Nhật Bản và nhiều nước Đông Nam Á chỉ trích Luật Hải Cảnh Trung Quốc
Trọng Nghĩa
Tại hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng, gọi tắt là ADMM+, mở ra trực tuyến vào hôm nay, 16/06/2021, lãnh đạo Quốc Phòng 10 nước Đông Nam Á và 8 đối tác của ASEAN, Nhật Bản lại công khai bày tỏ thái độ quan ngại trước bộ Luật Hải Cảnh mới vừa được Bắc Kinh ban hành, cho phép tàu cảnh sát biển Trung Quốc nổ súng vào tàu nước ngoài. Ngoài Nhật Bản, một số nước Đông Nam Á cũng có những phê phán tương tự.Theo hãng tin Nhật Kyodo, trong phát biểu của mình tại hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng dưới quyền chủ trì của Brunei, nước hiện là chủ tịch luân phiên ASEAN, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã nêu bật vấn đề an ninh tại vùng Biển Đông và biển Hoa Đông, khẳng định rằng Tokyo mong muốn vấn đề được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan.
Trong phát biểu mình, bộ trưởng Kishi cũng chỉ trích một luật của Trung Quốc được áp dụng kể từ tháng 2 vừa qua, cho phép lực lượng tuần duyên Trung Quốc sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài bị Bắc Kinh coi là xâm nhập trái phép vùng biển Trung Quốc.
Ông Kishi tố cáo: “Luật này có những điều khoản có vấn đề nếu xét trên bình diện nhất quán với luật pháp quốc tế, chẳng hạn như những điểm mập mờ về vùng biển nơi có thể áp dụng luật, cũng như về cấp có thẩm quyền ra lệnh sử dụng vũ khí.”
Theo báo mạng Philippines Rappler, Luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc cũng bị một số nước ASEAN chỉ trích nhân hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN ADMM mở ra hôm qua.
Trích dẫn thông tin từ bộ Quốc Phòng Philippines, Rappler cho biết là nhân cuộc họp, tất cả các bộ trưởng ASEAN đều quan ngại trước các hành động liên tục của Trung Quốc tại Biển Đông, trong lúc một số bộ trưởng đã tỏ thái độ quan ngại về Luật Hải Cảnh Trung Quốc.
Theo nguồn tin trên, các bộ trưởng có liên quan đã nêu bật tính chất mơ hồ trong việc áp dụng luật này tại Biển Đông, nơi các quốc gia thành viên ASEAN khác như Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.
Từ khi được ban hành, luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc đã làm dấy lên quan ngại trong bối cảnh Bắc Kinh tự nhận chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông cũng như tại nhiều khu vực trên biển Hoa Đông, trong đó có vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản quản lý.
Hồ sơ Biển Đông nhìn chung đã chiếm một phần quan trọng trong hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng lần này với việc các nước đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quyền tự do hàng không và hàng hải, quyền hoạt động thương mại không bị cản trở và việc sớm thông qua Bộ Quy Tắc Ứng Xử của các bên ở Biển Đông COC, đang đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc.
Đường dây nóng giữa bộ trưởng Quốc Phòng 18 nước
Mặt khác, theo hãng tin Kyodo, các đối tác của ASEAN trong hội nghị ADMM+ – từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, cho đến Nga, Ấn Độ, Úc và New Zealand, vào hôm nay cũng hoan nghênh lời mời của ASEAN tham gia vào chương trình thành lập đường dây nóng cấp bộ trưởng của toàn khối nhằm làm dịu căng thẳng trong khu vực.
Đường dây nóng, mang tên Cơ Sở Hạ Tầng Truyền Thông Trực Tiếp ASEAN, hay ADI, nhằm mục đích cho phép đối thoại để thúc đẩy giảm thiểu nguy cơ xung đột, giải tỏa những hiểu lầm và tính toán sai lầm trong các tình huống khủng hoảng hoặc khẩn cấp.
Đây là phương án nhằm mục đích cung cấp thông tin liên lạc an toàn bằng giọng nói, fax hoặc email, theo một tài liệu định nghĩa khái niệm đã được các bộ trưởng quốc phòng ASEAN thông qua vào năm 2019 để mở rộng ADI cho tám quốc gia đối tác bên ngoài nhóm.
