Tin trong nước trưa thứ Ba: Hơn 2,500 công ty… ở Bắc Giang dừng hoạt động

Hiểu Minh

Bắc Giang: Hơn 2,500 công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh tạm dừng hoạt động

Dantri – Ngày 21/6, Đoàn công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) đã có buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang về việc đánh giá tác động các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. 

Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, từ ngày 1/5 đến nay, do tình hình dịch diễn biến phức tạp, toàn tỉnh đã có 2.532 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm dừng hoạt động.

Số người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là hơn 13,5 nghìn người, trong đó hơn 10 nghìn lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ 30 ngày liên tục trở lên.

Số người lao động phải ngừng việc trong các đơn vị phải tạm dừng hoạt động là hơn 199 nghìn người, trong đó số người lao động phải ngừng việc từ 30 ngày liên tục trở lên là hơn 168 nghìn người.

Để nhanh chóng khôi phục sản xuất, tỉnh đã và đang tích cực hướng dẫn, giúp các doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất an toàn, đảm bảo phòng dịch. Đến nay, có 146 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được hoạt động trở lại, chiếm 40,6% tổng số doanh nghiệp trong 4 khu công nghiệp và số lao động được phê duyệt đi làm trở lại là hơn 22,5 nghìn lao động.

Tại các doanh nghiệp này, người sử dụng lao động cơ bản đều chi trả 100% lương tối thiểu vùng trở lên cho 14 ngày đầu nghỉ phòng, chống dịch. Đến nay, toàn tỉnh đã có 440 doanh nghiệp xây dựng kế hoạch trả lương cho gần 194 nghìn công nhân lao động ngừng việc do bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19…

Hải Phòng hoàn thành cuộc cưỡng chế ‘lịch sử’

Vietnamnet – Từ 5h sáng ngày hôm qua (21/6), hơn 1.000 người đã tham gia tổ chức cưỡng chế 159 công trình vi phạm tại 9,2ha có nguồn gốc đất quốc phòng ở quận Hải An, TP. Hải Phòng.

Chủ tịch quận Hải An Nguyễn Công Hân xác nhận với báo VietNamNet, đây là cuộc cưỡng chế lớn nhất và phức tạp nhất. Theo đó, 159 công trình xây dựng trên đất có nguồn gốc quốc phòng sẽ bị cưỡng chế dỡ bỏ. Những chủ công trình này bị cho là lưu trú bất hợp pháp, họ sẽ bị yêu cầu ra khỏi khu đất.

Theo ông Nguyễn Công Hân, nhiều ngày trước buổi cưỡng chế, công tác tổ chức, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại khu đất 9,2ha đã được chuẩn bị.

Tất cả 159 trường hợp bị cưỡng chế sẽ không được bồi thường, không được hỗ trợ về đất, tài sản trên đất, không được xem xét giải quyết giao đất hay bố trí chỗ ở.

Quận Hải An đã tổ chức quây tôn và lắp đặt 36 camera giám sát. Các tiểu ban tuyên truyền – vận động, cưỡng chế – phá dỡ, an ninh – trật tự, hồ sơ, hậu cần… đã chuẩn bị đầy chi tiết để đảm bảo đợt cưỡng chế thành công, an toàn.

Một lãnh đạo TP. Hải Phòng cho biết, để cuộc cưỡng chế thành công diễn ra đúng 1 lần, địa phương đã phải huy động hơn 1.000 người tham gia làm nhiệm vụ.

Tính đến 19h tối qua, đã có hơn 30 hộ dân vi phạm tự nguyện di dời đồ đạc và tự tháo dỡ công trình xây dựng sai phép.

Nhiều người hôn mê do nắng nóng

VnExpress – Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngày 21/6 cho biết cụ bà trú tại Thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, khi nhập viện kích thích, vật vã. Các bác sĩ chẩn đoán sốc nhiệt do gặt lúa dưới trời nắng thời gian dài. May mắn sau khi được điều trị, bệnh nhân đã hồi phục và ra viện.

Gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh liên tục tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh do say nắng, sốc nhiệt, mức độ từ nhẹ đến nặng. Theo thống kê, chỉ trong 20 ngày, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc tiếp nhận và điều trị ba ca cấp cứu vì sốc nhiệt, say nắng.

Các tỉnh miền Bắc đang phải trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm có mức nhiệt lên tới 40, 41 độ C, nếu không có những biện pháp phòng tránh kịp thời rất dễ gặp phải các vấn đề như say nắng, sốc nhiệt. Sốc nhiệt tưởng chừng chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể khi tiếp xúc lâu dưới trời nắng nóng nhưng thực tế thì không đơn giản như vậy.

Bác sĩ cảnh báo đối với người dân cần thực hiện các biện pháp để phòng tránh sốc nhiệt trong thời tiết nắng nóng như hạn chế ra ngoài vào lúc nắng nóng cao điểm, nếu bắt buộc phải làm việc dưới trời nắng nóng thì cần chia nhỏ thời gian làm và nghỉ ngơi xen kẽ; khi đi ra đường thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng; cần uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả; bổ sung đồ uống giàu chất điện giải; bôi kem chống nắng và tăng cường rèn luyện sức khỏe.

Miền Bắc chờ đón trận mưa giông đêm nay

Dân Trí – Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 22-25/6, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm/đợt. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to; trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại khu vực miền núi.

