Xung đột Israel – Palestine : Hội Đồng Bảo An hoãn họp do Mỹ phản đối
Thùy Dương
Cuộc họp dự kiến diễn ra hôm nay 14/05/2021 về xung đột Israel-Palestine tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã bị hủy do Mỹ phản đối. Thay vào đó, AFP cho biết một cuộc họp trực tuyến sẽ được tổ chức vào Chủ Nhật 16/05 vào lúc 14 giờ (giờ quốc tế) thay vì vào thứ Ba tuần tới 18/05 như đề nghị của Washington.
Trong khi đó, tổng thống Nga Vladimir Putin, sau cuộc hợp trực tuyến với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guerres, đã kêu gọi người Israel và Palestine bình tĩnh, chấm dứt giao tranh. Theo điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo nhắc lại sự ủng hộ nguyên tắc hai nhà nước. Còn bộ Ngoại Giao Nga đề xuất tổ chức một cuộc họp khẩn của nhóm Bộ Tứ về Trung Đông.
Thông tín viên Daniel Vallot tại Moscow cho biết thêm chi tiết:
“Cần chấm dứt leo thang căng thẳng gây tang thương giữa Israel và Palestine : Đây là nội dung chính của thông điệp mà điện Kremlin đưa ra sau cuộc họp trực tuyến giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres. Theo thông cáo của điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo nhận định “ưu tiên hàng đầu là chấm dứt bạo lực ở cả hai bên và sự an toàn của dân thường”.
Kể từ khi xung đột bùng lên giữa Israel và Palestine, Nga đã tích cực kêu gọi đôi bên bình tĩnh với những phát biểu cân bằng nhất có thể. Hồi đầu tuần, điện Kremlin đã giữ khoảng cách với những tuyên bố được cho là quá thiên vị người Palestine, do Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo TChéchènya (trung thành với Putin) đưa ra. Matxcơva duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Nhà nước Do Thái và với các nhà lãnh đạo Palestine, quan điểm này có thể cho phép Nga đóng một vai trò trung gian – đây cũng là nhận định của đại sứ Israel tại Nga khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Interfax vào hôm qua thứ Năm.
Nhưng suy cho cùng thì những đòn bẩy để Nga thực sự có thể tác động đến cuộc xung đột vẫn hạn chế. Hiện tại, ngoài việc tăng cường kêu gọi đôi bên bình tĩnh, bộ Ngoại Giao Nga đang tập trung nỗ lực vào việc tái kích hoạt Bộ Tứ về Trung Đông. Nhóm trung gian hòa giải này gồm có Nga, Mỹ, Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu”.
Bắc Kinh khẳng định tập trận Nhật, Mỹ, Pháp, Úc « không ảnh hưởng » đến Trung Quốc
Trọng Thành
Đầu tuần này, Nhật Bản cùng Mỹ, Pháp và Úc phối hợp tập trận quy mô lớn tại Biển Hoa Đông. Cuộc tập trận kéo dài một tuần. Hôm qua, 13/05/2021, hai ngày sau khi tập trận khai mạc, bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định cuộc tập trận nói trên chỉ là « phí xăng » vô ích.
Trong cuộc gặp báo giới tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tự đặt câu hỏi : « Có ai nghĩ rằng cuộc tập trận chung này nhằm gây áp lực với Trung Quốc sẽ thực sự khiến Trung Quốc phải lo sợ hay không ? ». Câu trả lời là không, « cái gọi là cuộc diễn tập chung này không có tác động gì đến Trung Quốc, nó chỉ khiến họ tốn nhiên liệu ». Bà Hoa Xuân Ánh nói thêm, « trong số bốn quốc gia này, có những quốc gia đã phát triển bản chất xâm lược và tiến hành xâm lược như chúng ta có thể biết từ lịch sử ».
