Hiểu Minh
Thêm 70 ca COVID-19
VnExpress – Bộ Y tế sáng 10/6 ghi nhận 70 ca dương tính nCoV, gồm 66 ca trong nước và 4 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
70 ca mới được ghi nhận từ số 9566-9635. 66 ca ghi nhận trong nước gồm tại TP HCM 26, Bắc Ninh 23, Bắc Giang 16, Hà Tĩnh một, trong đó 50 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Số ca nhiễm mới nâng tổng số ca tại Bắc Giang 3.621, Bắc Ninh 1.205, TP HCM 527, Hà Tĩnh 14.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 6.451, ghi nhận ở 39 tỉnh thành.
Có 16 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Bắc Giang; Ca 9566, 9581-9582, 9585, 9589, 9594, 9596-9605 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp.
Hà Tĩnh; Ca 9567, nam, 45 tuổi, địa chỉ tại thị xã Hồng Lĩnh, đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 9/6 dương tính với nCoV, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Bắc Ninh; Ca 9568-9580, 9583-9584, 9586-9588, 9590-9593, 9595 gồm 16 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ, 2 ca liên quan đến ổ dịch Đại Phúc, 2 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm, một ca là F1, 2 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 8-9/6 họ dương tính với nCoV.
Sài Gòn; Ca 9606-9631 gồm 8 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng, 5 ca là các trường hợp F1, 13 ca đang điều tra dịch tễ.
Việt Nam xin hoãn tổ chức SEA Games 31
Zing – Chiều 9/6, Văn phòng điều phối Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cùng Ủy ban Olympic các quốc gia họp thảo luận để lấy ý kiến về công tác tổ chức SEA Games 31.
Một thành viên trong cuộc họp chia sẻ: “Việt Nam và các bên báo cáo công việc liên quan đến sự chuẩn bị tham dự SEA Games 31, cũng như tình hình dịch Covid-19. Các bên thảo luận với nhau và đưa ra các phương án. Nếu từ nay đến cuối năm mà dịch không kiểm soát được ở khu vực, có thể phải hoãn đến năm 2022. Cũng giống như Olympic hay Euro cũng phải hoãn một năm. Việt Nam mới đưa ra các phương án, và 2 tuần sau sẽ có cuộc họp tiếp, sau khi các bên báo cáo tình hình với chính phủ”.
Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến, trong đó Ủy ban Olympic Việt Nam chủ trì. Chủ nhà Việt Nam đề xuất tổ chức SEA Games 31 vào tháng 7/2022, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Dự kiến, 2 tuần sau cuộc họp này, các quốc gia khu vực sẽ có phản hồi chính thức và trên cơ sở đó cùng nhau thảo luận để đi đến thống nhất trong kế hoạch tổ chức SEA Games 31
Theo kế hoạch ban đầu, SEA Games 31 dự kiến diễn ra từ ngày 21/11 đến 2/12 tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành lân cận. Tuy nhiên, nhiều tỉnh thành như Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội vẫn đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngày 9/6, Sài Gòn có 40 người nhiễm nCoV, 8 ca chưa rõ nguồn lây
Zing – Chiều 9/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết thành phố có thêm 20 trường hợp nghi nhiễm đang chờ Bộ Y tế công bố.
Như vậy, tính từ 18h ngày 8/6 đến 18h ngày 9/6, TP.HCM ghi nhận 40 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 15 người liên quan điểm nhóm hội thánh, 17 trường hợp là các tiếp xúc gần của ca bệnh đã công bố trước đó, 8 ca phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện và cộng đồng, đang điều tra dịch tễ.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, 40 bệnh nhân mới được ghi nhận tại: quận 1 (5), quận 7 (1), quận 8 (5), Bình Thạnh (5), Bình Tân (7), Tân Bình (1), Gò Vấp (2), Tân Phú (1), TP Thủ Đức (4), Nhà Bè (1) và Hóc Môn (8).
Như vậy, chuỗi lây nhiễm này đã có hơn 400 bệnh nhân phân bố ở 21/22 quận huyện và thành phố Thủ Đức. Đợt dịch tại TP.HCM trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm, có tính chất lây nhanh, lan rộng. Đặc biệt, các trường hợp lây nhiễm được phát hiện ở chu kỳ lây nhiễm thứ 4, thứ 5 chủ yếu là tiếp xúc tại nơi làm việc, nơi cư trú.
Bé gái 6 tuổi ở Hà Nội nghi mắc Covid-19
VnExpress – CDC Hà Nội tối 9/6 cho biết bé gái 6 tuổi, sống ở Kính Nỗ, thị trấn Đông Anh, xét nghiệm khẳng định dương tính nCoV.
Bé là con gái của bệnh nhân 9521 và 9522, hai ca nhiễm vừa được Bộ Y tế ghi nhận dương tính chiều 9/6. Còn bé gái chưa được Bộ Y tế định mã bệnh nhân, vì vậy xem như nghi mắc.
