Hà Nội thêm 6 ca dương tính COVID-19
VnExpress – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội chiều 25/5 ghi nhận thêm ba người liên quan cụm lây nhiễm từ Công ty T&T và Times City, một liên quan Hưng Yên, hai liên quan Đà Nẵng, dương tính COVID-19.
Trong đó, ba người gồm nữ, 37 tuổi, ở đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình; nam, 32 tuổi, ở tòa CT4B, khu đô thị Đại Kim, Hoàng Mai; nữ, 42 tuổi, sống ở tổ 14, Việt Hưng, Long Biên; cùng làm việc ở tầng 5 tòa nhà T&T, ngày 25/5 xét nghiệm dương tính COVID-19.
Hai người là F1 của “bệnh nhân 3633” (vợ cựu giám đốc Hacinco), cùng sống ở Nhân Chính, Thanh Xuân, gồm nam, 16 tuổi và nữ, 67 tuổi. Họ được cách ly tập trung từ trước, ngày 24/5 xét nghiệm dương tính COVID-19.
Nam thanh niên 26 tuổi, ở Nhân Hiền, Hiền Giang, Thường Tín, là F1 của “bệnh nhân 4388” (liên quan chùm ca bệnh ở Thường Tín), đã cách ly tập trung, ngày 24/5 xét nghiệm lần 2 dương tính.
Các ca dương tính chưa được Bộ Y tế định mã, vì vậy xếp vào ca nghi nhiễm. Trưa 25/5, CDC Hà Nội ghi nhận 8 người thuộc chùm ca nhiễm tại Công ty T&T và Times City, 2 trường hợp đã cách ly, dương tính nCoV. Như vậy, tổng ca dương tính liên quan Công ty T&T và Times City là 29.
Tính đến 17h chiều 25/5, Hà Nội đã ghi nhận 140 ca mắc tại 20 quận huyện, gồm Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thường Tín, Gia Lâm, Đông Anh, Hà Đông, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Đan Phượng, Thạch Thất.
Kỷ lục, Bắc Giang ghi nhận 375 ca COVID-19, hơn 50.000 mẫu nguy cơ cao
Zing – Họp khẩn với Bộ Y tế chiều 25/5, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết, tình hình dịch tại địa phương vẫn diễn biến phức tạp, báo cáo về việc địa phương này vừa ghi nhận 375 ca dương tính COVID-19. Theo đó, trong khu vực phong tỏa, cách ly xã hội tập trung đông công nhân, lượng F1 lớn. Hiện trên địa bàn cách ly tập trung hơn 12.600 F1. Khu phong tỏa ở Việt Yên tập trung trên 60.000 công nhân ở 3 xã nên mật độ rất đông.
Ba ngày qua, lực lượng chức năng vừa tập trung lấy mẫu trên diện rộng, vừa bám vào các điểm có nguy cơ cao và số lượng F0 (mắc Covid-19) tăng lên rất nhanh. Hầu hết số F0 mới phát hiện đều là trường hợp được xác định là F1 trước đó.
Theo phân tích, số F0 này chủ yếu nằm trong diện F1. Tỷ lệ F1 âm tính thành dương tính rất cao khi công ty bị nhiễm đầu tiên ở KCN Vân Trung có tỷ lệ 79%. Còn tại Công ty Hosiden Việt Nam, tỷ lệ này là 55% (660 F0).
Toàn bộ công nhân tại Công ty Hosiden đã được cách ly riêng từ đầu. Đến nay 18 trường hợp trong khu dân cư bị lây nhiễm cộng đồng, đều liên quan tới công nhân mắc Covid-19 như người nhà, chủ nhà trọ.
Ngoài ra, từ ngày 24-25/5, Bắc Giang cũng ghi nhận thêm 3 nhân viên y tế làm nhiệm vụ bị lây nhiễm chéo, trong đó có 2 nhân viên y tế tuyến huyện và một nhân viên y tế ở tuyến xã.
