Thượng Viện Mỹ thông qua kế hoạch hơn 170 tỷ đầu tư cho công nghệ để đối phó với Trung Quốc
Anh Vũ
Thượng Viện Hoa Kỳ, ngày 08/06/2021, đã thông qua một kế hoạch đầu tư hơn 170 tỷ đô la, để khuyên khích các công ty sản xuất tại Mỹ và đối phó với Trung Quốc trên lĩnh vực công nghệ. Bắc Kinh tố cáo Washington thổi phồng cái gọi là mối « đe dọa Trung Quốc ».
Trong một phiên họp đặc biệt giữa đảng Dân Chủ và Cộng Hòa hôm qua, Thượng Viện Mỹ đã thông qua dự luật dự trù các khoản đầu tư lớn trong lĩnh vực khoa học công nghệ để ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc.
Theo AFP, văn kiện luật được đánh giá mang tính « lịch sử » này được thông qua với 68 phiếu thuận và 32 phiếu chống, sẽ còn phải được đưa qua Hạ Viện phê chuẩn vòng cuối cùng trước khi tổng thống ký ban hành. Tuy nhiên lịch trình công việc này tại Hạ Viện vẫn chưa được ấn định.
Ngay sau khi Thượng Viện Mỹ thông qua dự luật trên, Ủy ban Đối ngoại Quốc Hội Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Washington thổi phồng « mối đe doa Trung Quốc » thể hiện tâm lý « hoang tưởng » của Mỹ với Trung Quốc.
Kế hoạch đầu tư được Thượng Viện vừa thông qua dành hơn 170 tỷ đô la cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất tại Hoa Kỳ các chi tiết bán dẫn, hiện chủ yếu được sản xuất tại châu Á. Tình trạng khan hiếm vật liệu bán dẫn khắp thế giới đang tác động đến các ngành sản xuất trọng yếu, từ xe hơi đến viễn thông. Chế tạo bán dẫn trở thành một thách thức chiến lược với nhiều nước trên thế giới.
Cụ thể kế hoạch đầu tư dự trù 52 tỷ trong 5 năm để khuyến khích sản xuất bán dẫn trên đất Mỹ. 120 tỷ đô la dành cho nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ bản lề như trí tuệ nhân tạo, phát triển mạng 5 G, những lĩnh vực cạnh tranh căng thẳng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tổng thống Joe Biden đã khen ngợi việc thông qua dự luật. Ông tuyên bố « Vào lúc các nước khác tiếp tục đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển cho riêng mình. Chúng ta không chậm trễ. Nước Mỹ phải giữ vị thế của quốc gia cải tiến và sản xuất mạnh nhất thế giới ».
Bảo vệ nền kinh tế Mỹ, đặc biệt trước sự bành trướng của Trung Quốc là chủ đề hiếm hoi có được đồng thuận giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tại Quốc Hội Mỹ. Lãnh đạo phe Dân Chủ tại Thượng Viện Chuck Schumer đánh giá dự luật này « mở đường đầu tư rộng rãi nhất trong khoa học và công nghệ từ nhiều thế hệ qua ».
Còn lãnh đạo phe Cộng Hòa tại Thượng Viện Mitch McConnell nhất mạnh : « Từ các dây chuyền cung ứng thiết yếu đến sở hữu trí tuệ qua đến chống gián điệp, dự luật tấn công vào vấn đề chủ chốt để giúp chúng ta xác định cơ sở chiến lược cho nhiều thập kỷ ». Các nghị sĩ Mỹ nhất trí cho rằng dự luật này mang lại cho Hoa Kỳ khả năng đáp trả mạnh mẽ cuộc cạnh tranh không trung thực từ chế độ Cộng Sản Trung Quốc.
Nhật Bản – Úc kêu gọi giải pháp hòa bình cho vấn đề Đài loan
Anh Vũ
Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Montegi hôm 09/06/2021 tuyên bố với báo chí tại Tokyo rằng Nhật Bản và Úc nhất trí thúc đẩy tìm giải pháp hòa bình cho các vấn đề liên quan đến Đài Loan, đồng thời khẳng định thắt chặt hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng để đối phó với sự gia tăng bành trướng của Trung Quốc trong vùng.
Theo Reuters, sau cuộc họp các bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại giao của Úc và Nhật, được tổ chức theo hình thức qua truyền hình, ông Montegi thông báo với báo chí: « Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trong eo biển Đài Loan, đồng thời nhất trí với nhau phải thúc đẩy tìm giải pháp hòa bình cho các vấn đề giữa hai bờ eo biển Đài Loan ».
