Tiểu Mai
Alexander Liao là một nhà báo nghiên cứu về các vấn đề quốc tế ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Ông đã có bài bình luận về phong trào mới của giới trẻ Trung Quốc khiến các quan chức của ĐCSTQ “đau đầu”. Bài viết được đăng tải trên tờ Epoch Times.
Những người trẻ tuổi ở Trung Quốc đại lục đang theo đuổi một phong trào ngày càng lan rộng gọi là tang ping, dịch theo nghĩa đen là “nằm yên”.
Phong trào này xuất hiện từ Internet. Bắt nguồn từ một bài đăng (hiện đã bị xóa) trên Tieba, trang diễn đàn nổi tiếng của Trung Quốc. Tác giả của bài đăng nói rằng anh ấy hạnh phúc vì đã không đi làm trong hơn hai năm. Thay vào đó, anh theo đuổi lối sống gọi là “nằm yên”.
Phong trào “nằm yên” phản đối những khát vọng truyền thống như làm việc, sự nghiệp, hôn nhân, tình bạn, nuôi dạy con cái và chủ nghĩa tiêu dùng. Cốt lõi của phong trào này chủ yếu là chi tiêu ít đi, bởi vậy bạn sẽ chỉ phải dành ít thời gian và năng lượng hơn để làm việc. Những người theo phong trào này tin tưởng rằng cố gắng, [nỗ lực trong cuộc sống] là vô nghĩa.
Các cộng đồng lấy cảm hứng từ phong trào “nằm yên” này đã bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc. Một nhóm “nằm yên” trên nền tảng mạng xã hội Douban đã thu hút khoảng 6,000 thành viên.
Truyền thông Trung Quốc lên án phong trào ‘nằm yên’
Tạp chí Bimonthly Talk của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gọi nhóm những người theo phong trào này là “gia tộc ngồi xổm”. Bài báo nói rằng sự xuất hiện của “gia tộc ngồi xổm” không chỉ đơn giản là do sự lười biếng và sa đọa của những người trẻ tuổi. Mà là kết quả của những tác động khác nhau như môi trường xã hội, gia đình và nhà trường. Nhiều chuyên gia đề nghị nên thông cảm và động viên, quan tâm hướng dẫn nhóm người này thay đổi quan niệm và giảm bớt áp lực cho họ.
Một bài báo trên tài khoản công khai của The Paper nói rằng, nếu “phong trào nằm yên” trở thành hiện tượng phổ biến trong giới trẻ, điều này sẽ tạo thành một thách thức nghiêm trọng đối với cấu trúc xã hội.
Một bài báo trên tờ Nhật báo Quảng Minh cho rằng “những người nằm yên” rõ ràng gây ra nhiều bất lợi đối với sự phát triển kinh tế và xã hội. Bài báo viết: “Hiện nay, sự phát triển kinh tế của đất nước ta đang phải đối mặt với những thách thức về nhiều mặt như dân số già, mục tiêu phát triển chất lượng cao không thể đạt được nếu không có sự đóng góp sáng tạo của những người trẻ”.
Mối đe dọa quốc gia về lớp thanh niên vô vọng
Triết lý và hành vi của “phong trào nằm yên” không chỉ có riêng ở Trung Quốc đại lục. Nhật Bản cũng có một trào lưu gọi là “đàn ông ăn cỏ”, chỉ những người đàn ông không quan tâm đến việc kết hôn hoặc không quyết đoán trong mối quan hệ với phụ nữ. Họ ăn tối ở nhà, làm việc ít, độc thân và không sinh con. Vào cuối những năm 60, Hoa Kỳ có những người hippies tương tự, họ từ chối các trách nhiệm truyền thống thông qua phong trào phản văn hóa.
Đối với Trung Quốc đại lục, nhiều học giả đưa ra một thuật ngữ để phân tích, gọi là Tiến hóa lùi (involution). Tiến hóa lùi đề cập đến trạng thái mà một hệ thống sinh thái hoặc xã hội không còn phát triển và bắt đầu sụp đổ từ bên trong, hay tự quay trở lại. Thuật ngữ này thực sự thích hợp với tình trạng hiện tại ở Trung Quốc đại lục.
Tiến hóa lùi đề cập đến toàn bộ xã hội Trung Quốc, một hệ thống khép kín tự sụp đổ. “Nằm yên” là lựa chọn của những thanh niên vỡ mộng sống trong một xã hội như vậy. Xã hội Trung Quốc là nguyên nhân và “nằm yên” chỉ là kết quả bên trong do ĐCSTQ khởi xướng.
Thay vì thực sự giải quyết các vấn đề xã hội, ĐCSTQ có xu hướng đảo lộn thị phi, gọi kết quả là nguyên nhân. Vào thời điểm bùng phát COVID-19 ban đầu, ĐCSTQ tập trung đàn áp các phương tiện truyền thông và những người tố giác để bảo vệ danh tiếng của Đảng thay vì hạn chế sự lây lan của virus. Việc ngăn chặn vi-rút cần phải thông báo cho công chúng, và chặn người Trung Quốc đi du lịch trong nước và quốc tế. Điều này lại không ăn khớp với yêu cầu “bảo vệ thanh danh” của ĐCSTQ. Thế giới đã thấy ĐCSTQ ưu tiên lựa chọn điều gì.
Phiên bản của “phong trào nằm yên” chắc chắn sẽ xuất hiện trong tất cả các xã hội, ở các mức độ khác nhau. Trong bất kỳ xã hội nào, nếu dân số trên quy mô lớn ngừng nỗ lực tiến bộ, kết quả chắc chắn sẽ là sự suy giảm của xã hội. Đây là lý do tại sao các nhà chức trách của ĐCSTQ lo lắng về phong trào đang nổi lên ở Trung Quốc này.
Hệ thống toàn trị của ĐCSTQ là một hệ thống chuyên quyền giỏi xử lý tình trạng thiếu hụt kinh tế và các cuộc khủng hoảng bất chợt, nhưng lại không giỏi trong việc quản lý một nền kinh tế đang phát triển mạnh hoặc các xu hướng xã hội.
Khi nền kinh tế thiếu hụt, ĐCSTQ có thể sử dụng tem phiếu thực phẩm để hạn chế công chúng tiêu thụ quá mức. Khi mọi người không thể tìm được việc làm hoặc không thể tồn tại, ĐCSTQ sẽ sử dụng các chỉ số tuyển dụng để hạn chế.
Nhưng khi một quốc gia không ở trong tình trạng khẩn cấp, thì ĐCSTQ khó có thể áp đặt quyền kiểm soát tập trung đối với mọi thứ. Nếu nhiều người muốn sống một cuộc sống thư giãn và không muốn phải vất vả làm việc, chính quyền không thể ép buộc công dân phải có tham vọng.
Vũ khí duy nhất của các nhà chức trách ĐCSTQ là các phương tiện truyền thông để gây ảnh hưởng đến dư luận. Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả đối với “phong trào nằm yên” này, vì nó bỏ qua những áp lực của thế giới bên ngoài.
Mối lo về một giới trẻ Trung Quốc “nằm yên” có thể là cơn đau đầu mới cho ĐCSTQ, hơn cả phong trào cuồng nhiệt đòi độc lập của Đài Loan và Hồng Kông.