Tin trong nước sáng 25/5: Báo động lây lan dịch COVID-19

Hiểu Minh

Thêm 57 ca COVID-19

VnExpress – Bộ Y tế sáng 25/5 ghi nhận 57 ca dương tính trong nước, gồm tại Bắc Giang 45, Bắc Ninh 2, Hà Nội 4, Lạng Sơn 4 và Hà Nam 2.

Số ca nhiễm mới nâng tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang lên 1069, Bắc Ninh 507, Hà Nội 308 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 89 ca, 48 ca ở Bệnh viện K), Lạng Sơn 41, Hà Nam 36.

Số ca mắc cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 2.406 ca, ở 30 tỉnh thành. Có 6 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới. Số lượng xét nghiệm từ 29/4 đến nay đã thực hiện 890.454 xét nghiệm cho 1.629.867 lượt người.

Báo động lây lan dịch khu công nghiệp, Thủ tướng ra công điện khẩn

Tuoitre – Kiên quyết dừng hoạt động các nhà máy, xí nghiệp không đảm bảo an toàn, bắt buộc khai báo y tế với tất cả người lao động, xử phạt nghiêm trường hợp không khai báo.

Tối 24/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện về việc đảm bảo an toàn COVID-19 trong các khu công nghiệp, trước bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, lây lan nguy hiểm hơn trong cộng đồng, đặc biệt là các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.

Với 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp đang hoạt động, Thủ tướng nhận định nguy cơ dịch bùng phát là rất lớn nên để tập trung phòng, chống, dập dịch hiệu quả, cần có phương án đảm bảo hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, nhất là các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng kinh tế địa phương và cả nước, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác, thực hiện nghiêm về phòng, chống dịch.

Chủ tịch các tỉnh, thành phố, bộ trưởng Bộ Công thương, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ đạo các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, tự đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên bản đồ an toàn COVID-19. Kiên quyết dừng hoạt động khi không đảm bảo an toàn và không cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống.

Chủ tịch tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc với tất cả người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, những người liên quan như người cung cấp, vận chuyển vật tư, hàng hóa, suất ăn… Xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực.

Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn việc cách ly, xét nghiệm đối với người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phù hợp với đặc điểm từng khu vực, diễn biến tình hình dịch bệnh để nếu có tình huống dịch xâm nhập, có thể duy trì hoặc sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép.

Còn trong thông báo kết luận cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ngày 24-5 vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành, đã yêu cầu tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang chủ động, sáng tạo trong tổ chức, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp.

Tỉnh thực hiện phân loại các trường hợp F1 để thực hiện cách ly, xét nghiệm phù hợp. Có kế hoạch đưa từng phần, từng bộ phận của nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp trở lại hoạt động an toàn, sớm nhất; đặc biệt là các doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn.

Bộ Y tế sớm hướng dẫn cách ly y tế linh hoạt, thí điểm việc tổ chức đi làm trở lại theo từng vùng, từng ca, từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất. Các địa phương thành lập “Tổ thông tin đáp ứng nhanh” để tiến hành tổng hợp các cách thức ứng phó dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp, xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống dịch COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, Hà Nội ra công điện khẩn

VnExpress – Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, thành phố yêu cầu nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ, cửa hàng cắt tóc, gội đầu, tạm dừng hoạt động từ 12h ngày 25/5.

Đây là một trong những nội dung của công điện số 11, được Chủ tịch TP. Chu Ngọc Anh ban hành tối 24/5.

Các cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ phải tạm dừng hoạt động hoặc chỉ cho phép bán hàng mang về. Lãnh đạo thành phố cũng nhắc lại chủ trương “dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng”.

Sở Du lịch Hà Nội rà soát các khu cách ly tập trung tại khách sạn và cơ sở lưu trú, dừng việc tiếp nhận đối với các cơ sở không đủ điều kiện; hạn chế và tiến tới dừng hoạt động cách ly y tế tại khách sạn và cơ sở lưu trú trong các quận nội đô.

Người dân từ các tỉnh, thành khác trở về Hà Nội từ ngày 25/5, thực hiện khai báo y tế trong vòng 24 giờ kể từ lúc có mặt tại Hà Nội. Trường hợp về Hà Nội từ 10/5 đến ngày 24/5 phải khai báo y tế, hoàn thành chậm nhất trong ngày 25/5/2021.