Đây là ca nhiễm thứ bảy thuộc chùm ca bệnh tại thị trấn Đông Anh được ghi nhận kể từ ngày 7/6. Hiện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và Trung tâm Y tế huyện Đông Anh tiếp tục điều tra, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc gần. Lực lượng chức năng chưa rõ nguồn dịch tễ của chuỗi lây nhiễm này.
CDC Hà Nội tiếp tục thông báo khẩn tìm người đến làm việc, mua bán, liên quan khu vực chợ Cửa hàng mới tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh. Những người đã đi chợ này từ ngày 16/5 đến 8/6, phải tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế địa phương.
Một gia đình 3 người ở quận 1, Sài Gòn dương tính COVID-19
Tuoitre – Thành viên đầu tiên trong gia đình được phát hiện khi đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra nguồn lây.
Tối 9/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết có một gia đình 3 người ở quận 1 dương tính với SARS-CoV-2.
Trước đó, ngày 7/6, nhận được thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới về một trường hợp dương tính SARS-CoV-2 cư ngụ tại hẻm 120 Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, các lực lượng chức năng đã xuống hiện trường khoanh vùng, điều tra truy vết, phong tỏa tạm thời và khử khuẩn khu vực.
Bệnh nhân được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chuyển cách ly và điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, có mã số BN9487 và được Bộ Y tế công bố trưa 9/6.
Vào ngày 6/6, bệnh nhân có triệu chứng sốt và nhức mỏi, mua thuốc uống không đỡ nên tự đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới khám sàng lọc.
Hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra nguồn lây.
Qua điều tra dịch tễ ghi nhận 9 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân. Trong đó, chồng và 2 con của bệnh nhân được test nhanh. Kết quả có 2 người dương tính.
Hai trường hợp này được chuyển sang Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, trường hợp còn lại chuyển đến khu cách ly tập trung.
Lực lượng chức năng dự kiến sẽ có khoảng 500 người trong khu vực phong tỏa.
5 em nhỏ rủ nhau tắm biển, 3 em chết đuối và mất tích
Nld – Tối 9/6, một lãnh đạo UBND xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa xác nhận trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 trẻ em bị chết đuối và 1 trẻ đang mất tích, hiện chưa tìm thấy.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 16 giờ ngày 9-6, một nhóm trẻ em (khoảng 10-12 tuổi; đều ngụ xã Quảng Nham) ra khu vực bờ biển của xã để tắm. Bất ngờ, nhóm trẻ nhỏ bị sóng biển cuốn trôi ra xa.
Nghe tiếng kêu cứu, nhiều người dân đã lao ra biển nhưng chỉ cứu được 2 em nhỏ, 3 em còn lại bị sóng biển cuốn mất tích.
Nhận được thông tin từ người dân, chính quyền xã Quảng Nham đã nhanh chóng đến hiện trường và huy động các lực lượng cùng cứu hộ tìm các em mất tích. 2 em nhỏ sau đó đã được tìm thấy nhưng đã tử vong, 1 em còn mất tích.
Cựu cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường bị đề nghị truy tố vì lừa bán đất
Tienphong – Nhà chức trách tỉnh Thanh Hóa cho biết họ đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ba cựu cán bộ địa phương liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của Cơ quan, tổ chức.
Theo truyền thông trong trong nước, công an xác định ông Nguyễn Lê Giang (sinh năm 1985, nguyên cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường Thành phố Thanh Hóa) đã lừa đảo bán và nhận cọc các lô đất, chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng.
Ông Giang bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của Cơ quan, tổ chức”. Ngoài ra, bà Đàm Thị Quyên bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; ông Lê Văn Dụng bị truy tố tội “Làm giả con dấu, tài liệu của Cơ quan, tổ chức”.
Kết quả điều tra cho biết ông Giang, trong quá trình làm việc tại Ủy ban Nhân dân Thành phố Thanh Hóa, đã tạo niềm tin, lừa nhận 100 tỷ đồng tiền đặt cọc của nhiều người để mua đất ở một số dự án trên địa bàn.
Cơ quan điều tra xác định ông Giang nói mình có khả năng và có quan hệ để lấy một số lô đất quy hoạch mới trên địa bàn tỉnh với giá “ngoại giao”. Tuy nhiên, những người mua đất đã nộp tiền nhưng không được bàn giao đất.
Đặc biệt trong vụ án, mẹ của ông Giang là bà LTH (nguyên Phó giám đốc Nhà máy bia Thanh Hóa) cũng bị xác định liên quan, ký tên làm chứng hoặc ký tên nhận tiền.
Bà Quyên và ông Dụng bị xác định là đồng phạm, giúp ông Giang trong việc ký hợp đồng với các nạn nhân.