Theo báo cáo của Bắc Giang, số bệnh nhân chắc chắn sẽ còn tăng, bởi hiện tại còn hơn 50.000 mẫu nguy cơ cao chưa có kết quả xét nghiệm. Với số mẫu này, Bộ trưởng Long chỉ đạo không tiến hành xét nghiệm gộp nữa, mà phải lấy mẫu test nhanh ngay tại chỗ, lập 100-200 điểm lấy mẫu để test nhanh.
Bắc Giang: Yêu cầu dân không ra khỏi nhà
Tuoitre – Ngày 25/5, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương có công văn hỏa tốc yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo ông Dương, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt đây là loại virus biến chủng mới rất nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh. Tại một số nước trên thế giới, bệnh nhân nhiễm loại virus này rất khó chữa trị, tỉ lệ tử vong cao.
“Đây là đợt bùng phát dịch đặc biệt nguy hiểm, thời gian còn kéo dài, vì vậy cần sự vào cuộc trách nhiệm của tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là ý thức thực hiện, chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch của người dân” – ông Dương nhấn mạnh.
Do đó, ông Dương yêu cầu các địa phương trong tỉnh chưa thực hiện cách ly xã hội (TP Bắc Giang, các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động) thì người dân không ra khỏi nhà, trừ trường hợp đi thực hiện công vụ, công nhân đi làm việc, đưa người đi cấp cứu, thành viên tổ COVID-19 cộng đồng đi kiểm tra, giám sát.
Nghiêm cấm người dân tụ tập nơi công cộng, kể cả tập thể dục. Các cơ quan, công sở, doanh nghiệp không sản xuất yêu cầu bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo chế độ luân phiên hoặc từ xa.
Người dân được phép ra đồng thu hoạch lúa, nông sản nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo phương thức gia đình nào thu hoạch của gia đình.
Các địa phương đã có quyết định cách ly xã hội thực hiện nghiêm các nội dung chỉ thị số 16 của Thủ tướng và các yêu cầu của ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương.
Cũng trong ngày 25/5, tỉnh Bắc Giang cũng quyết định cách ly xã hội 4 xã (Xuân Lương, Canh Nậu, Đồng Tiến, Đồng Vương) của huyện Yên Thế.
Hơn 9.000 học sinh phải cách ly, Bắc Giang đề xuất thi tốt nghiệp nhiều đợt
Vietnamnet – Theo đại diện Sở GD-ĐT Bắc Giang, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh có giáo viên, nhân viên và học sinh thuộc diện F0, F1, F2 và diện thuộc vùng phải cách ly, giãn cách xã hội, do đó việc tổ chức coi thi sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê đến hết ngày 22/5, Bắc Giang có 1 giáo viên cấp THPT mắc Covid; số cán bộ, giáo viên thuộc diện phải cách ly y tế là 1.516 (F1 là 111; F2 là 542; diện trong vùng cách ly, giãn cách là 863). Đối với học sinh lớp 12, có 9.147 em thuộc diện phải cách ly y tế (F0 là 1 học sinh; F1 là 141 học sinh; F2 là 2.586; diện trong vùng cách ly, giãn cách là 6.419).
Do đó, Sở GD-ĐT Bắc Giang đề nghị Bộ GD-ĐT, sớm có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo các đợt khác nhau. Trong đó ở các địa phương là điểm nóng, cần có đợt thi riêng cho đối tượng học sinh đang phải cách ly, hoặc ở trong khu vực phong tỏa.
Sở GD-ĐT cho hay, đưa ra đề xuất này bởi trên thực tế, năm 2020, kỳ thi cũng phải tổ chức đợt thi thứ hai và hiện, Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng nhiều phương án, trong đó có phương án tổ chức nhiều đợt thi.
Ca nghi mắc COVID-19 ghé qua, toàn bộ khu chợ nhộn nhịp với hàng trăm kiốt bị phong tỏa
Nld – Sáng 25/5, một lãnh đạo quận Hà Đông (TP. Hà Nội) xác nhận, quận này vừa lập rào chắn, phun khử khuẩn, cử lực lượng chức năng túc trực tại chợ Xanh Văn Quán (phường Phúc La) để phòng, chống dịch Covid-19, do có ca nghi nhiễm từng đến đây mua đồ.
