Bộ Công an nói đã triệu tập nhóm người tấn công báo điện tử VOV
Tuoitre – Bộ Công an mới đây cho biết họ đã xác định được nhóm người có hành vi tấn công hệ thống mạng của báo điện tử VOV và đã triệu tập điều tra.
Báo điện tử VOV, trực thuộc Đài Tiếng Nói Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Chính phủ có nhiệm vụ “tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và Quốc hội.”
Xác nhận với báo Tuổi Trẻ Online chiều 18-6, trung tướng Tô Ân Xô – chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an cho biết: “”Cơ quan công an đã triệu tập lấy lời khai để làm rõ sai phạm của những người này và xử lý nghiêm theo quy định. Kết quả điều tra sẽ được Bộ Công an thông tin sau.
Hiện danh tính những người bị triệu tập chưa được công bố.
Việt Nam có thể tái ngộ UAE
VnExpress – Theo bảng thứ bậc các đội tuyển châu Á của FIFA hôm 18/6, Việt Nam đứng thứ 11 trong nhóm 12 đội vào vòng loại thứ ba World Cup 2022.
Do 12 đội vòng loại cuối phân vào sáu nhóm dựa theo bảng thứ bậc FIFA trên để bốc thăm chia bảng, Việt Nam rơi vào nhóm cuối cùng Lebanon. Các đội cùng nhóm sẽ không rơi vào cùng một bảng, vì thế Việt Nam có thể đụng cả 10 đội còn lại, gồm Nhật Bản, Iran, Australia, Hàn Quốc, Saudi Arabia, UAE, Iraq, Trung Quốc, Oman và Syria.
Do UAE cùng nhóm ba với Saudi Arabia, Việt Nam sẽ chỉ có thể đụng một trong hai đội này. Việc tái ngộ UAE như ở vòng loại thứ hai khi đó có thể coi là dễ thở Việt Nam, do Saudi Arabia đã năm lần dự World Cup, còn UAE mới một lần góp mặt năm 1990 – nơi họ toàn thua cả ba trận vòng bảng.
Nhóm bốn, gồm Trung Quốc và Iraq, cũng không hề dễ dàng. Trung Quốc đang có dấu hiệu đi xuống, nhưng họ thắng cả sáu trận gặp Việt Nam trước đây. Việt Nam từng cầm hoà Iraq ở vòng loại thứ hai World Cup 2018, nhưng thua ba trận đối đầu còn lại.
Ở nhóm năm, Oman đứng trên Syria, nhưng Syria vào vòng loại cuối với vị trí nhất bảng A. Còn Oman nằm trong nhóm nhì bảng với Việt Nam ở vòng loại thứ hai.
Với hai nhóm hạt giống đầu, sức mạnh vượt trội của Nhật Bản, Iran, Australia và Hàn Quốc đều khiến các đối thủ còn lại e ngại. HLV Park Hang-seo sẽ thấy khó xử nếu gặp Hàn Quốc, vì thế ông muốn đụng Australia hơn ở nhóm hai. Ở nhóm một, Nhật Bản và Iran đều từng thắng Việt Nam ở Asian Cup 2019, lần lượt với tỷ số 1-0 và 2-0.
12 đội dự vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á sẽ chia vào hai bảng, mỗi bảng sáu đội theo kết quả bốc thăm ngày 1/7 tới. Chỉ có một nguyên tắc khi bốc thăm, đó là các đội cùng nhóm sẽ không cùng bảng.
VAR sẽ áp dụng vào toàn bộ 60 trận ở vòng loại cuối, trong đó 10 trận có đội tuyển Việt Nam. Nhiều khả năng vòng loại cuối sẽ diễn ra trên một sân trung lập, và các đội góp mặt sẽ cạnh tranh để đăng cai. Lượt trận đầu tiên của vòng loại cuối diễn ra ngày 2/9/2021.
Đề nghị kỷ luật Bí thư Bình Dương
VnExpress – Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề nghị kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam và cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với 4 cán bộ khác ở Bình Dương.
Ngày 18/6, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo nội dung cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 – 2020, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 – 2021 và một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh này.