Hà Nội đề nghị Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T và các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm nCoV cho người lao động, cư dân trong khu vực trụ sở và các dự án do doanh nghiệp đầu tư, quản lý trên địa bàn.

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện chùm ca bệnh mới tại Công ty cổ phần tập đoàn T&T và Park 11 Times City. Chùm ca bệnh này tính đến chiều 24/5 có 17 F0 và được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hà Nội đánh giá “rất phức tạp, có nhiều ca mắc và liên quan tới các địa điểm rất nhiều người làm việc, sinh sống”.

Tính đến 16h ngày 24/5, Hà Nội ghi nhận 122 ca lây nhiễm cộng đồng tại 19 quận, huyện. Bên cạnh đó, có hơn 200 ca bệnh tại hai bệnh viện trung ương trên địa bàn (trong đó Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh 106 ca; Bệnh viện K cơ sở Tân Triều 96 ca).

Phong tỏa Bộ TN-MT do có cán bộ nghi nhiễm COVID-19

Thanhnien – Bộ TN-MT đang phải tạm thời phong toả và yêu cầu tất cả mọi người không ra khỏi cơ quan, hạn chế tiếp xúc cho đến khi có kết quả xét nghiệm của một cán bộ nghi nhiễm Covid-19 sau khi đi đám hiếu ở Bắc Giang.

Thông tin từ Bộ TN-MT cho biết, trong ngày 24/5, một cán bộ làm việc tại Tổng cục Quản lý đất đai khi đến trụ sở làm việc thì có các biểu hiện sốt nhẹ, đau họng. Trước đó, ngày 6/5, người này đã đi đám hiếu ở tỉnh Bắc Giang.

Bộ TN-MT đã nhanh chóng cách ly cán bộ nghi nhiễm Covid-19, đồng thời xác định các trường hợp tiếp xúc gần với người này, yêu cầu toàn bộ các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không ra khỏi cơ quan, hạn chế tiếp xúc và thực hiện biện pháp y tế theo quy định.

Trung tâm Y tế dự phòng Q.Nam Từ Liêm đã cử cán bộ đến khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm đồng thời đưa người nghi nhiễm đi cách ly theo quy định.

Hà Nội tìm người đến siêu thị Big C Thăng Long

VnExpress – Lực lượng chức năng phun khử khuẩn, trích xuất camera siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy) để tìm người tiếp xúc với ca nghi mắc Covid-19.

Đêm 24/5, bà Đỗ Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm y tế quận Cầu Giấy, thông tin, việc tạm dừng hoạt động siêu thị Big C do có một ca nghi mắc từng đến đây mua sắm ngày 22/5.

“Chúng tôi cùng với ban quản lý siêu thị trích xuất camera để điều tra dịch tễ, truy vết. Siêu thị không bị phong tỏa”, bà Hà nói.

Ca nghi mắc Covidd-19 là nam, 31 tuổi, trú tại chung cư Gelexia Riverside (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai). Anh làm cùng tầng với “bệnh nhân 5234” ở công ty T&T số 2A Phạm Sư Mạnh quận Hoàn Kiếm.

Ngày 22/5, anh này đi mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long từ 15h đến 17h30, có đeo khẩu trang. Hôm sau anh được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 24/5, CDC thông báo kết quả dương tính với nCoV. Tuy nhiên, trường hợp này chưa được Bộ Y tế công bố nên coi là ca nghi mắc.

Bác thông tin người Ấn Độ ngất ở siêu thị Big C Thăng Long

Trao đổi vớiZing tối 24/5, bà Đỗ Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết bệnh nhân từng đến siêu thị Big C Thăng Long là T.T.Đ. (trú tại toà CT1, chung cư Gelexia Riverside, quận Hoàng Mai). Người này làm cùng phòng với BN5243 (nhân viên của Công ty T&T).

Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy cũng khẳng định không có chuyện phong tỏa, siêu thị chỉ tạm dừng hoạt động để phun khử khuẩn và trích xuất camera. Lúc 23h30 tối 24/5, công tác phun khử khuẩn vẫn được thực hiện.

Về thông tin “người đàn ông Ấn Độ ngất, nôn ra máu trong siêu thị” được lan truyền trên mạng xã hội, bà Hà khẳng định đây là thông tin thất thiệt, không chính xác.

Bắc Ninh yêu cầu người dân không ra đường sau 20h

VnExpress – Các huyện Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành và TP. Bắc Ninh yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết và không ra đường sau 20h.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện đề nghị trên từ ngày 24/5, nhằm giảm thiểu tối đa lây lan dịch bệnh.

