Tin Việt Nam sáng thứ Sáu: Thêm 52 ca COVID-19

Hiểu Minh

Thêm 52 ca COVID-19

VnExpress – Bộ y tế sáng 4/6 ghi nhận 52 ca dương tính trong nước, gồm tại Bắc Giang 35, Bắc Ninh 14, Hà Nội 2 và Thái Bình một.

Như vậy sau 39 ngày bùng phát, tổng số ca Covid-19 trong nước đã vượt 5.000. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 5.008, ghi nhận ở 37 tỉnh thành.

52 ca mới được ghi nhận từ số 8064-8115, nâng tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang lên 2.713, Bắc Ninh 965, Hà Nội 430 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 93 ca, 50 ca ở Bệnh viện K), Thái Bình 21.

Bắc Giang; Ca 8064-8066, 8083-8112, 8114-8115 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp.

Bắc Ninh; Ca 8067-8075, 8078-8082 gồm 6 ca liên quan ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm, 3 ca liên quan ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ, 2 ca liên quan ổ dịch Thuận Thành, 3 ca đang điều tra dịch tễ.

Thái Bình; Ca 8076, nữ, 75 tuổi, địa chỉ tại huyện Kiến Xương, liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly, kết quả xét nghiệm ngày 3/6 dương tính với nCoV. Bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Hà Nội; Ca 8077, 8113 gồm một ca có tiền sử đi về từ TP.HCM, một ca là F1 của 5243. Kết quả xét nghiệm ngày 3/6 họ dương tính với nCoV.

123 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng

VnExpress – Tiểu ban điều trị Covid-19 cho biết, nhiều bệnh nhân rất trẻ không có bệnh nền nhưng khi mắc Covid-19 trở nặng rất nhanh.

Sáng 3/6, Tiểu ban Điều trị hội chẩn ca bệnh Covid-19 nặng trên toàn quốc. Trường hợp thứ nhất là “bệnh nhân 7117”, 23 tuổi, ở Thuận Thành, Bắc Ninh.

Ngày 25/5, bệnh nhân xuất hiện sốt 40 độ C, khó thở, không đau họng, không đau ngực, tự mua thuốc uống không rõ loại, khó thở ngày càng tăng dần. Thanh niên vào Bệnh viện Ngã Tư Hồ chụp siêu âm hình ảnh mờ lan tỏa 2 phổi, chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

Bệnh nhân có thể trạng béo phì khó thở nhiều, co kéo cơ hô hấp, nói câu ngắn. Hình ảnh mờ lan tỏa 2 bên phổi, được chẩn đoán viêm phổi nặng. Anh được thở oxy qua mặt nạ, rồi thở máy không xâm nhập (oxy dòng cao HFNC). Tuy nhiên, sau một giờ không đáp ứng, các bác sĩ quyết định đặt ống nội khí quản, thở máy, duy trì kháng sinh.

Ngày 2/6, tức là sau 7 ngày có dấu hiệu đầu tiên, bệnh nhân có kết quả dương tính nCoV. Đêm qua, bệnh nhân lọc máu, tiếp tục an thần giãn cơ, thở máy. Sáng 3/6, siêu âm phổi cho hình ảnh đông đặc thuỳ dưới 2 phổi.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh xin ý kiến các chuyên gia trong tổ hội chẩn xem xét đặt ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể), tiếp tục thở máy, lọc máu, chống đông, cân bằng điện giải, dinh dưỡng.

Các chuyên gia từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, bệnh nhân dù nặng nhưng đã được xử trí rất tốt, kết quả hiện tại phản ánh phác đồ đi đúng hướng trong điều trị. Bệnh nhân hiện đã tiến triển tốt lên.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ 37 tuổi ở Bắc Giang, vào viện vì ho, tức ngực khó thở, xác định dương tính nCoV ngày 25/5. Người này được chuyển Bệnh viện Phổi Bắc Giang ngày 26/5 trong tình trạng thở nhanh. Bác sĩ Trần Thanh Linh, chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy tăng cường tới Bệnh viện Phổi Bắc Giang, cho biết bệnh nhân có xuất huyết tiêu hoá dài ngày.

Tới sáng 2/6, bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản, gắn máy thở, lọc máu liên tục, hiện nằm yên với an thần. Bác sĩ Trần Thanh Linh cho hay nếu bệnh nhân tiến triển nguy kịch và xấu hơn sẽ chỉ định đặt ECMO ngay ngày hôm nay. Cùng đó, bác sĩ theo dõi nhiễm trùng, cấy đàm tìm vi trùng và kháng sinh đồ.