Theo đó, ông Trần Văn Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khoá XIV tỉnh Bình Dương, chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Ông Nam còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh uỷ và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước tại Tổng công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương (TCT 3/2); buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; chỉ đạo hợp thức hoá tài liệu để che giấu vi phạm; gây thất thoát lớn tài sản, ngân sách của Đảng, Nhà nước và nhiều cán bộ, đảng viên của tỉnh vi phạm kỷ luật đảng, bị khởi tố hình sự.
Vì vậy, Bộ Chính trị báo cáo và đề nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Trần Văn Nam.
Nhóm đòi nợ thuê dọa giết con nợ, lấy thận bán
Thanhnien – Ngày 18/6, tin từ Công an TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết đơn vị đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 người đòi nợ thuê để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật; gồm: Đào Duy Thắng (46 tuổi), Văn Hồng Mẫn (32 tuổi), Nguyễn Văn Đô (40 tuổi, cùng trú Đắk Lắk) và Nguyễn Duy Trọng (38 tuổi, trú Hà Nội).
Theo điều tra ban đầu, khoảng tháng 5.2021, anh Nguyễn Văn Nhất Thắng (31 tuổi, trú H.Krông Pắk, Đắk Lắk) vay mượn số tiền 4,4 tỷ đồng của bà Trần Thị Thắm (47 tuổi, trú TP. Buôn Ma Thuột).
Khi đến hạn, bà Thắm nhiều lần đòi tiền nhưng anh Thắng chưa có tiền trả. Sau đó, bà Thắm đã thuê Đào Duy Thắng đi đòi giúp khoản nợ trên. Đến khoảng 9 giờ ngày 4/6, bà Thắm hẹn anh Thắng đến nhà mình rồi khóa trái cửa để nhóm đòi nợ thuê khống chế, đánh đập.Tiếp đó, các bị can kể trên ép anh Thắng lên ô tô, chở đi nhiều nơi. Cuối cùng, cả nhóm đưa anh Thắng đến một khách sạn ở H.Đắk Mil (Đắk Nông) và hù dọa sẽ đưa “con nợ” này ra nước ngoài giết, lấy thận bán.
Đến đêm 4/6, lợi dụng sơ hở của nhóm đòi nợ thuê, anh Thắng lấy được điện thoại và gửi định vị cho người thân để nhờ giúp đỡ. Nhận được thông tin, người thân anh Thắng báo tin đến Công an TP. Buôn Ma Thuột.
Ngay trong đêm 4/6, một tổ công tác của Công an TP. Buôn Ma Thuột nhanh chóng đến Đắk Nông để phối hợp xác minh thông tin. Đến khoảng 0 giờ ngày 5/6, Công an TP. Buôn Ma Thuột áp sát, vây bắt được nhóm đối tượng trên và giải cứu anh Thắng.
Hiện Công an TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định hành vi vi phạm của nhóm đòi nợ thuê trên.
Thanh tra kênh thủy lợi 90 tỷ đồng “độn thổ” ở xã nghèo nhất Đắk Nông
Dân Trí – Ngày 18/6, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã có quyết định thanh tra việc phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trách nhiệm thực hiện quản lý đầu tư xây dựng tại công trình thủy lợi Suối Đá.
Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư với tổng số vốn là 90 tỷ đồng, được triển khai tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long- xã nghèo nhất tỉnh Đắk Nông.
Thanh tra tỉnh Đắk Nông sẽ làm rõ việc phân bổ, sử dụng vốn ngân sách và trách nhiệm thực hiện quản lý đầu tư xây dựng dự án. Thời kỳ tiến hành thanh tra từ năm 2018-2020, tức là từ thời điểm triển khai dự án.
Được biết, trước khi có quyết định thanh tra, ngày 7/6, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng có báo cáo kết quả khảo sát công trình thủy lợi Suối Đá.
Theo báo cáo này, hầu hết các tuyến kênh dẫn nước được thiết kế hộp kín dưới đất. Nhiều đoạn nằm sâu dưới đất 3 m so với mặt ruộng, cá biệt có chỗ nằm sâu dưới đất 9 m. Việc này sẽ gây khó khăn, tốn kém khi quản lý, sửa chữa, khắc phục nếu xảy ra sự cố.
