Phạm pháp “động trời” của nguyên Chủ tịch TP Trà Vinh

Nguyên Chủ tịch TP Trà Vinh Diệp Văn Thạnh cùng đồng phạm là nhóm cán bộ Phòng Tài Nguyên-Môi Trường Trà Vinh, câu kết với «cò đất» trục lợi từ các chính sách ưu đãi, gây thất thoát ngân quỹ hơn 70 tỉ đồng

Nguyên chủ tịch và phó chủ tịch TP. Trà Vinh bị bắt giam

Diệp Văn Thạnh (nguyên Chủ tịch TP Trà Vinh), và Trần Trường Sơn (nguyên Phó Chủ tịch TP Trà Vinh).

Tòa án tỉnh Trà Vinh đã truy tố Diệp Văn Thạnh (nguyên Chủ tịch TP Trà Vinh), Trần Trường Sơn (nguyên Phó Chủ tịch TP Trà Vinh).

Ngoài ra, tòa án tỉnh Trà Vinh còn truy tố các cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường TP Trà Vinh, gồm: Lê Hữu Lễ (nguyên trưởng phòng), Nguyễn Văn Chiến (nguyên trương phòng) Lý Kiến Trung (nguyên phó trưởng phòng), Trần Thanh Sơn, Nguyễn Trọng Nghĩa (nguyên chuyên viên); Trần Mười, Trần Thanh Vũ, Huỳnh Công Chức, Lê Hoàng Anh (“cò đất”), Trầm Ngọc Long (nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Ngọc Long) và 5 người khác.

Trong đó, ông Diệp Văn Thạnh bị cáo buộc là chủ mưu, cầm đầu.

Tháng 7-2009, ông Diệp Văn Thạnh giữ chức Phó chủ tịch TP Trà Vinh chuyên quản lý đô thị, Tài Nguyên-Môi Trường… Khi thị xã Trà Vinh được công nhận là Thành Phố Trà Vinh, ông Thạnh chỉ đạo cấp dưới: Thạnh, Trường Sơn, Chiến, Lễ, Trung, Thanh Sơn và Nghĩa ban hành văn bản để miễn giảm tiền sử dụng đất trái với Quyết định 118 của Thủ tướng. 

Quyết định đó như sau: “Việc xem xét hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở phải dựa trên kiến nghị của phường, xã nơi người đó cư trú và được quận, huyện xác minh lại trước khi trình lên tỉnh quyết định. Hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất phải có biên bản xác minh thực địa…”. 

Tuy nhiên, ông Thạnh vẫn ký 2 công văn chỉ đạo Phòng Tài Nguyên-Môi Trường, Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi cục Thuế thực hiện sai quy định.

Cụ thể ông Thạnh ra lệnh chỉ cần phường xã, quận huyện xác nhận. Việc này đã tạo điều kiện cho cán bộ Phòng Tài Nguyên-Môi Trường câu kết với cò đất lợi dụng chính sách ưu đãi, sự khó khăn của “gia đình chính sách”. (Gia đình chính sách là những gia đình khó khăn được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước) trục lợi bằng cách làm hồ sơ hợp thức hóa cho chủ đất.

Trong thực tế không hề có việc mua bán cho tặng nhưng chủ đất đã thông qua “cò” tìm đến các gia đình chính sách làm hợp đồng “khống” chuyển nhượng hoặc tặng cho đất để các gia đình chính sách này đứng tên đất. Từ đó, hợp thức hóa từ “đất không phải là đất ở” thành “đât ở” và được miễn, giảm tiền sử dụng đất từ 65-100%.

Sau đó tiếp tục lập một hợp đồng mới để chuyển quyền sở hữu đất trở lại cho chủ đất cũ hoặc sang người khác đứng tên.