Theo đó, ca nghi mắc này làm việc tại Công ty T&T (ở địa chỉ số 2A Phạm Sư Mạnh, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm). Ngay khi tiếp nhận thông tin, quận đã phong tỏa tạm thời chợ Xanh để khử khuẩn, phòng dịch và tiến hành truy vết. Thời gian cho phép chợ Xanh mở cửa hoạt động trở lại sẽ được thông báo sau.
Trước đó, liên quan đến trường hợp nghi mắc Covid-19 là người của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, kể từ 0 giờ ngày 25/5, Trung tâm thương mại BigC Thăng Long (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cũng đã đóng cửa tạm thời để thực hiện công việc khử khuẩn, phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Chùm ca bệnh liên quan đến Công ty T&T rất phức tạp, chưa rõ nguồn lây. Đến nay đã có 18 ca dương tính liên quan đến Công ty T&T và chùm ca bệnh 4 người trong gia đình ở Khu đô thị Times City.
Chợ Xanh Văn Quán là khu chợ nhộn nhịp với hàng trăm kiốt, gồm nhiều tiểu thương ở khắp mọi nơi, các tỉnh lân cận về đây buôn bán.
Bắc Ninh tăng 500 giường điều trị, thiết lập phòng ICU
VnExpress – Bắc Ninh nâng công suất giường bệnh tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 1 lên 500, thêm giường ICU, bổ sung vaccine Covid-19 đợt 3.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo chống dịch, 500 giường này để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ. Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ nhân lực triển khai thêm 50 giường hồi sức tích cực (ICU) tại Bệnh viện Đa khoa và 100 giường điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện dã chiến số 1, huyện Tiên Du.
Tính từ ngày 5/5 đến nay, Bắc Ninh ghi nhận 536 ca dương tính, trong đó 29 ca chưa được Bộ Y tế định mã bệnh nhân, tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh trên cả nước, sau Bắc Giang.
Tỉnh đã lập 3 bệnh viện dã chiến gồm bệnh viện dã chiến số 1, 300 giường đặt tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Du; Bệnh viện dã chiến số 2, 300 giường tại Trung tâm Y tế huyện Gia Bình và Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 3 tại trường Sĩ quan Chính trị, phường Vệ An, TP Bắc Ninh. Cả ba bệnh viện đều đã tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19.
Các bệnh viện khác trên địa bàn tiếp nhận bệnh nhân nặng như bệnh viện đa khoa tỉnh đang điều trị cho 34 bệnh nhân nặng trong khu ICU. Trong đó, “bệnh nhân 3760”, 67 tuổi ở Đạo Xá, Nghĩa Đạo, Thuận Thành phải thở máy xâm nhập và lọc máu liên tục, 30 bệnh nhân thở oxy, 3 ca thở máy oxy dòng cao. Bệnh viện Sản Nhi tiếp nhận bệnh nhân thuộc các chuyên khoa sản, nhi.
Bệnh viện Da liễu tổ chức tiếp nhận khám, theo dõi, điều trị, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm các trường hợp F1, tối đa 60 giường bệnh.
Trung tâm y tế các huyện Quế Võ, Yên Phong, Lương Tài, Từ Sơn bố trí mỗi đơn vị 50 giường bệnh. Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Sức khỏe tâm thần chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tiếp nhận khám, điều trị cho các trường hợp bệnh nhân F1 nghi mắc hoặc các trường hợp dương tính nhẹ trên địa bàn tỉnh.
Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch điều chỉnh đáp ứng phó với tình huống có trên 1.000 người mắc Covid-19, trong đó, dự kiến 25-30% ca nặng và 10% ca rất nặng; sẵn sàng cho kịch bản 30.000 ca mắc của Bộ Y tế.
Mưa 3 tiếng, bác sĩ bệnh viện ở Hóc Môn xắn quần lội nước khám bệnh
Tuoitre – Cơn mưa kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ sáng 25/5, khiến nhiều khu vực của Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, TP.HCM ngập lênh láng. Có nơi nước ngập quá đầu gối khiến việc thăm khám, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân gặp khó khăn.