Bắc Kinh đưa 28 chiến đấu cơ áp sát Đài Loan ngay sau Tuyên bố chung G7
Trọng Thành
Hôm 15/06/2021, Trung Quốc điều một số lượng chiến đấu cơ kỷ lục áp sát Đài Loan. Hành động nói trên diễn ra chỉ hai ngày sau khi khối G7 ra Tuyên bố chung, lần đầu tiên kêu gọi « hòa bình và ổn định » cho vùng eo biển Đài Loan.
Trong cuộc họp báo hôm qua, trả lời câu hỏi, liệu hành động quân sự này có liên quan đến Tuyên bố của G7 hay không, phát ngôn viên Văn phòng các Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang) tuyên bố « chúng tôi sẽ không bao giờ khoan dung với các mưu toan đòi độc lập hay sự can thiệp vô cớ vào vấn đề Đài Loan của các thế lực nước ngoài, và như vậy chúng tôi phải phản ứng một cách cứng rắn với các hành động thông đồng này ».
Thông tín viên Adrien Simorre từ Đài Bắc cho biết thêm:
« Đây là một con số kỷ lục : 28 phi cơ Trung Quốc, trong đó có 20 máy bay tiêm kích, đã xâm nhập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan hôm qua. Cuộc thao dượt này diễn ra hai ngày sau khi khối bảy cường quốc công nghiệp (G7) ra Thông cáo chung lịch sử, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ‘‘hòa bình’’ và ‘‘ổn định’’ tại eo biểu Đài Loan.
Rõ ràng là Bắc Kinh không thể chấp nhận được một tuyên bố như vậy, chính quyền Trung Quốc không giấu giếm ý đồ sử dụng vũ lực để sáp nhập Đài Loan và 24 triệu cư dân hòn đảo. Hôm thứ Hai, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên án Tuyên bố chung của khối G7, coi đây là một hành động ‘‘can thiệp’’ vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Các cuộc xâm nhập của không quân Trung Quốc đã gần như trở thành chuyện hàng ngày, kể từ khi tổng thống Thái Anh Văn đắc cử hồi tháng Giêng 2020. Nữ tổng thống Đài Loan có quan điểm cương quyết chống lại mưu toan sáp nhập của Trung Quốc.
Một điều hiếm có xảy ra vào hôm qua : nhiều phi cơ tuần tiễu của Trung Quốc đã tiếp tục lộ trình vượt qua bờ biển phía đông của Đài Loan. Theo các chuyên gia, Bắc Kinh cũng tìm cách thu thập các thông tin về eo biển kênh Ba Sĩ (nằm giữa Đài Loan và cực bắc Philippines), một địa điểm có ý nghĩa chiến lược, nơi qua lại của nhiều tầu ngầm quân sự ».
Phản ứng của bộ Quốc Phòng Mỹ, Nhật
Sau hành động xâm nhập ồ ạt của của phi cơ Trung Quốc vào vùng ADIZ của Đài Loan, bộ Quốc Phòng Mỹ đã có phản ứng cứng rắn. Báo Nhật Japan Times dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc John Supple, tố cáo việc « các hoạt động quân sự gia tăng (của Bắc Kinh) tại khu vực sát không phận của Đài Loan đang gây mất ổn định, và làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm », khiến xung đột bùng phát. Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ cũng nhấn mạnh rằng cam kết hậu thuẫn của Mỹ đối với Đài Loan là « vững như bàn thạch », với khẳng định Washington « sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ an ninh phi chính thức, để bảo đảm Đài Loan có đủ khả năng tự vệ » trước mọi đe dọa.
Vẫn liên quan đến căng thẳng tại eo biển Đài Loan, hôm nay, theo Kyodo News, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Nobuo Kishi đã kêu gọi « giải quyết một cách hòa bình » các bất đồng thông qua « đối thoại giữa các bên liên quan ». Tuyên bố được đưa ra trong hội nghị ADMM mở rộng trực tuyến, với sự tham gia của 10 quốc gia Đông Nam Á và nhiều cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trung Quốc và cuộc chiến tranh cát tại châu Á
Thụy My
Hôm 16/06/2021 tờ báo Libération của Pháp có bài viết nói về « Cuộc chiến tranh cát ở châu Á » gây tác động dây chuyền. Cát là loại tài nguyên được sử dụng nhiều nhất, chỉ đứng sau nước, và tình hình rất đáng báo động trong những năm tới đối với hệ sinh thái biển và sông, với số phận hàng triệu người, trong một lãnh vực mờ ám và bạo lực.
