Gần 18.000 tỷ đồng mở rộng 4 quốc lộ cửa ngõ TP.HCM
VnExpress – Quốc lộ 50, 1, 13, 22 dự kiến được nâng cấp, mở rộng với tổng kinh phí gần 18.000 tỷ đồng, làm ở giai đoạn 2021-2025, giúp giảm kẹt xe, tai nạn, tăng kết nối vùng.
Đây là một trong những nhóm dự án đề xuất ưu tiên ở kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2020-2030, vừa được UBND thành phố ban hành. Trong các công trình này, quốc lộ 50, 1 và 13 dự kiến trình thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay.
Ngoài các dự án này, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông tại TP.HCM theo lộ trình ưu tiên dự án trọng điểm, cấp bách để làm đồng bộ đến năm 2030. Trong đó giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông ở thành phố cần hơn 553.500 tỷ đồng.
Bắt đường dây đánh bạc hơn 1.500 tỷ đồng
Thanhnien – Tối 14/6, Cục cảnh sát hình sự (C02) – Bộ Công an cho biết, vừa bắt giữ Bùi Tuấn Anh (31 tuổi, quê Nam Định) cùng hơn 20 nghi phạm trong đường dây cờ bạc, cá độ bóng đá quy mô lớn trên địa bàn TP.HCM với số tiền giao dịch hơn 1.500 tỷ đồng.
Theo đó, C02 cho biết đã phát hiện 3 băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên địa bàn giáp ranh 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM. Băng nhóm này đã gây ra nhiều vụ đâm chém lẫn nhau để tranh giành địa bàn. Đặc biệt, các đối tượng tàng trữ vũ khí quân dụng. Dưới trướng của Tuấn Anh có hàng chục đàn em có tiền án tiền sự, hung hãn.
Ngày 13/6, cơ quan chức năng đã huy động hơn 100 cán bộ đột kích nhiều hang ổ của băng nhóm này, qua đó bắt giữ 23 đối tượng.
Theo cơ quan điều tra, Tuấn Anh bước đầu khai nhận, đã điều hành băng nhóm này để tổ chức cá độ bóng đá từ tháng 6/2019 đến nay. Tổng số tiền luân chuyển giao dịch trong đường dây này đến thời điểm bị bắt là 1500 tỷ đồng.
Riêng giải Euro 2020 vừa diễn ra, Tuấn Anh quản lý 6 cổng master với hơn 200.000 điểm (tương đương khoảng 2 tỷ đồng) điểm giao cho các đại lý cấp dưới quản lý điều hành. Từ đầu giải đến nay, Tuấn Anh thu lợi bất chính là 240 triệu đồng. Khi khám xét, lực lượng chức năng thu giữ một khẩu súng bắn đạn chùm (hoa cải). Hiện C02 đang tiếp tục mở rộng điều tra đường dây này.
Đường BOT bị “băm nát”, nhà đầu tư nói không có tiền sửa
Vietnamnet – Trong số 9 dự án BOT đang xuống cấp, mặt đường hư hỏng nặng, hiện có 4 dự án nhà đầu tư dừng bảo trì. Điển hình trong số này là Dự án BOT quốc lộ 1 đường tránh thành phố Thanh Hóa (dài hơn 10 km) được đầu tư xây dựng thu phí từ 2009, đến năm 2017 thì phải dừng thu để tính toán lại.
Tuy nhiên từ khi dừng thu phí đến nay mặt đường đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Anh Cao Văn Hòa, thường xuyên đi về qua tuyến đường này cho biết, hơn 2 năm nay, mỗi lần lái xe từ Hà Nội về Thanh Hoá đi qua đoạn đường này, anh phải tập trung cao độ để đề phòng xảy ra tai nạn.
Anh Hoà nói: “Đường nhiều ổ trâu, có đoạn hằn lún sâu 10-15 cm được cào bóc sơ sài nên khi đi với tốc độ cao, mất tập trung thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Trước tình trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các dự án đang tạm dừng thu phí nhưng chưa chuyển giao cho Nhà nước, thì nhà đầu tư dự án phải có trách nhiệm bảo trì cho đến khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao công trình.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hải Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa cho hay, theo hợp đồng, nhà đầu tư được thu phí đến năm 2025, nhưng đến năm 2017, Tổng cục Đường bộ đã cho dự án dừng thu phí, sau khi tính toán số thu đủ theo hợp đồng.
Từ đó đến nay do không có nguồn thu nên nhà đầu tư chỉ có thể thực hiện cào bóc những đoạn đường hằn lún, không thể bảo đảm an toàn theo yêu cầu.
