Tin thế giới sáng thứ Ba

Mỹ tấn công lực lượng dân quân thân Iran tại Syria và Irak

Anh Vũ

image.png
Lầu Năm Góc thông báo không kịch nhiều mục tiêu của lực lượng thân Iran tại Syria và Irak. Ảnh: trụ sở bộ Quốc Phòng Mỹ. STAFF AFP/Archivos

Để đáp trả liên tiếp các vụ tấn công bằng thiết bị không người lái vào các căn cứ Mỹ tại Irak, theo lệnh của tổng thống Joe Biden, quân đội Mỹ, ngày hôm qua, 27/06/2021, đã mở một loạt các cuộc không kích vào các cơ sở của lực lượng dân quân vũ trang do Iran hậu thuẫn tại Syria và Irak. Theo Washington, đó là những cơ sở hậu cần trọng yếu để mở các cuộc tấn công nhằm vào lợi ích của Mỹ tại Irak.

Thông tín viên Loubna Anaki từ New York cho biết thêm thông tin:

Tin được thông báo qua thông cáo của Bộ Quốc Phòng cho biết các cuộc không kích diễn ra trong đêm nhằm vào 3 mục tiêu, trong đó 2 mục tiêu nằm ở Syria, 1 tại Irak.

Đó là các địa điểm cất giữ vũ khí đạn dược của lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn. Những nhóm quân này đã dùng thiết bị bay không người lái tiến hành nhiều cuộc tấn công vào quân Mỹ.

Chỉ tính riêng trong tháng Tư, đã có 5 vụ tấn công bằng thiết bị bay mang chất nổ điều khiển từ xa nhằm vào các căn cứ của Mỹ tại Irak, trong đó có cả những địa điểm của CIA và lực lượng đặc nhiệm Mỹ.

Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ giải thích : « Tổng thống Biden đã nói rất rõ là ông sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ nhân viên Mỹ ».

Đây không phải lần đàu tiên tổng thống Mỹ ra lệnh tiến hành các chiến dịch quân sự kiểu như thế này. Hồi tháng Hai vừa qua, các cơ sở của lực lượng dân quân thân Iran tại Syria cũng đã bị oanh tạc.

Hoa Kỳ nhận thấy Téhéran sử dụng lực lượng dân quân vũ trang và các cuộc tấn công người Mỹ nhằm gây áp lực để Washington gỡ bỏ các trừng phạt.

Khi trở lại Nhà Trắng ngày cuối tuần, được hỏi về các vụ tấn công vừa rồi, ông Joe Biden nói ông sẽ có tuyên bố ngày hôm nay về các chiến dịch quân sự này.

Các đợt không kích đã làm ít nhất 5 chiến binh của lực lượng dân quân Irak thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, theo thông báo của tổ chức phi chính phủ Đài Quan sát Nhân Quyền tại Syria (OSDH).

Trong một bối cảnh khác, theo Reuters, hôm nay, 28/06/2021, tại Nhà Trắng, ông Joe Biden tiếp tổng thống mãn nhiệm Israel, Reuven Rivlin, để thảo luận thêm về các nỗ lực của Hoa Kỳ quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran ký hồi 2015 cũng như những vấn đề liên quan đến thành lập chính phủ mới ở Israel của tân thủ tướng Naftali Bennett.

Nord Stream 2: Đức “dọa” dừng vận chuyển khí đốt nếu Nga vẫn gây áp lực với Ukraina

Thùy Dương

image.png
Một tàu lai dắt tham gia đặt đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nối Nga đến Đức, tại cảng Wismar, Đức, ngày 14/01/2021. AP – Jens Buettner

Đức có thể dừng vận chuyển khí đốt của Nga qua đường ống dẫn khí ga Nord Stream 2 nếu Matxcơva không tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận hoặc dùng thỏa thuận để gây áp lực với Ukraina. Ứng viên Armin Laschet của đảng cầm quyền Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo – CDU cho chức thủ tướng Đức hôm qua 26/06/2021 khẳng định như trên.

Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nối từ Nga sang Đức qua biển Baltic sẽ cho phép Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu qua ngả Đức, tránh phải vận chuyển khí đốt qua Ukraina và như vậy cũng làm mất đi một phần thu nhập của Kiev.

Ông Armin Laschet, người được hy vọng sẽ kế nhiệm bà Angela Merkel sau khi bà hết nhiệm kỳ thủ tướng Đức vào tháng 09, trong một cuộc tranh luận trên truyền hình ngày 26/06 về chính sách đối ngoại, cho rằng Nord Stream 2 đã được thực hiện 95% và « sẽ phải được hoàn thành ».