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, « thay vì sử dụng sức mạnh của mình để đóng góp vào hòa bình khu vực, họ lại nhắm vào Trung Quốc như một cái cớ để tăng cường hành vi quân sự. Ý định của họ là gì ?… Tôi hy vọng họ sẽ sử dụng thời gian và nguồn lực cho nước họ, và đóng góp nhiều hơn vào việc chống lại đại dịch Covid-19 ở nước mình và trên thế giới ».
Cuộc tập trận trên không, trên bộ và trên biển kéo dài một tuần, được đặt tên là Arc-21, đã bắt đầu vào thứ Ba 11/01, tại khu vực huấn luyện Kirishima trên bán đảo Kyushu và mô phỏng các kịch bản khác nhau như bảo vệ các đảo xa và đánh chặn các tàu trên biển. Tập trận diễn ra trong bối cảnh lo ngại về tham vọng lãnh thổ trong vùng của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Theo một số nhà quan sát, đây là lần đầu tiên Pháp tham gia tập trận với các đồng minh Mỹ, Nhật, Úc trong Bộ Tứ, tại biển Hoa Đông.
Antony Blinken: Mỹ sẽ không để Úc phải đơn độc đối phó với Trung Quốc
Thụy My
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 13/05/2021 tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không để cho Úc phải đơn độc trước sự áp bức về kinh tế từ Trung Quốc, và hành vi này đối với các đồng minh của Mỹ sẽ làm phương hại đến việc cải thiện quan hệ Mỹ-Trung.
Reuters cho biết ông Blinken trong cuộc họp báo chung nhân chuyến viếng thăm của ngoại trưởng Úc Marise Payne đã nhấn mạnh như trên. Washington đã nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh tìm cách hà hiếp các nước láng giềng, và tổng thống Mỹ Joe Biden nỗ lực tăng cường mối quan hệ với các đồng minh trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương để chống lại sức mạnh đang lên của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Úc, từ rượu vang cho đến than đá, trong lúc căng thẳng giữa hai nước ngày càng gay gắt hơn trong những năm gần đây.
Các bộ trưởng Thương Mại kế tiếp nhau của Úc đều không thể gọi điện thoại cho đối tác Trung Quốc kể từ khi quan hệ ngoại giao xấu đi năm 2020, và tuần rồi Bắc Kinh đã đình chỉ mọi hoạt động trong khuôn khổ cuộc “đối thoại chiến lược kinh tế” song phương với Úc.
Úc là một trong những nước đầu tiên công khai cấm tập đoàn Hoa Vi (Huawei) tham gia mạng lưới 5G vì lý do an ninh, và năm ngoái Bắc Kinh vô cùng tức giận khi Úc kêu gọi mở điều tra độc lập quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid. Ngoại trưởng Payne nói với các nhà báo, Úc đã tuyên bố rõ là muốn có quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, nhưng sẽ không khoan nhượng, tiếp tục hành động để bảo vệ an ninh quốc gia và chủ quyền đất nước.
Hàn Quốc đầu tư 450 tỷ đô la để thực hiện tham vọng dẫn đầu thế giới về chất bán dẫn
Thùy Dương
Hàn Quốc hôm qua 14/05/2021 công bố kế hoạch đầu tư đầy tham vọng 450 tỷ đô la nhằm thực hiện mục tiêu vượt Đài Loan trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất chất bán dẫn. Thông báo trên được chính phủ Hàn Quốc đưa ra trong bối cảnh thế giới đang lâm cảnh khan hiếm chất bán chất.
Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca cho biết chi tiết :
Đầu tư của Nhà nước, ưu đãi thuế, giảm trừ thuế, chính phủ Hàn Quốc đã muốn cho thấy họ hoàn toàn ủng hộ các doanh nghiệp trong lĩnh vực chất bán dẫn. Đứng đầu là SK Hynix và Samsung Electronics, trong số 153 nhà sản xuất chíp điện tử với tổng đầu tư được công bố là 450 tỷ đôla.
