Trung Quốc đang cố gắng “kiểm soát’ và “vũ khí hóa” các tổ chức đa phương

Lê Xuân

image.png

Trung Quốc và các quốc gia khác đang cố gắng “giành quyền kiểm soát” các tổ chức quốc tế quan trọng về mặt chiến lược để có thể “vũ khí hóa” những tổ chức này, theo một báo cáo mới của Ủy ban Đối ngoại thuộc Quốc hội Anh cho biết.

Bản báo cáo có tiêu đề “Trong phòng: vai trò của Vương quốc Anh trong ngoại giao đa phương” được công bố hôm thứ Năm (17/6). Nó đã cáo buộc Trung Quốc “bắt nạt” các quốc gia để buộc họ nghe theo mình hoặc phải trao cho Trung Quốc các vị trí lãnh đạo cấp cao. Các biện pháp mà Bắc Kinh thường sử dụng bao gồm đòn bẩy kinh tế.

Báo cáo kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh tăng cường nỗ lực để “chống lại ảnh hưởng của những kẻ tìm cách thao túng và phá hoại các tổ chức đa phương” bằng cách phải “điểm tên chỉ mặt” các quốc gia đang tìm cách lạm dụng và phá hoại hệ thống.  

Báo cáo cho biết: “Chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực của các quốc gia như Trung Quốc nhằm giành quyền kiểm soát các tổ chức quan trọng về mặt chiến lược và xác định lại về cơ bản các nguyên tắc đã từng được thống nhất trên toàn cầu”.

“Điều này cho phép các tổ chức đa phương được ‘vũ trang hóa’ để chống lại các nguyên tắc sáng lập mà chúng đã được xây dựng.”

Nghị sĩ Tom Tugendhat, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và là một trong người có quan điểm diều hâu nhất đối với Trung Quốc của Vương quốc Anh, cho biết: “Các chế độ độc tài đang tiếp quản các thể chế được xây dựng từ đống đổ nát của Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm bảo vệ nền dân chủ… Chúng ta đang thấy sự công bằng và tự do dần phai nhạt.”

Quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng trước việc Vương Quốc Anh lên án Trung Quốc về nhân quyền và Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông. Anh đã tạo điều kiện cho nhiều cư dân Hồng Kông nhập tịch.

Hai nước cũng đã trừng phạt qua lại lẫn nhau liên quan đến các cáo buộc Trung Quốc lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương.

Nghị sĩ Tugendhat nằm trong số 9 cá nhân và 4 tổ chức của Vương quốc Anh bị Trung Quốc trừng phạt vào tháng 3 năm nay vì đã “truyền bá những lời nói dối và thông tin sai lệch một cách ác ý” về các hành động của Bắc Kinh ở Tân Cương.

Báo cáo của Quốc hội Anh tập trung vào Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HRC), Interpol và Tòa án Hình sự Quốc tế.

“Việc sử dụng chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc, mà chúng tôi thường gọi là ‘bắt nạt’, có thể được nhìn thấy trong hoạt động của OHCHR và HRC cũng như WHO,” báo cáo nêu rõ.

Báo cáo lập luận rằng sáu tổ chức này dựa vào các khoản đóng góp của nhà nước thay vì nguồn tài trợ cốt lõi, điều này đã tạo điều kiện cho Trung Quốc thực hiện mưu đồ đòn bẩy chính trị.

Báo cáo được đưa ra khi Vương quốc Anh cố gắng tiến ra sân khấu thế giới sau khi rời Liên minh châu Âu.

London gần đây cũng đã hợp nhất bộ phận viện trợ quốc tế của mình, DFID, với Văn phòng Đối ngoại, để tạo ra một thực thể: Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển. Nó cũng tuyên bố sẽ giảm ngân sách viện trợ quốc tế từ 0,7% xuống 0,5% GDP.

Theo báo cáo, tầm ảnh hưởng của Vương quốc Anh trên trường quốc tế trong những năm gần đây đã dần suy giảm.

“Sự bùng nổ của COVID-19 đã khiến điều này càng rõ nét hơn. Tổ chức Y tế Thế giới, vốn được hưởng lợi từ rất nhiều sự trợ giúp của Vương quốc Anh, đã bị thống trị bởi Trung Quốc, trong khi quốc gia này đóng góp ít hơn nhiều,” ông Tugendhat nói.

Báo cáo cho biết: “Đối với chúng tôi, rõ ràng là chính phủ Trung Quốc coi ảnh hưởng đối với WHO là một mục tiêu chiến lược quan trọng.”

Một tổ chức khác được trích dẫn trong báo cáo là Hội đồng Nhân quyền LHQ. Tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc, Cuba và Nga đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền bất chấp sự phản đối kịch liệt của các nhà hoạt động nhân quyền, cáo buộc chính phủ các nước này nằm trong số những nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên toàn cầu.

Báo cáo viện dẫn việc Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thất bại trong việc can thiệp vào vấn đề Tân Cương.

Báo cáo kêu gọi các tổ chức cần được định hình lại và đưa chúng trở lại mục đích ban đầu. “Câu hỏi đặt ra là liệu chính phủ Vương quốc Anh có sẵn sàng nỗ lực và cam kết thực hiện những thay đổi mà chúng ta cần hay không,” báo cáo đặt câu hỏi.

Lê Xuân

Related posts