Diệp Văn Thạnh và Trần Trường Sơn đã ký 313 hồ sơ miễn giảm sai như vậy, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 69,3 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, “cò đất”, chủ đất cấu kết với cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường TP Trà Vinh là Trần Mười thực hiện 49 hồ sơ, thu lợi hơn 575 triệu đồng; Trần Thanh Vũ thực hiện 11 hồ sơ, thu lợi 70 triệu đồng; Huỳnh Công Chúc thực hiện 20 hồ sơ, hưởng lợi 64 triệu đồng…

Cấu kết với cò đất

Do quen biết từ trước, Long biết Trung đang làm việc tại Phòng Tài Nguyên-Môi Trường, là lãnh đạo của cơ quan chuyên xét hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất và quen biết nhiều với “cò đất”. Từ đó, Long và Trung kết hợp với nhau. Trung giới thiệu “cò đất” tìm được người ghép nối hồ sơ, hợp thức hóa chuyển mục đích sử dụng đất bằng chính sách ưu đãiđể Long không phải đóng tiền sử dụng đất cho nhà nước.

Cụ thể, vào năm 2017, Trầm Ngọc Long nhờ Lý Kiến Trung hợp thức hóa chuyển mục đích sử dụng đối với 5 thửa đất trồng cây lâu năm sang đất ở đô thị với số tiền hơn 3,1 tỉ đồng. Trung gợi ý cho Long tìm Trần Thanh Vũ để bàn bạc. Cả hai thống nhất chi phí chuyển đổi 2 thửa đất là 100 triệu đồng, các loại thuế phí, Long tự đóng. Vũ tìm 2 gia đình chính sách bà Trương Thị X. (ngụ TP Trà Vinh) và bà Nguyễn Thị C. (ngụ huyện Càng Long) làm thủ tục chuyển nhượng khống qua lại để Long hưởng lợi số tiền gần 850 triệu đồng.

Để hợp thức hóa 2 thửa đất rộng 300 m2 tại khóm 1, phường 8, TP Trà Vinh, Trung giới thiệu “cò đất” Vũ đến gặp Long trao đổi. Sau khi thống nhất tiền hợp thức hóa 2 thửa này là 100 triệu đồng, Vũ tìm được 2 gia đình chính sách là bà T.T.X (79 tuổi; ngụ xã Long Đức, TP Trà Vinh) và bà N.T.C (75 tuổi; ngụ huyện Càng Long) làm thủ tục chuyển nhượng khống cho bà X. và bà C. đứng tên.

Sau đó, bà X. và C. làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và được miễn 846 triệu đồng thuế. Khi hoàn thành, Nhận sổ đỏ xong, Long đưa cho Vũ 100 triệu đồng. Vũ đã đưa cho bà X. và bà C. mỗi người 30 triệu đồng, đưa Trung 10 triệu đồng, còn lại 30 triệu đồng Vũ tiêu xài cá nhân.

Tiếp tục, Trung giới thiệu “cò đất” Mười đến gặp Long để bàn bạc hợp thức hóa 2 thửa đất số 92 (tại khóm 1, phường 8, TP Trà Vinh) và thửa đất 541 (khóm 2, phường 6, TP Trà Vinh). Hai bên tìm gia đình chính sách ghép hồ sơ miễn giảm tiền sử dụng đất với 2 thửa đất trên với chi phí 70 triệu đồng đối với thửa 541 và 50 triệu đồng đối với thửa 92.

Mười đã tìm gặp bà T.T.V (77 tuổi; mẹ liệt sĩ, ngụ huyện Cầu Ngang) và bà N.T.T (80 tuổi; vợ liệt sĩ, ngụ xã Long Đức) làm thủ tục chuyển nhượng khống, hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất cho Long và được miễn tiền sử dụng đất tổng cộng 2 thửa là 1,85 tỉ đồng. Thực hiện xong 2 hồ sơ, Long đưa cho Mười 120 triệu đồng, Mười đưa cho Trung 13 triệu đồng.

