Tin thế giới sáng thứ Tư

Thượng đỉnh Mỹ-EU với 4 trọng tâm: Thương mại, công nghệ, Nga, dịch bệnh

Minh Anh

image.png
Cờ Mỹ (T) và cờ Liên Hiệp Châu Âu tung bay trước trụ sở Liên Âu ở Bruxelles, ngày 22/02/2005. ASSOCIATED PRESS – VIRGINIA MAYO


Ngày 15/06/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc họp thượng đỉnh với khối Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles. Các hồ sơ dịch bệnh, thương mại, khí hậu và an ninh là bốn chủ đề trọng tâm.

Theo lịch trình, trưa nay, tổng thống Mỹ có cuộc gặp với Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, đại diện cho 27 nước thành viên và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula Von der Leyen. Theo AFP, đây là cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-EU đầu tiên kể từ năm 2017.

Hai bên đồng ý thành lập một « hội đồng cho thương mại và công nghệ », nhưng hồ sơ về Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch lại không được đề cập đến, bất chấp lời kêu gọi của nhiều lãnh đạo châu Âu muốn tái khởi động lại thương mại sau đại dịch. Mối bận tâm chính của Mỹ và EU hiện nay là việc áp dụng các chuẩn mực cho lĩnh vực thông minh nhân tạo, các vật dụng kết nối, quản lý dữ liệu, công nghệ xanh và nguồn cung ứng linh kiện bán dẫn đang bị khan hiếm, ảnh hưởng nặng đến các ngành công nghiệp.

Về an ninh, trước thái độ ngày càng hung hăng của Nga trong việc tuyên truyền tin giả và tấn công mạng, Joe Biden và EU đồng tình cho rằng cần thiết lập một « đối thoại cấp cao » để gây áp lực tối đa với Nga và cho phép Washington trao đổi với các đối tác về hồ sơ Ukraina. Sáng kiến này được đưa ra một ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Mỹ ở Geneve, nhằm tạo ra một hình ảnh đoàn kết trước cuộc đối đầu với Nga. Le Point nhắc lại mô hình tương tự đã được thiết lập để đối phó với Trung Quốc.

Liên quan đến dịch bệnh, Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu cam kết đạt mục tiêu tiêm chủng cho 2/3 dân số thế giới từ đây đến cuối năm 2022. Đôi bên cam kết cải tổ Tổ Chức Y Tế Thế Giới để dự báo những trận dịch khác. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và tổng thống Mỹ dự trù nối lại các tuyến du lịch giữa hai châu lục qua việc công nhận vac-xin của nhau.

Cuối cùng, hồ sơ nóng bỏng nhất là giải quyết các tranh chấp thương mại với các đòn áp thuế lẫn nhau: Từ xung đột Airbus – Boeing, thuế nhập khẩu trên thép và nhôm châu Âu, hay việc dỡ bỏ các mức thuế được áp đặt đối với nhiều mặt hàng của Mỹ và Châu Âu trong cuộc chiến thương mại do ông Donald Trump khởi xướng. Liên Hiệp Châu Âu đặc biệt hy vọng từ đây đến cuối năm chấm dứt được cuộc xung đột Airbus – Boeing, kéo dài từ 17 năm qua.

NATO vạch “lằn ranh đỏ” với Nga và siết chặt hàng ngũ chống Trung Quốc

Thùy Dương

image.png
Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo nhân thượng đỉnh NATO tại Bruxelles, Bỉ, ngày 14/06/2021. AP – Olivier Hoslet

Lo ngại về thách thức do Nga và Trung Quốc đặt ra, tại thượng đỉnh hôm qua 14/06/2021 ở Bruxelles, Bỉ, Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO đã nêu ra các giới hạn mà Nga không nên vượt qua, và siết chặt hàng ngũ, lập mặt trận chung để đối phó với Bắc Kinh.