Bài viết mô tả khung cảnh những xà lan, máy xúc cát lớn ngang dọc khu vực quanh quần đảo Mã Tổ (Matsu) do Đài Loan kiểm soát nhưng nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc, chỉ cách Phúc Kiến hơn một chục cây số. Những xà lan quy mô này hút đi nhiều tấn cát biển, cả ở quần đảo Kim Môn (Kinmen) và Bành Hồ (Penghu), nhưng trầm trọng nhất là Mã Tổ.
Từ một năm qua, Trung Quốc liên tục xâm nhập đôi khi vào cả trong lãnh hải Đài Loan. Từ tháng 6 đến tháng 12/2020, tuần duyên Đài Loan – thường xuyên trong tình trạng báo động và thiếu trang bị – đã trục xuất 240 xà lan Trung Quốc trộm cát, có khi là những con quái vật nặng nhiều ngàn tấn. Đây là loại vũ khí mới của Bắc Kinh, vừa có được nguyên liệu rất cần cho xây dựng, lại vừa dọa nạt Đài Bắc mà không tốn kém. Bên cạnh « chiến tranh cân não », việc hút cát bất hợp pháp còn gây lo sợ cho cư dân, đe dọa đến du lịch và ngư nghiệp, gây thiệt hại cho môi trường và mạng cáp ngầm thông tin.
Cát là « xương sống của thế giới hiện đại ». Liên Hiệp Quốc ước tính hàng năm thế giới dùng đến 50 tỉ tấn cát, tăng gấp ba lần từ 20 năm qua, và con người sẽ có nguy cơ thiếu hụt với đô thị hóa, dân số tăng, đại dự án hạ tầng…Đặc biệt Trung Quốc chiếm đến phân nửa, tiêu thụ xi măng của Trung Quốc từ 2011 đến 2013 đã bằng số lượng của Hoa Kỳ trong cả thế kỷ 20 ! Dự án Con đường tơ lụa mới cần rất nhiều cát xây dựng, và không thể quên việc bồi đắp các đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Một số nhà nước khác cũng lao vào cuộc đua như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nigeria, Singapore. Riêng Singapore đã mở rộng diện tích đến 25% từ 1973, trở thành nhà nhập khẩu cát lớn nhất. Các láng giềng như Indonesia, Việt Nam, Cam Bốt gần đây cấm xuất khẩu cát, nhưng lại không kiểm soát được.
Những con sông Đông Nam Á phải chịu đựng nạn hút cát đại quy mô, vì cát sông giúp làm ra xi măng, bê tông tốt nhất, không cần tẩy mặn trước khi sử dụng. Nhà địa lý học Marc Goichot báo động khoảng 80 đến 100 triệu tấn cát bị lấy đi khỏi sông Mêkông hàng năm, nhưng số cát tái tạo chỉ có 3 đến 5 triệu tấn. Những con sông chính ở Đông Nam Á bị coi như siêu thị, ai muốn đến lấy gì thì lấy.
Hậu quả là lưu vực bị lún xuống, bị nhiễm mặn, thủy triều dâng cao, có thể đảo lộn số phận nhiều triệu người. Có những điểm nóng ở Paksé, Vientiane (Lào) và miền nam Việt Nam gần biên giới Cam Bốt, có những địa phương cho khai thác bất chấp luật quốc gia. Trong thị trường căng thẳng và mập mờ này, bọn mafia từng ra tay sát hại cảnh sát, nhà hoạt động môi trường, nhà báo ; dân làng những nơi bị lún sụt phải tha phương cầu thực.
Covid: Nhật tặng Việt Nam vac-xin, Hà Nội công bố kế hoạch tiêm chủng toàn quốc
Trọng Thành
Hôm 15/06/2021, chính phủ Nhật Bản thông báo tặng Việt Nam 1 triệu liều vac-xin. Cùng ngày, bộ Y Tế Việt Nam công bố kế hoạch chích ngừa toàn quốc được quảng bá là « lớn nhất trong lịch sử », với sự tham gia của quân đội.
