Tin thế giới sáng thứ Ba

Covid-19 : Hàng trăm cựu lãnh đạo kêu gọi G7 tài trợ cho chương trình chích ngừa toàn cầu

Thanh Phương

image.png
Các bộ trưởng Tài Chính thành viên nhóm G7 và các khách mời tại hội nghị ở điện Lancaster House, Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 05/06/2021. REUTERS – HENRY NICHOLLS

Hàng trăm cựu lãnh đạo thế giới, gồm các tổng thống, thủ tướng và ngoại trưởng, kêu gọi các nước giàu trong nhóm G7 tài trợ cho chương trình chích ngừa Covid-19 hỗ trợ các nước nghèo ngăn chận virus corona biến chủng và lây lan trở lại trên toàn thế giới

Theo hãng tin Reuters hôm nay, 07/06/2021, lời kêu gọi nói trên được đưa ra trong một bức thư gởi đến G7 nhân dịp nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới  (Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Canada, Nhật) sẽ họp thượng đỉnh tại Anh Quốc từ thứ 6 tuần này.

Tham gia ký tên vào bức thư này có hai cựu thủ tướng Anh Tony Blair và Gordon Brown, cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và 15 cựu lãnh đạo châu Phi.

Trong bức thư gởi nhóm G7, các cựu lãnh đạo thế giới cho rằng trong việc phòng chống đại dịch Covid-19, « hợp tác toàn cầu đã thất bại trong năm 2020 », nhưng năm 2021 « có thể khởi đầu một thời kỳ mới ». Bức thư nhấn mạnh : « Sự ủng hộ của nhóm G7 và nhóm G20 (nhóm các nền kinh tế đang trỗi dậy) giúp cho các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình thật sự được tiếp cận vac-xin không phải là một hành động từ thiện mà đúng hơn là vì lợi ích của toàn bộ các quốc gia ».

Các cựu lãnh đạo nói trên đề nghị các lãnh đạo nhóm G7 và các lãnh đạo được mời đến dự thượng đỉnh phải bảo đảm tài trợ mỗi năm 30 tỷ đôla trong hai năm để giúp phòng chống dịch Covid-19 toàn cầu.

Reuters cho biết đề nghị này cũng tương tự như kết quả một cuộc thăm dò dư luận do tổ chức Save The Children tiến hành, theo đó người dân ở các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Canada ủng hộ mạnh mẽ việc nhóm G7 đóng góp 66 tỷ đôla cần thiết cho chiến dịch tiêm phòng Covid-19 toàn cầu. Theo kết quả thăm dò nói trên, tỷ lệ ủng hộ ở Anh Quốc và Hoa Kỳ đều là 79%, trong khi tại Pháp, tỷ lệ ủng hộ thấp hơn, chỉ là 63%.

Nhà nghiên cứu Đức: Chính sách của Trung Quốc đã cắt giảm hàng triệu ca sinh đẻ ở Tân Cương

Thanh Phương

image.png
Một phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ tại Urumqi. Ảnh chụp 01/05/2014. Ảnh minh họa cho chính sách kiểm soát sinh đẻ của Trung Quốc nhắm vào cộng đồng thiểu số này tại Tân Cương. AP – Ng Han Guan

Theo một nhà nghiên cứu người Đức, các chính sách kiểm soát sinh đẻ của Trung Quốc ở vùng Tân Cương đã cắt giảm từ 2,3 đến 4,5 triệu ca sinh đẻ trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc thiểu số khác, tức là một phần ba dân số của các sắc tộc thiểu số ở vùng này.

Bản nghiên cứu và phân tích mới của chuyên gia Adrian Zenz đã được chia sẻ riêng cho hãng tin Reuters hôm 07/06/2021 trước khi được đăng tải. Tài liệu này cũng bao gồm các nghiên cứu chưa được công bố của các học giả và quan chức Trung Quốc về ý định của Bắc Kinh đằng sau chính sách kiểm soát sinh đẻ ở vùng Tân Cương.

Nghiên cứu của ông Adrian Zenz đã được kiểm chứng đầu tiên về tác động dài hạn của chính sách đàn áp kéo dài nhiều năm của Bắc Kinh đối với dân số vùng Tân Cương.

Các tổ chức nhân quyền, các nhà nghiên cứu và một số cư dân cho biết các chính sách của chính quyền Trung Quốc bao gồm biện pháp cưỡng bức hạn chế sinh đẻ đối với người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc khác, chuyển người lao động từ nơi khác đến Tân Cương và giam giữ khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc khác trong các trại cải tạo.

Chính phủ Trung Quốc chưa công bố bất cứ mục tiêu chính thức nào về việc cắt giảm tỷ lệ người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc thiểu số khác ở Tân Cương. Nhưng dựa trên phân tích các dữ liệu chính thức về sinh đẻ, dự phóng dân số và các tỷ lệ sắc tộc mà các học giả và quan chức Trung Quốc đưa ra, ông Adrien Zenz ước tính là các chính sách của Bắc Kinh có thể làm tăng tỷ lệ người Hán ở Tân Cương từ 8,4% hiện nay lên thành 25%.