Từ các điểm cầu hội chẩn, các chuyên gia đánh giá đây là ca bệnh “không hề dễ”. Tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, phương án ECMO cần cân nhắc bởi bệnh nhân có thể bị chảy máu thêm, cùng đó, cần điều chỉnh lại liều thuốc chống đông.

Trường hợp trẻ tuổi thứ ba là “bệnh nhân 7445”. Đây là nam sinh viên 22 tuổi, quê Long An, được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Cơ sở này đang điều trị 5 ca Covid-19 nặng và nguy kịch gồm 2 ECMO, 3 thở máy.

Bệnh nhân này tổn thương phổi rất nặng (đông đặc phổi trái nhiều hơn phải) với hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), tổn thương gan nặng. Các bác sĩ đang hỗ trợ cho bệnh nhân thở máy, lọc máu và ECMO.

Sáng nay bệnh nhân tiếp tục nằm yên trên an thần, giãn cơ, thở máy, ECMO, lọc máu liên tục. Hình ảnh siêu âm tim, phổi cho thấy bệnh nhân đông đặc phổi, có xẹp phổi, giãn thất phải.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, vấn đề nổi bật nhất của ca bệnh này là tiểu cầu khi nhập viện đến nay liên tục xuống thấp dù đã truyền nhiều tiểu cầu, đồng thời xin ý kiến các chuyên gia trong Tổ hội chẩn về việc có nên tiếp tục thay huyết tương hay không.

Lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đánh giá bệnh nhân không thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng có thể do độc tính của virus khiến tình trạng sức khỏe diễn biến xấu rất nhanh. Đáng chú ý, bệnh nhân bị mắc bệnh béo phì, nặng 110kg.

Giáo sư Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, cùng các chuyên gia nhận định bệnh nhân này diễn biến nặng không kém phi công người Anh (bệnh nhân 91).

“Bệnh án rất khó, nếu nam thanh niên chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trễ hơn một chút là có thể mất não. Rất may, bệnh nhân đã được cứu sống và duy trì”, giáo sư Nguyễn Gia Bình đánh giá.

Hiện cả nước có hơn 4.500 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại 97 cơ sở y tế. Trong đó, 123 bệnh nhân tiên lượng nặng, 100 bệnh nhân nặng thở oxy; 29 bệnh nhân nặng, thở máy không xâm nhập; 29 ca nguy kịch phải thở máy xâm nhập; 7 ca nguy kịch ECMO.

Hà Nội: Chủ tịch HĐND xã lấy 75 phiếu tự bầu cho mình

VnExpress – Trong đợt bầu cử vừa qua đã xảy một vụ gian lận phiếu bầu tại một xã ở Hà Nội khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Chiều 3/6, Phó chủ tịch HĐND huyện, Phó chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Mê Linh ông Phùng Minh Chiến cho biết, Thường vụ Huyện ủy đã họp, quyết định khai trừ Đảng ông Nguyễn Xuân Hùng và Nguyễn Hữu Hoàn vì vi phạm trong kỳ bầu cử đại biểu các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại Tổ bầu cử số 4 (xã Tráng Việt).

Theo ông Chiến, kết thúc bỏ phiếu hôm 23/5, qua kiểm đếm cho thấy riêng số phiếu bầu đại biểu HĐND xã Tráng Việt thu về là 1.303. Số này lớn hơn 75 phiếu so với số được phát ra trước đó là 1.228. Ủy ban bầu cử xã ngay lập tức niêm phong hòm phiếu của Tổ bầu cử số 4, báo cáo cấp thẩm quyền.

Vào cuộc, cơ quan chức năng xác định ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch HĐND xã, Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã Tráng Việt (là ứng cử viên đại biểu HĐND xã tại đơn vị bầu cử số 4 xã Tráng Việt) đã lợi dụng chức vụ, đặt vấn đề với ông Nguyễn Hữu Hoàn (Tổ trưởng Tổ bầu cử đơn vị bầu cử số 4) lấy một số phiếu bầu đại biểu HĐND cấp xã.

Ông Hùng mang số phiếu về nhà gạch tên người khác, để lại tên mình trong phiếu bầu và nhờ người bỏ phiếu hộ vào hòm phiếu. Việc làm của ông Hùng dẫn đến thừa 75 phiếu bầu đại biểu HĐND xã Tráng Việt.

Ngay sau khi nhận được nghị quyết của Ủy ban Bầu cử quốc gia về hủy bỏ kết quả bầu đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh đã chuẩn bị các bước để bầu cử lại vào ngày 6/6.

