Brokeback Mountain

Nguyễn Thơ Sinh  

image.png

Tháng sáu lại về. Ở Mỹ, nó là tháng của cộng đồng LGBTQ – Và có lẽ bạn đọc đã biết về cộng đồng này. Cụm chữ viết tắt LGBTQ là các mẫu tự đứng đầu của các chữ lesbian – gay – bisexual – transgender – queer.

Cách đây vài thập niên, cộng đồng LGBTQ, cụ thể hơn người đồng tính (phần lớn đồng tính nam, đồng tính nữ, trong đó người song tính chiếm một phần lớn) có rất ít tiếng nói công khai. Còn tiếng nói của người chuyển giới (transgender) và nhóm lạc giới (queer) càng hiếm hoi ít ỏi hơn. Tuy nhiên khi nói đến cộng đồng LGBTQ dạo gần đây người ta nghĩ về nó như một gốc cổ thụ tỏa bóng phủ trùm lên mọi thành phần xu hướng tính dục “trái khoáy” đối chiếu với xu hướng tính dục nam nữ (heterosexual). Và hiển nhiên tiếng nói của cộng đồng LGBTQ càng lúc càng trở nên quan trọng tại các diễn đàn xã luận.

Vâng. Nhiều người lâm cảnh “hồn Trương Ba, da hàng thịt” cách đây ba bốn thập niên không dám hó hé chân tướng xu hướng tính dục thực của mình. Ở đây hai chữ “xu hướng” là điểm nhấn. Xu hướng tính dục là trạng thái hấp dẫn mang tính thôi thúc cháy bỏng, trong đó một cá nhân chỉ thực sự đạt được ngưỡng khoái cảm sung mãn nhất (khi được ở gần đối tượng hấp dẫn xu hướng tính dục với họ), đánh thức những âm hưởng thẳm sâu nhất của thế giới cảm xúc lãng mạn.

Một câu lục bát nhiều người còn nhớ: Đàn ông nằm với đàn ông, như gốc như gác như chông như chà. Đàn ông nằm với đàn bà, như lụa như lĩnh, như hoa trên cành (đã phần nào khẳng định hiện tượng đồng tính là có thật). Ta sẽ không luận xuất sứ của câu thơ lục bát này (vốn) được coi là thước đo kinh điển hành xử trong bối cảnh văn hóa xã hội bởi bản thân nó nhìn nhận hiện tượng đồng tính khá chân thực. 

Một câu tục ngữ khác: Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam – bộc lộ rõ “chân lý” gần như bất di bất dịch. Tức, khi nói đến chuyện lập thân hiển nhiên người ta sẽ nhận ra đàn ông phải lấy đàn bà, y như khi làm nhà nếu xoay về hướng nam sẽ lý tưởng nhất vì hứng được những cơn gió nồm mát mẻ (thổi từ hướng nam đến) tránh được cái nắng xế trưa hay nắng chiều gay gắt hắt vô nhà. Trích dẫn thơ lục bát và tục ngữ để khẳng định một điều: Trong văn hóa truyền thống của người Việt, chuyện đồng tính tồn tại hiện diện; tuy nhiên hiện tượng này đối với cách nhìn chung của xã hội giống như cơm có sạn, như cá có xương nên chỉ có “nam nữ thọ thọ” mới là lý tưởng nhất, chan hòa sung mãn nhất.

Ở Mỹ cũng thế, con đường mở ra cho tương lai người đồng tính và cộng đồng LGBTQ hoàn toàn không phẳng lặng. Óc đố kỵ, tư tưởng bài xích, cùng với những lo lắng mơ hồ, những nghi ngại lây lan; nếu cứ để cộng đồng LGBTQ phát triển tự do thả cửa nhiều giá trị văn hóa xã hội, những giá trị gia đình, những khuôn thước truyền thống sẽ bị lung lay, sau đó bị giật sập. Hóa ra hiện tượng đồng tính xuất hiện từ sớm, tồn tại như một dòng chảy âm thầm rất lâu trong lịch sử. Xã hội nhận ra nó khá rõ. Nghe nói về nó nhiều. Thậm chí không ít người đã vật lộn với quá trình đấu tranh tư tưởng quyết định xem mình cần hành xử ra sao với xu hướng tính dục của mình. 

