Liên Âu buộc các tập đoàn đa quốc gia công khai lợi nhuận
Trọng Thành
Áp lực đánh thuế lên các tập đoàn đa quốc gia gia tăng. Hôm qua, 01/06/2021, Nghị Viện Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu đạt « thỏa thuận chính trị », mở đường cho việc ra quyết định buộc các tập đoàn đa quốc gia phải công khai lợi nhuận. Việc công khai các khoản lợi nhuận sẽ giúp cho việc đánh thuế công bằng hơn. Tuy nhiên, nhiều tổ chức phi chính phủ, đảng phái chính trị tỏ ra thất vọng về thỏa thuận này.
Theo AFP, dự án nói trên bắt nguồn từ một sáng kiến của Ủy Ban Châu Âu, được trình ra vào năm 2016, dự kiến các tập đoàn đa quốc gia có doanh số hàng năm hơn 750 triệu euro buộc phải thông báo các khoản lợi nhuận, số lượng nhân viên, và số lượng thuế nộp tại các quốc gia thành viên Liên Âu, nơi công ty hoạt động, cũng như tại các vùng lãnh thổ nằm trong danh sách « các thiên đường thuế », theo Liên Âu.
Bồ Đào Nha, quốc gia chủ tịch luân phiên Hội Đồng Châu Âu cùng nhiều nhóm đảng phái chính trị của Nghị Viện Châu Âu, trong đó có các đảng Xã hội – Dân chủ và đảng Xanh, coi đây là một tiến bộ quan trọng, hướng đến việc đánh thuế công bằng hơn.
Theo bộ trưởng Kinh Tế Bồ Đào Nha, Pedro Siza Vieira, việc trốn thuế khiến Liên Âu thiệt hại khoảng 50 tỉ euro hàng năm. « Minh bạch là công cụ cần thiết và quan trọng, để chống lại nạn trốn thuế, thỏa thuận này là một bước tiến lớn » là nhận định của nghị sĩ đảng Xanh Liên Âu Damien Carême. Tuy nhiên, nhiều đảng phái khác chỉ trích thỏa thuận vừa đạt được. Nghị sĩ Manon Aubry, đảng cánh tả cấp tiến, bày tỏ thất vọng trước việc thỏa thuận này đã để lọt lưới hơn 80% quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thiên đường thuế nổi tiếng, như Bahamas, Thụy Sĩ hay quần đảo Caïmans, các khu vực mà doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải cung cấp bất cứ thông tin nào.
Nhiều tổ chức phi chính phủ, như Oxfam, Attac, CCFD-Terre solidaire, Anticor, Sherpa, Transparency International, tố cáo « một thất bại thực sự ».
Nghị Viện Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu đạt thỏa thuận nói trên vào thời điểm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) đang tìm kiếm một thỏa hiệp về đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia, theo đề xuất của tổng thống Mỹ Joe Biden, với mức thuế tối thiểu là 15%.
Kinh tế: Quan chức cao cấp Mỹ – Trung thảo luận lần hai trong vòng một tuần lễ
Trọng Thành
Lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần lễ, quan chức cao cấp phụ trách kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc đối thoại trực tuyến, vào ngày hôm nay, 02/06/2021, theo giờ quốc tế. Hai bên khẳng định đã có các trao đổi « thẳng thắn » về nhiều vấn đề, để ngỏ cánh cửa cho một số hợp tác. Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục căng thẳng, Washington đang hoàn thiện chiến lược mới với Trung Quốc, đối thủ « cạnh tranh chiến lược » của Hoa Kỳ.
Sau cuộc đối thoại trực tuyến giữa bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen và phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), bộ Tài Chính Hoa Kỳ ra thông cáo ngắn khẳng định bộ trưởng Yellen đã thảo luận với phía Trung Quốc về « kế hoạch của chính quyền Biden – Harris nhằm hậu thuẫn cho đà phục hồi kinh tế được tiếp tục mạnh mẽ và tầm quan trọng của hợp tác trong các lĩnh vực liên quan đến lợi ích của Hoa Kỳ, đồng thời thẳng thắn đề cập đến các vấn đề gây quan ngại ».
Bộ Tài Chính Mỹ cũng khẳng định bộ trưởng Yellen « hy vọng sẽ tiếp tục có các đối thoại trong tương lai với phó thủ tướng Lưu Hạc ».
