Tin Việt Nam trưa thứ Bảy: Bệnh nhân COVID-19 thứ 58 tử vong; 200 hộ dân ở xã nông thôn mới phải sử dụng điện giá cao gấp 2-3 lần

Hiểu Minh

Bão giật cấp 10 có thể vào vịnh Bắc Bộ rạng sáng mai 13/6

Gov – Rạng sáng mai 13/6, bão giật cấp 10 có thể tiến vào vịnh Bắc Bộ, hình thái này sẽ gây mưa lớn cho các tỉnh phía Bắc.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 4h ngày 12/6, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới ở trên Biển Đông (ở vị trí khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông) có sức gió mạnh nhất 56 km/h, tương đương cấp 7, giật cấp 9.

12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, vận tốc 15-20 km/h và khả năng mạnh lên thành bão. Chiều nay, tâm bão nằm ngay trên khu vực phía tây đảo Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.

Hình thái này sau đó giữ hướng đi và vận tốc, tiến vào vịnh Bắc Bộ vào rạng sáng 13/6. Sức gió mạnh nhất duy trì ở cấp 8, giật cấp 10.

Cơ quan khí tượng cho biết từ chiều 12/6 đến ngày 14/6, các tỉnh Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế có mưa lớn. Lượng mưa phổ biến 80-150 mm/đợt, có nơi trên 150 mm.

Riêng khu vực phía nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, mưa có thể lên tới 150-250 mm/đợt, có nơi trên 350 mm.

Trên đất liền, từ gần sáng ngày 13/6, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 5, giật cấp 6-7. Vùng ven biển gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.

Bệnh nhân COVID-19 thứ 58 tử vong

VnExpress – Bộ Y tế trưa 12/6 công bố “bệnh nhân 4118” tử vong vì sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do nCoV trên bệnh nền ung thư phổi đang điều trị hóa chất.

Theo Tiểu ban Điều trị, bệnh nhân nữ, 64 tuổi, địa chỉ tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Bà phát hiện ung thư phổi vào tháng 10/2020, đã phẫu thuật cắt phổi trái và điều trị hóa trị 5 lần.

Bệnh nhân điều trị hóa chất đợt thứ 5 tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, ngày 14/5 được xét nghiệm nCoV, kết quả dương tính. Bệnh nhân được điều trị tích cực, tuy nhiên tình trạng tiến triển nặng dần, suy hô hấp, đặt ống thở máy ngày 25/5.

Bệnh nhân được điều trị hồi sức bằng thở máy, kháng sinh phổ rộng kết hợp thuốc kháng nấm, chăm sóc toàn diện. Tuy nhiên, bệnh nhân đang điều trị hóa chất ung thư nên suy giảm hệ miễn dịch, đáp ứng điều trị kém, chức năng hô hấp không cải thiện, kết quả cấy đờm, dịch phế quản cho thấy vi khuẩn đa kháng và nấm candida. Bệnh nhân được tiên lượng tử vong, gia đình xin chăm sóc giảm nhẹ.

Bệnh nhân tử vong ngày 11/6, chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do nCoV trên bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị hóa chất.

Đây là bệnh nhân tử vong thứ 23 của đợt dịch này và là ca tử vong thứ 58 kể từ khi dịch xuất hiện vào năm 2020.

200 hộ dân ở xã nông thôn mới phải sử dụng điện giá cao gấp 2-3 lần

Vov – Xây dựng nông thôn mới từ năm 2018, nhưng ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar (Đắk Lắk), thời điểm này vẫn có gần 200 hộ dân phải sử dụng hạ tầng lưới điện tạm bợ, tự cung tự cấp từ 15 năm trước.

Do hệ thống dây, cột kém chất lượng, cũ kỹ, xuống cấp, nên điện không ổn định, thiếu an toàn. Hệ thống cũ gây hao tổn điện năng lớn, còn khiến các hộ phải trả tiền điện giá cao hơn 2 – 3 lần so với giá quy định.

Ông Bế Văn Viện, người dân xóm 4 thôn Quảng Cư 2, xã Cư Ni cho biết, dây và cột điện ở đây đều do các gia đình trong thôn tự mua sắm, đấu nối từ năm 2005. Đến nay, cột đã mục, dây đã lão hóa nên nguồn điện vào nhà rất yếu. Trong giờ cao điểm, các quạt máy đều chạy lờ đờ, màn hình tivi thì bị thu nhỏ lại, cơm nấu nồi điện thì cả tiếng đồng hồ không chín…. Dù hiệu quả sử dụng điện không cao, nhưng gia đình ông và bà con trong xóm luôn phải trả tiền điện cao gấp 2-3 lần giá điện hiện hành.

Ông Viện cho biết: “Nhà tôi có 5 khẩu, một tháng điện chỉ thắp sáng với cắm cơm thôi mà hết 400.000 – 500.000 đồng. Các hộ dân ở trung tâm xã có điện lưới thì chỉ phải trả hơn 2.000 đồng/kw điện, ở đây chúng tôi phải trả 4.000 – 5.000 đồng/kw điện, có lúc hơn lên đến 6.000 đồng.” Ông cũng nêu kiến nghị, người dân cần được hỗ trợ làm đường điện an toàn, giảm chi phí tiền điện. 