Trong cuộc họp báo vào hôm qua, tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu : « Nga và Trung Quốc tìm cách chia rẽ chúng ta, nhưng liên minh của chúng ta vững chắc. NATO đoàn kết và nước Mỹ đang trở lại ». AFP cho biết văn bản tuyên bố chung của NATO dài 45 trang, gồm 79 điểm, nhấn mạnh vào những mối lo ngại của Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương : Nga, Trung Quốc, các mối đe dọa mới trong không gian và cả trên không gian mạng internet, nạn khủng bố cũng như sự vươn lên của các chế độ toàn trị.

Theo ghi nhận của thông tín viên Pierre Benazet, tại Bruxelles, các thành viên NATO đều rất hài lòng với « sự trở lại hàng ngũ » của một vị nguyên thủ Mỹ mà NATO có thể tin cậy và cũng chính vì thế các thành viên Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương muốn làm ông tổng thống Mỹ Biden hài lòng, nhất là liên quan đến Trung Quốc :

« Nước Mỹ đã trở lại, ngoại giao đã trở lại. Khẩu hiệu của tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện chính xác điều mà 29 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên còn lại của NATO muốn nghe. Các nhà lãnh đạo này đã tập trung vào việc đưa ra các cam kết với tổng thống Mỹ, và trong tuyên bố chung, các nước đã đưa thêm Trung Quốc và Nga vào danh sách đối thủ của NATO. Bất chấp những tác động kinh tế đối với Pháp và đặc biệt là đối với Đức, nước đã đầu tư mạnh vào Trung Quốc, các quốc gia đồng minh đã lựa chọn, đánh giá thái độ và chính sách quốc tế của Trung Quốc là “những thách thức mang tính hệ thống” đối với NATO.

Ngay cả khi địa bàn hoạt động của Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương trải từ Bosnia đến tận Afghanistan, quốc gia có biên giới với Trung Quốc, thì theo tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, điều đó không có nghĩa là NATO mở rộng địa bàn hoạt động. Bằng cách này, tổng thư ký Jens Stoltenberg đã đáp lại thái độ hoài nghi của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Đối với tổng thư ký NATO, Trung Quốc đe dọa các lợi ích của các thành viên NATO ngay trên lãnh thổ của các nước này, chẳng hạn về kinh tế hoặc thông qua các cuộc tấn công mạng. Và chính trên lãnh thổ tiêng của từng nước, 30 quốc gia thành viên NATO phải đối đầu với Trung Quốc.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những hướng chính của thượng đỉnh lần này. Hội nghị đã tái khởi động một khái niệm chiến lược mới để đối phó với những thách thức trong tương lai, như vấn đề khí hậu, không gian, không gian mạng … có rất nhiều ưu tiên cho hội nghị thượng đỉnh tái ngộ xuyên Đại Tây Dương lần này »

Bắc Kinh yêu cầu NATO ngưng « phóng đại mối đe dọa Trung Quốc »

Thụy My

image.png
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo, nhân thượng đỉnh NATO tại Bruxelles, Bỉ, ngày 14/06/2021. AP – Olivier Hoslet

Phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu hôm nay 15/06/2021 kêu gọi NATO ngưng phóng đại « thuyết về mối đe dọa Trung Quốc », sau khi các nước trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương họp tại Bruxelles, Bỉ, hôm qua rắn giọng trước « thách thức mang tính hệ thống » từ phía Bắc Kinh.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :

« Xuất hiện lần đầu tiên cách đây hai năm, vào ngày 12/03/2019 trong một văn bản của Ủy Ban Châu Âu, từ « đối thủ mang tính hệ thống » được NATO dùng lại không phải là một ngạc nhiên cho Bắc Kinh. Lập tức Trung Quốc đáp trả bằng một loạt luận điệu vẫn thường được các nhà ngoại giao nước này sử dụng.

Trước hết là « sự phát triển hòa bình của Trung Quốc » cùng với « quyền tự vệ ». Phái đoàn Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu đe dọa : « Chúng tôi không tạo ra ‘thách thức mang tính hệ thống’ cho ai cả, nhưng nếu những thách thức này được đặt ra với chúng tôi, Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn ». Trang web thông tin chính thống Bành Phái (Pengpai) hôm nay đăng tuyên bố trên, đồng thời nhắc nhở « thảm kịch NATO đánh bom vào đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư năm 1999 ».