Ngoài ra, theo các số liệu chính thức, tỷ lệ sinh đẻ ở vùng này đã sụt giảm đến 48,7% trong thời gian từ 2017 đến 2019.

Trả lời Reuters, nhà nghiên cứu Adrien Zenz khẳng định : « Nghiên cứu và phân tích này cho thấy rõ ý định thật sự đằng sau kế hoạch dài hạn của chính phủ Trung Quốc đối với dân Duy Ngô Nhĩ ».
Nghiên cứu của ông Adrien Zenz được tiết lộ vào lúc ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ một số nước phương Tây yêu cầu điều tra để xác định xem những hành động của Trung Quốc ở Tân Cương có thể được xem là tội ác diệt chủng hay không. Cho tới nay Bắc Kinh vẫn cực lực bác bỏ cáo buộc này.

Trung Quốc mở hội nghị đặc biệt tại Trùng Khánh với các ngoại trưởng ASEAN

Trọng Nghĩa

image.png
Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc, qua vidéo hội nghị, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/11/2020. AP

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc (1991-2021), trong một động thái được cho là nhằm ve vãn các nước Đông Nam Á và phải cạnh tranh gay gắt với Mỹ, Bắc Kinh đã mời các ngoại trưởng thuộc khối ASEAN đến thành phố Trùng Khánh tham dự một Hội Nghị Đặc Biệt của các Ngoại Trưởng ASEAN-Trung Quốc trong hai ngày 07-08/06/2021.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 06/06/2021, đã nhiệt liệt ca ngợi tiến trình 30 năm hợp tác Trung Quốc – ASEAN, xem đấy là một ví dụ điển hình về công cuộc hợp tác thành công trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương.

Theo hãng tin Mỹ AP, truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã tiết lộ một loạt nội dung bắc Kinh muốn thảo luận với các nước Đông Nam Á, từ việc khôi phục du lịch và các trao đổi kinh tế vốn đã phải chịu tác hại từ dịch Covid-19, cho đến các nỗ lực nhằm phối hợp chặt chẽ hơn trong việc chống lại đại dịch, cũng như khả năng thiết lập một hộ chiếu vác-xin để cho phép du lịch tự do hơn.

Ngoài các cuộc họp chung, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn dự kiến gặp riêng từng đồng nhiệm bên lề hội nghị.

Theo ghi nhận của AP, Trung Quốc có mâu thuẫn với nhiều láng giềng như Việt Nam, Philippines hay Malaysia trên vấn đề yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông. Bắc Kinh thường xuyên cho tàu xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế và quấy nhiễu các hoạt động dầu khí của Việt Nam, trong lúc Philippines cũng nhiều lần phản đối sự hiện diện của cả trăm tàu Trung Quốc gần các thực thể ở Trường Sa mà Manila tuyên bố chủ quyền. Mới đây, vào tuần trước, Malaysia đã phản đối việc 16 máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập không phận của nước này.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cố tìm cách tăng cường ảnh hưởng đối với 10 thành viên ASEAN, dùng đến sức mạnh kinh tế và ngoại giao, làm cho khối Đông Nam Á không thể có được một lập trường thống nhất để đối phó do sự phản đối của các đồng minh Trung Quốc trong ASEAN, nhất là Cam Bốt.

Nỗ lực chiêu dụ các nước Đông Nam Á càng gia tăng trong bối cảnh Hoa Kỳ ngày càng năng nổ hơn tại Đông Nam Á, tích cực duy trì sự hiện diện hải quân ở Biển Đông, và không ngần ngại bày tỏ lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc.

Còn Bắc Kinh thì luôn luôn cho rằng sự hiện diện của hải quân Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh trong khu vực, đồng thời đả kích các chiến dịch tuần tra của Mỹ tại Biển Đông được mệnh danh là chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải.

Vụ chuyến bay MH17 của Malaysia bị bắn rơi: Phiên tòa mở lại tại Hà Lan

Trọng Nghĩa

image.png
MH17: phiên toàn đầu tiên hồi tháng 3/2020 tại Badhoevedorp- Hà Lan REUTERS/Piroschka Van De Wouw

Phiên tòa xét xử 4 nghi phạm người Nga và Ukraina trong vụ bắn hạ chiếc phi cơ mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines khi bay qua không phận Ukraina vào năm 2014 mở lại vào hôm nay, 07/06/2021 tai Hà Lan. Công việc của các thẩm phán sẽ là kiểm tra các bằng chứng buộc tội các nghi phạm.