Cuối cùng, có thế nói xu hướng tính dục là một hệ quang phổ trải dài trên khung xác định giữa hai thái cực “đồng tính 100%” và “dị tính 100%”. 

Thực ra các thành phần cá nhân 100% đồng tính và 100% dị tính trong xã hội thực ra rất ít. Đa số mỗi cá nhân thường là sự pha trộn mang tính tỷ lệ giữa hai thái cực này. Ví dụ, người mang trong mình 10% máu đồng tính sẽ có 90% máu dị tính. Với các trường hợp “đồng tính nặng” xu hướng tính dục của họ gần hơn với thái cực 100% đồng tính. Cứ thế, người đồng tính nhẹ hơn sẽ mang 20%, 30%, 40%… hoặc ít hơn. Như vậy, 50% là song tính – tức bisexual – họ ăn mặn cũng được mà ăn chay cũng được. Tương tự, các trường hợp dị tính cũng dựa theo tỷ lệ pha trộn này (mà) tạo nên các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nhiều người dị tính 100%, tuy rất hiếm. Có người mang 90%, 80%, 70% máu dị tính, vân vân. Theo đó người 60% dị tính dễ thông cảm với người đồng tính hơn người mang 70%, 80%, 90% máu dị tính. Tương tự, nhóm dị tính 95% hay 100% thường tỏ ra dị ứng gay gắt với người đồng tính hơn vì trong cách nhìn của họ đã làm người tuyệt nhiên không thể có chuyện nửa nạc, nửa mỡ, dở âm, dở dương… 

Tất nhiên đây chỉ là cách lý giải về hệ quang phổ xu hướng tính dục vốn khá phức tạp (dựa vào những con số mang tính tỷ lệ để bạn đọc dễ liên hệ). Trên thực tế, con người là những sinh thể mang tính xã hội rất cao. Chúng ta thường đóng nhiều vai trò khác nhau tại những hoàn cảnh điều kiện khác nhau. Một người đàn ông trong những hoàn cảnh đặc biệt phải vừa làm bố, vừa làm mẹ. Đối diện với những định kiến xã hội với bao định chế truyền thống, hành xử của mỗi cá nhân cần tuân theo những qui định xã hội ấy; tức chúng ta thường dừng lại trước vạch kẻ do xã hội đặt ra. Bất cứ hình thức xé rào, giẫm bừa lên những vạch kẻ ấy sẽ bị lên án, bị tẩy chay. Cuối cùng để tránh những hệ lụy phiền toái cho người thân, nhiều người chấp nhận sống một cách ngoan ngoãn, tuân theo những qui định xã hội, đè nén những ham muốn “xu hướng tính dục” của mình cho yên nhà, yên cửa.

Nói đến xu hướng tính dục là nói đến những quan sát nhìn thấy bên ngoài cũng như những “trục trặc” tâm lý bên trong. Theo đó đàn ông phải thật nam tính và đàn bà phải thật nữ tính. Nếu đàn ông có quá nhiều nữ tính, trói gà không chặt, đi đứng ẻo lả sẽ khiến người ta đặt câu hỏi. Tương tự, đàn bà có quá nhiều nam tính, thậm chí quá rắn rỏi, quá mạnh mẽ, sức khỏe thừa mứa, việc nặng cứ thế ủi vào, cứng tướng; họ thường bị thiên hạ tọc mạch, tuy nhiên họ không chịu nhiều xăm xoi dò xét như đàn ông có quá nhiều nữ tính.