Theo hãng tin Mỹ Blooberg, Tân Hoa Xã ra thông báo quan chức cao cấp hai nước « đã thẳng thắn trao đổi quan điểm về các vấn đề nằm trong lợi ích chung ». Tân Hoa Xã cho biết « hai bên khẳng định các quan hệ kinh tế Trung – Mỹ là rất quan trọng » và « mong muốn duy trì đối thoại ».
Đây là đối thoại cấp cao Mỹ – Trung lần thứ hai về kinh tế trong vòng chưa đầy một tuần. Thứ Năm 27/05, bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Katherine Tai có cuộc đối thoại trực tuyến với phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, nguyên phụ trách đàm phán trong các thương lượng Mỹ – Trung thời Donald Trump, nhằm tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Ngay trước khi đại dịch Covid bùng phát, tháng 1/2020, Mỹ Trung quyết định « hưu chiến » với thỏa thuận « giai đoạn 1 ». Bắc Kinh chấp nhận mua 200 tỉ đô la hàng hóa Mỹ bổ sung trong vòng 2 năm, nhằm giảm bớt tình trạng nhập siêu của Mỹ. Theo thỏa thuận này, về nguyên tắc, hai bên sẽ gặp nhau cứ 6 tháng một lần, để kiểm điểm tình hình. Tháng Tư vừa qua, tân chính quyền Biden thông báo muốn sơ kết lại việc Trung Quốc thực hiện các cam kết đến đâu.
Báo mạng Hồng Kông South China Morning Post cho hay, hiện tại chưa có thông tin gì cụ thể về các vấn đề hai bên đàm phán. South China Morning Post cũng dẫn lời trang mạng Taoran Notes, tỏ ý hoan nghênh việc Mỹ – Trung nối lại đàm phán thương mại, và việc hai bên cùng hướng đến các giải pháp mang tính thực tế. Taoran Notes được coi là một kênh phát ngôn của báo Economic Daily, do chính quyền Trung Quốc kiểm soát.
Truyền thông quốc tế cũng chú ý đến việc hai cuộc đối thoại trực tuyến Mỹ – Trung về kinh tế, thương mại, diễn ra đúng vào lúc ông Kurt Campbell, phụ trách điều phối về các vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia, hồi thứ Tư 26/05, nhấn mạnh là chiến lược « thúc đẩy hội nhập » của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã chấm dứt, giờ đây chiến lược chủ đạo là « cạnh tranh ».
Mỹ có nguy cơ bị khan hiếm thịt sau vụ tấn công tin tặc vào JBS
Thanh Phương
Hoa Kỳ có nguy cơ bị khan hiếm thịt sau vụ tấn công tin tặc đòi tiền chuộc hôm Chủ Nhật 30/05 nhắm vào tập đoàn Brazil JBS, đứng đầu thế giới về hệ thống lò mổ. Nhiều lò mổ tại Mỹ đã phải đóng cửa. Nhà Trắng tố cáo Nga đứng đằng sau các vụ tấn công này.
Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salves tường trình:
“ Những tin tặc đang đe dọa món burger của Mỹ dường như đóng tại Nga. Đó là khẳng định của Nhà Trắng. Trong cuộc họp báo, phát ngôn viên của phủ tổng thống Hoa Kỳ Karine Jean Pierre tuyên bố: “ Những quốc gia có trách nhiệm không nên chứa chấp các tác giả của những phần mềm tấn công tin học đòi tiền chuộc.”
Vụ tấn công tin tặc này đang làm tê liệt các máy chủ của tập đoàn Brazil JBS. Hôm qua, tập đoàn số một thế giới về sản xuất thịt đã thông báo đóng cửa 9 lò mổ ở Mỹ.
Các nhà máy khổng lồ này sử dụng đến 25.000 người và sản xuất 1/4 lượng thịt đỏ tiêu thụ ở Hoa Kỳ. Nguy cơ khan hiếm thịt bò tại quốc gia của món burger là hoàn toàn có thể xảy ra tại 8 bang có các nhà máy của JBS.
Vào tháng trước, một vụ tấn công tin tặc tương tự đã làm rối loạn nặng nề hệ thống phân phối xăng dầu, khiến tại một số bang, người dân phải xếp hàng dài chờ đổ xăng. Công ty quản lý đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline đã phải trả hơn 4 triệu đôla tiền chuộc để có thể phân phối xăng dầu trở lại. Hoa Kỳ cũng đã tố cáo thủ phạm của các vụ tấn công đó là những tin tặc đóng tại Nga.”