Bác sĩ Đặng Quốc Quân – giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn – cho biết mưa kéo dài 3 tiếng đồng hồ (từ 7h30-10h30), Bị ngập nặng nhất là cổng ra vào bệnh viện, khu vực khoa cấp cứu, khoa khám bệnh, mực nước cao hơn đầu gối (khoảng 60-70cm); khu vực nội trú cao hơn nên ít bị ảnh hưởng hơn.
Trong tình trạng ngập sâu nhưng bệnh viện vẫn hoạt động bình thường. Các y bác sĩ phải đi ủng, hoặc xắn quần lên khỏi đầu gối, lội nước bì bõm tiếp nhận bệnh nhân vào cấp cứu, và xử lý các thủ tục thăm khám.
Để đề phòng chập điện gây tai nạn cho bệnh nhân đến khám, hoặc mất điện ở khu vực khám bệnh cần điện 24/24, bệnh viện chỉ còn cách xử lý kéo dây điện, máy móc lên cao. Các bệnh nhân cấp cứu sau khi xử trí sơ cứu ban đầu, đều được chuyển vào bên trong khu nội trú.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn là bệnh viện hạng 2, trực thuộc quản lý của Sở Y tế TP.HCM. Hiện nay một ngày bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân ngoại trú từ 1.000-1.200 người, còn nội trú khoảng 350 người.
Từ nhiều năm qua, bệnh viện luôn phải chịu cảnh ngập nước cục bộ khi có mưa lớn kéo dài.
Thiếu tướng, Phó tư lệnh Quân khu 9 bị cách chức
Ngày 25/5, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét, thi hành kỷ luật Thiếu tướng Trần Văn Tài, Đảng uỷ viên, Phó Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Quốc phòng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu.
Thiếu tướng Trần Văn Tài đã vi phạm Quy chế làm việc của Đảng uỷ Quân sự tỉnh Bạc Liêu, thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm pháp luật và quy định của Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, diễn tập và thực hiện quyết toán, sử dụng kinh phí trái quy định.
Vi phạm của Thiếu tướng Trần Văn Tài là rất nghiêm trọng. Xét nội dung, tính chất, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, quá trình công tác và những đóng góp của Thiếu tướng Trần Văn Tài cho Quân đội, địa phương nơi công tác. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Thiếu tướng Trần Văn Tài bằng hình thức cách chức.
Dân TP.HCM lội nước đi làm trong cơn mưa tầm tã suốt buổi sáng nay
Thanhnien – Cơn mưa từ sáng nay 25/5, kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ, ở nhiều địa phương khác nhau khiến nhiều tuyến đường tại TP.HCM tiếp tục ngập nặng. Mưa ngập vào giờ đi làm khiến giao thông nhiều nơi hỗn loạn và ùn tắc cục bộ.
Tại quận Bình Thạnh các đường bị ngập như Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, D5, Nguyễn Xí…Tại quận Gò Vấp các tuyến đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Cây Trâm…,Tại huyện Hóc Môn nhiều tuyến đường cũng bị ngập như Phan Văn Hớn, Song hành quốc lộ 22, Bà Triệu. Nhiều đường tại các quận 12, quận 2 cũng bị ngập do mưa.
Anh Nguyễn Văn Tài, sống trên con hẻm ở đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, cho biết cống thoát nước trong các hẻm ở đây gần như không có tác dụng mỗi khi có mưa lớn. “Một trận mưa lớn là con hẻm này biến thành một biển nước do nhiều tuyến đường được nâng cấp cao lên nhưng cống thoát nước thì vẫn giữ nguyên hiện trạng như cũ khiến nước không thể thoát kịp”, anh Tài ngao ngán.
Trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), ngập sâu quá nửa bánh xe, nặng nhất tại đoạn chợ Tân Hưng khiến việc đi lại cũng như buôn bán của người dân gặp nhiều khó khăn.
Một tiểu thương tại đây cho biết cứ mưa là ngập bất kể ngày đêm. Mưa nhỏ thì nhanh rút, mưa lớn kéo dài thì phải đóng cửa tiệm, nghỉ bán chứ xe cộ đi vào là chết máy, chẳng ai đến mua.