Khu vực Bắc Bộ đang vào mùa mưa giông, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh khi mưa lớn kèm các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh; lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.

Người dân cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng thời tiết xấu, nhất là giông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi. Các địa phương cần kiểm tra rà soát nơi ở của người dân, sẵn sàng các phương án ứng phó, tránh bị động khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Đắk Nông: Choáng với ‘trang trại’ cần sa được ‘đầu tư bài bản’

Thanhnien – Sáng 22/6, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết đã bắt quả tang 1 vụ trồng trái phép hơn 2.600 cây cần sa, đồng thời ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Hải (49 tuổi, ngụ TT.Đức An, H.Đắk Song) và Lê Thanh Tâm (38 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) để điều tra, làm rõ hành vi trồng trái phép cây cần sa.

Theo thông tin ban đầu, trưa 20.6, Công an H.Đắk Song phối hợp Công an xã Nam Bình bắt quả tang Hải và Tâm đang chăm sóc cây cần sa trái phép tại khu vực đất sát bờ suối thuộc thôn 10, xã Nam Bình, H.Đắk Song.

Tại hiện trường, lực lượng Công an đã lập biên bản, thu giữ 2.613 cây cần sa có chiều cao từ 40 – 70 cm được trồng trong các chậu nhựa, xếp thành 19 luống và trang bị hệ thống đèn chiếu sáng để kích thích sự phát triển của cây. Kiểm tra xung quanh hiện trường, lực lượng Công an thu giữ khoảng 2,2kg (nghi lá cây cần sa tươi) và 1 bịch nilon bên trong đựng hoa quả khô (nghi hoa quả cây cần sa).

Khai nhận trước cơ quan chức năng, các nghi can cho biết vào tháng đầu tháng 6.2021, Hải được 1 người đàn ông tên Hiển (hiện đang bỏ trốn) thuê phụ trồng, chăm sóc cây cần sa với tiền công 300.000 đồng/ngày.

Đến ngày 17/6, Hải rủ thêm Tâm đến cùng làm với tiền công 300.000 đồng/ngày. Ngày 20.6, trong lúc Tâm, Hải, Hiển đang dọn dẹp, chăm sóc cây cần sa thì bị lực lượng Công an bắt giữ cùng tang vật. Riêng Hiển đã bỏ trốn.

Ông Tất Thành Cang bị khởi tố trong vụ bán rẻ 320.000 m2 đất

VnExpress – Nguyên Phó bí thư Thành ủy Tất Thành Cang bị khởi tố thêm tội do duyệt chủ trương bán rẻ 320.000 m2 đất ở huyện Nhà Bè trái thẩm quyền, sai quy định.

Ngày 21/6, ông Cang, 50 tuổi, bị Cơ quan an ninh điều tra Công an TP HCM khởi tố về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219 BLHS.

Bị cáo buộc cùng tội danh là hai cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy Phạm Văn Thông và Phan Thanh Tân; Huỳnh Phước Long (nguyên Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn của Văn phòng Thành ủy).

Trong đó, ông Cang và 2 người đã bị bắt tạm giam trong vụ án Sadeco bán rẻ 9 triệu cổ phần, gây thiệt hại 1.103 tỷ đồng của Nhà nước. Riêng ông Thông và Tân được tại ngoại.

Ông Cang bị xác định sai phạm trong việc chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) bán 320.000 m2 đất ở Phước Kiểng (Nhà Bè) cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giả rẻ. Hành vi của ông Cang là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định.

Theo điều tra, ngày 5/6/2017, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng khu đất có vị trí đẹp cạnh sông Sài Gòn với giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách hơn 419 tỷ đồng.

Sau khi khu đất đã được bán đứt, ngày 5/12/2017 Văn phòng Thành ủy đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại giá trị khu đất. Theo Sở, khu đất phần lớn là đất nông nghiệp, chỉ có hơn 480 m2 là đất ở. Trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì đơn giá bình quân là hơn 1,7 triệu đồng/m2, tổng giá trị khu đất sẽ là hơn 574 tỷ đồng. Theo cách tính này, Công ty Tân Thuận gây thất thoát hơn 150 tỷ.

Ngày 27/12/2017, Thường trực Thành ủy chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng khu đất cho Quốc Cường Gia Lai, không đồng ý bán chỉ định. Bởi đây là tài sản kinh tế Đảng, nhưng tập thể Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy không biết việc ký chuyển nhượng vào thời điểm giao dịch.

Thời điểm khu đất được bán, TP.HCM trống vị trí Bí thư Thành ủy do ông Đinh La Thăng đã được Bộ Chính trị điều động làm Phó ban Kinh tế Trung ương, còn ông Nguyễn Thiện Nhân chưa về TP HCM. Thành ủy lúc này do Phó bí thư Thường trực Tất Thành Cang điều hành.

Đến đầu năm 2020, hai người đầu tiên bị xử lý hình sự là ông Trần Công Thiện (56 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) và Nguyễn Văn Minh (63 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận). Trong đó, ông Thiện được xác định là người chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo, điều hành Công ty Tân Thuận dẫn đến sai phạm.

Tháng 12/2020, ông Trần Tấn Hải (Phó tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) và nhiều người tiếp tục bị bắt.

Related posts