Gây thiệt hại hơn 69,3 tỉ đồng

Theo cáo trạng, từ năm 2009-2018, bị can Diệp Văn Thạnh, Trần Trường Sơn cùng nhóm nguyên cán bộ Phòng Tài Nguyên-Môi Trường thực hiện việc miễn, giảm tiền sử dụng đất cho người có công với cách mạng trái với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính và UBND tỉnh Trà Vinh. Việc này tạo điều kiện cho chủ đất và “cò đất” lợi dụng và trục lợi chính sách ưu đãi. Theo đó, chủ đất thông qua “cò” tìm đến gia đình chính sách làm thủ tục hợp đồng chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất khống (không mua bán hoặc tặng cho thật) để gia đình chính sách đứng tên. Từ đó, hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ đất không phải là đất ở để được nhà nước miễn, giảm tiền sử dụng đất từ 65-100%. Sau khi hợp thức hóa thì tiếp tục lập hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất không thật trở lại cho chủ đất cũ hoặc chuyển sang người khác đứng tên nhằm không đóng tiền thuế chuyển mục đích sử dụng. Bị can Diệp Văn Thạnh và Trần Trường Sơn đã ký tổng cộng 313 hồ sơ miễn giảm sai, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 69,3 tỉ đồng.

Ông Thạnh trực tiếp ký 39 hồ sơ, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng. 

Ông Trần Trường Sơn đã trực tiếp ký 276 hồ sơ, gây thiệt hại hơn 60 tỉ đồng… 

Biệt thự “khủng” không phép ở Đồng Nai: Bất ngờ với phát ngôn của chủ biệt thự!

Liên quan vụ biệt thự “khủng” xây dựng không phép trên đất nông nghiệp ở xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, ngày 26-4, ông Nguyễn Hoàng Nghĩa-Trưởng phòng Tài Nguyên-Môi Trường (Tài nguyên – Môi trường) huyện Long Thành cho hay biệt thự “khủng” xây trên đất nông nghiệp là của vợ chồng ông Phạm Văn Hà và bà Nguyễn Thị Bảo Lộc (ngụ khu phố Long Khánh 3, phường Tam Phước, TP Biên Hòa).

Trường hợp này đã bị địa phương lập biên bản và đình chỉ xây dựng trong năm 2020. Ông Nghĩa nói: “Xã An Phước báo lại và kiểm tra, từ lúc đình chỉ  tới nay công trình không có thi công. Phòng Tài Nguyên-Môi Trường đề nghị thực hiện nghiêm theo quyết định đình chỉ và xử lý theo quy định” -.

Với câu hỏi: “Tháng 4-2020, xã đã đề nghị huyện phạt vi phạm hành chính và khôi phục hiện trạng ban đầu, vậy phía huyện đã ra quyết định xử phạt hành chính chưa?”.

Ông Nghĩa chỉ trả lời huyện đã lập biên bản và đình chỉ thi công tuy nhiên lại không đưa ra văn bản chứng minh. Sau đó, ông Nghĩa đề nghị phóng viên để lại câu hỏi rồi sẽ trả lời bằng văn bản.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Hà-chủ biệt thự “khủng” xây không phép nói từ lúc xây dựng đến nay, công trình của ông không nhận được quyết định xử phạt hành chính nào (?!). Phía ông chỉ bị xã, huyện yêu cầu dừng xây dựng khi bị phát hiện xây nhà trên đất nông nghiệp vào tháng 3-2020.

Tuy nhiên, công trình khủng của vợ chồng ông Hà bắt đầu xây dựng từ tháng 10-2018, như vậy phải gần 1 năm rưỡi, xã mới kiểm tra, lập biên bản đề nghị huyện giải quyết.

Tuy nhiên, từ lúc xã đề nghị huyện phạt hành chính (tháng 4-2020) đến nay, xã và ông Hà (chủ biệt thự) vẫn chưa nhận được được quyết định xử phạt. (?!)

Ông Hà thừa nhận, sau khi bị xã yêu cầu ngừng xây dựng hồi tháng 4-2020, ông có dừng vài tháng nhưng sau đó lại tiếp tục cho xây cất. Tháng 4-2020, công trình đang làm dang dở, đến hiện tại, công trình đã xong phần thô, đang chuẩn bị hoàn thiện phần trang trí.

Chủ biệt thự phân trần: “Lúc đầu, tôi nghĩ đất của tôi là đất ở nông thôn thì cứ thông báo cho địa phương là được xây dựng thôi. Sau này, vấn đề chuyển mục đích sử dụng mấy tháng sau mình nộp cũng được. Lúc tôi làm biệt thự rồi mới biết (?!)”.