Ông Nam cho biết: “Dự án khai thác hơn 10 năm đã đến thời hạn phải đại tu lớn, nhưng do nguồn thu từ thu phí không còn, nên chúng tôi không thể thực hiện”.
Trước đó, Công ty BOT đường tránh Thanh Hoá đã đề xuất cho dự án thu phí trở lại, tuy nhiên đề xuất này đã không được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận.
Tìm thấy một ngư dân mất tích khi tránh bão
VnExpress – Sau nhiều giờ trôi dạt trên biển, anh Lê Đức Dương đã được tàu biên phòng và ngư dân cứu sống.
Chiều 14/6, Biên phòng Nghệ An đã bàn giao ngư dân Dương, trú thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) cho đại diện chính quyền địa phương.
Theo cán bộ biên phòng, đêm 13/6, anh Dương được tàu biên phòng phối hợp với một tàu cá Quảng Nam phát hiện khi đang bám víu vào chiếc bè mảng trôi dạt trên vùng biển Nghệ An cách bờ nhiều hải lý, sức khỏe yếu, hoảng loạn. Sáng nay, nạn nhân được tàu đưa cập bờ, bác sĩ chăm sóc sức khỏe.
Trước đó, đêm 12/6, anh Dương cùng người em họ là Lê Đức Giang, trú tại phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, dùng bè mảng đánh bắt hải sản trên biển. Khi họ quay vào bờ tránh bão Koguma thì bè hỏng máy ở khu vực cách đảo Hòn Mê khoảng hai hải lý về phía đông nam, hai bè trôi dạt trên biển. Đến 4h cùng ngày, cả hai mất liên lạc. Biên phòng Thanh Hóa cùng biên phòng Nghệ An tổ chức tìm kiếm.
Hàng trăm container ùn tắc ở cửa khẩu Móng Cái
Thanhnien – Ngày 14/6, Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết hàng trăm container chở nông sản chờ làm thủ tục bị ùn ứ.
Các cơ quan chức năng TP.Móng Cái đang tìm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thông quan, đưa nông sản Việt Nam kịp thời sang Trung Quốc, tránh bị hư hỏng.
Đại diện Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết cùng ngày, khoảng 400 container chở nông sản đã đổ về điểm xuất hàng Km 4, P.Hải Yên (TP.Móng Cái) để chờ làm thủ tục dẫn đến tình trạng ùn ứ. Không chỉ tại điểm xuất hàng Km 4, P.Hải Yên mà tại cầu Bắc Luân 2, tình trạng ùn ứ cũng diễn ra tương tự.
Bộ GTVT vừa kiến nghị Chính phủ gỡ vướng cho phương tiện buộc lắp camera
NLD – Nhận định dịch bệnh kéo dài gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, Bộ GTVT kiến nghị Phó thù tướng Lê Văn Thành xem xét lùi thời hạn xử phạt đối với vi phạm của chủ phương tiện chưa lắp camera.
Bộ GTVT kiến nghị Phó Thủ tướng Lê Văn Thành xem xét, kiến nghị Chính phủ cho phép lùi thời hạn xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định lắp camera theo Nghị định số 10 và Thông tư 12 của Chính phủ.
Cụ thể, từ ngày 1/7/2021 đến hết 31/12/2021, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp camera lên ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo. Riêng ôtô kinh doanh vận tải hành khách trên 9 chỗ đề nghị chưa xử phạt từ ngày 1/7/2021 đến 30/6/2022. Sau thời gian trên thì xử phạt.
Theo Nghị định số 10 và Thông tư số 12 của Chính phủ, trước ngày 1/7/2021, các nhóm phương tiện gồm xe vận tải hành khách trên 9 chỗ, xe container, xe đầu kéo phải lắp camera giám sát hành trình. Mục đích nhằm giảm nguy cơ tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, gần đến thời hạn 1/7, Bộ GTVT nhận được nhiều báo cáo của các Sở GTVT, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, Hiệp hội vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội, Hiệp hội vận tải ô tô An Giang đề nghị cho phép lùi thời hạn lắp đặt camera hoặc tạm thời chưa xử lý vi phạm đối với hành vi này.
Bộ GTVT nhận định, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn, nhất là vận tải hành khách, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, giảm hơn 50% lượng khách so với trước. Trong đó nhiều nơi chịu ảnh hướng lớn gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM bà một số tỉnh, thành khách, việc kiến nghị Chính phủ lùi thời hạn xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp camera là cần thiết.