Truyền thông Nhật Bản cho hay ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi thông báo Tokyo sẽ chuyển món quà 1 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 đến Việt Nam. Số vac-xin này đến Việt Nam vào hôm nay, 16/06. Ngoại trưởng Nhật Bản cho biết rõ là Tokyo đã đóng góp 1 tỉ đô la và 30 triệu liều vac-xin vào chương trình hỗ trợ vac-xin COVAX của Liên Hiệp Quốc, các khoản quà tặng nói trên cho Việt Nam, hoặc Đài Loan và một số láng giềng châu Á khác nằm ngoài chương trình COVAX. Ngoại trưởng Nhật nhấn mạnh, lý do của hỗ trợ trực tiếp là để tiết kiệm thời gian, bởi nếu thông qua một tổ chức quốc tế, sẽ có thêm « nhiều thủ tục ».
Truyền thông Việt Nam cũng cho biết, chiều hôm qua đại sứ Nhật tại Việt Nam, ông Yamada Takio, thông báo « các hiệp hội và 36 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã quyên góp 39,2 tỷ đồng cho Quỹ vac-xin phòng chống Covid-19 của chính phủ Việt Nam ».
Thông tin về các món quà vac-xin từ phía chính quyền Nhật và các tổ chức xã hội, doanh nghiệp Nhật được đưa ra đúng vào lúc bộ Y Tế Việt Nam công bố kế hoạch tiêm chủng toàn quốc. Kế hoạch được đưa ra gần 4 tháng sau khi chính phủ Việt Nam ra nghị quyết về « mua và sử dụng vac-xin phòng chống Covid-19 ».
Quân đội phụ trách 8 kho vac-xin, toàn quốc có 15.000 điểm tiêm chủng
Theo thông báo của bộ Y Tế Việt Nam, việc vận chuyển và bảo quản vac-xin sẽ được giao phó cho bộ Quốc Phòng. Có 8 kho bảo quản trên toàn quốc do 8 quân khu phụ trách. Ban chỉ đạo triển khai « chiến dịch » tiêm chủng vac-xin phòng COVID-19 toàn quốc do bộ trưởng Y Tế làm trưởng ban. « Sở Chỉ huy » đặt tại bộ Quốc Phòng. Tham gia « chiến dịch » có tổng cộng khoảng 15.000 điểm tiêm chủng. Theo bộ Y Tế, điểm mới của chiến dịch tiêm chủng lần này là việc chích ngừa « sẽ được kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống điều hành tiêm chủng online thay vì trước đây giao cho các đơn vị quản lý ». Bộ Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam cam kết hoàn tất hệ thống ứng dụng công nghệ tin học trong tiêm chủng để sẵn sàng đưa vào sử dụng trong vòng một tuần nữa.
Trong những tuần gần đây, bộ Y Tế Việt Nam bị chỉ trích đã chậm trễ trong việc triển khai tiêm chủng. Hôm 11/06, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam ra chỉ thị yêu cầu bộ Y Tế « công khai kế hoạch tiêm chủng ».
Nhập đủ 150 triệu liều vac-xin: bộ Y Tế thừa nhận khó khăn
Trong thông báo hôm qua 15/06, bộ Y Tế Việt Nam cũng thừa nhận « vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm vac-xin từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu để đạt mục tiêu 150 triệu liều vac-xin » cho 70% dân số trên 18 tuổi. Tuyên bố nói trên không được lạc quan như tuyên bố của bộ Y Tế ngày 03/06, khẳng định « về cơ bản, đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được đủ số lượng vac-xin », theo kế hoạch 150 triệu liều vac-xin.
Theo chính phủ Việt Nam, kế hoạch mua vac-xin và tiêm chủng 150 triệu liều cho 75 triệu dân tốn phí tổng cộng hơn 25 nghìn tỉ đồng. Đầu tháng 6/2021, bộ Tài Chính thông báo ngân sách Nhà nước dành cho kế hoạch mua vac-xin là 14,5 nghìn tỉ đồng. Chính quyền lập Quỹ vac-xin kêu gọi đóng góp trong nước và quốc tế, để bù vào phần tiền thiếu hụt. Cho đến nay, chính quyền chưa công khai kế hoạch mua nhập vac-xin theo ngân sách Nhà nước. Trong dư luận tại Việt Nam, nhiều người đặt câu hỏi về tính minh bạch của việc sử dụng khoản ngân sách này.
Tổng cộng Việt Nam cho đến nay mới nhận được khoản trợ giúp 2,5 triệu liều vac-xin theo chương trình COVAX của Liên Hiệp Quốc, với tổng cộng 1,5 triệu người được chích ngừa.