Minh Ngọc
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington đã công bố một báo cáo, trong đó cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đạt được “đòn bẩy cưỡng chế” – về bản chất là tống tiền – đối với các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh nhờ vào chiến lược của gã khổng lồ viễn thông Huawei trong việc cung cấp một lượng lớn dung lượng lưu trữ Internet cho hàng chục chính phủ với mức giá chiết khấu.
Báo cáo có tiêu đề “Chiến lược đám mây toàn cầu của Huawei – Quan hệ kinh tế và chiến lược”, biểu thị nỗ lực của Huawei trong việc bán dịch vụ lưu trữ đám mây đi kèm với các dịch vụ quản trị và phần cứng máy tính cho 41 quốc gia.
Theo Freedom House, hầu hết các quốc gia khách hàng tham gia 70 giao dịch khác nhau với Huawei đều được phân loại là “không có tự do”, “tự do một phần”, và CSIS nhận định rằng, về cơ bản họ có thiện cảm với ý thức hệ với chế độ độc tài Trung Quốc. Ngoài ra, phần lớn khách hàng của Huawei đều ở châu Á hoặc châu Phi cận Sahara và được phân loại là các quốc gia có “thu nhập trung bình”.
CSIS nhận thấy đây cũng là những đặc điểm chính của các nền kinh tế mới nổi đã mua chương trình “Thành phố An toàn” của Huawei – trên thực tế là các hệ thống giám sát điện tử và video khổng lồ.
Nói tóm lại, các quốc gia này đang phát triển thịnh vượng hơn, nhưng cũng độc tài hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về các công cụ cần thiết để duy trì hệ thống chính quyền của họ.
Các tác giả báo cáo của CSIS lo lắng về “quan hệ thương mại và chiến lược” của việc Huawei trở thành một “ông lớn” trong cơ sở hạ tầng điện tử của các nền kinh tế mới nổi, cho dù hiện nó vẫn là một tên tuổi tương đối nhỏ trong thị trường lưu trữ đám mây quốc tế nói chung.
Vị trí thống trị của Huawei có thể giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) định hình văn hóa chính trị của các nền kinh tế đang phát triển này qua việc ngăn chặn “từ trong trứng nước” bất kỳ xu hướng tự do hóa nào nhen nhóm nhờ sự thịnh vượng ngày càng tăng.
CSIS cũng lưu ý rằng, các quốc gia “không có tự do” này cũng cung cấp cho Huawei và lãnh đạo gạo cội trong Đảng Cộng sản cơ sở thử nghiệm nhằm phát triển các hệ thống giám sát và kiểm soát vốn bị coi là phi đạo đức ở thế giới phương Tây. Điều đó có thể chuyển thành lợi thế cạnh tranh trong tương lai cho Huawei so với các nhà cung cấp chính phủ điện tử của Mỹ và Châu Âu.
Báo cáo nêu rõ: “Trong cuộc cạnh tranh này, các nền kinh tế đang phát triển được coi là cơ sở thử nghiệm, có nhu cầu lớn mạnh, lại ít rào cản [để Huawei] thâm nhập hơn và ít bị giám sát hơn so với các nền kinh tế phát triển.”
Huawei đang thâm nhập chủ yếu vào các nước nghèo và kém phát triển hơn, và họ tuyên bố đã chiếm lĩnh thành công các thị trường này (cho dù không có nguồn kiểm chứng độc lập nào). Hàng loạt các gói phần cứng và phần mềm của Huawei đã thu hút các quốc gia đang phát triển vốn khao khát cơ sở hạ tầng điện tử, và hấp dẫn hơn nữa là nguồn cung tài chính thông qua các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc.
“Trong hầu hết mọi trường hợp có thể xác định được nguồn tài chính, thì một tổ chức tài trợ của Trung Quốc được coi là nguồn cung cấp. Các nguồn tài chính phổ biến nhất, không có gì đáng kinh ngạc, chính là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc – hai ngân hàng chính sách lớn nhất của Bắc Kinh. Trong một số trường hợp, có thể nói, các trung tâm dữ liệu về cơ bản là quà tặng của Trung Quốc [cho khách hàng],” CSIS cho biết.
Nguy cơ Trung Quốc phát triển “đòn bẩy cưỡng chế” đối với các quốc gia khách hàng của mình thông qua các gói phần cứng, lưu trữ và dịch vụ của Huawei do các lỗ hổng bảo mật đầy tai tiếng của Trung Quốc. CSIS điểm qua một số ví dụ về bảo mật yếu kém tại các cơ sở do Huawei xây dựng, các vấn đề nghiêm trọng về hiệu suất đối với các hệ thống của mình, các cáo buộc tham nhũng trong quá trình mua sắm và các trường hợp được ghi nhận về tin tặc Trung Quốc khuấy đảo khắp các hệ thống do Huawei bán cho các khách hàng nhà nước nghèo.
Báo cáo dự đoán, các nhân viên tình báo Trung Quốc thu thập thông tin có giá trị từ hệ thống của Huawei, có thể được sử dụng để tác động đến các nền kinh tế đang phát triển hoặc đe dọa chính phủ của họ tuân thủ các mục tiêu chính sách của Trung Quốc.
Bình luận về báo cáo này, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ News (VOA) hôm thứ Sáu (28/5) nhận định rằng luật pháp Trung Quốc khiến cho hầu hết các công ty đều phải hoàn toàn chịu sự quản lý của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) cũng như các cơ quan tình báo của họ, đồng thời phải cam kết bảo vệ nhà nước Trung Quốc – sẵn sàng phản bội khách hàng của mình để hợp tác với cái gọi là “nỗ lực tình báo quốc gia”.
CSIS còn tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách và tập đoàn của Hoa Kỳ cùng các đồng minh đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt nhằm giành giật các hợp đồng chính phủ điện tử và lưu trữ đám mây từ các nước đang phát triển. Theo CSIS, cần phải loại bỏ các rào cản quy định khiến các nhà cung cấp dịch vụ đám mây phương Tây gặp bất lợi, đồng thời tổng hợp các nguồn lực của họ để “mở rộng tài chính và cấp vốn cho cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo”.
“Cần phải hành động vì các quốc gia đang phát triển sẽ đóng một vai trò to lớn hơn nhiều trong các mạng toàn cầu trong thập kỷ tới,” CSIS cảnh báo. “Hoa Kỳ với lợi thế về điện toán đám mây có thể mang đến lợi ích cho nhiều nước đang phát triển hơn, thúc đẩy khả năng cạnh tranh của họ, đồng thời cũng hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ trong quá trình này.”
“Hoa Kỳ có trong tay những lựa chọn thay thế mạnh mẽ. Bây giờ họ phải cạnh tranh,” báo cáo kết luận, và ám chỉ những lợi thế cạnh tranh đó có thể sớm bị mất đi nếu Hoa Kỳ chờ đợi quá lâu để thực hiện bước phân khúc các quốc gia đang phát triển.
Minh Ngọc (Theo Breitbart)