Sài Gòn phong toả 3 khu phố 60.000 dân
VnExpress – 3 khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân, với khoảng 60.000 người, bị phong toả 14 ngày, từ 0h ngày 20/6 để phòng COVID-19.
Quyết định được UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký chiều 19/6, trong bối cảnh ba khu phố này đã ghi nhận 127 ca COVID-19. Trong đó, ổ dịch lớn nhất quận tại chung cư Ehome 3, đường Hồ Học Lãm và khu tái định cư gần đó, phường 16, quận 8 với tổng cộng 93 ca.
Ba khu phố cũng là nơi hơn 300 doanh nghiệp hoạt động và bốn cơ quan hành chính đặt trụ sở, gồm: Văn phòng tiếp công dân của Trung ương Đảng, Tòa án, Viện kiểm sát quận, Chi cục Thi hành án dân sự quận.
Về phương án tổ chức để kiểm soát, quận Bình Tân sẽ triển khai 22 chốt chặn tại các đường, hẻm ra vào khu vực bị phong toả, với tổng lực lượng tham gia dự kiến gần 200 người/ngày.
Cụ thể, đường Hồ Học Lãm đoạn từ Kinh Dương Vương đến Võ Văn Kiệt sẽ chốt chặn, cách ly. Riêng đường Kinh Dương Vương, Võ Văn Kiệt vẫn cho xe chạy nhưng không dừng, đỗ.
Các cửa hàng tiện ích trong khu phong toả vẫn được hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Xe ra vào nơi bị phong toả chỉ được chở hàng hóa, không chở người, phải khử trùng, sát khuẩn.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng tiếp tục chốt giữ vòng trong tại các hẻm, khu vực có nguy cơ cao, đang bị cách ly, như: chung cư Ehome, các hẻm đường Hồ Học Lãm, khu dân cư Nam Long.
Theo UBND quận Bình Tân, tính đến ngày 18/6, địa phương là nơi ghi nhận số người bệnh Covid-19 nhiều nhất thành phố với 193 ca, tại 9/10 phường; 784 ca F1 và 3.287 trường hợp F2. Dịch đã xuất xâm nhập một số công ty, doanh nghiệp nhiều công nhân đóng trên địa bàn.
500.000 liều vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc sắp về sẽ tiêm cho 3 nhóm người
Hiểu Minh | DKN 14 giờ trước
Bộ Y tế cho biết, dự kiến trong sáng mai (20/6), 500.000 liều vắc-xin phòng COVID-19 do Trung Quốc viện trợ sẽ có mặt tại Việt Nam và sẽ được tiêm cho 3 nhóm đối tượng.
3 nhóm: Người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc tại Trung Quốc và người dân khu vực biên giới.
Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam có 3 loại vắc-xin Covid-19, bao gồm gần 4 triệu liều AstraZeneca từ nguồn mua của VNVC, Chương trình COVAX Facility và 1 triệu liều do Nhật Bản tặng; 2.000 liều vắc-xin Sputnik V cho Nga tặng và 500.000 liều vắc-xin Sinopharm do Trung Quốc viện trợ.
Sáng 19/6, khi Bộ Y tế cho biết, 500.000 liều vắc-xin Sinopharm (Trung Quốc) dự kiến sẽ đến Việt Nam trong ngày mai (20/6).
Khi thông tin được tiết lộ, một số người dùng mạng xã hội bày tỏ lo ngại trước rủi ro của vắc-xin Trung Quốc, vì thiếu dữ liệu được công bố, nhiều người khẳng định họ sẽ đợi vaccine của Mỹ hoặc Nga, thậm chí cả vắc-xin nội địa đang phát triển còn hơn là chích vắc-xin Trung Quốc.
Vắc-xin COVID-19 Sinopharm do Trung Quốc sản xuất được tổ chức Y tế thế giới WHO phê duyệt vào đầu tháng 5. Việt Nam sau đó phê duyệt khẩn cấp vaccine này vào ngày 3/6, quyết định do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường ký.
Một cán bộ tử vong sau tiêm vắc-xin COVID-19
Minh Sang 8 giờ trước
Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận Ngày 19/6 cho biết trên báo Lao Động, đang làm rõ nguyên nhân tử vong của ông P. là cán bộ một công ty nhà nước (sinh năm 1966, ngụ huyện Hàm Thuận Bắc).
Ông Hồng nói, ông P. được tiêm vắc-xin Astrazeneca ngừa COVID-19 vào trưa ngày 18/6 tại Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc. Trước khi tiêm, ông P. được khám sàng lọc sức khỏe theo đúng quy định, có sức khỏe bình thường và đã ký cam kết tự nguyện tiêm vaccine.
Sau khi tiêm, bệnh nhân được theo dõi 30 phút. Ông P. không có triệu chứng bất thường nên được nhân viên y tế hướng dẫn về theo dõi tại nhà.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, gia đình bệnh nhân cho hay, sau khi tiêm vaccine ông P. không có triệu chứng bất thường. Ông P. vẫn ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt bình thường. Đến trưa 19/6, ông P. ăn cơm xong thì có dấu hiệu mệt và được đưa đến Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc. Nạn nhân đã tử vong sau đó.
