khó khăn nhất định.

Dự kiến, trong ngày 11/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ hoàn thành việc vận chuyển 200 bệnh nhân về đây. Ngoài điều trị số bệnh nhân này, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 còn có thể nâng cấp lên tối đa 600 đến 700 giường bệnh khi cần thiết.

Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 còn được dùng làm nơi cách ly cho những người thuộc diện F1 của tỉnh Hà Nam. Trong đó, những người chuyển thành F0 sẽ được chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị, khi có kết quả âm tính từ 1-2 lần mới được chuyển quay lại đây để điều trị tiếp.

Cục quản lý khám chữa bệnh đã đề nghị Sở Y tế Hà Nội chuẩn bị cơ sở để hỗ trợ điều trị bệnh nhân. 2 bệnh viện được chỉ định là Bệnh viện Đa khoa Đông Anh và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. 2 bệnh viện này chuẩn bị nhân lực, phòng bệnh, trang thiết bị cần thiết để tiếp nhận điều trị người bệnh nội trú chuyển tuyến từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cơ sở 2. Ngoài 2 bệnh viện này, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW liên hệ với các bệnh viện chuyên khoa khác nếu cần thiết để chuyển tuyến người bệnh theo quy định.

Nỗi lo điều trị ngoại trú khi Bệnh viện K phong tỏa

Cùng với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, Bệnh viện K cũng đang thực hiện cách ly y tế, không tiếp nhận bệnh nhân mới, trừ cấp cứu đặc biệt. Trong khi đó, đây là bệnh viện tuyến cuối, mỗi ngày tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân. Điều này đã khiến nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú, không khỏi hoang mang và lo lắng. 

Tuy nhiên, Bệnh viện K cho biết, bác sĩ điều trị trực tiếp sẽ liên hệ hướng dẫn người bệnh và phối hợp cùng cơ sở chuyên khoa ung bướu gần nhất để tiếp tục theo dõi, thực hiện tiếp phác đồ điều trị trong thời gian này.

Hà Nội hỗ trợ toàn lực 2 bệnh viện trung ương

Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội và Bệnh viện Thanh Nhàn đã được chỉ định để tiếp nhận điều trị bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 và bệnh nhân ung thư đến thời điểm phải xạ trị, hóa trị.

Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, ngay từ cửa đã có bàn tiếp đón và phân loại bệnh nhân từ Bệnh viện K sang khám và điều trị nội trú.

Bệnh viện đã chuẩn bị riêng một phòng khám và 60 giường bệnh để điều trị những bệnh nhân này. Đến chiều 10/5, đã có 8 bệnh nhân đến để khám và 3 trong số này phải nhập viện để điều trị. Tuy nhiên, các bệnh nhân lo ngại việc thanh toán bảo hiểm y tế hay phác đồ điều trị có được liên tục hay không.

Cửa hàng dụng cụ thể thao đột ngột đắt khách mùa dịch

Laodong – Trong những ngày dịch bệnh bùng phát trở lại, các hoạt động thể thao ngoài trời bị hạn chế, nhiều người dân tại TP Hà Nội đang có xu hướng tìm kiếm các trang thiết bị, mua sắm dụng cụ tập luyện thể thao tại nhà. Vì thế, nhiều cửa hàng buôn bán dụng cụ thể thao cũng bất ngờ đắt khách vì nhu cầu sử dụng của người dân đột ngột tăng cao. 

Cả tuần nay được nghỉ để làm việc từ xa, chị Nguyễn Thị Linh (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Quanh quẩn cả tuần làm việc tại nhà, mặc dù trong người thấy bí bách lắm rồi nhưng tôi cũng hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết. Thấy các trang thương mại điện tử đang có nhiều khuyến mãi nên tôi đã đặt mua bộ dụng cụ tập luyện thể thao trong nhà cho đỡ buồn, lại có thể tăng cường sức khỏe”.

Anh Đinh Văn Tuấn (kinh doanh dụng cụ thể thao ở quận Cầu Giấy) cho biết: “Việc tìm mua dụng cụ thể thao online đang được nhiều gia đình lựa chọn. Dù biết chỉ là giải pháp tạm thời nhưng đối với nhiều khách hàng thì đây chính là “bảo bối”, vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa xả stress trong đợt dịch”.

Theo anh Tuấn, khách hàng của anh chủ yếu tìm mua các thiết bị nhỏ gọn, hỗ trợ tập săn chắc cơ, thảm tập yoga, tạ tay, lò xo kéo nâng cơ, vòng lắc, dây nhảy, quần áo tập, giày thể thao…

Cả ngày bận rộn lên đơn, gọi ship hàng giữa đợt dịch, anh Lê Văn Minh (bán hàng online dụng cụ tập luyện thể thao ở quận Bắc Từ Liêm) hào hứng nói: “Trước kia bán offline, ngày nhiều nhất cũng chỉ được từ 5 – 7 đơn. Nhưng từ đợt nghỉ dịch, cửa hàng nhà tôi đã chuyển sang làm online. Trung bình mỗi ngày có khoảng từ 20-30 đơn hàng/ngày. Thậm chí, có hôm, hai vợ chồng cả ngày chỉ ngồi lên đơn, không có thời gian ăn cơm”.

Nhiều nhân viên bán mặt hàng online này cho rằng, để tránh việc mua phải hàng hóa kém chất lượng, khách hàng nên dùng dịch vụ ship COD. Nếu kiểm tra thấy hàng không đúng với yêu cầu thì khách có thể hoàn trả lại, tránh tình trạng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đà Nẵng nói không có chuyện phong toả toàn thành phố như tin đồn

Baodanang – Ngày 10/5, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trong cuộc họp phòng chống dịch, khẳng định thành phố chưa thực hiện biện pháp phong tỏa như một số tin đồn trên mạng xã hội. 

