Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Đại Hội Đồng LHQ thông qua nghị quyết cấm vận vũ khí đối với Miến Điện

RFI

image.png
Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, tại New York. AFP – LOEY FELIPE

Hôm 18/06/2021, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết cấm vận vũ khí đối với Miến Điện. Theo nghị quyết này, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc được kêu gọi “ngăn chận việc vận chuyển vũ khí” tới Miến Điện.

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten tường trình :

“Một lần nữa, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tạm thời bù đắp những thiếu sót, rất thường xuyên trong những tháng gần đây, của Hội Đồng Bảo An. 119 quốc gia đã lên án cuộc đảo chính ở Miến Điện, và kêu gọi hạn chế cung cấp vũ khí cho nước này.

Nghị quyết cũng ủng hộ kế hoạch của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN khuyến nghị bổ nhiệm một phái viên, cũng như chấm dứt bạo lực đối với những người biểu tình ôn hoà. Cuối cùng, nghị quyết kêu gọi không cản trở những hoạt động cứu trợ nhân đạo và chuyến thăm của phái viên Liên Hiệp Quốc.

Đây là nghị quyết lên án mạnh mẽ nhất về hình hình Miến Điện kể từ xảy ra cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, cũng như cuộc đàn áp khiến ít nhất 860 thường dân thiệt mạng. Đại sứ Miến Điện, tuy đã rời bỏ chính quyền, nhưng vẫn giữ chức tại New York, cho nên ông đã thay mặt Miến Điện bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này.

Tuy nhiên, giống như tất cả các nghị quyết mà Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đưa ra, văn bản này không mang tính ràng buộc pháp lý. Trước đó, vào sáng thứ năm, 17/06/2021, Hội Đồng Bảo An đã được thông báo ngắn gọn về nghị quyết, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận về một tuyên bố chung: Trung Quốc, một đồng minh của Miến Điện, vẫn cản trở mọi khả năng đưa ra tuyên bố chung này”. 

Ngành rượu vang: Úc đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới

image.png
Úc đệ đơn kiện lên WTO- OMC trong tranh chấp rượu vang với Trung Quốc. Ảnh minh họa, Tổng giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, bà Ngozi Okonjo-Iweala. REUTERS – DENIS BALIBOUSE

Theo hãng tin AFP, từ Sydney, hôm 19/06/2021, Úc đã chính thức đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về mức thuế mà Bắc Kinh áp dụng đối với rượu vang Úc.

Chính phủ Úc cho biết đệ đơn kiện sau các cuộc tham vấn « ráo riết » với các nhà sản xuất rượu vang Úc, nhưng tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Trung Quốc để giải quyết vấn đề.

Úc đã nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh của nhóm bảy nước công nghiệp phát triển nhất G7, diễn ra tại Anh, để kêu gọi nhóm này có một thái độ cứng rắn hơn đối với các hoạt động thương mại của Trung Quốc.

Cụ thể, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với một loạt sản phẩm của Úc trong những tháng gần đây, bao gồm thuế quan đối với các nông phẩm, than đá hoặc rượu vang, cũng như các biện pháp nhắm vào ngành du lịch Úc. Những biện pháp này đã gần như đóng cửa thị trường xuất khẩu lớn nhất của rượu vang Úc.

Theo AFP, nhiều người ở Úc cho rằng, đây là hành động trả đũa của Trung Quốc sau khi Úc từ chối các đầu tư của Trung Quốc vào những ngành được cho là chiến lược của Úc, cũng như đáp trả  lời kêu gọi của Canberra đòi điều tra về nguồn gốc của dịch Covid 19, với ổ dịch đầu tiên là tại Trung Quốc vào cuối năm 2019.

Trước đó, Úc đã từng đệ đơn kiện Trung Quốc về thuế quan đối với lúa mạch xuất khẩu của nước này.

Chính trường Ba Lan rúng động vì tin tặc nghi từ Nga

Thụy My

image.png
Lãnh đạo đảng PiS, Jaroslaw Kaczynski, tố cáo Nga đứng đằng sau một vụ tấn công tin học nhằm khuynh đảo chính trường Ba Lan. Ảnh minh họa. AFP

Chính phủ Ba Lan tố cáo một vụ tấn công tin học chưa có tiền lệ từ phía Nga, và hôm 18/06/2021 chủ tịch đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền, Jaroslaw Kaczynski cho rằng Matxcơva muốn làm xáo trộn chính trường Ba Lan khi cho tin tặc xâm nhập thư điện tử của các chính khách.

Từ

Từ Warsaw, thông tín viên Sarah Bakaloglou cho biết thêm chi tiết:

« Đối với Jaroslaw Kaczynski, vụ tấn công tin học vào các chính khách thuộc mọi phía có mục đích « gây bất ổn cho Ba Lan ». Theo ông, vụ này do Nga tổ chức – một hướng đã từng được chính quyền nêu ra trong những ngày gần đây.

