CĐNVTD Úc Châu có một cơ cấu tổ chức và điều hành rất chặt chẽ và thống nhất – ở các tiểu bang/lãnh thổ có một Ban Chấp Hành (BCH) và ở cấp quốc gia thì có BCH CĐNVTD Liên Bang Úc Châu có nhiệm vụ liên kết các tiểu bang/lãnh thổ thành một khối cũng như đại diện và có một tiếng nói chung cho cộng đồng người Việt Úc Châu. BCH CĐNVTD Liên Bang Úc Châu có nhiệm kỳ 2 năm, đó cũng là lý do Đại Hội Liên Bang Úc Châu được tổ chức 2 năm một lần.
Trước khi bế mạc Đại Hội lần thứ 24, 2018, được tổ chức tại Perth, Tây Úc, BS Nguyễn Anh Dũng, vị chủ nhà, đã trao cho anh Hoàng văn Hữu (Chủ Tịch CĐNVTD/NT lúc bấy giờ) tấm băng rôn của Đại Hội và hẹn gặp nhau tại Darwin, Bắc Úc, trong kỳ Đại Hội Liên Bang Úc Châu lần thứ 25 vào năm 2020.
Tuy nhiên, do tình trạng phong tỏa vì nạn đại dịch cúm Vũ Hán, việc tổ chức Đại Hội vào năm 2020 đã không thể thực hiện. Sang năm 2021, Đại Hội đã được chuẩn bị chu đáo để diễn ra trong ba ngày 11, 12 và 13 của tháng Sáu, nhưng chẳng may, cũng vì con cúm Vũ Hán mà CĐNVTD/VIC đã không thể tham dự Đại Hội. Việc này đã kéo theo CĐNVTD/WA (Tây Úc) và BS Bùi Trọng Cường, Chủ Tịch CĐNVTD/QLD (Queensland).
Do đó Đại Hội Liên Bang Úc Châu thứ 25 đã diễn ra tại Darwin với một số thành viên tham dự online, còn hiện diện tại chỗ thì có CĐNVTD/SA (Nam Úc), CĐNVTD/NSW (New South Wales), CĐNVTD/QLD (Queensland), CĐNVTD/ACT (Lãnh thổ Australian Capital), CĐNVTD/Wol (Lãnh thổ Wollongong) và CĐNVTD/NT (Lãnh thổ Bắc Úc, chủ nhà).
Tổ chức tại Trung Tâm sinh hoạt CĐNVTD/NT (Bắc Úc) thuộc vùng Marrara, Đại Hội được bắt đầu với nghi thức chào quốc kỳ Úc-Việt và một phút mặc niệm thật trang trọng. Ông Lê Tấn Thiện, Chủ Tịch CĐNVTD/NT, ngỏ lời chào đón đồng bào và thành viên của các tiểu bang và lãnh thổ đã đến với Darwin, Bắc Úc là một vùng đất ấm áp, có khí hậu nhiệt đới (khá nóng) như ở Việt Nam.
Trong khi đó, tại các tiểu bang/lãnh thổ nằm ở Miền Nam nước Úc thì đang có thời tiết khá lạnh, cho nên khi nhìn lên màn ảnh của Đại Hội online thì sẽ thấy những hình ảnh tương phản – những người đang ngồi họp tại Darwin ăn mặc rất mát mẻ, còn những người ở các tiểu bang New South Wales, Victoria, Western Australia (Tây Úc) thì đang co ro trong hai, ba lớp áo.
Ngày thứ nhất (Thứ Sáu 11/06/2021), theo như dự định thì sẽ có một buổi tiếp tân tại Quốc Hội Bắc Úc dành cho CĐNVTD Úc Châu nhưng đã bị hủy bỏ vào giờ chót vì một số tiểu bang đã không tham dự được. Thay vào đó là buổi BBQ để chào đón, tâm tình, chuyện trò với nhau.
Theo chương trình nghị sự, trong ngày thứ hai (Thứ Bảy 12/06/2021) của Đại Hội, những vấn đề đáng quan tâm về sự đoàn kết, chống NQ36, du học sinh và đường hướng hoạt động là các đề tài đã được đem ra bàn thảo.