Covid-19 : Anh Quốc trước nguy cơ một làn sóng dịch mới
Trọng Thành
Hôm 02/06/2021, nước Anh trong vòng 24 giờ qua đã không có thêm một ca tử vong nào, lần đầu tiên kể từ tháng 7/2020. Tuy nhiên, giới y tế lo ngại một làn sóng dịch mới, trong bối cảnh nước Anh chưa hoàn toàn ra khỏi đợt phong tỏa phòng dịch, dự kiến sẽ chấm dứt vào ngày 21/06.
Trong những ngày gần đây, số lượng ca dương tính, số ca nhập viện tăng trung bình hơn 20%. Biến thể Ấn Độ, hay biến thể « Delta », theo tên gọi mới của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), được cho là thủ phạm chính, khiến tình hình dịch bệnh thêm trầm trọng. 3.165 ca nhiễm mới được ghi nhận ngày hôm qua, 01/06.
Thông tín viên Muriel Delcroix tường trình từ Luân Đôn :
« Kẻ bị nghi ngờ chính là biến thể Ấn Độ, vừa được Tổ Chức Y Tế Thế Giới đổi tên thành Delta. Gần như không được phát hiện vào cuối tháng 3, kể từ giờ biến thể này đã được coi là gây ra khoảng 75% ca nhiễm mới, lan mạnh từ bắc xuống nam, đặc biệt tại vùng thủ đô Luân Đôn.
Biến thể này có khả năng lây nhiễm mạnh hơn biến thể Anh Quốc, và một bộ phận người đã được tiêm chủng nhưng vẫn có khả năng nhiễm bệnh. Những dữ liệu đầu tiên tạm thời cho thấy vac-xin AstraZeneca và Pfizer chỉ hiệu quả 33%, sau khi tiêm liều thứ nhất. Cho dù việc tiêm chủng diễn ra tốt tại Anh, nhưng trong hiện tại, gần 60% người trưởng thành đã được tiêm chủng liều một, vẫn chưa được tiêm liều thứ hai.
Cơ quan y tế cố gắng tăng tốc chiến dịch chích ngừa liều thứ hai, và chính phủ đang ngày càng chịu áp lực lùi lại vài tuần thời điểm ra khỏi phong tỏa hoàn toàn, dự kiến vào ngày 21/06. Tuy nhiên, thủ tướng Boris Johnson, người đã thông báo ngày chấm dứt phong tỏa, vẫn lưỡng lự trong việc thay đổi kế hoạch, do lo ngại các phản ứng chống đối từ phía nhiều người Anh, vốn đã quá mệt mỏi sau nhiều tháng siết chặt phòng dịch ».
Biến thể thứ cấp của chủng Delta đặc biệt gây lo ngại
Giới y tế đặc biệt lo ngại về một số biến thể thứ cấp của chủng Ấn Độ, hay chủng Delta, đặc biệt là biến thể thứ cấp mang mã số B.1.617.2, được coi là có khả năng lây nhiễm dễ dàng hơn, dễ gây tử vong hơn, và có thể làm vô hiệu vac-xin.
Theo tiến sĩ Maria Van Kerkhove, phụ trách kỹ thuật của chiến dịch chống Covid-19 của WHO, biến thể « lai Anh – Ấn Độ » mà bộ Y Tế Việt Nam thông báo đã phát hiện hôm thứ Bảy, 29/05, trên thực tế dường như có thể chỉ là một biến thể thứ cấp của chủng Delta (Ấn Độ).
WHO nhấn mạnh là hiện tại, chỉ duy nhất biến thể thứ cấp B.1.617.2 trong các biến thể của chủng Delta là được xếp vào nhóm « đáng lo ngại ». Ngược lại, biến thể B.1.617.1 được xếp vào nhóm « cần quan tâm », tức ít nguy hiểm hơn. Biến thể B.1.617.3 bị loại ra khỏi danh sách chú ý của WHO. Hiện tại, cơ quan Y Tế Việt Nam chưa cung cấp thông tin nào cụ thể hơn về biến thể « lai Anh – Ấn Độ » nói trên.
Malaysia tố cáo phi cơ quân sự Trung Quốc xâm phạm không phận
Thanh Phương
Vào cuối ngày 01/06/2021, ngoại trưởng Malaysia thông báo là chính phủ Kuala Lumpur sẽ ra công hàm ngoại giao phản đối việc phi cơ quân sự của Trung Quốc xâm nhập không phận của Malaysia.
Theo hãng tin AFP, ngoại trưởng Hishammuddin Hussein còn cho biết ông sẽ triệu đại sứ Trung Quốc lên để yêu cầu giải thích về hành động “xâm phạm chủ quyền” của Malaysia.