Phiên tòa được mở vào tháng 3 năm 2020, nhưng cho đến nay đã bị vướng vào nhiều cuộc tranh luận pháp lý, chủ yếu liên quan đến việc chấp nhận hay không các bằng chứng trong tai nạn chiếc máy bay nối liền Amsterdam với Kula Lumpur đã khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Ba công dân Nga Sergei Dubinsky, Igor Guirkin và Oleg Poulatov, cùng với công dân Ukraina Leonid Khartchenko là bốn người lãnh đạo cấp cao thuộc lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraina. Họ bị cơ quan công tố Hà Lan truy tố về tội sát nhân và cố tình tham gia vào thảm kịch. Cả bốn người đều bị xử vắng mặt, riêng Oleg Poulatov là một trong bốn nghi phạm có đại diện hợp pháp tại tòa.

Trong một bản thông cáo được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, tòa án chịu trách nhiệm vụ xử đã nêu bật một số vấn đề chính cần xem xét: “Chuyến bay MH17 có bị tên lửa BUK (của Nga) bắn hạ hay không? Một chiếc tên lửa BUK có được bắn đi từ một cánh đồng gần Pervomaiskyi hay không? Các bị cáo phải chăng có một vai trò trong vụ việc?”

Chiếc Boeing 777, rời Amsterdam để đến Kuala Lumpur vào ngày 17 tháng 7 năm 2014, đã bị bắn rơi trong khu vực có chiến sự với lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina. Nhóm điều tra quốc tế, do Hà Lan dẫn đầu, vào tháng 5 năm 2018, đã cho rằng rằng máy bay đã bị bắn hạ với một tên lửa BUK từ lữ đoàn phòng không số 53 của Nga đặt tại Kursk (miền tây nam nước Nga). Oleg Poulatov, một trong những nghi phạm, trái lại đã cho biết vào tháng 11 năm 2020 rằng anh ta không thấy dấu hiệu nào về loại tên lửa mà bên công tố cho rằng đã được sử dụng để bắn hạ chiếc máy bay.

Phiên tòa mở tại tòa án Schiphol ở Amsterdam, không xa sân bay nơi chiếc Boeing đã cất cánh, và vì 196 trong số 298 nạn nhân là người Hà Lan.

Theo chương trình được tòa án công bố, ngày đầu tiên hôm nay được dành cho “phiên điều trần về nội dung” vụ án, với các chủ đề chung, bao gồm cả cuộc điều tra của thẩm phán thụ lý hồ sơ, và sau đó sẽ là ba ngày thảo luận bổ sung. Sau đó, bên công tố và bên bào chữa sẽ có cơ hội nêu ra các vấn đề trong các phiên điều trần kéo dài đến ngày 09/07. Riêng người thân của các nạn nhân sẽ có thể nộp đơn ra tòa vào tháng 9.

Miến Điện : Cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi ra tòa ngày 14/06

Thanh Phương

image.png
Phiên toàn đầu tiên được ấn định vào ngày 14/06/2021 xử bà Aung San Suu Kyi chủ tịch Liên Đoàn Quốc vì Dân Chủ Miến Điện. Ye Aung Thu AFP/Archivos

Cựu lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi sẽ bị đem ra xử kể từ ngày 14/06 theo thông báo của các luật sư của bà với hãng tin AFP hôm nay, 07/06/2021.

Bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel hòa bình năm 1991, đã bị bắt ngày 01/02 khi quân đội tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ dân sự. Từ đó đến nay, cựu lãnh đạo Miến Điện đã bị cáo buộc nhiều tội, từ tàng trữ trái phép máy bộ đàm, đến kích động gây rối trật tự công cộng và vi phạm luật về bí mật quốc gia.

Phiên tòa đầu tiên sẽ diễn ra ngày 14/06 tại thủ đô Naypyidaw. Trong phiên tòa thứ hai vào ngày 15/06 cũng tại Naypidaw, bà Aung San Suu Kyi sẽ bị đem ra xử cùng với cựu tổng thống Win Myint về tội « nổi loạn ». Về tội nặng nhất, tội vi phạm luật an ninh quốc gia, có từ thời thuộc địa, cựu lãnh đạo Miến Điện, năm nay 75 tuổi, có thể sẽ bị xử sau đó ở Rangoon.

Nếu bị kết tội, bà Aung San Suu Kyi sẽ bị cấm tham gia chính trị và sẽ lãnh án tù nhiều năm. Các nhà quan sát được hãng tin AFP trích dẫn đều đã lên án « những phiên tòa dàn dựng ». Một luật sư của cựu lãnh đạo Miến Điện cho biết, bị quản thúc tại gia kể từ cuộc đảo chính, bà không hề được cung cấp thông tin, chỉ được gặp luật sư hai lần, nhưng hiện tình trạng sức khỏe vẫn tốt.

Ngoài việc đưa bà Aung San Suu Kyi ra xử, các tướng lãnh cầm quyền còn dọa sẽ giải tán đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà. Đảng này đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2020, nhưng nay bị cáo buộc gian lận bầu cử. Theo AFP, ủy ban bầu cử, thân cận với tập đoàn quân sự, đã cho biết sắp hoàn tất cuộc điều tra. Điều này có nghĩa là sắp tới đây chính quyền sẽ thông báo quyết định về vấn đề này.

Related posts