Từ sau loan báo về việc tin tặc xâm nhập hộp thư riêng của Michal Dworchzyk, chủ nhiệm văn phòng thủ tướng, nhiều trao đổi chủ yếu là với thủ tướng Ba Lan đã bị rò rỉ trên ứng dụng Telegram, dù chưa được xác thực. Các trao đổi này liên quan đến đại dịch Covid-19, quan hệ với Ukraina, nên hay không nên sử dụng quân đội để giữ an ninh trong các cuộc biểu tình lớn về quyền phá thai hồi tháng 10 năm ngoái…

Một tuần sau, nhiều thắc mắc vẫn chưa có lời đáp : có bao nhiêu người bị tin tặc tấn công và đó là những ai ? Những tài liệu nào nằm trong số các hộp thư riêng này ? Hôm thứ Tư, Quốc Hội đã họp kín về chủ đề trên.

Phe đối lập không bỏ lỡ cơ hội để chỉ trích, kêu gọi công khai nội dung cuộc họp. Đảng bảo thủ tự do tố cáo đảng Pháp luật và Công lý muốn giấu diếm các sự kiện bất lợi cho chính quyền và vi phạm các quy định khi sử dụng hộp thư riêng cho việc công ».


Giới chức y tế Singapore: Chích vac-xin Trung Quốc vẫn bị nhiễm Covid

Thanh Phương

image.png
Chuyên gia Singapore : “Dùng vac-xin Trung Quốc Sinovac vẫn bị nhiễm virus corona”. AP – Sakchai Lalit

Theo tin của Yahoo News Singapore, hôm 18/06/2021, một giới chức y tế của Singapore cho biết nhiều người được chích ngừa vac-xin của hãng Trung Quốc Sinovac sau đó lại bị nhiễm virus corona.

Trong một cuộc họp báo trực tuyến, giám đốc các dịch vụ y tế của bộ Y Tế Singapore, giáo sư Kenneth Mak khẳng định có nguy cơ đáng kể về việc “chọc thủng sự bảo vệ của vac- xin”, với các bằng chứng quốc tế cho thấy nhiều người đã sử dụng vac-xin Trung Quốc Sinovac sau đó bị nhiễm Covid-19.

Ông Kenneth Mak nói rằng Singapore đã đánh giá kinh nghiệm của các quốc gia như Indonesia, nước đã tiêm chủng với vac-xin CoronaVac của hãng Trung Quốc Sinovac cho “một tỷ lệ lớn” dân số.

Sau khi đề cập đến các báo cáo gần đây rằng hơn 350 bác sĩ và nhân viên y tế ở Indonesia đã bị nhiễm Covid-19  mặc dù đã được tiêm vac-xin CoronaVac, giáo sư Kenneth Mak nhấn mạnh là Singapore “rất tin tưởng” vào vac-xin Pfizer-BioNTech và Moderna, mà hơn 4,7 triệu liều đã được tiêm ở nước này.

Giáo sư Kenneth Mak đã có những tuyên bố như trên khi trả lời câu hỏi về việc Singapore có ý định đưa vac-xin của Sinovac vào chương trình tiêm chủng quốc gia hay không. Hôm 16/06/2021, 24 cơ sở y tế đã được bộ Y tế Singapore cấp phép theo Lộ trình Tiếp cận Đặc biệt (SAR) để cung cấp vac-xin Sinovac cho những người có nhu cầu sử dụng. Hiện giờ vac-xin Sinovac chỉ được cung cấp theo khuôn khổ SAR, chứ vẫn chưa được đăng ký và chưa được Cơ quan Khoa học Y tế (HSA) cho phép. Giáo sư Kenneth Mak lưu ý rằng vẫn còn một số dữ liệu về vac-xin mà Sinovac chưa cung cấp cho HSA, để “bảo đảm hoàn toàn” về chất lượng và sự an toàn của vac-xin này.  

Tư pháp Bỉ bắt AstraZeneca cung cấp vac-xin cho Liên Âu

Thanh Hà

image.png
Tư pháp Bỉ quy định AstraZeneca phải giao 50 triệu liều vac-xin chống Covid cho Liên Âu trước cuối tháng 9/2021. REUTERS – Dado Ruvic

Hôm 18/06/2021 Tòa Sơ Thẩm Bruxelles ra phán quyết buộc tập đoàn dược phẩm AstraZeneca giao cho Liên Âu 50 triệu liều vac-xin chống Covid-19 trước cuối tháng 9/2021. Liên doanh Anh và Thụy Điển này sẽ phải nộp phạt 10 euro cho mỗi liều thuốc không giao đúng hạn kỳ .  