Ông Hà cho hay trước khi xây, ông cũng đã báo cho xã và huyện. Xã nói đất chưa chuyển mục đích sử dụng thì phải nộp hồ sơ lên huyện chuyển đổi cho đúng nguyên tắc. Còn việc xây dựng biệt thự thì do quen bạn bè nên cứ xây trước, nộp sau nên cũng có cái đúng cái sai.

“Tôi từng làm bí thư một xã (nay là phường) ở TP Biên Hòa, cái gì tôi cũng chuẩn mực không có lộn xộn gì đâu” – ông Hà khẳng định!

Ông bí thư xã Hà chạy xe ôm và buôn chổi đót nên mới có tiền để xây biệt phủ to hơn cái đình làng!!! Không lộn xộn mà còn xây lậu cái lâu đài to đùng như thế. Không biết lộn xộn thì xây tới cái gì. Đọc thêm

Đấu giá mỏ cát sông Tiền: “Không thể tin được”!

Khan hiếm cát trong xây cất khiến giá cát trên thị trường tăng vọt và tình trạng khai thác lậu cũng nở rộ trên các con sông ở miền Tây. 

“Không thể tin được” là nhận xét chung về tin mỏ cát trên sông Tiền (tỉnh An Giang) được một công ty ở Sài gòn mua với giá hơn 2.811 tỉ đồng qua đấu giá, trong khi giá khởi điểm chỉ có 7,2 tỉ đồng.

“Có gì đó sai sai”!

Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tỉnh An Giang tổ chức đấu giá công khai cát tại 2 mỏ cát trên sông Hậu xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú với giá khởi điểm 4,4 tỉ đồng và trên sông Tiền tại khu vực xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới với giá 7,2 tỉ đồng. 

Hai mỏ cát này ngưng khai thác nhiều năm qua, nay đấu giá để khai thác lại.

Đối với mỏ cát trên sông Hậu, giá khởi điểm 4,4 tỉ đồng, Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu (An Giang) trúng thầu với giá hơn 272,8 tỉ đồng, cao hơn giá khởi điểm ban đầu 62 lần, tương ứng 188.000 đồng/m3 cát.

19 doanh nghiệp xin khai thác mỏ cát sông Tiền. Cuối phiên đấu giá, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.HOME (P.Tân Phong, Q.7, SG) trúng đấu giá với số tiền trên 2.811 tỉ đồng, cao gấp 390 lần so với giá khởi điểm, tương ứng hơn 1,1 triệu đồng/m3 cát. 

Ông Trần Thanh Hải – chánh văn phòng Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang – cho biết mỏ cát trên sông Tiền có trữ lượng khoảng 3 triệu khối cát và mỏ cát trên sông Hậu trữ lượng khoảng 1,5 triệu khối cát. An Giang có trữ lượng cát lớn nhất khu vực ĐBSCL. Cát không những cung cấp cho tỉnh mà còn cho cả khu vực ĐBSCL nữa nên nguồn cát sông gần đây tăng giá và khan hiếm là khó tránh khỏi.

“Theo quy định của luật đấu giá, vài ngày nữa, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh sẽ trình tỉnh An Giang ký quyết định trúng đấu giá. Trong vòng 90 ngày, đơn vị trúng đấu giá phải nộp 50 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước. Sau đó, số tiền còn lại sẽ thu từng năm trong vòng 1/2 thời gian được cấp quyền khai thác” – ông Hải nói thêm.

“Đây là lần đầu tiên An Giang đấu giá khai thác cát sông được số tiền ‘khủng khiếp’ như vậy. Từ xưa đến giờ tôi chưa thấy lần đấu giá mỏ cát nào được số tiền lớn như vậy” – ông Hải khẳng định.

Điều này thật khó hiểu. 3 triệu khối cát, mà mua với giá 2.811 tỉ, tức gần 1 triệu đồng/m3 cát? 