Ông Lê Văn Thưởng, Trưởng thôn Quảng Cư 2, xã Cư Ni xác nhận, thôn Quảng Cư 2 có 142 hộ, thì có tới một nửa phải sử dụng đường điện tạm bợ với giá điện cao trong nhiều năm qua. Ông Thưởng cho biết, ngoài việc trả tiền điện giá cao, các đường dây điện tạm bợ là nguồn nguy hiểm tiềm tàng, đe dọa bà con trong thôn. Vào mùa mưa các cháu đi học, bà con đi làm rẫy cũng nguy hiểm vì có thể bị điện giật bất cứ lúc nào, điện sử dụng thì không ổn định. 

Toàn xã Cư Ni hiện có 4.300 hộ. Ông Nhữ Minh Tuyến, Chủ tịch xã cho biết, hiện xã còn gần 200 hộ dân phải sử dụng điện giá cao hơn quy định của ngành điện lực. Nguyên nhân là các hộ vẫn đang sử dụng đường điện tạm có phụ tải lớn. Để khắc phục tình trạng này, địa phương phải được bố trí vốn từ ngân sách. Ông Tuyến cho biết đã kiến nghị cấp trên, và đang chờ đầu tư từ ngành điện để kéo đường điện kiên cố, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho bà con.

Thêm 1.800 công nhân Công ty Pouyuen tạm nghỉ việc

VnExpress – Khoảng 1.800 lao động Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, quận Bình Tân, tạm nghỉ từ hôm nay để nhà máy tầm soát kỹ Covid-19 đảm bảo an toàn phòng dịch.

Sáng 12/6, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn Công ty Pouyuen, cho biết trong số này có 1.300 lao động sinh sống, ở trọ tại phường An Lạc, quận Bình Tân. Đây là nơi xảy ra chuỗi lây nhiễm chung cư Ehome 3, đường Hồ Ngọc Lãm, ghi nhận 21 ca bệnh, trong đó gồm nữ công nhân của Pouyuen, phát hiện tối 8/6. Các công nhân tạm dừng việc để nhà máy phối hợp cơ quan chức năng lấy mẫu, sàng lọc nhằm ngăn chặn nguồn lây từ ngoài vào.

Ngoài ra, liên quan ca mắc Covid-19 nói trên, gần 500 công nhân sản xuất ở tầng 6, khu C3 (nơi ca nhiễm làm việc) cũng tạm nghỉ làm để chờ thêm kết quả xét nghiệm tầm soát dịch từ ngành y tế. Sau khi ghi nhận ca bệnh, công ty phối hợp lực lượng y tế lẫy mẫu cho 9.200 trường hợp, chủ yếu tập trung ở khu C; cách ly tập trung 141 F1, gần 500 F2 cách ly tại nhà. Trước đó, công ty cho gần 600 công nhân nghỉ việc để rà soát, truy vết.

Công ty Pouyuen tại TP.HCM thuộc Tập đoàn Pouchen (Đài Loan), hoạt động từ năm 1996, sản xuất và gia công giày thể thao xuất khẩu. Đây là doanh nghiệp đông lao động nhất thành phố thời điểm này khi sử dụng khoảng 56.000 công nhân.

Ngoài Công ty Pouyuen, hiện một số doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở TP HCM cho lao động nghỉ việc do dịch xâm nhập nhà máy. Đáng chú ý nhất là Công ty TNHH Việt Nam Samho ở Củ Chi, với khoảng 10.000 lao động, đã cho 3.500 công nhân tạm nghỉ để rà soát, truy vết sau khi nhà máy phát hiện 3 công nhân nhiễm nCoV.

Thành phố hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao với hơn 320.000 lao động. Môi trường làm việc khép kín, đông người… dịch khi xuất hiện ở khu công nghiệp được xem dễ bùng phát và khó kiểm soát.

Trận đấu Việt Nam – Malaysia chính thức lập kỷ lục Đông Nam Á với hơn 2,3 triệu người xem

Kenh14 – Trong trận vòng loại World Cup diễn ra giữa đội tuyển Việt Nam và Indonesia diễn ra vào đêm muộn ngày 11/6 đã chính thức đạt kỷ lục người xem trực tuyến trên YouTube với hơn 2,3 triệu lượt người xem cùng lúc trên kênh Next Sports (chỉ tính riêng kênh Next Sports).

Kết thúc trận đấu, đội tuyển Việt Nam chính thức chiến thắng với tỉ số 2 – 1, bước vào trận đấu cuối cùng của vòng loại World Cup gặp đội tuyển UAE.

Trước đó, trong trận Việt Nam đã với Indonesia đơn vị Next Media (đơn vị sở hữu bản quyền vòng loại thứ 2 World Cup 2022 của ĐT Việt Nam) đã thống kê riêng hai kênh truyền thông Next Sports của Next Media trên YouTube là 1.537.733 lượt xem cùng lúc và Facebook 475,7k lượt xem cùng lúc.

Trước đó vào năm 2019, YouTube cũng xác nhận trận Việt Nam và Curacao tại King’s Cup 2019 – do Next Media trực tiếp – phá kỷ lục lượt xem tại Đông Nam Á. Theo thống kê của YouTube, luồng trực tiếp trận Việt Nam và Curacao cán mốc hơn 1,87 triệu người xem đồng thời, phá mọi kỷ lục trước đó của các luồng trực tiếp trên YouTube tại khu vực Đông Nam Á (tính mọi lĩnh vực). Ngoài ra, trận đấu này nằm trong top 10 luồng trực tiếp có người xem đồng thời cao nhất mọi thời đại trên YouTube, dù nó chỉ được giới hạn tại Việt Nam.

Vì vậy, trận đấu vòng loại World Cup giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia tối qua đã chính thức lập kỷ lục Đông Nam Á.

Related posts