Phát biểu tại cuộc họp, ông Quảng khẳng định: “hoàn toàn không có chuyện cách ly, phong tỏa toàn thành phố như tin đồn.” Sau đó ông đề nghị các đơn vị liên quan xử lý những trường hợp tung tin đồn không có căn cứ, gây hoang mang dư luận, tác động tiêu cực đến kế hoạch phòng, chống dịch của địa phương”.

Ông Quảng cũng nhận định các biện pháp mà địa phương đang thực hiện đã có hiệu quả tích cực, giúp cơ quan chức năng sớm phát hiện ca nhiễm mới.

Theo báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng, trong ngày 10/5, thành phố ghi nhận thêm 4 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc được ghi nhận từ ngày 3/5 đến nay là 53 ca.

BV Chợ Rẫy lo dịch xâm nhập từ đường cấp cứu

Ngày 10/5, đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch do Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong dẫn đầu đã làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân 115.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết hiện nay đáng lo ngại nhất là bệnh nhân nhập viện bằng đường cấp cứu. Với nhóm bệnh nhân này, các bác sĩ hầu như quên luôn biện pháp phòng dịch sơ bộ để tập trung cấp cứu bệnh nhân nhanh nhất có thể.

Bác sĩ Thức giải thích: “Nếu bệnh nhân bị tai nạn không có thân nhân thì xem như bệnh nhân mắc viêm phổi Vũ Hán, bệnh nhân chưa xét nghiệm thì phẫu thuật theo quy trình bệnh nhân mắc viêm phổi Vũ Hán. Hiện nay mỗi lầu có phòng cách ly tạm thời, đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính mới di chuyển vào các khoa”.

Theo bác sĩ Thức, bệnh viện quản lý người nuôi bệnh bằng dấu vân tay, và những người này đã được sàng lọc dịch tễ từ đầu. Qua kiểm tra đột xuất, bệnh viện đã đình chỉ 2 kíp trực vì để người không đăng ký dấu vân tay vào bên trong.

Cũng theo bác sĩ Thức, bệnh viện đang gặp khó trong việc kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các lực lượng cung cấp dịch vụ cho bệnh viện (nhân viên giao thuốc, thực phẩm cho căn tin…) và nhóm “xe cấp cứu dù”.

Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong nói rằng Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân nặng từ các tỉnh. Nếu để xảy ra tình huống dịch bệnh xâm nhập thì hệ quả rất nặng nề, vì thế giao Sở Y tế cùng các ban, ngành hỗ trợ phối hợp giữ vững an toàn cho tuyến phòng thủ này.

Về vấn đề “xe cấp cứu dù”, ông Phong đề nghị Sở Giao thông vận tải TP phối hợp bệnh viện và chính quyền địa phương để xử lý.

Làm việc với đoàn kiểm tra, Bệnh viện Nhân dân 115 đã đề nghị được xem xét, hỗ trợ cung cấp kit xét nghiệm sàng lọc, hóa chất xét nghiệm RT-PCR. 

Hiện tại, do chỉ có 84 máy thở, nếu có nhiều ca thở máy cùng lúc sẽ không đủ, do đó trong trường hợp dịch bùng phát, bệnh viện đã đề nghị UBND TP cung cấp thêm máy thở và các dụng cụ bảo hộ khác.

Hải Phòng tìm người đến Trung tâm thương mại Aeon liên quan bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán

Thanhnien – Cơ quan chức năng TP. Hải Phòng chiều 10/5 đã phát đi thông báo đề nghị những ai đến Trung tâm thương mại Aeon (đường Võ Nguyên Giáp, quận Lê Chân) vào chiều 29/4 ra cơ quan y tế khai báo, do một bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán từng đến đây.

Theo đó, lúc 14 giờ 30 ngày 29/4, các bệnh nhân 3051 và 3094 đi xe taxi màu đen đến Trung tâm thương mại Aeon mua bánh kẹo ở tầng 1. Sau đó, cả hai lên tầng 2, vào quầy bán quần áo trẻ em và tiếp xúc với thu ngân. Đến 16 giờ, hai bệnh nhân này đi xe taxi từ Trung tâm thương mại Aeon về Khách sạn Blue Sea.

Cơ quan chức năng đề nghị những ai đến Trung tâm thương mại Aeon từ 14 – 16 giờ chiều 29/4 ra cơ quan y tế khai báo y tế.

Bệnh nhân 3051 ở TP Hải Dương, là lao động tự do. Vào tháng 3/2021, bệnh nhân 3051 đã vượt biên trái phép sang Lào. Đến ngày 20/4 thì bệnh nhân lại vượt biên trái phép về Việt Nam. Ngày 22/4, bệnh nhân này bắt xe khách để về Hải Phòng, đến ngày 23/4 thì về đến Hải Phòng rồi bắt xe về khách sạn Tường Vi 2 ở cùng bệnh nhân 3094. 

Điều đáng trách là khi làm việc với cơ quan chức năng, bệnh nhân 3051 khai báo quanh co, gây khó cho công tác điều tra. Theo Công an TP.Hải Dương, vụ việc liên quan đến bệnh nhân 3051 có dấu hiệu của tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, quy định tại điều 240 bộ luật hình sự. Công an TP. Hải Dương đang khẩn trương củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý nghiêm đối tượng này theo quy định của pháp luật.

Related posts