Người dân chỉ ra đường trong các trường hợp cần thiết như, thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về và phải có giấy xác nhận của cơ quan, doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các huyện Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành và TP Bắc Ninh thực hiện nghiêm việc “gia đình cách ly với gia đình; thôn xóm cách ly với thôn xóm”.

Đến tối 24/5, Bắc Ninh ghi nhận 505 ca trên tổng số 2.349 ca nhiễm trong cộng đồng ở cả nước tính từ ngày 27/4; trong đó riêng hôm nay ghi nhận thêm 31 ca nhiễm, chủ yếu ở trong các địa phương đang thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16.

Hiện nay Bắc Ninh cách ly xã hội TP. Bắc Ninh, huyện Quế Võ, Yên Phong và Thuận Thành; thị xã Từ Sơn, huyện Lương Tài, Tiên Du giãn cách theo chỉ thị 15.

Người Huế đổ ra sông Hương tắm

VnExpress – Nhiều người dân ở TP. Huế đổ ra sông Hương tắm giải nhiệt bất chấp lệnh cấm tập trung đông người của chính quyền.

Khoảng 16h30 ngày 24/5, đoạn sông Hương chảy qua Bến Me, gần cầu Dã Viên có hàng chục người dân nô đùa dưới sông Hương. Nhiều người dân chở theo con nhỏ mang theo áo phao, can nhựa, lốp xe xuống tắm.

Anh Lê Văn Quang, 37 tuổi, ở phường Tây Lộc cho biết, mấy hôm nay trời nắng nóng nên chiều tối anh dẫn con trai 6 tuổi ra sông Hương tắm giải nhiệt. Ngày nào, khu vực này cũng có hơn trăm người tắm. “Biết là có lệnh cấm tập trung đông người, song thói quen tắm sông Hương lúc trời nắng nóng không bỏ được. Tôi cũng không thấy lực lượng chức năng nhắc nhở gì”, anh Quang nói.

Cách bãi tắm ở Bến Me gần một km, khu vực công viên ở phường Kim Long cũng có hàng trăm người xuống sông Hương tắm. Nhiều người mang theo con nhỏ vui đùa giữa dòng nước. Trên con đường đi bộ dọc sông Hương mới hoàn thành, nhiều người dân cũng tập trung đạp xe, tập thể dục.

Sau 17h, khi trời tắt nắng, người dân đổ ra sông Hương càng đông. Nhiều nhóm thanh niên mặc áo phao, chèo thuyền sup ra giữa sông rồi nhảy xuống tắm. Ở gần bờ, nhiều em nhỏ được bố mẹ hướng dẫn tập bơi.

Trong đợt dịch thứ tư, Thừa Thiên Huế ghi nhận 5 ca Covid-19 cộng đồng. Địa phương liền kề là Đà Nẵng ghi nhận 152 ca, Quảng Trị 3 ca.

TP.HCM: Chìm tàu cao tốc trên sông Nhà Bè, 5 người vừa bơi vừa thổi còi kêu cứu

Thanhnien – Khoảng 19 giờ 20 phút ngày 24/5, các viên chức Cảng vụ Hàng hải TP.HCM đang trực ở bến tàu công vụ tại khu vực Q.7, TP.HCM bất ngờ nghe thấy tiếng còi và tiếng kêu cứu trên khu vực sông Nhà Bè.

Nhận định có người gặp nạn, ông Lê Đặng Minh Hiếu và ông Nguyễn Văn Hiếu (viên chức của tổ ca nô) sử dụng ca nô của đơn vị tách bến ra sông tìm kiếm. Sau đó, tổ tìm kiếm đã phát hiện và cứu vớt được 5 người mặc áo phao đang bơi trên sông Nhà Bè và đưa về bến tàu của cảng vụ.

Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cho biết phương tiện bị nạn là tàu cao tốc thủy nội địa, kết cấu bằng vật liệu composite do Công ty TNHH MTV Du lịch Sông xanh (Q.Tân Bình, TP.HCM) đăng ký chủ sở hữu.

Theo kết quả xác minh ban đầu, khoảng 18 giờ 45 phút, tàu rời bến ca nô sân golf Đại Phước (Đồng Nai) về bến Cù Lao Xanh (Q.7, TP.HCM), khi qua khu vực sông Nhà Bè thì va chạm với quả phao buộc tàu phía hạ lưu thuộc bến phao Phước Long 5.

