Đại dịch viêm phổi Vũ Hán, còn được gọi là COVID-19, khởi phát đầu tiên tại Trung Quốc, nay đã kéo dài sang năm thứ 2 đã đẩy hơn 100 triệu người lao động trên toàn thế giới vào cảnh nghèo đói, Liên Hiệp Quốc cho biết 2/6, sau khi giờ làm việc giảm mạnh và khả năng tiếp cận việc làm chất lượng tốt đã bốc hơi, trang Phil Star cho hay.
Trong một báo cáo, Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc (ILO) cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch tạo ra còn lâu mới kết thúc, với việc việc làm sẽ không trở lại mức trước đại dịch cho đến năm 2023.
Báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới hàng năm của ILO chỉ ra rằng thế giới sẽ thiếu 75 triệu việc làm vào cuối năm nay so với khi đại dịch chưa xảy ra.
Giám đốc ILO Guy Ryder nói với các phóng viên: COVID-19 “không chỉ là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng mà còn là một cuộc khủng hoảng việc làm và con người”.
Báo cáo cho thấy tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ ở mức 205 triệu người vào năm 2022 – cao hơn nhiều so với con số 187 triệu vào năm 2019.
Nhưng tình hình còn tồi tệ hơn số liệu thất nghiệp chính thức cho thấy.
Nhiều người đã giữ được công việc của mình nhưng lại thấy thời gian làm việc của họ bị cắt giảm đáng kể.
Vào năm 2020, 8,8% số giờ làm việc trên toàn cầu đã bị mất so với quý 4 năm 2019 – tương đương với 255 triệu việc làm toàn thời gian.
Theo báo cáo, khi tình hình đã được cải thiện, số giờ làm việc trên toàn cầu còn lâu mới tăng trở lại và thế giới sẽ vẫn còn thiếu 100 triệu việc làm toàn thời gian vào cuối năm nay.