Vũ Dương
Nền kinh tế quốc gia và hệ thống ngân hàng Myanmar đã rơi vào tình trạng tê liệt kể từ khi cuộc đảo chính quân đội vào tháng Hai, SCMP cho hay.
Sinh kế của người dân đã mất sau các cuộc đình công và đóng cửa nhà máy, giá nhiên liệu tăng vọt và những người may mắn có chút tiền tiết kiệm thì phải xếp hàng cả ngày để rút lấy tiền mặt.
Theo một nhóm giám sát địa phương, ra đường kiếm sống cũng trở nên nguy hiểm trong bối cảnh chính quyền quân đội đàn áp bừa bãi và tàn bạo đối với những người bất đồng chính kiến . Kể từ cuộc đảo chính, hơn 800 thường dân đã bị giết chết.
Chương trình Lương thực Thế giới đã cảnh báo, trong những tháng tới, hàng triệu người Myanmar sẽ bị đói.
Cô Aye Mar, một người mẹ 7 con ở Yangon cho biết: “Chúng tôi phải cho con mình ăn để chúng không bị chết đói”. Cô cùng chồng mình phải làm bất kỳ công việc nào, dù là đào bể phốt để kiếm sống.
Wah Wah, một người bán hàng rong cho hay, từ khi có cuộc đảo chính, giá cả tăng lên khiến khách hàng không thể mua cả những món đồ rẻ tiền nhất. Cô nói “Tôi không thể bán hàng bởi vì khách hàng không thể mua… ngay cả khi tôi bán bát cá khô với giá 500 kyats (7000 đồng) một tô. Mọi người phải tiêu tiền cẩn thận vì không ai có việc làm. Chúng tôi sống với nỗi sợ hãi vì không biết điều gì sẽ xảy ra”.
Win Naing Tun, cha của ba đứa trẻ cho biết những người trước đây đủ tiền ăn thịt lợn đã buộc phải chuyển sang ăn cá và rau. Còn những người trước đây vốn đã ăn uống kham khổ thì nay chỉ có thể ăn cơm với muối trắng, anh cho biết.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới, giá cả tăng đã ảnh hưởng đến các khu vực hẻo lánh khó khăn – gần biên giới Trung Quốc ở bang Kachin, gạo đã đắt hơn gần 50%. Chi phí vận chuyển sản phẩm từ các trang trại đến thành phố cũng đã tăng vọt sau khi giá nhiên liệu ước tính tăng 30% kể từ cuộc đảo chính.
Chương trình Lương thực Thế giới ước tính rằng trong vòng sáu tháng tới, sẽ có thêm 3,4 triệu người nữa bị đói ở Myanmar và tổ chức này đã sẵn sàng tăng gấp ba lần hỗ trợ lương thực khẩn cấp.
Cô Ni Aye, 51 tuổi, cho biết cô và chồng hiện không có thu nhập gì cả và sống phụ thuộc vào những tờ tem phát thức ăn. Cô nói “Chúng tôi đang gặp khó khăn… Nếu tình trạng này tiếp tục, chúng tôi sẽ chết đói”. Aung Kyaw Moe, 47 tuổi, đang cân nhắc trở về quê nhà sau khi nhà máy ở Yangon mà anh làm việc đóng cửa. Anh nói mình không có tiền tiết kiệm và tuyệt vọng không biết làm gì để hỗ trợ gia đình chín người nhà của mình.
Anh nói: “Mọi thứ đều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”.