Thanh Hải
Theo Taipei Times, gần đây, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường một chiến dịch trên các phương tiện truyền thông nhà nước và các chuyến tham quan do chính phủ sắp xếp để chống lại những lời chỉ trích của các nhóm bảo vệ nhân quyền rằng, hàng ngàn nhà thờ Hồi giáo đã bị biến mất trong cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Trong một chuyến đi đến Tân Cương, phóng viên của Reuters đã tường thuật lại rằng, nhà thờ Hồi giáo Jiaman ở thành phố Qira, thuộc vùng Tân Cương, miền Tây Trung Quốc, nằm khuất sau những bức tường cao và các bảng hiệu tuyên truyền của chế độ, khiến người qua đường không nhận ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đây là địa điểm tôn giáo.
Vào cuối tháng 4, trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, hai phụ nữ dân tộc Duy Ngô Nhĩ ngồi sau một tấm lưới nhỏ, bên dưới một camera giám sát, bên trong khuôn viên vốn là nơi thờ cúng lớn nhất của thành phố từ lâu. Phóng viên Reuters cho biết họ không thể xác định liệu nơi này có đang hoạt động như một nhà thờ Hồi giáo hay không.
Trong vòng vài phút sau khi các phóng viên đến, bốn người đàn ông mặc thường phục xuất hiện và vào vị trí xung quanh địa điểm này, khóa cổng vào các tòa nhà dân cư gần đó. Những người đàn ông này thông báo với các phóng viên rằng việc chụp ảnh là bất hợp pháp và yêu cầu họ rời đi.
Trả lời câu hỏi của Reuters, một trong những người đàn ông cho biết “không có nhà thờ Hồi giáo nào ở đây” và từ chối tự xác định danh tính. Trước đó, các tháp giáo đường Hồi giáo trên bốn góc của tòa nhà, có thể được nhìn thấy trong các hình ảnh vệ tinh công khai vào năm 2019, nhưng nay đã biến mất.
“Thay vào đó, chúng tôi đã thực hiện một loạt biện pháp để bảo vệ chúng”, Elijan Anayat, phát ngôn viên của chính quyền Tân Cương, nói về các nhà thờ Hồi giáo vào cuối năm ngoái.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh hôm thứ Tư (12/5) cho biết một số nhà thờ Hồi giáo đã bị phá bỏ, trong khi những nhà thờ khác đã được nâng cấp và mở rộng như một phần của quá trình hồi sinh nông thôn, và người Hồi giáo có thể thực hành tôn giáo của họ một cách công khai tại nhà và trong các nhà thờ Hồi giáo.
Khi được hỏi về những hạn chế mà chính quyền đưa ra đối với các nhà báo đến thăm khu vực này, bà Oánh cho biết, các phóng viên phải cố gắng hơn nữa để “lấy được lòng tin của người dân Trung Quốc” và đưa tin một cách khách quan.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm kéo dài 12 ngày, các phóng viên Reuters đã đến thăm hơn 20 nhà thờ Hồi giáo tại bảy quận ở khu vực Tây Nam và trung tâm Tân Cương, họ cho biết có một sự tương phản giữa chiến dịch bảo vệ các nhà thờ Hồi giáo và tự do tôn giáo của Bắc Kinh với thực tế trên mặt đất. Hầu hết các nhà thờ Hồi giáo đến thăm đã bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn.
Chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng, Tân Cương phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ những kẻ ly khai và tôn giáo cực đoan, những kẻ âm mưu tấn công và khuấy động căng thẳng giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán. Do đó, ĐCSTQ đã phát động một cuộc đàn áp hàng loạt bao gồm một chiến dịch cấm thực hành tôn giáo nhắm vào hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác vào năm 2017. Bắc Kinh cũng phủ nhận việc giam giữ những người này trong các trại tạm giam ở Tân Cương và gọi họ là nhóm người đang được đào tạo trong trung tâm dạy nghề.
Chính phủ Trung Quốc cho biết có hơn 20.000 nhà thờ Hồi giáo ở Tân Cương nhưng không có dữ liệu chi tiết về tình trạng của chúng.
Một số nhà thờ Hồi giáo đang hoạt động còn có biển báo nêu rõ, các giáo dân trong khu vực phải đăng ký, còn những người nước ngoài và khu vực khác hay bất kỳ ai dưới 18 tuổi đều bị cấm vào trong. Ngoài ra, chúng đều được gắn camera giám sát, cờ Trung Quốc và các màn hình tuyên truyền tuyên bố trung thành với Đảng cầm quyền.
Còn có một số nhà thờ Hồi giáo được nhà nước công nhận và giới thiệu cho các nhà báo và nhà ngoại giao đến thăm quan, ví như Nhà thờ Hồi giáo Jiaman ở Hotan.
Trong chuyến thăm của các phóng viên Reuters do sở tuyên truyền thành phố sắp xếp, một quan chức nơi đây giấu tên cho biết: “Mọi thứ đều do đảng chi trả” và nam giới được tự do cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo 5 lần một ngày theo phong tục Hồi giáo.
Trong khi các phóng viên có mặt ở đó, vài chục người đàn ông, hầu hết là người già, đến nhà thờ cầu nguyện khi hoàng hôn buông xuống. Sau đó, họ ăn nhanh bằng thức ăn do chính quyền địa phương cung cấp rồi rời đi.
Ở Changji, cách thủ phủ Urumqi, Tân Cương khoảng 40 km về phía tây, các tháp màu xanh lá cây và đỏ của Nhà thờ Hồi giáo Xinqu của thành phố nằm gãy bên dưới lá cờ Trung Quốc tung bay trên sân của tòa nhà hoang vắng.
Reuters đã phân tích hình ảnh vệ tinh của 10 nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Changji và đến thăm sáu nhà thờ trong số đó và phát hiện, theo các hình ảnh ghi ngày tháng, có tổng cộng 31 tháp và 12 mái vòm màu xanh lá cây hoặc vàng đã bị dỡ bỏ trong khoảng thời gian hai tháng sau tháng 4 năm 2018.
Tại một số nhà thờ Hồi giáo trên đường Tianchi của Changji, nơi có mái vòm và tháp bằng vàng đã bị dỡ bỏ vào năm 2018, kiến trúc Hồi giáo đã được thay thế bằng mái lợp kiểu Trung Quốc.
Chính quyền Tân Cương đã không trả lời yêu cầu bình luận về tình trạng của các nhà thờ Hồi giáo trong khu vực.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Chiến lược Úc ước tính vào năm 2020, sau khi khảo sát 900 địa điểm ở Tân Cương, có 16.000 nhà thờ Hồi giáo đã bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn trong 3 năm trước đó.