Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Mỹ tăng hợp tác với Đông Nam Á: Xây cơ sở hàng hải ở Indonesia, bán F-16 cho Philippines

Trọng Nghĩa

image.png
Chiến đấu cơ F-16 của Mỹ. AP Photo/Wally Santana, File

Trong chiến lược tăng cường hiện diện tại khu vực Đông Nam Á và hỗ trợ các nước ven Biển Đông đang bị Trung Quốc chèn ép, Hoa Kỳ vào hôm qua, 25/06/2021 đã cùng với Indonesia khởi công xây dựng một trung tâm đào tạo hàng hải mới tại một vùng giáp Biển Đông. Trước đó, bộ Ngoại Giao Mỹ cũng đã bật đèn xanh cho một thương vụ bán chiến đấu cơ F-16 và nhiều loại tên lửa cho Philippines.

Theo Cơ Quan An Ninh Hàng Hải Indonesia (Bakamla), trung tâm huấn luyện hàng hải mới mà Washington giúp Jakarta xây dựng trị giá 3,5 triệu đô la và được đặt tại khu vực chiến lược Batam, thuộc quần đảo Riau, nằm ngay điểm tiếp giáp giữa eo biển Malacca và Biển Đông. Được đặt dưới quyền điều hành của Cơ Quan An Ninh Hàng Hải Indonesia, trung tâm này sẽ bao gồm các lớp học, doanh trại cho binh lính và một bãi đáp.

Tham dự buổi lễ khởi công xây dựng trung tâm qua cầu truyền hình, đại sứ Mỹ tại Indonesia, Sung Kim, cho biết là trung tâm này là một phần trong nỗ lực không ngừng giữa hai nước nhằm tăng cường an ninh trong khu vực. Hợp tác giữa Hoa Kỳ với quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới được thúc đẩy trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, với việc các hành vi lấn lướt của Bắc Kinh bị các láng giềng, trong đó có Indonesia, phản đối.

Hãng tin Anh Reuters nhắc lại là vào đầu tháng 6, ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí trong một cuộc họp về nhu cầu tự kiềm chế ở Biển Đông và tránh các hành động có thể làm căng thẳng leo thang.

Bộ Ngoại Giao Mỹ đồng ý bán F-16 và tên lửa cho Philippines

Bên cạnh Indonesia, Hoa Kỳ cũng tăng cường hợp tác với một nước Đông Nam Á khác là Philippines.

Ngày 24/06/2021 vừa qua, bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết là đã thông qua khả năng bán chiến đấu cơ  F-16, cũng như các loại tên lửa Harpoon và Sidewinder cho Philippines, trong 3 thương vụ riêng biệt với tổng giá trị hơn 2,5 tỷ đô la. Philippines đang tìm mua một loại chiến đấu cơ đa năng mới và đang cân nhắc giữa loại F-16 của Mỹ và SAAB Gripen của Thụy Điển.

Đèn xanh cho thương vụ vũ khí với Philippines được bật lên sau khi chính quyền Manila quyết định gia hạn thêm 6 tháng một thỏa thuận về sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại quốc gia này, trên nguyên tắc sẽ hết hiệu lực vào tháng 8. Về phần mình, Washington mong muốn Manila triển hạn dứt khoát thỏa thuận đã tồn tại từ 20 năm nay, một nhân tố rất quan trọng đối với chiến lược của Washington nhằm chống lại đà bành trướng của Trung Quốc ở châu Á.

Hạt nhân: Mỹ và Pháp gây sức ép lên tân tổng thống Iran

Trọng Nghĩa

image.png
Tân tổng thống Iran Ebrahim Raisi phát biểu trong một cuộc họp báo, tại thủ đô Teheran, ngày 21/06/2021. AP – Vahid Salemi

Hoa Kỳ và Pháp hôm 25/06/2021, đã cảnh báo Iran rằng thời gian không còn nhiều để cứu thỏa thuận về chương trình hạt nhân. Đối với Paris và Washington, Teheran phải sớm đưa ra quyết định “khó khăn”,  mà không được chậm trễ hơn nữa. Chính quyền Iran đã phản ứng ngay lập tức.

Một tuần sau khi nhân vật bảo thủ Ebrahim Raïssi đắc cử tổng thống Iran, nhân chuyến công du Paris, ngoại trưởng Mỹ Antony Bilnken đã  khẳng định rằng sẽ rất “khó khăn” để Hoa Kỳ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) nếu các cuộc đàm phán kéo dài.

Trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Pháp Jean-Yves le Drian, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng nếu “tiếp tục vận hành các máy ly tâm phức tạp hơn” và đẩy nhanh chương trình làm giàu (uranium), Iran sẽ đến rất gần thời điểm mà họ đủ năng lực để chế tạo bom hạt nhân. Ngoại trưởng Pháp, quốc gia đồng ký kết thỏa thuận với Đức, Anh, Nga và Trung Quốc, cũng thúc giục Teheran thực hiện một bước quyết định để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân JCPOA.

Iran, từng kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ trước khi có bất kỳ tái cam kết nào, đã nhanh chóng đáp trả. Tối hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran, Saïd Khatibzadeh, khẳng định rằng: Số phận của thỏa thuận trước hết phụ thuộc vào “quyết định” của “các bên đối lập” với Iran.

Mối lo ngại đã gia tăng với việc một thỏa thuận tạm thời giữa Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA) và Teheran về các cuộc thanh tra hạt nhân, hết hạn. Iran đã hạn chế quyền tiếp cận của các thanh tra vào tháng 2 và từ đó đã từ chối cung cấp bản ghi thời gian thực của máy camera và các công cụ khác. Nhưng AIEA vào thời điểm đó đã đàm phán một thỏa hiệp kéo dài 3 tháng với Teheran để đảm bảo rằng Iran sẽ lưu trữ các dữ liệu này và bàn giao lại khi Hoa Kỳ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Thỏa thuận này đã được gia hạn vào tháng 5 cho đến ngày 24/06/2021.

Tổng giám đốc AIEA, Rafael Grossi, thông báo rằng “Iran đã không trả lời thư của ông”. Ông nhấn mạnh về “tầm quan trọng sống còn” của việc tiếp tục công việc giám sát. Đại sứ Iran tại IAEA Kazem Gharib Abadi vào hôm qua đã đáp trả bằng một tin nhắn Twitter: “Việc ghi lại dữ liệu không nên được coi là nghĩa vụ” của Iran đối với AIEA, mà đó chỉ là một “quyết định chính trị của Iran”.

Ngoại trưởng Blinken: Mỹ – Pháp có chung quan điểm về những mối đe dọa từ Trung Quốc

Thu Hằng

image.png
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được tổng thống và ngoại trưởng Pháp tiếp đón, trong ảnh ông Blinken (P) đang chào đồng nhiệm Pháp Jean-Yves Le Drian, ngày 25/06/2021, tại điện Elysée, Paris. Andrew Harnik POOL/AFP

Sau Đức, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Pháp và được đồng nhiệm Jean-Yves Le Drian tiếp đón ngày 25/06/2021. Trả lời nhật báo New York Times sau buổi làm việc cùng ngày với tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Elysée, ông Blinken cho rằng Pháp và Mỹ có chung quan điểm về những mối đe dọa của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và một nước Nga ngày càng quả quyết.

Chuyến công du châu Âu đầu tiên của ông Blinken, với tư cách là ngoại trưởng Hoa Kỳ, nằm trong khuôn khổ nỗ lực hồi sinh mối quan hệ với các đồng minh châu Âu, vốn dĩ trở nên căng thẳng dưới thời tổng thống Donald Trump. Trong buổi làm việc với đồng nhiệm Pháp, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đến việc phải « phối hợp với nhau » mới có thể « mạnh hơn và hiệu quả hơn », cũng như mới « có cơ hội chứng minh rằng những nền dân chủ của chúng ta có thể tạo nên những kết quả thực sự ».

Còn trong buổi trả lời phỏng vấn nhật báo New York Times, ông Blinken khẳng định Mỹ và Pháp « có chung quan điểm » trong quyết tâm kháng lại khả năng một thế giới do Trung Quốc lãnh đạo, một trật tự thế giới có thể sẽ « hoàn toàn phi tự do về bản chất ». Mục tiêu của hai nước « không phải là cản trở Trung Quốc » hay « cố kìm nén Trung Quốc », nhưng khi cần phải bảo vệ trật tự quốc tế mở và tự do thì « chúng tôi sẽ đứng lên ».