Quảng Ninh: Bắt 2 đối tượng làm giả con dấu ‘thông’ chốt kiểm dịch COVID-19

Thanhnien – Ngày 3/6, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đang tạm giữ 2 đối tượng để điều tra về hành vi làm giả con dấu phòng dịch Covid-19 của cơ quan nhà nước.

Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, qua nắm bắt tình hình địa bàn, lực lượng chức năng phát hiện có tình trạng người dân “thông” chốt nhưng không qua khai báo y tế, làm ảnh hưởng đến uy tín lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 cầu Bạch Đằng.

Trước tình hình trên, chiều 2/6, tại BOT cầu Bạch Đằng, Công an TX.Quảng Yên đã bắt giữ đối tượng Trần Tuấn Anh (40 tuổi, trú tại số 45/93 Vạn Kiếp, P.Thượng Lý, Q.Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) và Lê Văn Mạnh (36 tuổi, trú tại Hàng Kênh, P.Trại Cau, Q.Lê Chân, TP. Hải Phòng) khi đang thực hiện hành vi thu tiền bất chính của 4 công dân không đủ điều kiện vào tỉnh Quảng Ninh, với mức giá 500.000 đồng/người để “thông” chốt kiểm soát.

Khi tiến hành bắt quả tang, lực lượng chức năng đã thu giữ trên người các đối tượng trên 1 con dấu giả màu đỏ.

Trước đó, vào đầu tháng 5, để phòng dịch Covid-19, TX.Quảng Yên và TP. Hải Phòng làm con dấu “xanh, đỏ” để đóng lên tay người dân khi làm thủ tục khai báo y tế. Theo đó, người rời tỉnh Quảng Ninh được đóng dấu màu xanh, người vào tỉnh được đóng dấu màu đỏ. Mạnh đã làm giả con dấu màu đỏ để bán cho người dân có nhu cầu hòng trục lợi.

Ca mắc COVID-19 mới nhất ở Hà Nội là người về từ TP.HCM

Tuoitre – Chiều tối 3/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội có báo cáo nhanh về 1 trường hợp dương tính COVID-19 tại quận Hà Đông. Qua quá trình điều tra dịch tễ, ngành y tế xác định đây là người về từ TP.HCM. Bệnh nhân là nam, sinh năm 1982, địa chỉ tại P2103 Hemisco Xa La, Phúc La, Hà Đông.

Cụ thể, ngày 26/5, bệnh nhân bay từ Hà Nội vào TP.HCM và ở tại khách sạn Harmony, số 32-34 Bùi Thị Xuân, quận 1. 

Trong thời gian lưu trú tại TP.HCM, bệnh nhân có đến làm việc tại Công ty cổ phần bất động sản Cent Group, địa chỉ 326 Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, quận 1 (hiện tại công ty đã xác minh được 3 F0, trong đó có 1 F0 liên quan đến chùm ca bệnh nhóm truyền giáo Phục Hưng).

Khoảng 20h ngày 30/5, bệnh nhân về Hà Nội trên chuyến bay VN220, số ghế 35G hạ cánh tại sân bay Nội Bài khoảng 22h10. Sau khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, bệnh nhân nghe được thông tin Công ty Cent Group có bệnh nhân nên gọi lái xe riêng đưa về nhà tại tòa Hemisco Xa La, tự cách ly tại phòng riêng và khai báo với Trạm y tế phường Phúc La, Hà Đông.

Đến ngày 2/6, bệnh nhân được Trung tâm Y tế quận Hà Đông lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả nghi mắc COVID-19 (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thực hiện). 

Mẫu bệnh phẩm sau đó được chuyển lên CDC Hà Nội xét nghiệm, cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Sơ bộ điều tra được 6 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, bao gồm 5 người trong gia đình và 1 lái xe.

Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cùng với Trung tâm Y tế quận Hà Đông đang tiếp tục xác minh các trường hợp tiếp xúc gần để lấy mẫu xét nghiệm và cách ly.

Sau vụ việc, ngành y tế Hà Nội đã thông báo tìm người trên địa bàn Hà Nội đã đi trên chuyến bay VN220 ngày 30/5 từ TP.HCM đến Hà Nội hạ cánh tại sân bay Nội Bài khoảng 22h10 (đặc biệt hành khách ngồi trên hàng ghế từ 33 đến 37). 

8 phòng khám, hai bệnh viện TP.HCM ngưng hoạt động do Covid-19 diễn biến phức tạp

6 phòng khám chủ động ngưng khám chữa bệnh do Covid-19 diễn biến phức tạp, hai cơ sở ở Gò Vấp ngưng do ca nhiễm từng đến khám, hai bệnh viện bị phong tỏa do nhân viên y tế nhiễm.