Tập đoàn Samsung Electronics là nhà sản xuất chíp bộ nhớ lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ tự đầu tư 150 tỷ đôla, trong khi vẫn còn chậm hơn đối thủ Đài Loan TSMC trong lĩnh vực « đúc » chíp bộ nhớ. Samsung chỉ chiếm 17% thị phần trong lĩnh vực chủ chốt này, kém xa tỉ lệ 55% của công ty Đài Loan. Hoạt động « đúc », tức là sản xuất chíp cho các công ty khác, đóng vai trò trọng tâm, bởi nhiều công ty không có nhà máy sản xuất chíp.
Và mục tiêu cụ thể của Hàn Quốc là bắt kịp sự chậm trễ trong lĩnh vực này bằng cách tập trung về phía nam thủ đô các nhà sản xuất, thiết kế và cung cấp chíp để kiểm soát toàn bộ chuỗi sản xuất. Theo chính phủ, điều đó sẽ cho phép từ nay đến năm 2030 tăng gấp đôi xuất khẩu của lĩnh vực chủ chốt này ; hiện nay, chíp bộ nhớ chiếm 20% tổng xuất khẩu hàng năm của Hàn Quốc.
Thái Lan: Gần 5,000 ca nhiễm Covid trong ngày, 2 nhà tù thành ổ dịch lớn
Thụy My
Chỉ trong ngày 13/05/2021, Thái Lan đã phát hiện gần 5.000 trường hợp dương tính với virus corona, trong đó có 2.835 ca nhiễm tại hai nhà tù chính ở thủ đô. Chính quyền đưa ra con số trên sau khi một khuôn mặt hàng đầu trong phong trào dân chủ, bị lây nhiễm trong trại giam và vừa được tại ngoại hầu tra, lên tiếng báo động. Tổng cộng đã có gần 95.000 ca dương tính kể từ đầu đại dịch tại quốc gia Đông Nam Á này.
Từ Bangkok, thông tín viên Carol Isoux cho biết thêm chi tiết :
« Có đến gần 3.000 tù nhân bị lây nhiễm tại hai nhà tù Thái Lan, sự kiện chưa từng thấy tại vương quốc cho đến nay vốn tự hào về cách quản lý dịch bệnh. Chính quyền đã cho đóng cửa rất sớm biên giới và các cơ sở thương mại, buộc phải mang khẩu trang ở mọi nơi kể từ tháng Hai năm 2020.
Trong số các tù nhân bị dương tính có bốn thanh niên trong phong trào đấu tranh dân chủ Thái Lan bị tống giam vì tội khi quân và ly khai, các tù nhân chính trị vì chống đối chính quyền. Ổ dịch mới này nâng tổng số ca dương tính mới lên gần 5.000 chỉ trong vòng một ngày, một con số kỷ lục khiến người dân Thái lo ngại.
Số tử vong 550 người, không cao lắm so với các nước khác, nhưng Thái Lan rất chậm trễ trong việc tiến hành tiêm chủng vac-xin. Các bệnh viện nhất là ở vùng nông thôn rất thiếu trang thiết bị hồi sức và máy thở trong trường hợp dịch bệnh tăng nhanh. »
Nhật Bản: Thêm ba tỉnh trong tình trạng khẩn cấp
Reuters cho biết hôm nay 14/05/2021 có thêm ba tỉnh ở Nhật Bản bị dịch Covid hoành hành được đặt trong tình trạng khẩn cấp cho đến 31/05. Bộ trưởng Kinh Tế Yasutoshi Nishimura tuyên bố Hokkaido, Okayama và Hiroshima nay cùng chung số phận với Tokyo, Osaka và bốn tỉnh khác.
Các tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên tục được đưa ra do sự xuất hiện một chủng virus corona lây nhiễm nhanh hơn. Trong khi còn 10 tuần nữa đến ngày khai mạc Thế Vận Hội Tokyo, chỉ mới có 3% dân số Nhật Bản được tiêm chủng,