Hôm qua, không quân Malaysia tố cáo 16 phi cơ vận tải quân sự của Trung Quốc ngày 31/05 đã dàn đội hình chiến thuật bay bên trên vùng Biển Đông và đã xâm nhập vào không phận Malaysia ở khu vực bang Sarawak trên đảo Borneo, Cụ thể, theo không quân Malaysia, các phi cơ quân sự nói trên đã bay đến Cụm bãi cạn Luconia (Luconia Shoals) hiện do Malaysia quản lý, nằm trên vùng Biển Đông, trước khi bay đến một khu vực chỉ cách bờ biển Sarawak 110 km. Sau khi đã cố bắt liên lạc nhưng không được hồi đáp, không quân Malaysia đã điều các chiến đấu cơ phản lực lên ngăn chận các máy bay của Trung Quốc.
Thông báo của không quân Malaysia nhấn mạnh, hành động của các phi cơ quân sự Trung Quốc là một mối “đe dọa” đối với chủ quyền của Malaysia, cũng như đối với an toàn hàng không, do đây là khu vực có mật độ giao thông hàng không dày đặc.
Theo AFP, đáp lại cáo buộc nói trên của Malaysia, một phát ngôn viên của sứ quán Trung Quốc tại Kuala Lumpur hôm nay 01/06 khẳng định 16 phi cơ quân sự của họ chỉ thực hiện một chuyến bay huấn luyện “bình thường”, không “nhắm vào bất cứ quốc gia nào” và cũng không xâm phạm không phận của bất cứ nước nào.
Quan hệ giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh cho tới nay vẫn khá nồng ấm, nhưng vụ việc hôm thứ Hai (31/05) xảy ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng trên vùng Biển Đông, mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ. Năm 2020, một tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc đã đối đầu trong suốt một tháng trời với một tàu thăm dò dầu khí của Malaysia ngoài khơi đảo Borneo.
Theo hãng tin CNA, liên minh đối lập Pakatan Harapan ở Malaysia hôm nay kêu gọi chính phủ Kuala Lumpur đề ra một “kế hoạch hành động rõ ràng” sau vụ phi cơ Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm không phận và đe dọa chủ quyền Malaysia.
Nga tổ chức Diễn đàn Kinh tế Saint-Petersbourg bất chấp dịch bệnh
Trọng Thành
Năm 2021, bất chấp dịch bệnh vẫn đang hoành hành, chính quyền Nga quyết định duy trì Diễn đàn Kinh tế thường niên tại Saint-Peterbourg, diễn ra từ ngày 02 đến ngày 05/06/2021. Matxcơva muốn khẳng định tình hình đã trở lại bình thường, và đây cũng là một cơ hội cho phép khẳng định vị thế của nước Nga, trong bối cảnh Diễn đàn Kinh tế Davos nổi tiếng cũng buộc phải tổ chức qua mạng.
Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Moscow:
« Nếu Diễn đàn Saint-Peterbourg thường được coi như là đối thủ của Diễn đàn Kinh tế Davos, thì đây chính là một cơ hội vàng để tỏ rõ sự khác biệt. Diễn đàn Davos đã bị hủy vào năm 2020, rồi năm 2021. Nước Nga đã quyết định duy trì Diễn đàn Kinh tế thường niên, bất chấp dịch bệnh.
Dĩ nhiên là khách sẽ phải có chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính 24 giờ trước, việc mang khẩu trang và găng tay là bắt buộc, cửa ra vào và thang máy sẽ được tẩy rửa cứ hai giờ một lần. Tuy nhiên, sẽ có hàng nghìn khách mời, doanh nhân, nhà ngoại giao, nhà chính trị tham gia vào ba ngày trao đổi ý kiến, thảo luận về tình hình kinh tế, và Diễn đàn lại được tổ chức tại một thành phố nơi mà bệnh Covid còn lâu mới biến mất. Hôm thứ Ba, 01/06 này, thành phố Saint-Petersbourg ghi nhận thêm hơn 800 ca nhiễm mới, và 38 người qua đời vì Covid-19.
Nước Nga vẫn còn chưa thôi bị đại dịch đe dọa, và vẫn chưa thành công trong việc tiêm chủng đại trà, dân Nga hiện rất ngại tiêm chủng. Bất chấp tình hình dịch bệnh, chính quyền Nga muốn phô trương hình ảnh một xã hội đã trở lại bình thường. Chính vì vậy mà điện Kremlin đã quyết định tổ chức Diễn đàn này, với trọng tâm dĩ nhiên là các vấn đề kinh tế sau đại dịch ».