Bảo hiểm xã hội TP HCM ngày 3/6 thông báo 6 phòng khám chủ động ngưng hoạt động để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Cụ thể:

– Phòng khám đa khoa Tâm Phúc, quận Gò Vấp, ngưng đến ngày 20/6.

– Phòng khám đa khoa Phong Tâm Phúc, quận Bình Tân, ngưng đến khi có thông báo mới.

– Phòng khám đa khoa Khánh Tâm, huyện Nhà Bè, đóng cửa đến ngày 13/6.

– Phòng khám đa khoa An Phú, TP Thủ Đức, đóng cửa đến 15/6.

– Phòng khám đa khoa Nhơn Tâm, huyện Nhà Bè, ngưng đến 6/6.

– Phòng khám đa khoa Thiện Phúc, huyện Củ Chi, ngưng đến 5/8.

Hai phòng khám phải ngưng hoạt động do ca Covid-19 đã từng đến khám là Phòng khám đa khoa Trần Diệp Khanh và Phòng khám đa khoa Xóm Mới, quận Gò Vấp.

4 bệnh viện ngưng hoạt động khám bệnh ngoại trú do có người bệnh Covid-19 trước đó đến khoa Khám bệnh, gồm các bệnh viện Quận Bình Thạnh, Phụ sản Mê Kông, Tâm thần (cơ sở Lê Minh Xuân), Quận Gò Vấp.

Hai bệnh viện phong tỏa do phát hiện nhân viên y tế mắc Covid-19 gồm bệnh viện Quận Tân Phú (2 nhân viên), Đa khoa Nam Sài Gòn (một nhân viên).

Trong nửa tháng qua, TP.HCM ghi nhận 276 ca Covid-19 (đã được công bố), hiện đứng thứ 4 cả nước về số ca Covid-19 cộng đồng trong đợt dịch thứ 4 này.

Campuchia trục xuất hơn 100 công dân Việt Nam sang tìm việc

Khmertimeskh – Ngày 2/6, Campuchia đã trục xuất 106 công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép để tìm việc làm và các lý do khác.

Theo Khmer Times, trong số này, có 88 người bị trục xuất qua Trạm kiểm soát Biên giới Quốc tế Bavet ở tỉnh Svay Rieng trước sự có mặt của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, 18 người khác bị trục xuất qua Trạm Kiểm soát Biên giới Quốc tế Prek Chak ở Kampot.

Cảnh sát trưởng người Campuchia cho biết nhóm người Việt đã làm việc tại tỉnh Svay Rieng, nhưng do Covid-19 nên không thể về Việt Nam.

Phnom Penh Post dẫn lời Cảnh sát trưởng Sovannarith cho biết: “Thực tế, họ có cả giấy Chứng minh nhân dân và hộ chiếu để sang Campuchia làm việc. Họ có thể nhập cảnh vào buổi sáng và rời đi vào buổi tối. Nhưng do Covid-19, họ bị mắc kẹt và sau đó chúng tôi đã tìm thấy họ”.

Theo quan chức Campuchia, nhóm người Việt đã bị trục xuất vì lý do ở quá hạn và tất cả đều được lấy mẫu xét nghiệm và đều không bị nhiễm Covid-19.

Theo Tổng cục Di trú Campuchia, trong 5 tháng đầu năm 2021, nước này đã trục xuất 284 người nước ngoài thuộc 22 quốc tịch vì nhiều tội danh khác nhau.

Nam thanh niên đột tử khi đang đá bóng

NLD – Ngày 3/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết đã bàn giao thi thể anh N.V.H (SN 1994; trú tại phường Ia Kring, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho gia đình đưa về nhà mai táng.

Trước đó, anh H. đi đá bóng tại sân bóng mini trên địa bàn phường Diên Hồng, TP. Pleiku. Khi đá bóng được một lúc, anh H. bất ngờ ngã ra sân bất tỉnh, mặt mày tím tái. Những người đi cùng đã nhanh chóng đưa anh H. tới Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Sau đó, Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku tiếp tục chuyển anh H. tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Tại đây, các bác sĩ kết luận anh H. đã ngưng tim, ngưng thở, tử vong ngoại viện.

Theo các bác sĩ, nạn nhân khả năng đã mắc bệnh liên quan tim mạch nhưng không được chữa trị kịp thời dẫn đến tình trạng đột tử khi hoạt động quá sức.

10 thiếu niên tắm hồ, 2 em chết đuối thương tâm

NLD – 10 thiếu niên rủ nhau đi thả diều, tắm hồ thì không may 4 em đuối nước. Người dân xung quanh chỉ kịp vớt 2 em đưa đi cấp cứu, còn 2 em không may đã tử vong.

