An Chi
Theo TS. Huỳnh Thế Du, điểm mạnh của những người nổi tiếng là kêu gọi tài trợ. Song, họ lại không có lợi thế trong việc giải ngân số tiền huy động được. Do vậy, cách thức hợp lý nhất là nên để các tổ chức cộng đồng chuyên nghiệp làm việc này.
Tình thế “tiến thoái lưỡng nan”
Câu chuyện nghệ sĩ Hoài Linh và gần 14 tỷ đồng tiền người hâm mộ ủng hộ cho hoạt động cứu trợ, hỗ trợ cho đồng bào lũ lụt miền Trung đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận thời gian gần đây.
Bên cạnh những ý kiến sự tin tưởng của dành cho ông, nhiều quan điểm cũng tỏ thái độ không hài lòng, thậm chí là bức xúc trước cách làm việc của Hoài Linh khi đến thời điểm hiện tại đã 6 tháng trôi qua nhưng số tiền lớn mà bà con đang rất cần lại vẫn nằm trong ngân hàng.
Chia sẻ về quan điểm cá nhân về vấn đề này, TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công Trường ĐH Fulbright VN cho rằng, Hoài Linh và những trường hợp tương tự đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc giải ngân số tiền từ thiện huy động được.
“Lúc bão lũ xảy ra, khí chất hào hiệp nổi lên nên khiến Hoài Linh kêu gọi quyên góp mà không tính đến việc giải ngân hay phân phát số tiền này như thế nào. Trong khi đó, đây là một công việc rất phức tạp”, ông Du nhìn nhận.
Theo vị chuyên gia này, việc phân phát hay giải ngân số tiền huy động được của những người nổi tiếng này chỉ là một công việc làm thêm, trong khi họ phải tập trung vào hoạt động nghệ thuật. Có công việc không thể không làm, trong khi việc làm từ thiện có thể trì hoãn
Với các tổ chức chuyên nghiệp họ cần phải dùng một khoản đáng kể trong số tiền huy động được để chi cho việc giải ngân hay phân phát cho các đối tượng người dân được hưởng. Trong khi đó, về nguyên tắc, những khoản quyên góp của Thủy Tiên hay Hoài Linh phải chi toàn bộ cho các đối tượng thụ hưởng và họ phải bỏ công, bỏ của của chính mình để đi làm việc này.
Mặt khác, việc tính toán để chia số tiền này cho người dân một cách hợp lý cũng rất nan giải. Ngay cả phát tiền theo cảm tính cho nhanh mà ca sỹ Thủy Tiên đã làm cũng là một gánh nặng rất lớn khi cô phải hứng chịu không ít điều tiếng về việc này.
“Mất công, mất của và có thể phải mang tiếng khi những người nổi tiếng đứng ra làm từ thiện. Tự mình làm thì không xuể mà giao cho người khác thì không dám. Đây là sự lãnh nợ tự nguyện – một trong bốn cái dại mà dân gian đã tổng kết. Do đó, thể đoán được khả năng nhụt chí và không nhiều người mặn mà với việc này trong thời gian tới là rất cao.
Nhiều người làm một lần sẽ sợ mãi. Phan Anh đã không kêu gọi quyên góp với tư cách cá nhân nữa. Tôi không chắc Thuỷ Tiên có tiếp tục sau lần này không. Tuy nhiên, ngay cả khi cô ấy tiếp tục thì cũng bị dấy lên các câu hỏi, trong đó có e ngại về việc không đúng người, đúng việc”, ông Du chia sẻ.
Cách thức làm từ thiện cần thay đổi
Từ thực trạng trên, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, cách thức làm từ thiện như hiện tại rất không ổn. Việt Nam cần có những cách từ thiện chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Điều này cần phải có cơ chế và khung pháp lý để phát huy vai trò của cộng đồng hay cả xã hội. Trong đó, luật về hội là một nền tảng cơ bản.
Thêm vào đó, khi xã hội phát triển thì nhu cầu tham gia vào các vấn đề xã hội của người dân, nhất là tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng. Cách tốt nhất là các cơ quan nhà nước cần tạo ra hành lang và cơ chế để người dân có thể tham gia vào các vấn đề của đất nước một cách tích cực. Đây là một cải cách hay phát triển thể chế cần thiết ở Việt Nam.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Du cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế để phát huy vai trò của cộng đồng. Cách thức mà Phan Anh hay Thuỷ Tiên làm thời gian vừa qua đã huy động được số tiền rất lớn, làm từ thiện rất nhanh chóng và đơn giản. Tuy nhiên, việc chi hết số tiền đó theo đúng mục đích mất rất nhiều công sức.
Đối với công tác từ thiện, điểm mạnh của những người nổi tiếng là kêu gọi tài trợ. Song, họ không có lợi thế trong việc giải ngân số tiền huy động được. Do vậy, cách thức hợp lý là họ trở thành đại sứ cho các tổ chức chuyên làm từ thiện như ở nhiều nước khác. Các tổ chức cộng đồng chuyên nghiệp sẽ chịu trách nhiệm phân phát số tiền nhận được.
Đáng tiếc là điều này chưa thể phát huy tốt ở Việt Nam do vai trò của cộng đồng chưa được đặt đúng vị trí và hành lang pháp lý chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, xã hội dường như vẫn đợi các tổ chức đoàn thể chính thức năng động hơn, minh bạch hơn và đổi mới cách thức hoạt động, ông Du nhận định.