Việc kéo dài thời gian thi công đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, làm mất lòng tin trong nhân dân. Trong khi đó, do đầu tư xây dựng công trình chưa đồng bộ, buộc địa phương phải tiếp tục đầu tư mới, gây tốn kém đầu tư xã hội trong khi người dân xã Quảng Hòa còn nghèo.
Cũng theo báo cáo, một số khu vực nương, rẫy có tuyến kênh chạy qua có nhu cầu nước tưới lớn nhưng thiết kế không có các hố bơm lấy nước. Nhiều cánh đồng lúa có kênh mương chạy qua người dân không trực tiếp đưa được nước vào ruộng, phải sử dụng máy bơm nước do kênh nằm sâu dưới đất.
HĐND kiến nghị, kiểm tra đánh giá lại quy trình khảo sát, tư vấn, thiết kế công trình và đánh giá các thiệt hại do dự án chậm tiến độ; xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan công tác thẩm tra, thẩm định dự án; đồng thời làm rõ trách nhiệm việc bỏ dự án của Công ty TNHH MTV Cao Thắng (đơn vị thi công giai đoạn đầu) dẫn đến chậm trễ gây thiệt hại cho người dân.
Sài Gòn: Bệnh nhi nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 được chuyển điều trị ở bệnh viện nào?
Thanhnien – Tối 18/6, Sở Y tế TP.HCM có văn bản thông tin về quy trình vận chuyển bệnh nhi nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, Sở Y tế TP.HCM phân công Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 2 chịu trách nhiệm tiếp nhận bệnh nhi nhiễm COVID-19. Riêng Bệnh viện Nhi đồng 1 được phân công cử nhân viên y tế luân phiên đến công tác tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương và Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi.
Theo đó, đối với các bệnh nhi ở khu cách ly tập trung có bệnh lý cần nhập viện điều trị, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các khu cách ly tập trung chuyển bệnh nhi về các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn. Trong trường hợp cần hội chẩn chuyên môn, đề nghị các bệnh viện liên hệ Bệnh viện Nhi đồng 1 để hội chẩn chuyên môn.
Khi các bệnh viện và các khu cách ly phát hiện trường hợp bệnh nhi nhiễm COVID-19, Sở Y tế đề nghị các đơn vị phải liên hệ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương, hoặc Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi để chuyển tuyến điều trị.
Sở Y tế TP.HCM lưu ý, đối với trẻ lớn có thể tự lập thì cách ly một mình, trường hợp bệnh nhi cần người nhà theo cùng (mỗi bệnh nhi chỉ được 1 người thân chăm sóc), bệnh viện phải tư vấn các nguy cơ lây nhiễm, hướng dẫn người nhà các biện pháp phòng chống dịch bệnh, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân và các nguy cơ phơi nhiễm COVID-19.
Tất cả nội dung tư vấn phải được người nhà chấp thuận và thể hiện bằng văn bản (lưu vào hồ sơ bệnh án) và người nhà phải được thực hiện xét nghiệm RT-PCR trước khi vào khu cách ly chăm sóc bé.
Trong trường hợp bệnh nhi và người thân (ba hoặc mẹ) đều nhiễm Covid-19, tùy tình trạng bệnh lý của bệnh nhi và người thân mà bệnh viện, khu cách ly tập trung chuyển người bệnh đến các bệnh viện được phân công phù hợp với tình trạng bệnh của trẻ em hay người lớn.
Đối với trường hợp nếu cả hai (bệnh nhi và thân nhân) được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 2 thì bệnh viện phải hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới về phác đồ điều trị đối với người nhiễm Covid-19 là người lớn (thân nhân bệnh nhi). Đặc biệt, trong trường hợp người lớn có triệu chứng chuyển nặng, chuyển người nhà nhiễm Covid-19 về các bệnh viện tiếp nhận, điều trị COVID-19 người lớn và gia đình phải bố trí người thân khác vào bệnh viện thay thế.