Đây cũng là lời kêu gọi đã được đưa trong cuộc họp cấp cao giữa Nhật Bản với Hoa Kỳ cũng như với Liên Hiệp Châu Âu gần đây.
Trong tuyên bố chung ra sau phiên đối thoại « 2+2 » lần thứ 9, các bộ trưởng Úc và Nhật lần đầu tiên nêu vấn đề Đài Loan, hòn đảo vẫn bị Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai của họ và luôn đe dọa sử dụng vũ lực để lấy lại.
Gần đây vấn đề Đài Loan được dấy lên rộng rãi, đặc biệt từ khi chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump và giờ đây của Joe Biden, liên tiếp có những động thái ủng hộ nhằm xác nhận Đài Loan như một vùng lãnh thổ độc lập với Trung Quốc. Phản ứng lại, Bắc Kinh tăng cường thể hiện sức mạnh quân sự uy hiếp, đe dọa Đài Loan.
Tại cuộc họp lần này, một lần nữa các lãnh đạo Nhật lại tỏ lo ngại về luật hải cảnh mới được Trung Quốc ban hành, theo đó cho phép bắn vào các tàu nước ngoài bị cho là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của họ. Các đồng nghiệp Úc đã chia xẻ mối lo ngại của Nhật.
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Kishi tuyên bố với báo chí sau cuộc họp, Nhật và Úc phải « tăng cường hơn nữa họp tác trong lĩnh vực an ninh », nhằm đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định trong vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương.
Trong cuộc họp 2+2 với Úc lần này, Tokyo và Canberra khẳng định sẽ tăng cường hợp tác quân sự, tham gia bảo vệ nhau trong trường hợp có xung đột, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Nobuo Kishi được trang tin Nhật The Mainichi dẫn lời cho biết.
Hồi tháng 11 năm 2020, thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và đồng nhiệm úc Scott Morrison đã nhất trí trên nguyên tắc về một thỏa thuận có tên gọi Hiệp định Tiếp cận Tương hỗ (Reciprocal Access Agreement – RAA), cho phép quân đội hai bên có các cuộc huấn luyện chung trên lãnh thổ của nhau, cũng như nhiều hoạt động quân sự phối hợp khác.
Biển Đông: ASEAN và Trung Quốc đồng ý kêu gọi các bên kìm chế, tránh khiêu khích
Trọng Thành
Một ngày sau cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc, hôm qua, 08/06/2021, khối ASEAN ra thông báo cho biết hai bên đồng ý về việc tránh các hành động có thể khiến leo thang xung đột tại Biển Đông. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Philippines và Malaysia trong những tuần gần đây liên tục đưa ra phản đối ngoại giao về các hành động xâm lấn của Trung Quốc.
Thông báo của ASEAN, được báo mạng Singapore Strait Times dẫn lại, nhấn mạnh đến việc « Cải thiện và bảo vệ an ninh hàng hải, bảo vệ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, kiềm chế để không có các hoạt động có thể làm phức tạp và trầm trọng hơn các tranh chấp, ảnh hưởng xấu đến hòa bình và ổn định ». Báo Strait Times cũng ghi nhận là ngôn từ được dùng trong văn bản này cũng giống với các tuyên bố trước đây của ASEAN.
Báo mạng Singapore dẫn một số nguồn tin ngoại giao cho biết thêm là việc ASEAN chậm việc ra thông báo do các bất đồng về Biển Đông, cùng với khủng hoảng Miến Điện, chiếm phần lớn thời gian thảo luận buổi chiều hôm qua tại thành phố Trung Khánh (Chongqing), Trung Quốc, nơi diễn ra hội nghị. Theo một nhà ngoại giao cao cấp của ASEAN, Philippines đã yêu cầu các lời lẽ mạnh mẽ hơn về được Biển Đông phải được đưa vào thông báo, nhưng rút cục đòi hỏi của Manila đã không thành, do sự phản đối từ phía « Trung Quốc… và một số quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á », ngụ ý nói Cambodge và Lào.
Theo Strait Times, một điểm đáng chú ý là trong thông báo nói trên không có bất cứ một nội dung nào liên quan đến khủng hoảng Miến Điện. Các ngoại trưởng ASEAN chỉ đề cập chung đến việc « duy trì hòa bình và ổn định khu vực ».