Một bạn đọc phân tích: “Với trữ lượng 3.000.000m³ x 400.000 đồng/m³ (giá bán lẻ thuộc dạng khá cao) = 1.200.000.000.000 (Một ngàn hai trăm tỉ). Mà họ bỏ ra 2.811.964.203.800 (Hai ngàn tám trăm mười một tỉ, chín trăm sáu mươi bốn triệu, hai trăm lẻ ba ngàn, tám trăm đồng) để đấu giá là sao? Lấy 2.811 tỉ chia cho 3 triệu ra giá vốn gần 1 triệu/m3 cát chưa tính công khai thác”.

Với cách tính thông thường là lấy giá trúng thầu chia cho trữ lượng: “Trữ lượng 3 triệu khối. Nếu đấu giá 2.811 tỉ, vị chi 1 khối cát giá lên gần 1 triệu chưa tính chi phí khai thác. Không hiểu công ty này đấu giá vậy thì lấy gì ăn nhỉ, trong khi giá cát thị trường cao nhất 350.000 đồng/m3?”.

Những chi tiết ly kỳ như phim

Bà Đặng Nguyễn Hồng Châu – Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang (thuộc Sở Tư pháp An Giang) – cho biết, Trung tâm được tỉnh An Giang chọn để tổ chức đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền khối lượng 3 triệu m3 cát, giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng; mỏ cát trên sông Hậu trữ lượng 1,5 triệu m3 cát, giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng. Giá này do tỉnh An Giang ấn định.

Mỏ cát trên sông Tiền có 19 doanh nghiệp tham gia, trải qua 45 vòng đấu. Mỏ cát trên sông Hậu có 16 doanh nghiệp tham gia với 10 vòng đấu.

Đối với mỏ cát sông Tiền, cuộc đấu giá rất kịch tính khi các doanh nghiệp rượt đuổi đấu giá rất quyết liệt.

Tuy nhiên, đến vòng 30 chỉ còn 2 doanh nghiệp đấu giá là Công ty T.S Home và Công ty khai thác vật liệu Trầm Tích (cả 2 công ty này đều có trụ sở ở SG). Kết quả cuối cùng, Công ty T.S Home trúng quyền khai thác cát với giá 2.811 tỷ đồng.

Bà Châu nhận định về kết quả đấu thầu: “Cuộc đấu giá 2 mỏ cát sông đã đảm bảo tính độc lập, trung thực, công khai, khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích của người tham gia đấu giá và chủ tài sản được đấu giá. Chính nhờ cách làm đó đã mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách Nhà nước khi 2 doanh nghiệp trúng quyền khai thác 2 mỏ cát nộp trên 3.000 tỷ đồng cho địa phương”.

Theo bà Châu, khi tổ chức đấu giá, tài sản được đấu giá tăng cao so với giá khởi điểm hàng chục, hàng trăm lần là chuyện bình thường. Vì mục đích của trung tâm đấu giá là làm sao việc tổ chức đấu giá, nhất là tài sản công được thực hiện đúng quy định Pháp Luật và mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách Nhà nước.

Theo thông báo nói trên của Sở Tài nguyên và môi trường An Giang, giá bình quân mỗi mét khối cát trúng đấu giá lên đến hơn 1,18 triệu đồng. Một người chuyên cung cấp cát xây dựng cho các công trình giao thông cho hay đây là mức giá “không tưởng”.

“Không thể tin nổi” với kết quả đấu giá, nhiều người đặt dấu hỏi khi các cơ quan chức năng đưa ra mức giá khởi điểm quá thấp.

Đấu thầu như thế thì lợi cho công quỹ. Tuy nhiên sao lại đấu với giá cao ngất như thế? Một là phần thẩm định quá yếu kém, đưa giá đấu thầu bèo bọt. Hai là trữ lượng chưa được đánh giá toàn diện. Không khéo hút nhanh hút mạnh cho lại vốn thì câu chuyện sạt lở sẽ xảy ra.

Công ty nào trúng đấu giá?