Trước đó, khoảng 17 giờ 30 phút ngày 3/6, 10 thiếu niên cả nam và nữ đi thả diều và chơi tại khu đất trống thuộc thôn 4, xã Biển Hồ, TP. Pleiku. Đây là khu vực giáp mặt nước Biển Hồ-B. 

Trong lúc tắm hồ, các thiếu niên gồm: T.T.Y.Nh (SN 2007), N.H.M.T, T.D.L.Tr. (cùng SN 2009, trú phường Yên Thế, TP. Pleiku) và H.K.Th (SN 2009, trú thôn 3 xã Biển Hồ) không may bị đuối nước.

Nghe tiếng kêu cứu, nhiều người dân đã tới tìm cách vớt các em lên bờ, đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 331, TP. Pleiku. Tuy nhiên, 2 em N.H.M.T. và T.D.L.Tr. đã tử vong.

500 doanh nghiệp ở Bắc Ninh vừa cách ly vừa sản xuất

Tienphong – Thông tin từ tỉnh Bắc Ninh, ngày 2/6, hàng trăm doanh nghiệp tại tỉnh bắt đầu thực hiện cho người lao động ở, ăn và làm việc tại nhà máy. Đây là cách để doanh nghiệp vừa duy trì sản xuất, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong nhà máy và cộng đồng.

Sáng 2/6, trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Mầu Quang Thắng – Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh – cho biết, đã có hơn 500 doanh nghiệp hoàn thiện và gửi phương án, kế hoạch sắp xếp cho người lao động ăn, ở và làm việc tại công ty, theo Kết luận số 56 của tỉnh.

Cụ thể, mỗi điểm lưu trú chỉ bố trí cho người lao động của một công ty, phải  bảo đảm an toàn phòng chống dịch, kiểm soát được người ra vào. Ngoài ra, điểm lưu trú bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu cho công nhân, có tổ kiểm soát COVID19  v.v. Người lao động cần khai báo y tế, quét QR code khi ra vào khu lưu trú đến nhà máy. Khi ở trong khu lưu trú tập trung, người lao động cũng cần tuân theo các quy định phòng chống dịch.

Tại Công ty Goertek Vina (khu công nghiệp Quế Võ), ngay khi có thông báo, 3.000 công nhân của doanh nghiệp này đã đăng ký đi làm và nghỉ lại tại xưởng, 100% được tổ chức xét nghiệm COVID-19.

Ông Len Zhang – Phó tổng giám đốc công ty Goertek Vina cho biết, doanh nghiệp rất tán thành chủ trương này của tỉnh Bắc Ninh. Bởi nếu không thực hiện các biện pháp này, thì sẽ khó bảo đảm được an toàn cho người lao động.

Các khu công nghiệp Bắc Ninh thu hút hơn 1.100 doanh nghiệp, với hơn 320 nghìn lao động. Trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm 75%, nên việc đi lại giữa các địa phương là rất lớn.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng nhanh chóng như hiện nay, việc cho phép người lao động ăn, ở và làm việc tại nhà máy là giải pháp “chưa từng có tiền lệ”, để vừa duy trì sản xuất, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Mỹ chia sẻ 25 triệu liều vaccine COVID-19 đầu tiên, trong đó có Việt Nam

Whitehouse – Toà Bạch Ốc ngày 3/6 công bố chiến lược chia sẻ vắc xin COVID-19 toàn cầu, bao gồm kế hoạch phân phối 25 triệu liều đầu tiên ra khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo thông báo trên trang của Toà Bạch Ốc, Chính phủ Mỹ đã công bố chiến lược chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vắc xin COVID-19 cho toàn thế giới tính đến cuối tháng 6-2021, cũng như kế hoạch tặng 25 triệu liều vắc xin đầu tiên.

Việt Nam nằm trong số nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á sẽ nhận được vắc xin ở đợt này.

Cụ thể, Washington lên kế hoạch phân phối khoảng 7 triệu liều vắc xin cho châu Á. Bên cạnh Việt Nam, các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á sẽ nhận được vắc xin gồm có Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan và các đảo Thái Bình Dương.

7 triệu liều vắc xin trên nằm trong gần 19 triệu liều vắc xin COVID-19 Mỹ dự tính sẽ chia sẻ cho thế giới thông qua chương trình hỗ trợ vắc xin toàn cầu COVAX. Ngoài châu Á, khu vực Nam và Trung Mỹ sẽ nhận được khoảng 6 triệu liều và châu Phi sẽ nhận được khoảng 5 triệu liều.

Related posts