Một lý lẽ khác : đó là « tư duy chiến tranh lạnh » của một số viên chức ở Washington và châu Âu. Bài xã luận của Hoàn Cầu Thời Báo tố cáo « âm mưu của Hoa Kỳ » tăng cường « khuynh hướng chống Trung Quốc ở phương Tây », đồng thời hàm ý là châu Âu bất đồng với nhau về vấn đề này. Biếm họa được tờ báo trực thuộc Nhân Dân Nhật Báo đăng, mô tả « Chú Sam » đang chiến đấu với gấu trúc Trung Quốc, trên lưng là những người châu Âu đang nhìn sang hướng khác, thậm chí còn huýt sáo một bài hát khác – có thể là liên quan đến các tuyên bố mới đây của thủ tướng Hungary Viktor Orban ».

OMS: Virus corona lây nhanh hơn tiến độ phân phối vac-xin

Thùy Dương

image.png
Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Đại Hội Y Tế Thế Giới ở Genève (Thụy Sĩ) ngày 24/05/2021. via REUTERS – CHRISTOPHER BLACK/WHO

Virus corona lây lan trên thế giới với tốc độ nhanh hơn tốc độ phân phối vac-xin ngừa Covid-19 hiện nay. Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Tedros Ghebreyesus, hôm qua 14/06/2021 phát biểu như trên trong một cuộc họp báo.

Trong cuộc họp thượng đỉnh tại Anh Quốc vào cuối tuần qua, nhóm G7 (các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới) thông báo tặng 1 tỉ liều vac-xin ngừa Covid-19 cho chương trình COVAX của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) nhằm phân phối cho các nước nghèo.

Tuy nhiên, theo tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Tedros Ghebreyesus, những nỗ lực trên là chưa đủ, thế giới cần nhiều vac-xin hơn và với tiến độ nhanh hơn nữa, bởi mỗi ngày trên thế giới vẫn có thêm 10.000 người chết vì Covid-19. Người dân các nước cần được tiêm vac-xin ngay trong năm nay chứ không thể đợi đến năm 2022.

Cho đến ngày 14/06, COVAX mới phân phối được hơn 85 triệu liều vac-xin cho 131 quốc gia và vùng lãnh thổ, ít hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đã đề ra. Tổ Chức Y Tế Thế Giới muốn là ít nhất 70% dân số toàn cầu được tiêm ngừa từ nay cho đến thượng đỉnh G7 tại Đức vào năm 2022. Và để đạt được chỉ tiêu đó, theo tổng giám đốc Tedros Ghebreyesus, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cần có 11 tỉ liều vac-xin.

AFP trích dẫn bà Helen Clark, cựu thủ tướng New Zealand, đồng chủ tịch nhóm công tác của Tổ Chức Y Tế Thế Giới về đánh giá công tác xử lý đại dịch của thế giới, theo đó các nước có thu nhập cao đang dự trữ 4,3 tỉ liều vac-xin, quá nhiều so với nhu cầu thực và có thể dư thừa tới 2 tỉ liều.

Anh Quốc lui ngày giải tỏa hoàn toàn đất nước
Do lo ngại về nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Anh Quốc do biến thể Delta của virus corona, hôm qua 15/06/2021 thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo lui thời hạn tiến hành giai đoạn giải tỏa cuối cùng đến ngày 19/07, thay vì ngày 21/06 như dự kiến ban đầu.

Áp lực giảm đối với hệ thống y tế Pháp
Trái ngược với tình hình đáng lo ngại tại nước láng giềng Anh, dịch bệnh Covid-19 tại Pháp vẫn tiếp tục được cải thiện, giảm áp lực cho các bệnh viện. Theo số liệu chiều tối hôm qua 14/06 của Cơ quan y tế Pháp, số bệnh nhân Covid-19 trong các khoa hồi sức chỉ còn hơn 2.000 ca. Số người nằm viện vì Covid-19 và số bệnh nhân nặng điều trị tại các khoa chăm sóc tích cực đều giảm xuống mức thấp nhất tính từ giữa tháng 10/2020.