Vụ tai nạn khiến tàu bị chìm ngay sau đó, thuyền trưởng và 4 hành khách mặc áo phao nhảy xuống sông và bơi về phía bến tàu công vụ, vừa bơi vừa thổi còi và kêu cứu rồi được lực lượng chức năng phát hiện và cứu nạn kịp thời.

Không công bố chi tiết lịch trình bệnh nhân COVID-19

VnExpress – Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị trực thuộc, không công bố danh tính, chi tiết lịch trình di chuyển và quá trình tiếp xúc của bệnh nhân COVID-19.

Theo yêu cầu của Bộ Y tế hôm 21/5, các đơn vị, địa phương chỉ công bố, khuyến cáo những điểm đến có nguy cơ về dịch tễ (nơi có người dương tính COVID-19), để người dân đã từng đến đây thực hiện ngay biện pháp tự bảo vệ mình và những người xung quanh.

“Các đơn vị chỉ đạo, quán triệt nhân viên y tế thực hiện nghiêm quy định tại Luật Khám chữa bệnh, không được tiết lộ bằng bất cứ hình thức nào thông tin cá nhân (danh tính, tuổi, địa chỉ…) của bệnh nhân mắc Covid-19”, Bộ Y tế nêu rõ và lưu ý các đơn vị cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, chính xác về diễn biến dịch bệnh, để người dân không chủ quan, nhưng không gây hoang mang, nhất là khi dịch bệnh bùng phát.

Trước đó, ngày 20/5, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản gửi Bộ Y tế, nêu rõ việc công khai danh tính và lịch trình di chuyển của nhiều bệnh nhân COVID-19 gần đây bộc lộ nhiều bất cập.

Những thông tin này được Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) các địa phương công bố, phần nhiều dựa vào khai báo của người bệnh, “khiến cho dư luận, cộng đồng bám theo bình luận, bàn tán, kỳ thị, xâm phạm đời tư, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của người nhiễm bệnh và cuộc sống, sinh hoạt của gia đình họ”. 

Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị và địa phương không công bố danh tính, chi tiết lịch trình di chuyển và chi tiết quá trình tiếp xúc của bệnh nhân Covid-19.

Bắc Giang: Thực hiện giãn cách xã hội toàn bộ huyện Yên Thế từ 0h ngày 25/5

Vtv – UBND tỉnh Bắc Giang vừa có quyết định thiết lập vùng cách ly y tế, cách ly xã hội đối với một số khu vực tại các huyện Lục Nam, Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế và Hiệp Hoà.

Theo đó, huyện Yên Thế, thực hiện giãn cách xã hội toàn huyện và thiết lập vùng cách ly xã hội đối với toàn bộ 4 xã: Xuân Lương, Canh Nậu, Đồng Tiến, Đồng Vương từ 0h, ngày 25/5.

Thiết lập vùng cách ly y tế đối với một phần thôn Đền Cô, xã Tam Hiệp từ 18h ngày 24/5 và thực hiện giãn cách xã hội toàn bộ xã Tam Hiệp từ 0h, ngày 25/5.

Huyện Lục Nam, thiết lập vùng cách ly y tế đối với:

Thôn Tó, xã Nghĩa Phương bắt đầu từ 23h ngày 22/5.

Trại Ruộng, xã Đông Hưng bắt đầu từ 23h ngày 22/5.

Huyện Việt Yên, thiết lập vùng cách ly y tế đối với một phần thôn Đầu (đoạn từ cổng nhà ông Tạo đến ngã ba nhà ông Quang), xã Tự Lạn từ 14h ngày 19/5.

Huyện Tân Yên, thiết lập vùng cách ly y tế đối với khu dân cư Bồ Đa, thôn Chung, xã Liên Sơn từ 11h30 ngày 24/5.

Huyện Hiệp Hoà, thiết lập vùng cách ly y tế, giãn cách xã hội đối với:

– Một phần thôn Quyết Thắng (Ngõ vào nhà bệnh nhân Nguyễn Phi Hiệp), xã Đồng Tân, huyện Hiệp Hòa và thực hiện giãn cách xã hội tại thôn Quyết Thắng, xã Đồng Tân từ 15h ngày 24/5.

– Thiết lập vùng cách ly y tế tại thôn Thống Nhất, xã Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang từ 17h, ngày 23/5.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm, ông Tập nói “TQ coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam”

Baochinhphu – Theo cổng thông tin của Chính phủ, ngày 24/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tại cuộc điện đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy mạnh mẽ nội lực. Trong quá trình này, Việt Nam mong nhận được sự hợp tác từ các nước trên thế giới trong đó có Trung Quốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, trong đó coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Đồng thời mời ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam.