Indonesia đăng cai tổ chức vòng đàm phán COC tiếp theo
ASEAN và Trung Quốc cũng dự kiến sẽ nối lại các đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), bị đình lại do đại dịch Covid-19. Theo báo Indonesia Jakarta Post, cuộc họp hôm thứ Hai, 07/06, là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các đại diện ASEAN và Trung Quốc, từ hơn một năm nay. Cuộc gặp được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc. Trong cuộc họp này Indonesia đề nghị đăng cai tổ chức vòng đàm phán tiếp theo giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử COC.
Nghị Viện Châu Âu thảo luận biện pháp trừng phạt mới với Belarus
Trọng Thành
Trong phiên họp hôm 08/06/2021 tại Strasbourg, Pháp, các nghị sĩ châu Âu thảo luận về các biệp pháp trừng phạt mới nhắm vào Belarus . Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell đã thông báo việc chuẩn bị danh sách các doanh nghiệp và cá nhân liên quan đến vụ chính quyền Belarus buộc một máy bay dân sự của hãng Ryanair phải hạ cánh, để bắt đối lập, đã có nhiều tiến triển.
Trong lúc đó, nhiều người trong giới tranh đấu vì dân chủ tại Belarus tập trung trước trụ sở Nghị Viện Châu Âu để báo động về tình hình đàn áp đang ngày càng trở nên khốc liệt tại Belarus, bị ví như một « Bắc Triều Tiên » nằm ngay ở cửa ngõ châu Âu.
Đặc phái viên Anastasia Becchio từ Strasbourg gửi về bài tường trình :
« Trước một biểu ngữ lớn và lá cờ hai màu đỏ trắng, biểu tượng của cuộc chiến vì nền dân chủ tại Belarus, là khoảng 15 nghị sĩ, đến đây để bày tỏ tình đoàn kết của họ với các đại diện người Belarus ở hải ngoại.
Alice Syrakvash, chủ tịch Hiệp hội người Belarus, có mặt tại Paris. Bà nói: ‘‘Belarus đã biến thành Bắc Triều Tiên. Ở ngay biên giới của Liên Hiệp Châu Âu là một chế độ không còn kiêng dè gì cả, họ tự cho rằng có thể làm mọi thứ miễn là được Matxcơva ủng hộ. Trong tình hình đó, chúng tôi cần đến sự ủng hộ của người dân châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu, và cả toàn thế giới, để tái lập nền dân chủ ở Belarus’’.
Nghị sĩ châu Âu người Bỉ Guy Verhofstadt báo trước, đối với một lãnh đạo Belarus tự cho mình có quyền chặn máy bay dân sự, để bắt giữ một nhà đối lập, cần phải có các trừng phạt cứng rắn. Ông nói: ‘‘Tất cả chúng ta, với tư cách là các nghị sĩ, cần phải tiếp tục gây áp lực với các lãnh đạo của chúng ta, với Ủy Ban Châu Âu, với ông Borrell, lãnh đạo ngoại giao. Chúng ta phải tiếp tục cuộc chiến này, không thể thoái thác, bởi nếu chúng ta không thành công tại Belarus, thì đây sẽ là một tấm gương cho tất cả các lãnh đạo độc tài trên thế giới, cho thấy là họ cũng có thể có cùng một cách hành xử như vậy ».
Tại Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell cho biết cụ thể là các biện pháp trừng phạt kinh tế thuộc nhiều lĩnh vực sẽ được trình ra các ngoại trưởng của khối 27 nước, trong cuộc họp tới vào ngày 21/06 ở Luxembourg ».
Miến Điện: Thêm 100,000 người ở miền đông phải tản cư do bạo lực
Trọng Thành
Văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện hôm qua, 08/06/2021, báo động : riêng tại bang miền đông Kayah, gần biên giới với Thái Lan, đã có khoảng 100.000 người phải sơ tán mới đây, do đụng độ giữa quân đội và một số nhóm nổi dậy.
Vài giờ sau khi có những thông tin này, báo cáo viên về tình hình nhân quyền ở Miến Điện của Liên Hiệp Quốc, ông Thomas Andrews, ra một thông báo cho biết cụ thể là các đụng độ và « các cuộc tấn công bừa bãi của quân đội nhắm vào các vùng dân cư » khiến người dân phải tản cư. Theo chuyên gia Liên Hiệp Quốc, người dân trong các vùng chiến sự « cần khẩn cấp » thực phẩm, nước uống, nơi ở và chăm sóc y tế, trong lúc việc quân đội giới hạn giao thông làm chậm lại các hoạt động cứu trợ.