58% dân số Pháp đã được tiêm ngừa ít nhất một mũi, trong đó số người đã tiêm xong hoàn toàn chiếm hơn 27% dân số. Kể từ hôm nay 15/06, Pháp chính thức tiến hành chủng ngừa cho trẻ từ 12-16 tuổi (hơn 3,5 triệu người). Điều kiện để tiêm cho nhóm thiếu niên 12-16 tuổi là sự đồng ý của từng em và cả hai bậc phụ huynh.

Mỹ : Tổng cộng hơn 600.000 người chết vì virus corona
Nhìn sang Mỹ, hôm qua theo thống kê của Reuters, Hoa Kỳ đã vượt ngưỡng 600.000 ca tử vong vì Covid-19 tính từ đầu đại dịch. Điều đáng lo ngại là tiến độ tiêm ngừa thời gian qua đã chững lại, khiến chỉ tiêu tiêm phòng mà tổng thống Biden đề ra có thể không đạt được. Nguyên thủ Mỹ từng đề mục tiêu đến ngày Quốc Khánh Mỹ 04/07/2021, 70% dân số hoa Kỳ được tiêm ít nhất một mũi, trong đó 160 triệu người phải được tiêm xong hoàn toàn.

Philippines gia hạn tiếp thỏa thuận quân sự với Mỹ

Thụy My

image.png
Lính Mỹ và Philippines tập trận, bên bờ biển thuộc thị trấn San Antonio nhìn ra Biển Đông, tại tỉnh Zambales, Philippines, ngày 11/04/2019. AFP – TED ALJIBE

Một lần nữa, Philippines hôm 14/06/2021 lại gia hạn thêm sáu tháng thỏa thuận quân sự với Hoa Kỳ, trong bối cảnh đang chịu áp lực nặng nề từ Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm qua loan báo như trên, sau nhiều tháng thương lượng giữa hai nước. Ông nói rằng tổng thống Duterte « muốn có thời gian để đôi bên xem xét những quan ngại về một số phương diện của thỏa thuận ». Reuters cho biết Lầu Năm Góc hoan nghênh quyết định này, còn đại sứ quán Mỹ ở Manila không đưa ra lời bình luận với AFP.

Thỏa thuận thăm viếng quân sự (VFA) mang lại khung pháp lý cho việc đưa hàng ngàn quân Mỹ đến tập trận với đồng minh Philippines, không chỉ quan trọng đối với quốc phòng của Manila, mà còn mang tính chiến lược với Washington, trước các hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đây là lần thứ ba Philippines cho ngưng việc hủy thỏa thuận VFA với Hoa Kỳ. Tổng thống Rodrigo Duterte hồi tháng 2/2020 đã báo với Washington ý định hủy bỏ thỏa ước ký từ năm 1998, cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào chính sách chống ma túy gây tranh cãi của ông. Nhưng đến tháng 6/2020, Manila tạm ngưng việc ra khỏi VFA, tiếp tục tham gia những cuộc tập trận chung hàng năm giữa hai nước có quan hệ đồng minh từ 70 năm qua. Sau đó thỏa thuận này còn được gia hạn thêm hai lần nữa.

Reuter dẫn lời chuyên gia an ninh hàng hải Greg Poling của CSIS nói rằng cả Washington lẫn đa số quan chức chính phủ Philippines đều thất vọng vì quyết định nửa vời này của ông Duterte, vì còn phải ở trong tình trạng lấp lửng thêm sáu tháng nữa. Trái với xu hướng thân Bắc Kinh của tổng thống, bộ Quốc Phòng và bộ Ngoại Giao Philippines đều muốn siết chặt quan hệ với Mỹ, trong lúc Trung Quốc ngày càng tỏ ra hiếu chiến trên biển.

Gần đây nhất, quyết định tạm ngưng chấm dứt VFA được đưa ra khi Manila phản đối Trung Quốc đưa hàng trăm tàu dân quân đến Đá Ba Đầu thuộc Trường Sa. Tuần trước, Hoa Kỳ thông báo Philippines có thể nằm trong số các nước được nhận hàng triệu liều vac-xin chống Covid do Washington tặng.

Related posts