Đây không hẳn là điều Liên Hiệp Châu Âu mong đợi, nhưng các bên cùng hài lòng về phán quyết của tư pháp Bỉ như giải thích của thông tín viên Pierre Benazet từ Bruxelles :  

« Theo quan điểm của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen quyết định của tư pháp Bỉ cho phép khẳng định lập trường của Liên Âu đó là AstraZeneca không tôn trọng hợp đồng. Đành rằng thẩm phán của tòa án Bruxelles buộc công ty dược phẩm này giao 50 triệu liều vac-xin cho Liên Âu trong ba đợt với những hạn định khá nghiêm ngặt : 15 triệu liều phải được giao trước cuối tháng 7/2021. 20 triệu nữa trước cuối tháng 8 năm nay và 15 triệu liều sau cùng phải đến tay Liên Âu trễ nhất là cuối tháng 9 này. Phán quyết của tòa quy định rõ mỗi lô hàng nói trên phải giao đúng thời hạn trước 9 giờ sáng ngày cuối cùng trong tháng. Ủy Ban Châu Âu coi đây là một thắng lợi và phán quyết này cho phép tăng tốc chiến dịch tiêm chủng trong Liên Âu. Dù vậy cần nhắc lại rằng đã có một sự chậm trễ đến ba tháng và số vac-xin giao cho Liên Âu thấp hơn so với dự kiến đến 40 triệu liều như đòi hỏi của Bruxelles khi khởi động vụ kiện vào tháng trước. Liên Hiệp Châu Âu đòi AstraZeneca cung cấp trước ngày 30/06/2021 toàn bộ 120 triệu lô vac-xin châu Âu đã đặt mua và phải được giao trong ba tháng đầu năm nay.  

Về phía AstraZeneca tập đoàn này cũng hài lòng vì quyết định của tư pháp Bỉ nhìn nhận hãng dược phẩm này đã nỗ lực tối đa và ngay từ năm ngoái đã thông báo với Ủy Ban Châu Âu là Anh Quốc được ưu tiên nhận vac-xin sản xuất từ hai nhà máy trên lãnh thổ Anh ».


 Pháp Đức kêu gọi đề cao cảnh giác trước biến thể Ấn Độ  

Trong buổi làm việc chung tại Berlin từ tối qua, thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi cổ động viên bóng đá giải Euro đề cào cảnh giác trước nguy cơ lây lan rất mạnh của biển thể Delta, tức biến thể Ấn Độ của virus SARS-CoV-2. Bà Merkel nhấn mạnh « chúng ta không thể coi như đại dịch đã lùi vào quá khứ » Lời cảnh báo này nhắm vào Hungary, quốc gia tổ chức giải bóng đá châu Âu duy nhất không áp đặt giới hạn về số lượng khán giả vào xem các trận đấu bóng. Riêng tổng thống Macron, ông lo ngại trước viễn cảnh các trận bán kết và chung kết diễn ra tại vương quốc Anh, nơi biến thể Delta đang hoành hành.  

WHO cảnh báo nhiều nước không đủ vac-xin cho liều thứ hai

Thụy My

image.png

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 18/06/2021 cảnh báo khoảng ba, bốn chục nước không thể tiêm chủng liều thứ hai chống Covid vì không đủ vac-xin. Tình trạng này có thể ảnh hưởng lâu dài đến chiến dịch tiêm chủng.

Ông Bruce Aylward, phụ trách giám sát hệ thống Covax của Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định với AFP, hiện có khoảng 30 đến 40 nước phải ngưng ngang chiến dịch tiêm chủng vì không nhận được số vac-xin cho liều thứ hai, khoảng cách giữa hai mũi tiêm nay phải dời xa hơn. Chủ yếu là các nước ở vùng hạ Sahara châu Phi, châu Mỹ la-tinh, Trung Đông, Nam Á – đặc biệt là các láng giềng của Ấn Độ như Nepal, Sri Lanka phải đối phó với đợt dịch nặng nề.

Theo ông Aylward, nếu để quá lâu mới tiêm mũi thứ hai, có nguy cơ xuất hiện các biến chủng nguy hiểm hơn hoặc lây nhiễm nhiều hơn.

Covax đang thương lượng trực tiếp với AstraZeneca và Serum Institute of India, nơi sản xuất chính cho hệ thống Covax nhưng đang bị cấm xuất khẩu vì nhu cầu khẩn cấp của Ấn Độ. Các đối tác của Covax đang cố gắng có được số liều tối đa cần thiết cho thời kỳ từ tháng Sáu đến tháng Chín. Hoa Kỳ hứa tặng 80 triệu liều trong tháng Sáu đến tháng Bảy, nhưng số 1 tỉ liều của G7 chỉ có được vào khoảng cuối 2021 hay đến năm 2022.

Viên chức WHO nhấn mạnh tình trạng thiếu vac-xin có thể ảnh hưởng đến lòng tin của dân chúng, gây khó khăn cho các chính phủ. Có những nhà lãnh đạo rất muốn huy động rộng rãi người dân đi chích ngừa nhưng lại sợ phải ngưng nửa chừng vì không đủ vac-xin.

Tính đến ngày 17/06, hệ thống Covax chỉ mới cung cấp được 88 triệu liều vac-xin cho 131 nước, rất thấp so với dự kiến ban đầu.

Related posts