Vào lúc hừng đông ngày thứ ba (Chủ Nhật 13/06/2021), một buổi lễ tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam đã được tổ chức tại cầu cảng Stokes Hill Wharf, thuộc hải cảng Darwin được Linh Mục Phero Nguyễn Văn Huấn và Sư Cô Thích Nữ Giới Huyền cử hành theo nghi thức tôn giáo. Chính tại hải cảng Darwin, con tàu vượt biển đầu tiên tên “Kiên Giang”, chỉ có vỏn vẹn 5 thuyền nhân, đến thẳng Úc đã cập vào đây, cuối tháng Tư năm 1976.
Trở về hội trường, các BCH lần lượt tường trình sơ lược về các sinh hoạt và các thành tựu trong thời gian qua.
Tiếp theo, qua video, ông Alex Hawke, Bộ Trưởng Bộ Di Dân, Quốc Tịch, Dịch Vụ Di Trú và Đa Văn Hóa Sự Vụ (Minister for Immigration, Citizenship, Migrant Services and Multicultural Affairs) xin cám ơn lời mời của CĐNVTD Liên Bang Úc Châu và cảm thấy rất vinh hạnh có được cơ hội để vinh danh những sự đóng góp lâu dài và quan trọng của cộng đồng người Việt.
Ngoài ra đất nước Úc Châu còn có một sự liên hệ, gắn bó và chia sẻ một phần lịch sử với người Việt. Cách đây gần 46 năm, 5 người Việt tỵ nạn đầu tiên đã đến Darwin, 1976, và ngày nay đã có trên 300 000 người Việt xin nhận Úc Châu làm quê hương thứ hai. Và ông có lời ca ngợi sư phát triển và tinh thần tương trợ lẫn nhau của cộng đồng người Việt cùng với sự thành công trong mọi lãnh vực đã làm thay đổi bộ mặt của xã hội Úc.
Sau cùng là phần bầu cử BCH CĐNVTD Liên Bang Úc Châu nhiệm kỳ 2021-2023. Thể thức ứng cử và bầu cử không theo liên danh, mỗi chức vụ được đề cử hoặc tự ứng cử và được bầu (đắc cử) vào BCH với số phiếu tín nhiệm cao nhất và phải quá bán. Chỉ có các thành viên trong các BCH tiểu bang và lãnh thổ mới có quyền ứng cử, bầu cử, và tổng số phiếu bầu là 101. Con số 101 này từ đâu ra?
Dựa trên con số thống kê chính thức và mới nhất của chính phủ Úc, số phiếu bầu dành cho các BCH được tính trên số dân cư người Việt của mỗi tiểu bang/lãnh thổ. Mỗi BCH sẽ được 10 phiếu cho 10 000 dân cư đầu tiên hoặc ít hơn. Và mỗi lần tăng thêm 10 000 cư dân thì được thêm 1 phiếu, và con số lẽ sau cùng cũng được thêm một phiếu.
Ví dụ:- Bắc Úc có 1200 dân cư người Việt thì được 10 phiếu (“10 000 dân cư đầu tiên hoặc ít hơn”)
– Queensland có 21 800 dân cư người Việt, được 12 phiếu (“10 000 dân cư đầu tiên” được 10 phiếu, 10 000 dân cư tiếp theo được 1 phiếu, và “con số lẽ sau cùng”, 1800 dân cư, được thêm 1 phiếu, vị chi được 12 phiếu).
Trong Đại Hội thứ 25, CĐNVTD/NSW được 19 phiếu, CĐNVTD/VIC 18 phiếu, CĐNVTD/QLD 12 phiếu, CĐNVTD/WA 11 phiếu, CĐNVTD/SA 11 phiếu, CĐNVTD/NT 10 phiếu, CĐNVTD/ACT 10 phiếu và CĐNVTD/WOL 10 phiếu, tổng cộng là 101 phiếu. Để được công nhận đắc cử, mỗi ứng cử viên không chỉ cần có số phiếu tín nhiệm cao nhất mà còn phải quá bán, nghĩa là phải có từ 51 phiếu trở lên.
BS Nguyễn Mạnh Tiến và LS Võ Trí Dũng đảm nhận việc điều hành cuộc bầu cử với sự trợ giúp của hai ông Ian Hocking và Isacc Stewart trong việc kiểm và đếm phiếu.