Không chỉ chuyện người dân phải sơ tán quy mô lớn, mà một thảm họa nhân đạo có thể sớm xảy ra. Ông Thomas Andrews khẩn thiết báo động : « Hãy cho tôi được nói thẳng. Tình trạng người chết hàng loạt vì đói, bệnh tật, trên quy mô mà chúng tôi chưa thấy kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2, có thể xảy ra ở bang Kayah, nếu không có hành động ngay lập tức ».
Đại diện Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận một số dân làng đã thành lập « các nhóm tự vệ ». Theo AFP, nhiều cư dân tại bang Kayah cáo buộc quân đội bắn pháo vào các làng. Ảnh chụp của AFP tại vùng này cho thấy nhiều dân làng tham gia làm vũ khí tại các xưởng chế tạo thô sơ, trong lúc các nhóm tự vệ địa phương chống lại quân đội.
Tiểu Bang Kayah miền đông Miến Điện là bang có đường biên chung với Thái Lan. Tình hình bạo lực tiếp tục gia tăng ở miền đông Miến Điện khiến chính quyền Thái Lan lo ngại làn sóng tị nạn tràn qua biên giới. Hôm 06/06/2021, tức ngay sau khi đoàn đặc phái viên ASEAN đến Miến Điện, bộ Ngoại Giao Thái Lan ra thông báo bày tỏ « quan ngại », đồng thời kêu gọi tập đoàn quân sự sớm thực thi Đồng thuận 5 điểm của khối ASEAN. Tuy nhiên, đối lập Miến Điện không tin tưởng ở khả năng của ASEAN thực thi Đồng thuận 5 điểm.
Hơn 400 hiệp hội dân sự Đông Nam Á ra tuyên bố chung lên án ASEAN
Không chỉ đối lập và người dân Miến Điện thất vọng. Hôm 07/06/2021, 430 tổ chức xã hội dân sự tại các nước thuộc khối ASEAN đã ra một tuyên bố chung tố cáo ASEAN đã thất bại trong việc thực thi Đồng thuận 5 điểm, cụ thể là đã không đối thoại với tất cả các bên, « từ chối đối thoại với các đại diện thực sự của nhân dân Miến Điện », như chính phủ Đoàn kết Dân tộc chống tập đoàn quân sự (NUG), lãnh đạo các sắc tộc thiểu số, Ủy ban Đại diện cho Hạ viện Miến Điện (CRPH) hay Phong trào Bất tuân Dân sự (CDM).
Chủ trì tuyên bố chung nói trên là ba hiệp hội Asian Forum for Human Rights and Development (FORUM-ASIA), Progressive Voice và ALTSEAN-Burma. Tuyên bố chung của 430 hiệp hội dân sự ASEAN đặc biệt chú ý đến chuyến công du đầu tháng 6/2021 của phái đoàn ASEAN, gồm tổng Thư ký ASEAN, ông Dato Lim Jock Hoi, và ngoại trưởng Brunei, ông Dato Erywan Pehin Yusof, đại diện cho quốc gia chủ tịch ASEAN. Các hiệp hội dân sự ASEAN chỉ trích « tính không minh bạch » của chuyến đi, với việc phái đoàn ASEAN chỉ tiếp xúc với một bên, là tập đoàn quân sự Miến Điện, chứ không phải là tất cả các bên, « trái với điểm 5 trong Đồng thuận 5 điểm », theo đó « đặc phái viên và phái đoàn ASEAN sẽ đến Miến Điện để gặp gỡ tất cả các bên liên quan ».
NUG gửi thư ngỏ đến chính phủ Trung Quốc
Theo trang mạng đối lập Miến Điện Irrawady, cũng hôm 07/06, chính phủ Đoàn kết Dân tộc chống tập đoàn quân sự (NUG) gửi thư ngỏ đến chính phủ Trung Quốc bày tỏ « lo ngại sâu sắc » trước việc Bắc Kinh và khối ASEAN đã không ủng hộ để NUG tham gia vào các nỗ lực tìm giải pháp cho khủng hoảng Miến Điện. Thư ngỏ của NUG gửi chính quyền Trung Quốc được đưa ra ít ngày sau khi NUG lên án ASEAN « đứng hẳn về phía tập đoàn quân sự » trong việc tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng Miến Điện, bùng lên sau đảo chính quân sự 01/02/2021.
Thư ngỏ được gửi đúng dịp Trung Quốc và ASEAN tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt, kỷ niệm 30 năm hội nghị các ngoại trưởng Trung Quốc-ASEAN đầu tiên và Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Mêkông – Lan Thương (LMC), từ ngày 6 đến 8 tháng 6 tại Trùng Khánh, Trung Quốc.