Trong cuộc sống, nam tính thể hiện qua sự mạnh mẽ, cứng rắn, lo chuyện đại sự, có chí lớn, có khả năng bảo vệ cho người thân, hiếm khi bộc lộ những cảm xúc, xem nhẹ những thứ tình cảm ủy mị, không nhiều chuyện. Còn nữ tính thường thể hiện qua tính nhu mì, mềm dẻo, nhẹ nhàng, ân cần, tỉ mỉ; họ có thể bộc lộ những cảm xúc của mình. Từ đó một bé trai sinh ra thường được người lớn khuyến cáo phải mạnh mẽ, cường tráng, không được khóc nhè, phải có chí lớn, không được nhỏ nhen, tẹp nhẹp, chơi những trò mạnh bạo, học càng cao càng tốt vì sau này sẽ là cột trụ của gia đình. Còn một bé gái thường được dạy dỗ phải cư xử nhẹ nhàng, biết thu vén các công việc trong nhà vì em được kỳ vọng là một nội trợ tốt. Em không được nói to, không chạy nhảy, không leo trèo, không ăn to nói lớn, phải ý tứ, dịu dàng…

Cứ thế, xã hội và cộng đồng kỳ vọng mỗi cá nhân những tiêu chuẩn được ghi rõ trong cẩm nang hành xử giới tính (như một thứ luật bất thành văn) ăn sâu vào tim óc, nhắc nhở họ phải sống đúng theo vai trò trách nhiệm trong cộng đồng đó. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp trái khoáy xảy ra, những xu hướng tính dục “cong queo” khi xã hội yêu cầu họ phải “thẳng thướm”, những nam nhi ẻo lả, những nữ nhi bặm trợn, những bất thường xuất hiện, con trai thích con trai, con gái thích con gái, tuy tỷ lệ không nhiều song đủ để xã hội cảm thấy có trách nhiệm báo động, gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh.

Để duy trì trật tự xã hội, đặc biệt trong bối cảnh các mối quan hệ xã hội còn nặng tính liên đới trong quá khứ, nhất là với các tuýp mô hình cơ chế làng xã; nghề nông cần có người làm việc nặng, óc gia trưởng, tư tưởng trọng nam khinh nữ, phải có con thừa tự lo chuyện cúng quẩy chăm sóc hương hỏa cho tổ tiên. Thế mới có chuyện: Một con, một của như nhau. Rồi bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại. Tư tưởng ấy ăn sâu vào máu thịt người Việt, trai lớn lấy vợ, gái lớn lấy chồng là chuyện hiển nhiên. Người ta kỳ vọng vào điều đó rất đỗi đương nhiên: Tiểu đăng khoa rồi đại đăng khoa…       

Với người Mỹ, họ sống thoáng, sống cởi mở, sống thực hơn với xu hướng tính dục của mình. Thực ra đây (vẫn) là một mảng xã hội gây nhiều tranh cãi. Không luận chuyện các xu hướng tính dục “trái khoáy” đúng hay sai. (Chỉ) lạm bàn đôi chút về thái độ giữa hai nền văn hóa Đông –Tây về đề tài LGBTQ để nhận ra hai lối tiếp cận khá tách biệt. Hiển nhiên điều này sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn trung thực hơn về vấn đề.

Xin mượn cuốn phim Brokeback Mountain lần đầu công chiếu vào năm 2005, một bộ phim đồng tính ăn khách, thổi vào bầu không khí xã hội khắp nơi một luồng gió mới lúc đó. Phim được đóng bởi hai nam diễn viên trai thẳng (dị tính) diễn xuất thành công vai hai người đàn ông đích thực 100% nam tính nhưng do gần gũi nhau trong một bối cảnh đặc biệt, tình cảm của hai người họ đã nảy sinh. Không hẳn chuyện “ăn quen, nhịn không quen”, song đây là một câu chuyện cảm động, một ví dụ minh họa thành công trong việc xây dựng một thực tế rất đỗi hiển nhiên: Tâm lý con người nói chung, xu hướng tính dục nói riêng, tựu lại, vẫn là một hệ quang phổ trong đó những pha “chập mạch” vô tình xuất hiện để rồi điều cứ ngỡ không thể cuối cùng trở thành có thể, điều bất khả trở thành điều khả hữu.   