Về phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam; mong muốn và sẵn sàng nỗ lực cùng Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển hơn nữa. Ông Tập cũng mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Trung Quốc.

Lãnh đạo Trung Quốc còn bày tỏ coi trọng sự quan tâm của Việt Nam đối với các dự án hợp tác song phương, đề nghị các bộ ngành, địa phương hai nước cần tích cực trao đổi, tạo cục diện hợp tác cùng có lợi; kiên trì nhận thức chung cấp cao, tích lũy kinh nghiệm, quản lý bất đồng, tăng cường hợp tác về vấn đề trên biển.”

Cán bộ xã ở Bà Rịa – Vũng Tàu chơi xóc bầu cua ăn tiền tại trụ sở

Vtc – Một đoạn clip lan truyền trên mạng ghi lại cảnh cán bộ xã chơi xóc bầu cua ăn tiền ở trụ sở Ban Chỉ huy quân sự xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Chiều 24/5, trả lời VTC bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch huyện Xuyên Mộc cho biết đã nắm thông tin ban đầu, tuy nhiên chi tiết vụ việc đang chờ văn bản báo cáo chính thức từ UBND xã Hòa Bình.

Bà Đài nói: “Vụ việc đã được UBND xã Hoà Bình báo cáo khẩn ngày hôm qua, nhưng chưa có văn bản báo cáo chính thức do hôm qua đang bận công việc bầu cử. Hiện tại huyện Xuyên Mộc vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức từ UBND xã Hoà Bình, nhưng quan điểm địa phương sẽ xử lý nghiêm vụ việc”.

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip dài 32 giây quay lại cảnh một nhóm cán bộ xã Hòa Bình chơi xóc bầu cua ăn tiền tại trụ sở Ban Chỉ huy quân sự xã Hòa Bình.

VTC News cho biết hình ảnh người mang áo thun xanh trực tiếp xóc dĩa bầu cua trong clip là ông L.V.Đ., Phó Chỉ huy Ban Chỉ huy quân sự xã Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc), người cởi trần cầm xấp tiền ngồi đánh với ông Đ. là ông N.H.T., Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Hoà Bình, cùng khoảng 4-5 người khác đang đặt cược và ngồi xem.

Sau khi đoạn clip được đăng tải đã thu hút nhiều lượt chia sẻ, bình luận của cộng đồng mạng.

Có hay không việc Bộ Lao động – thương binh và xã hội đề xuất mua 93 ô tô?

Tuoitre – Chiều 24/5, lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội, đã trả lời với báo chí về việc bộ này đề xuất mua 93 ô tô chuyên dùng phục vụ công tác gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Bà Nguyễn Thị Hà, thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội, cho biết thực hiện quy định của Chính phủ về “quy định, tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô”, đầu năm 2020 bộ này đã yêu cầu các đơn vị thuộc bộ rà soát, qua đó tổng hợp nhu cầu trang bị, mua sắm ô tô chuyên dụng phục vụ công tác trong những năm tới. Qua rà soát, kết quả tổng hợp các đơn vị có nhu cầu trang bị 93 ô tô chuyên dùng phục vụ công tác.

Khi nêu nhu cầu, các đơn vị cũng cập nhật luôn giá từng chiếc xe, nguồn kinh phí.

Theo đó, mỗi chiếc xe dự kiến mua sắm mới sẽ có giá 1 – 3,6 tỷ đồng/xe (tùy loại) và kinh phí mua xe sẽ lấy từ ngân sách nhà nước với đơn vị vẫn do ngân sách nhà nước cấp, hoặc tự chủ một phần; đơn vị đã tự chủ chi tiêu hoàn toàn sẽ tự bảo đảm kinh phí mua xe.

Bà Hà nói: “Việc rà soát nhu cầu các đơn vị là theo hướng dẫn. Các đơn vị tổng hợp nhu cầu sử dụng là cần từng đấy xe, nhưng cái này còn phải trao đổi, xin ý kiến của Bộ Tài chính. Kể cả khi Bộ Tài chính đồng ý, Bộ Lao động – thương binh và xã hội cũng không hẳn sẽ đề xuất mua một lúc mấy chục ô tô như vậy, và việc này còn phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Related posts