Vũ Dương
Có chuyên gia nhận định, các nhà thầu xây dựng và kỹ thuật Trung Quốc “đã đạt được vị trí thống lĩnh ở thị trường châu Phi”…..
Trang SCMP cho hay, khi Kenya đưa ra một gói thầu trị giá 215 triệu đô-la Mỹ cho việc xây dựng một con đập lớn ở miền tây của đất nước, họ đã nhận được 4 hồ sơ dự thầu. Trong số đó có hai hồ sơ đến từ các nhà thầu Trung Quốc, bao gồm: Tập đoàn Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Quốc tế Jiangxi; và Công ty xây dựng China Gezhouba. Cả hai công ty này đều đã tham gia vào việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm sân bay và đập thủy điện ở châu Phi.
Tập đoàn Jiangxi đã xây dựng một phần mở rộng đến Sân bay Quốc tế Kenneth Kaunda và tuyến đường đôi Lusaka-Ndola trị giá 1,2 tỷ đô-la Mỹ dài 321km để nối Zambia với Cộng hòa Dân chủ Congo. Trong khi đó, tập đoàn Gezhouba là một trong những công ty ký hợp đồng xây dựng đập thủy điện Đại Phục Hưng của Ethiopia, công suất 6.000 megawatt, vốn là nguyên nhân gây căng thẳng ở lưu vực sông Nile kể từ khi dự án động thổ vào năm 2011. Ai Cập và Sudan lo ngại rằng dự án đập này có thể làm giảm mực nước sông và dẫn đến hạn hán.
Trên khắp châu lục này, các nhà thầu Trung Quốc đang xây dựng các cảng trị giá hàng tỷ đô-la, đường sắt, đường cao tốc và các đập thủy điện trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai Con đường Trung Quốc.
Hong Zhang, một nhà nghiên cứu tại Đại học George Mason (Hoa Kỳ), cho biết trong một nghiên cứu gần đây rằng, các nhà thầu xây dựng và kỹ thuật Trung Quốc “đã đạt được vị trí thống lĩnh ở thị trường châu Phi” và đang giành chiến thắng ở quy mô lớn hơn hoặc những dự án đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, điều mà các nhà thầu trong nước không làm được. Ở một số quốc gia, chẳng hạn như Tanzania, thị phần của các công ty Trung Quốc là hơn 80%.
Đến năm 2019, các công ty Trung Quốc chiếm 60% doanh thu của tất cả các nhà thầu quốc tế lớn ở châu Phi và “không nơi nào khác mà thị phần của Trung Quốc trong lĩnh vực này lại chiếm ưu thế”, ông Zhang nói.
Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết các công ty Trung Quốc đã thắng nhiều thầu vì giá thầu thấp.
Bà nói: “Các nhà thầu cơ sở hạ tầng của Trung Quốc rất cạnh tranh, vì vậy, không phải hoàn toàn nguồn tài chính của chính phủ Trung Quốc sẽ giúp họ. Việc cấp vốn sẽ giúp tạo ra nhiều dự án hơn mà nếu không thì có thể không tồn tại nhưng không có nghĩa là nếu không có sự tài trợ của chính phủ Trung Quốc, các công ty xây dựng của Trung Quốc không thể cạnh tranh được”.