Theo ông Blinken, « tổng thống Macron có cùng cách suy nghĩ đó và tập trung vào việc cần phải có những kết quả thực tế ». Tuy nhiên, vẫn theo New York Times, việc hai bên có chung quan điểm hơi gây bất ngờ vì tổng thống Pháp Macron nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chiến lược tự chủ của châu Âu. Liên Hiệp Châu Âu vẫn coi « Trung Quốc là đối thủ mang tính có hệ thống » nhưng đối sách không kịch liệt như Hoa Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ khởi công xây dựng kênh đào nối Biển Đen với Biển Marmara

Trọng Nghĩa

image.png
Kanal Istanbul, một tuyến đường thủy mới nối liền Biển Đen và Biển Marmara, được TT Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho khởi công ngày 26/06/2021. WikimediaCommons/RFI/CC BY-SA 4.0

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ khởi động vào hôm 26/06/2021, một công trình xây dựng vô cùng to lớn  mà chính ông gọi là “điên rồ”: Kênh đào mang tên Kanal Istanbul, một tuyến đường thủy mới nối liền Biển Đen và Biển Marmara, hai vùng biển bao quanh Istanbul, thủ phủ kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Mục tiêu là giảm được lượng lưu thông hàng hải dày đặc trên eo biển Bosphorus, thế nhưng dự án đang bị những lời chỉ trích tương ứng với quy mô đồ của công trình.

Thông tín viên Anne Andlauer, tại Istanbul, cho biết thêm chi tiết:

“Công trình của thế kỷ”: Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã giới thiệu như trên về Kanal Istanbul, một tuyến đường thủy dài 45 km, rộng 275m và sâu 21m, được đào giữa Biển Đen và Biển Marmara, tức là có thể nói một eo biển Bosphorus thứ hai, với mục đích là giảm sức ép trên tuyến đường thủy này.

Mustafa Ilicali, cựu đảng viên thuộc đảng cầm quyền và là chuyên gia giao thông, đã coi dự án này là điều cần thiết cho an ninh của Istanbul. Ông nói: “Ở eo biển Bosphorus dễ xảy ra tai nạn. Nó đã bão hòa, trong khi đó là một tuyến đường vận chuyển phức tạp. Kanal Istanbul là một con đường thẳng, không có dòng chảy ngược chiều. Đây là một dự án có mức an toàn lớn. “

The nhưng phe đối lập – đứng đầu là thị trưởng Istanbul – đồng thanh lên án những hậu quả kinh tế và môi trường của dự án, được ước tính lên đến ít nhất là 15 tỷ đô la.

Tay fun Kahraman, một quan chức thành phố Istanbul phê phán : “Mục tiêu thực sự của Kanal Istanbul là tạo ra rất nhiều lợi nhuận cho các tổ chức tư nhân trên vùng đất phát triển ở cả hai bên kênh. Đây là một hành vi phản bội lớn nhất có thể được thực hiện ở Istanbul.”

Dửng dưng trước những lời chỉ trích và uy tín ngày càng giảm sút, tổng thống Recep Tayyip Erdogan quyết tâm thực hiện dự án hoành tráng này. Ông chắc chắn sẽ lấy đó làm chiêu bài tranh cử với hy vọng sẽ được bầu lại trong hai năm nữa.”

Covid-19: Biến thể Delta lây lan nhanh, nhiều nước thắt chặt trở lại các biện pháp chống dịch

Thùy Dương

image.png
Bắt đầu từ hôm 26/06/2021, Sydney, thành phố lớn nhất Úc, bị tái phong tỏa 15 ngày vì biến thể Delta. Saeed KHAN AFP

Sự lây lan quá nhanh của biến thể Delta trong những ngày qua đã khiến chính quyền một số nước phải đình hoãn các biện pháp nới lỏng hạn chế, thậm chí tăng cường, thắt chặt trở lại các biện pháp phòng dịch Covid-19.

Sau Anh Quốc, Bồ Đào Nha, đến lượt Úc và Israel hôm 25/06/2021 ban hành các quy định mới. Bắt đầu từ hôm thứ Bảy 26/06/2021, Sydney, thành phố lớn nhất Úc, bị tái phong tỏa 15 ngày, trong khi đó Israel, một trong những nước dẫn đầu thế giới về chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19, đã tái lập quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở những không gian khép kín.

Còn ở Pháp, đối mặt với nguy cơ biến chủng Delta có thể làm bùng lên làn sóng dịch thứ tư và việc nhiều người, trong đó có các nhân viên y tế, nhân viên chăm sóc trong các trung tâm dưỡng lão, vẫn ngần ngại không chích ngừa Covid-19, chính quyền Pháp hôm qua 25/06 nhắc tới khả năng ra quy định bắt buộc tiêm chủng ngừa virus corona, nhất là đối với đội ngũ nhân viên chăm sóc người cao tuổi.