Đại Hội lần này có hai vị ra ứng cử vào chức vụ Chủ Tịch – cô Kate Hoàng và ông Nguyễn Quốc Toàn. Những người ra ứng cử (hoặc được đề cử) vào chức vụ Chủ Tịch phải sơ lược về lý lịch, quá trình hoạt động và các thành quả của mình, đồng thời trình bày về đường hướng hoạt động và các viễn kiến cho tương lai, tiếp theo sau đó là phần hỏi đáp.
Lúc bầu, nếu có sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong BCH thì tất cả số phiếu mà mỗi tiểu bang/lãnh thổ có được sẽ dành trọn cho ứng cử viên được chọn. Nếu không có sự đồng thuận thì số phiếu ấy sẽ được chia ra cho các thành viên trong BCH để mỗi người có quyền bầu theo ý muốn của mình, trong một tinh thần rất dân chủ.
Cô Kate Hoàng đã đắc cử vào chức vụ Chủ Tịch với 54 phiếu tín nhiệm và là vị nữ Chủ Tịch đầu tiên của CĐNVTD Liên Bang Úc Châu. Và có lẽ đây cũng là lần đầu tiên BCH CĐNVTD Liên Bang Úc Châu có trường hợp “âm thịnh dương suy” (3 nữ, 2 nam) với kết quả bầu cử cho nhiệm kỳ 2021-2023 gồm có – cô Kate Hoàng (Chủ Tịch), ông Nguyễn Paul Huy (PCT Nội Vụ), ông Lê Công (PCT Ngoại Vụ), cô Hồ Thái Phụng (Tổng Thư Ký) và cô Trần Hương Thủy (Thủ Quỹ) đặc biệt đã được tín nhiệm 100% với 101/101 phiếu.
Tưởng cũng cần nói thêm, theo nội quy, vị chủ tịch CĐNVTD Liên Bang Úc Châu chỉ được quyền làm hai nhiệm kỳ liên tiếp. Trong Đại Hội thứ 24, 2018, ông Nguyễn văn Bon đã đắc cử Chủ Tịch CĐNVTD Liên Bang Úc Châu nhiệm kỳ thứ hai, cho nên đúng ra ông Bon đã mãn nhiệm vào tháng Sáu năm 2020. Những vì con cúm Vũ Hán, nhiệm kỳ thứ hai của ông Bon đã được kéo dài sang năm 2021.
Cô Kate Hoàng, tân Chủ Tịch CĐNVTD Liên Bang Úc Châu ngỏ lời cám ơn sư ủng hộ của CĐNVTD Úc Châu, đặc biệt là sự hỗ trợ của Cộng Đồng chủ nhà (Bắc Úc), và ông Nguyễn văn Bon, vị chủ tịch tiền nhiệm, đã gánh vác “ngà voi” với một nhiệm kỳ dài hơn quy định trong một giai đoạn khó khăn do con cúm Vũ Hán gậy ra.
Tiếp theo cô giới thiệu các thành viên của Tân BCH là những người đại diện đến từ bốn tiểu bang/lãnh thổ – cô Kate Hoàng (CĐNVTD/NSW), ông Nguyễn Paul Huy (CĐNVTD/NSW), ông Lê Công (CĐNVTD/ACT), cô Hồ Thái Phụng (CĐNVTD/SA) và cô Trần Hương Thủy (CĐNVTD/WOL).
Cô Kate Hoàng tin rằng – “Niềm tự hào và sự đoàn kết sẽ được mãi mãi giữ vững”.
Phát biểu bế mạc Đại Hội, ông Lê Tấn Thiện ngỏ lời cám CĐNVTD Úc Châu đã chọn Cộng Đồng Bắc Úc để tổ chức Đại Hội lần thứ 25. Ông nhận thấy những ngày vừa qua rất ấm cúng, có một sự kết nối rất chặt chẽ, nhưng rất tiếc là con cúm Vũ Hán đã làm cho Đại Hội không được hoàn mỹ như ý muốn.
Darwin 11, 12 & 13/06/2021
(Bài tưởng trình này được trích từ trang lyhuong.net)http://www.lyhuong.net/au/index.php/shcd/697-697