“Bệnh nhân không có triệu chứng gì liên quan đến việc tiêm vaccine như dị ứng, sốt…. Chúng tôi đã làm việc với gia đình và đang phối hợp với cơ quan chuyên môn làm rõ nguyên nhân vụ việc”, ông Lê Văn Hồng cho biết.
Trên báo Thanh Niên, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Thuận cũng cho biết, hiện đang yêu cầu Trung tâm y tế Hàm Thuận Bắc báo cáo cụ thể về trường hợp của ca tử vong này để lập hội đồng xem xét.
Được biết ông P. là cán bộ của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận. Sáng ngày 18/6, công ty cho 60 nhân sự, trong đó có ông P. đi chích ngừa vắc-xin COVID-19.
TP.HCM họp khẩn sau nhiều ngày ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục
Sài Gòn đang là địa phương có số ca nhiễm cao thứ 3 cả nước với 1.346 ca. Đỉnh điểm hôm 18/6, thành phố ghi nhận 149 ca nhiễm chỉ trong 24 giờ.
Chiều 19/6, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố có nhiều ngày liên tiếp ghi nhận số lượng lớn ca mắc Covid-19.
Theo Bộ Y tế, sáng cùng ngày, TP.HCM là địa phương ghi nhận số bệnh nhân mới cao nhất cả nước với 40 ca. Những người này đều được phát hiện trong khu vực phong tỏa, vùng cách ly.
Trong đó, 38 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 1 ca liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, 1 ca liên quan đến trụ sở UBND quận 7.
Các cụm lây nhiễm vừa bùng phát gồm chuỗi Hnam Mobile (11); Công ty Minh Thông ở Hóc Môn (8), Công ty Kim Minh – quận 5 (17), chuỗi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (2).
Sáng nay, ngành y tế TP.HCM đã khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất lịch sử.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói sẽ tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng với số lượng 650 điểm/ngày tại các trung tâm y tế, trạm y tế và các điểm lưu động.
Để đảm bảo việc giãn cách trong quá trình tiêm chủng, mỗi điểm tiêm chỉ thực hiện cho 200 người/ngày. Nếu thực hiện đúng tiến độ, trong một ngày, khoảng 200.000 người sẽ được tiêm chủng. Dự kiến, chiến dịch hoàn thành trước ngày 27/6.
Ngành y tế huy động hơn 5.000 nhân viên y tế thuộc 1.032 đội tiêm, từ 547 đơn vị tham gia chiến dịch tiêm chủng này.
Tính từ ngày 27/4 đến sáng 19/6, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 1.386 bệnh nhân Covid-19, xếp thứ 3 cả nước sau Bắc Giang, Bắc Ninh.
Thêm 2 bệnh nhân Covid-19 tử vong
VnExpress – Bộ Y tế chiều 19/6 công bố “bệnh nhân 12151” và “bệnh nhân 3866” tử vong vì viêm phổi do nCoV, nhiều bệnh nền nặng.
Theo Tiểu ban Điều trị, đây là hai ca tử vong thứ 63 và 64, kể từ khi Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020.
Ca tử vong thứ 63 là “bệnh nhân 12151”, nữ, 90 tuổi, địa chỉ tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Bệnh nhân tử vong lúc ngày 18/6 với chẩn đoán viêm phổi nặng do nCoV biến chứng suy hô hấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan trên bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, hoại tử cẳng tay trái, lão suy.
Ca tử vong thứ 64 là “bệnh nhân 3866”, nam, 67 tuổi, địa chỉ tại Hà Trung, Thanh Hóa. Bệnh nhân điều trị ung thư phổi tại khoa Nội 2, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, ngày 15/5 kết quả xét nghiệm dương tính và được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân tử vong ngày 19/6 với chẩn đoán viêm phổi do nCoV, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm nấm candida xâm lấn, trên bệnh nhân ung thư phế quản trái giai đoạn 4, di căn màng phổi và xương.
Bình Dương: F0 tăng nhanh, nâng cảnh báo dịch mức cao nhất
Ngày 19/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Dương ghi nhận thêm 19 ca dương tính với Covid-19, chủ yếu là chuỗi lây nhiễm trong công nhân, nâng tổng số ca lây nhiễm trong cộng đồng ở địa phương lên 74 ca.
Theo CDC Bình Dương, trong số 19 ca mới được phát hiện có 17 ca mắc Covid-19 là F1 đã được cách ly tập trung trước đó xuất phát từ ổ dịch P.Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên), chuỗi lây nhiễm là công nhân xí nghiệp xử lý chất thải Bình Dương, công ty TNHH House Wares (KCN Đồng An, P.Bình Hòa, TP. Thuận An, Bình Dương, công ty gốm sứ Hiền Hòa Anh (P.Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên)…
Đối với ổ dịch tại P.Tân Phước Khánh, ngành y tế Bình Dương nhận định hiện đang có tốc độ lây lan rất nhanh với 55 ca nhiễm. Các ca bệnh đã xâm nhập vào nhiều công ty, lây lan ra các khu phòng trọ công nhân rất khó kiểm soát và các F0 sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới.
CDC Bình Dương đã nâng mức cảnh báo dịch Covid-19 lên mức độ cao nhất tại các khu công nghiệp, bệnh viện…