Cầu Long Biên quá yếu, đề xuất xây cầu đường sắt mới vượt sông Hồng
Dantri – Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện cầu Long Biên – Hà Nội đã quá yếu, không thể thực hiện kết nối vận tải. Việc đầu tư xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng là vấn đề cấp thiết.
Gián đoạn vận tải vì cầu Long Biên quá yếu
Long Biên là cầu huyết mạch, con đường ngắn nhất kết nối các tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lạng Sơn với đường sắt quốc gia đi xuyên tâm nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, cầu Long Biên đang xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện nay, hàng hóa từ tuyến phía Đông đi tuyến phía Nam (Hà Nội – TPHCM) phải đi đường vòng vành đai phía Tây (cầu Thăng Long). Theo đó, hành trình vận chuyển từ Gia Lâm – Yên Viên – Đông Anh – Bắc Hồng – cầu Thăng Long – Hà Đông – Văn Điển và về ga lập tàu là Giáp Bát. Quãng đường đi vòng này khiến hành trình các đoàn tàu phải kéo dài thêm 60 km.
Hàng hóa từ tuyến phía Nam ngược ra cũng phải đi theo tuyến đường sắt vành đai phía Tây để lên các tuyến biên giới. Vì vậy, nếu đoàn tàu đi từ Hà Nội tới Lào Cai sẽ xa thêm 40 km, còn đi Hà Nội – Lạng Sơn xa thêm 50 km.
Theo tính toán của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), việc các tuyến đường sắt di chuyển theo tuyến vành đai phía Tây sẽ “đội” chi phí rất lớn, nhưng không còn cách nào khác bởi ở Hà Nội ngoài cầu Long Biên thì chỉ có cầu Thăng Long là cầu đường sắt vượt sông Hồng.
Lãnh đạo VNR cho biết rất cần xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng, để kết nối các tuyến đường sắt quốc gia phía Đông, phía Bắc với các tuyến phía Nam, rút ngắn quãng đường và không phải đi qua tuyến đường sắt xuyên tâm Hà Nội.
Xây cầu đường sắt mới gần cầu Thanh Trì
Trên thực tế, từ những năm 2013-2014, yêu cầu về việc bảo tồn cây cầu Long Biên hơn 100 tuổi đã được đặt ra cấp thiết.
Cụ thể, cuối tháng 10/2013, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị chỉ đạo chủ đầu tư là VNR nghiên cứu phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng trùng với cầu Long Biên hiện có, hướng tuyến 2 đầu cầu trùng với hướng tuyến đường sắt hiện có và xây dựng cầu đường sắt cho dự án đường sắt đô thị số 1 đồng bộ với dự án tôn tạo cầu Long Biên.
Qua khảo sát, nghiên cứu và đánh giá tổng thể, Bộ GTVT đưa ra phương án vị trí cầu vượt sông Hồng thuộc Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) Yên Viên – Ngọc Hồi, giai đoạn một. Cầu Long Biên sẽ được di dời về phía thượng lưu, đồng thời xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng trên tim cầu cũ. Dự kiến, dự án sẽ tiêu tốn 867 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và 7.982 tỷ đồng xây dựng cầu mới.
Trong hệ thống Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi cũng đã tính toán, cầu đường sắt mới vượt sông Hồng được xây dựng cách cầu Long Biên khoảng 75 m về thượng lưu, không sử dụng cầu Long Biên để vận tải đường sắt. Tuy nhiên, trong 7 năm qua, mọi việc vẫn chưa có diễn biến mới, còn dự án đường sắt đô thị này cũng đang “bất động”.
Mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam đã trình Bộ GTVT dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Trong quy hoạch này, Cục Đường sắt nêu phương án không sử dụng cầu Long Biên để kết nối đường sắt quốc gia, sẽ xây dựng tuyến đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội theo hướng Ngọc Hồi – Lạc Đạo – Yên Viên – Bắc Hồng, trong đó có đoạn từ Ngọc Hồi (tuyến phía Nam) đến Lạc Đạo (tuyến phía Đông).
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, kết nối giữa hai ga nói trên sẽ có cầu đường sắt mới gần vị trí cầu Thanh Trì, khi hoàn thành tuyến vành đai phía Đông sẽ thay thế toàn bộ đoạn tuyến qua cầu Long Biên hiện có.
Cục Đường sắt đề xuất ưu tiên bố trí vốn để đầu tư xây dựng tuyến vành đai phía Đông trong giai đoạn 2021-2030, với nhu cầu vốn khoảng 8.100 tỷ đồng. Sau khi quy hoạch mạng lưới và đề xuất này được phê duyệt, đến giai đoạn lập quy hoạch chi tiết mới xác định chi tiết vị trí cầu đường sắt mới và lập dự án đầu tư.