Đơn vị trúng thầu là công ty T-S Home được thành lập ngày 23/1/2018 có trụ sở được nhìn thấy tại địa chỉ số 14, đường số 11, Khu dân cư Ven Sông, Phường Tân Phong, Quận 7, chỉ treo một tấm bảng nhỏ dài khoảng 2 gang tay ghi tên công ty. Tấm bảng khiêm tốn này nằm khuất dưới những chậu lan, cây cảnh xum xuê. Ngoài Công ty T-S Home, địa chỉ nói trên còn là trụ sở của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản

Công ty đăng ký 20 ngành, nghề kinh doanh, trong đó nghề kinh doanh chính là “giặt là, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú”. Vốn điều lệ 9 tỉ đồng, trong đó ông Hồ Quang Thái Dũng. (46 tuổi, ngụ Q.6) góp 5 tỉ đồng, bà Huỳnh thị Phượng (39 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) góp 4 tỉ đồng. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Dũng.

Công ty T-S.Home được sở KH-ĐT TP.HCM cấp đăng ký thay đổi 3 lần. Lần thứ nhất vào ngày 28.12.2018. Ngành, nghề đăng ký kinh doanh lúc này tăng thành 27 ngành, nghề. Các loại thuế phải nộp: thuế môn bài, thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

Lần 2 vào ngày 6.7.2020, Vốn điều lệ là 27 tỉ đồng, ông Dũng góp 23 tỉ đồng, bà Phượng góp 4 tỉ đồng.

Lần 3 cấp đăng ký thay đổi vào ngày 19.10.2020. Ngành nghề chính của công ty lúc này là “chuẩn bị mặt bằng, chi tiết: làm sạch mặt bằng xây dựng, đào, lấp, san và ủi tại các mặt bằng xây dựng…”. khoan thăm dò, khoan lỗ kiểm tra, lấy mẫu thử để kiểm tra về địa chất, vật lý.

Ngoài ra, công ty còn đăng ký hàng loạt ngành nghề khác trong lĩnh vực xây dựng, buôn bán máy móc, thiết bị phụ tùng, hoàn thiện công trình xây dựng, dịch vụ đóng gói…

Đáng lưu ý, doanh nghiệp này đăng ký tổng số nhân sự chỉ có 2 người.

Cửa nhà kín, khi gọi vào số điện thoại của công ty bất động sản T.L.P. thì có giọng người đàn ông trả lời: “Muốn hỏi thông tin Công ty T-S.Home cứ liên lạc lãnh đạo của họ. Còn đây là nhà tôi, tôi cho Công ty T-S.Home thuê một phần ở tầng trệt để làm văn phòng; còn việc làm ăn của họ thì làm sao tôi biết”.

Vì không tìm gặp được ông Dũng, giám đốc Công ty T-S.Home, chúng tôi tìm đến địa chỉ nhà ông này ở đường Hậu Giang (P.11, Q.6) để liên hệ. Tuy nhiên, người đàn ông (khoảng 50 tuổi), đang ở trong địa chỉ nhà này cho biết, ông Dũng có đăng ký hộ khẩu nhưng hiện không có ở đây.

“Dũng là cháu tôi. Tôi có cho Dũng nhập vào hộ khẩu nhà tôi. Hiện Dũng và vợ sống gần khu công nghiệp Pouyuen (Q.Bình Tân). Tôi cũng có nghe Dũng mở công ty nhưng không rõ làm lĩnh vực nào”, người đàn ông nói, rồi cho biết, ông không nhớ số điện thoại, không nhớ địa chỉ nhà Dũng. Không biết vụ mỏ cát này đi đến đâu. 

Coi chừng dính mưu mẹo mấy công ty bỏ thầu, để công ty mồi đẩy giá thật cao sau đó bỏ thầu để công ty kế giá cực thấp trúng thầu hoặc nếu trữ lượng thực tế không phải 3 triệu m3 mà là 30 triệu m3 thì 2.811 tỷ là quá rẻ.

Doanh nghiệp khai thác đến 30tr-40tr m³ mới có lãi, phải gấp ước tính ban đầu 15 đến 20 lần. Như vậy lòng sông sẽ thành vực thẳm, đất 2 bên bờ cứ thế mà lở thôi…

San Hà (tổng hợp)

Related posts