Hai diễn viên Jake Gyllenhaal và Heath Ledger thủ vai chính. Hai chàng trai làm nghề nuôi súc vật du cư trên những triền cỏ miền đồi núi xa xôi vắng vẻ. Họ phải bám sát đàn gia súc. Sống xa thế giới loài người, sự tiếp cận gần gũi, tình cảm nảy sinh, cuối cùng là họ đã tìm đến với nhau. Họ chia da sẻ thịt và truyền cho nhau hơi ấm. Những phản ứng từ chối gay gắt lúc đầu, sau đó chắt chiu ân cần đã dần dần biến mối quan hệ của họ trở thành một biến thể tình cảm nồng cháy và gai góc. Họ từng có gia đình. Từng nếm trải vị ngọt tình yêu nam nữ, tình cảm vợ chồng…

Điều khá nghẹn ngào của bộ phim khi họ trở về với đời thường, rồi gặp lại, cảm xúc bỗng ùa về. Đôi bạn tình ôm chặt lấy nhau. Nụ hôn cháy bỏng. Người vợ chứng kiến cảnh chồng mình nồng nàn ôm hôn người tình cũ. Những giọt nước mắt lặng lẽ đau thương tuôn rơi. Đoạn cuối của phim, một người chết, người còn lại đã ôm chặt chiếc áo của bạn tình, vục mặt vào khóc, chết lặng, cố tìm lại chút hơi ấm của người xưa. Đó là những giây phút cao trào đẩy người xem vào một thế giới hụt hẫng, nơi đó những giá trị thuần túy tỉnh táo bị khuất phục. Người ta chợt nhận ra sức công phá của tình yêu đồng tính có khả năng lay động, có sức mạnh thuyết phục không thua gì chuyện tình của Romeo và Juliet, của Lan và Điệp…    

Với trình độ đạo diễn đỉnh cao, Đạo diễn Ang Lee chuyển thể thành công truyện ngắn cùng tên của nữ tác giả Annie Proulx đăng trên New York Magazine năm 1997, lập tức Brokeback Mountain trở thành một trong những truyện ngắn hay nhất của tạp chí này. Brokeback Mountain là một bộ phim thành công của thế giới người đồng tính – xuất hiện trong bối cảnh Mỹ và thế giới càng ngày càng có nhiều kiến thức hơn về cộng đồng này.

Bộ phim kết thúc khá buồn, nhưng nó đã mở ra cánh cửa đem lại những điều lạc quan nhất cho cộng đồng LGBTQ.

Vâng. Và tháng sáu lại về…

Chợt nhớ ca khúc Tháng Sáu Trời Mưa của Hoàng Thanh Tâm… Nhớ giọng hát bất hủ của Tuấn Anh. Một ca khúc ý nghĩa đối với tất cả những người đang yêu, bất luận họ là ai, nam hay nữ, đồng tính hay dị tính…

Tháng sáu là tháng của những cặp đồng tính, hành trình đi tìm một nửa của đời họ (thường) chật vật nhiêu khê hơn những cặp tình nhân nam nữ khác. Càng cảm thấy sự diệu kỳ lắng đọng của ca khúc này, trong đó có câu: Bên em tiếng đời đi rất vội… 

Xin được gởi những lời chúc tốt đẹp nhất đến những đôi bạn tình đã tìm thấy nhau. Mong sao họ sẽ có những vun bồi, những hy sinh, những gặt hái và may mắn; để rồi mỗi dịp tháng sáu về, nhìn lại, họ có thể ngâm nga câu hát… “Anh nhớ suốt đời mưa tháng sáu”, ý thức rõ mỗi khi bên nhau “tiếng đời đi rất vội” để họ biết gìn giữ trân quý những gì mình đang có…

Nguyễn Thơ Sinh

Related posts