Chủ tịch TP.HCM: Nó ‘thủng’ ngay từ nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chứ không ở đâu cả

Hiểu Minh

Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong (phải) (ảnh ghép từ báo Zing).

Theo Bộ y tế công bố, từ ngày 18/5 đến nay, TP.HCM ghi nhận 845 ca COVID-19 trong cộng đồng, ở khắp 22 quận, huyện, thành phố. Gò Vấp là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất, 115 ca, quận 12 có 72 ca, Bình Thạnh 66 ca, Tân Bình 63 ca, Bình Tân 61 ca, Tân Phú 51 ca.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM sáng 14/6, các chuyên gia nhận định trong cộng đồng TP.HCM vẫn còn nhiều ca nhiễm chưa có triệu chứng và nguồn gốc đang âm thầm lây lan, dự báo số ca COVID-19 hàng ngày tiếp tục tăng.

Nếu mất kiểm soát, số ca nhiễm có thể sẽ lên tới 3 triệu ca COVID-19

Trên báo VnExpress, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM sáng 14/6 nhận định “có thể còn những ca nhiễm chưa có triệu chứng trong cộng đồng, chưa được phát hiện hết”. Ông đánh giá mầm bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng, song song với các ca nhiễm thuộc nhóm Truyền giáo Phục hưng đã được kiểm soát.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, chuyên gia về dịch tễ học, Giám đốc quốc gia Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam thuộc Đại học Sydney, cho rằng 14 ngày qua thành phố thực hiện giãn cách xã hội nhưng số ca nhiễm vẫn tăng là do F0 (người nhiễm) đã âm thầm trong cộng đồng một thời gian.

“Các F0 trong cộng đồng qua giai đoạn ủ bệnh khi được phát hiện thì đã lây qua một số vòng. Do đó, phát hiện ca mắc Covid-19 chỉ là bề nổi, còn nhiều ca nhiễm trong cộng đồng âm thầm mà không được phát hiện sẽ tiếp tục lây rộng hơn”, tiến sĩ Thu Anh phân tích.

Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho rằng sở dĩ trong thời gian giãn cách xã hội số ca nhiễm vẫn tăng là do việc xác định F0 chưa chính xác, do đó các F0 lẩn khuất trong cộng đồng vẫn tiếp tục lây lan.

Theo bác sĩ Khanh, giãn cách xã hội phát huy hiệu quả đối với những nơi tụ tập quá đông người không thể kiểm soát. Tuy nhiên trong gia đình, trong cơ quan… có lúc ăn ngủ chung thì giãn cách gần như không hiệu quả và cũng rất khó tuân thủ giải pháp 5K. Do đó, điều cần phải làm là mở rộng tầm soát, tìm kiếm F0 trong cộng đồng dân cư, gia đình chứ không chỉ ở các khu có nguy cơ cao đã được phong tỏa.

Tiến sĩ toán học Nguyễn Lê Anh, nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, dựa trên mô hình đồ thị dự báo số ca nhiễm tại TP HCM ngày 14/6 khoảng 90 ca, các ngày tiếp theo số ca có thể tiếp tục tăng: 90, 97, 104, 110, 116, 122, 128, 133, 138, 143, 147, 150, 153, 155, 157, 159, 160.

Theo ông Lê Anh, trong các ca công bố hàng ngày tại TP.HCM hiện nay, số ca nhiễm xuất hiện ở cộng đồng, tức là không trong các khu cách ly hoặc các khu vực đã được phong tỏa, ước tính từ 5% đến 10%, có nghĩa trong 90 ca nhiễm thì khoảng 20 ca cộng đồng.

“Tình trạng này đã kéo dài, nếu không có biện pháp ngăn chặn thì dịch sẽ bùng phát mất kiểm soát. Cứ sau một tuần số ca nhiễm mỗi ngày sẽ tăng gấp đôi, khi đó số ca nhiễm có thể sẽ lên tới 3 triệu ca”, tiến sĩ Lê Anh nhận định.

Nó ‘thủng’ ngay từ nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chứ không ở đâu cả

Theo Zing ghi nhận, cũng tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhận định dù TP.HCM đã thực hiện tất cả các biện pháp, tập trung mọi nguồn lực với quyết tâm cao nhất, đến nay vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại.

Bí thư Nên nhấn mạnh điều đáng chú ý nhất là số lượng ca F1, F2 phải cách ly đang ngày càng lớn. Số lượng bệnh nhân nặng đang tăng dần trong khi năng lực cấp cứu có hạn. Một số bệnh viện đã thực hiện hết công suất.

Trong khi đó, ngoài xã hội vẫn tồn tại nguy cơ có mầm bệnh chưa được xác định, khả năng chưa có triệu chứng và cũng đang âm thầm lây nhiễm, rất khó đoán định. Nhiều đoạn trong các chuỗi lây nhiễm cộng đồng còn chưa xác định được nguồn. Một số chùm ca bệnh chưa kịp truy vết.

Bí thư Thành ủy thống nhất với đề xuất trước đó của Sở Y tế về việc tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách toàn thành phố tương ứng với chu kỳ lây nhiễm. Theo ông, trước đây, thành phố cách ly khoảng 2 tuần, nhưng hiện nay, thời gian ủ bệnh âm thầm và kéo dài. Do đó, thời gian cách ly cũng phải kéo dài, có chu kỳ giãn cách xã hội tương ứng để an tâm.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch TP.HCM, Nguyễn Thành Phong đánh giá đến nay, chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, từ ngày 2/6 đến nay, thành phố phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây.

Về tổng thể, sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, sự lây nhiễm của nhiều chuỗi cộng đồng cho thấy nhiều khả năng dịch đã len lỏi trong cộng đồng từ đầu tháng 5.

Chính vì vậy, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố 14 ngày nữa nhằm có thêm thời gian để tầm soát, truy vết mầm bệnh, chặt đứt chuỗi lây nhiễm.

Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong trong buổi họp cho hay, những nơi vi phạm phòng chống dịch như tổ chức ăn nhậu, tụ tập đông người, không chấp hành chỉ thị của thành phố.

“Nếu để phát sinh ra dịch bệnh từ đây, chủ tịch UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức phải chịu trách nhiệm, tùy mức độ có thể xem xét trách nhiệm xử lý”.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu trụ sở các nơi làm việc phải tăng hệ thống kiểm tra phòng, chống dịch chặt chẽ hơn. Ông Phong dẫn chứng một số bệnh viện đã phát hiện ca mắc Covid-19 và nhắc nhở cơ sở, trụ sở UBND quận, huyện, TP, sở, ngành tuyệt đối “không để xảy ra trường hợp như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM”.

“Nó ‘thủng’ ngay từ nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chứ không ở đâu cả. Xem lại công tác kiểm soát thế nào. Nếu không chặt chẽ, xuất hiện dịch từ cán bộ, nhân viên của sở, ngành, quận, huyện thì ảnh hưởng thế nào đến chỉ đạo và sự điều hành chung của thành phố”, ông đặt câu hỏi.

Lãnh đạo TP nhắc nhở thêm: “Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho chúng ta bài học rất sâu sắc chỗ này, Sở Y tế cần đánh giá lại coi tình hình sao”.

Related posts