Nhìn sang Tây Ban Nha, tình hình đặc biệt đáng lo ngại với sự xuất hiện một ổ lây nhiễm lớn chưa từng có, sau chuyến du lịch đến đảo của Balearas của nhiều sinh viên, khiến nhiều ngàn thanh niên tại 7 vùng trong cả nước hiện đang phải cách ly.

Từ Madrid, thông tín viên Diane Cambon cho biết chi tiết :

« Chính ở một buổi diễn nhạc Reggaeton cực kỳ lớn tại đấu trường Palma de Mallorca và trong hàng trăm cuộc hội hè, liên hoan được tổ chức tại các khách sạn và trên các con tàu, mà khoảng 2000 sinh viên Tây Ban Nha trong một chuyến du lịch cuối khóa học đến đảo Baleares đã bị nhiễm Covid-19. Dường như các thanh niên này đã tham gia nhiều cuộc hội hè mà không có bất cứ biện pháp bảo vệ nào, tức là không tôn trọng quy định về khoảng cách an toàn và không đeo khẩu trang.

Thành phố Madrid đã phát hiện 350 ca dương tính trong tổng số 470 trường hợp trên toàn quốc. Ông Antonio Zapatero, lãnh đạo cơ quan Y Tế Madrid, phát biểu : “Chúng tôi chưa bao giờ có ổ lây nhiễm lớn đến như vậy kể từ đầu đại dịch. Họ không chú ý, không đeo khẩu trang, chính vì thế ổ lây nhiễm mới bùng lên.”

Đa phần sinh viên đều không có triệu chứng, nhưng điều tệ hại nhất là ổ lây nhiễm này bùng lên đúng thời điểm mùa du lịch sắp bắt đầu và người dân đảo Balearas đang háo hức chờ đón du khách quốc tế và du khách đến từ Anh Quốc. »  

Cuộc đua xe đạp Tour De France 2021 khai mạc với các hạn chế y tế được nới lỏng

Trọng Nghĩa

image.png
Giám đốc giải đua xe Tour de France, Christian Prudhomme, ra hiệu lệnh bắt đầu chặng đua đầu tiên trong giải Tour de France lần thứ 108, từ Brest đến Landerneau, ngày 26/06/2021. Anne-Christine POUJOULAT AFP

Vào hôm thứ Bảy 26/06/2021, cuộc đua xe đạp nổi tiếng nhất thế giới Vòng Đua Nước Pháp – Tour de France 2021 đã chuyển bánh tại thành phố Brest miền tây nước Pháp. Mở ra vào lúc dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu lùi bước tại Pháp, Vòng Đua năm nay sẽ bớt phải tuân thủ các quy định phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong khoảng ba tuần lễ, từ hôm nay, 26/06 cho đến ngày 18/07, 184 tay đua đủ mọi quốc tịch thuộc 23 đội đua, sẽ phải vượt qua hơn 3.400 cây số, đi vòng quanh nước Pháp từ tây sang đông, từ bắc xuống nam để rồi về tranh tài ngày cuối cùng trên Đại Lộ Champs Elysées nổi tiếng tại thủ dô Paris.

Nhờ tình hình dịch bệnh đã lùi bước đáng kể tại Pháp, không khí lễ hội được dự báo là sẽ trở lại vòng đua, với các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng đáng kể. Một dấu hiệu rõ rệt nhất: Đoàn xe quảng cáo hùng hậu thường dẫn đầu đoàn đua đã trở lại với quy mô bình thường, tức là khoảng 150 chiếc, thay vì 100 chiếc như phiên bản năm 2020.

Việc bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời, cũng như là việc hủy bỏ lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, cũng góp phần mang lại một không khí tự do cho vòng đua. Tuy vậy, mọi sự chưa hoàn toàn trở lại như vào thời trước khi có dịch. Để đi vào những khu tập trung xem đoàn đua lúc khởi hành hay ở đích đến, khán giả cần phải có giấy thông hành y tế, trong lúc số lượng khán giả cũng bị hạn chế.Các đội đua cũng bị chi phối. Chỉ cần trong đội có hai tay đua bị nhiễm Covid-19 là toàn đội bị trục xuất.

Nhìn chung, so với năm trước 2020, bóng dáng Covid-19 đã bớt ám ảnh Vòng Đua Nước Pháp, mang lại nhiều sinh khí hơn cho một sự kiện thể thao thuộc diện được người Pháp ưa thích nhất.

Related posts