Thế nhưng, ông Armin Laschet cũng nhấn mạnh nếu Nga không tôn trọng thỏa thuận hoặc dùng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 để gây áp lực cho Ukraina thì « chúng tôi luôn có thể cho dừng dự án này kể cả khi đường ống dẫn khí đốt đã hoàn thành ». Bộ trưởng Tài Chính Đức, Olaf Scholz, ứng cử viên của đảng Dân Chủ Xã Hội Đức (SPD), cũng đồng quan điểm : « Bất cứ điều gì cản trở quá trình vận chuyển khí đốt và an ninh của Ukraina đều để lại hậu quả về tiềm năng dẫn khí đốt qua đường ống đã hoàn thành ».

Còn bà Annalena Baerbock, ứng viên đảng Xanh, người đứng thứ hai trong các cuộc thăm dò ý kiến, người luôn phản đối dự án, nhận định rằng với đường ống dẫn khí Nord Stream 2, tổng thống Nga Putin muốn gây bất ổn không chỉ cho Ukraina mà còn cho cả Đức, với tư cách là một quốc gia châu Âu.

Reuters nhắc lại Nord Stream 2 từ lâu nay là một nguồn gây căng thẳng giữa chính quyền Đức và Mỹ. Washington lập luận rằng dự án này làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng Nga. Còn ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 23/06, trong chuyến công du châu Âu, nhận định đường ống dẫn khí Nord Stream 2 là một dự án địa chính trị của Nga đe dọa an ninh của Ukraina.

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo : Biến thể virus Delta đã có mặt ở 85 nước

Anh Vũ

image.png
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 vào phòng điều trị, bệnh viện Honorio Delgado, Arequipa, Peru, ngày 25/06/2021. AP – Guadalupe Pardo

Tổ chức Y tế Thế giới hôm qua 27/06/2021, thông báo, biến thể virus Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ, giờ đã có mặt ở tại 85 nước trên thế giới. Với tốc độ lây lan mạnh, biến thể Delta đang gây cản trở đáng ngại cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên toàn cầu, mặc dù chiến dịch tiêm chủng đang được triển khai với nỗ lực cao ở nhiều khu vực.

Những ngày qua, nhiều khu vực của thế giới liên tiếp phải hứng chịu các đợt lây nhiễm mới.

Ngay tại châu Âu tình hình dịch tưởng như đang chững lại, những đợt lây nhiễm mới lại bùng phát ở nhiều nơi, điều đáng lo ngại là sự xuất hiện ngày càng tăng của biến thể Delta trong các ca nhiễm mới.

Bồ Đào Nha là nước đầu tiên trong Liên Hiệp Châu Âu thông báo biến thể Delta hiện giờ có mặt ở khắp lãnh thổ. Tại Anh, biến thể Delta chiếm 96% các ca nhiễm mới. Ở những nước như Pháp, Bỉ, dù số ca nhiễm đã giảm mạnh, nhưng tỷ lệ của virus Delta vẫn chiếm trên dưới 10% các ca nhiễm mới.

Nga là nước đang bị biến thể Delta tấn công dữ dội nhất châu Âu. Trong những ngày qua, số ca nhiễm ở nước này, đặc biệt tại thủ đô Matxcova liên tục tăng mỗi ngày từ 25% đến 33%. Riêng hôm qua, thủ đô Matxcơva và Saint Petersburg ghi nhận số lượng người tử vòng vì Covid-19 ở mức kỷ lục, trên 120 người ở mỗi thành phố. Số ca nhiễm mới trên cả nước Nga ngày hôm qua là hơn 21 nghìn.

Khu vực châu Á Thái Bình Dương, cũng đang lao đao chống đỡ các đợt dịch mới với biến thể Delta. Tại Úc, chính quyền ngày hôm qua đã quyết định phong tỏa trở lại nhiều thành phố lớn để đối phó với đà lây lan của biến thế Delta. Malaysia cũng kéo dài phong tỏa cả nước thêm một tháng. Indonesia, sau khi ghi nhận ca nhiễm đạt mức kỷ lục, 21 nghìn ca trong ngày hôm qua, buộc phải ra thêm các biện pháp hạn chế sinh hoạt, giãn cách xã hội.

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn đà lây lan của biến thể Delta, tránh một làn sóng dịch mới có thể xuất hiện sau mùa hè, các nước chỉ còn cách duy nhất là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Có điều, việc này chỉ các nước có điều kiện kinh tế như châu Âu hay Hoa Kỳ mới làm được.


Covid-19 : Indonesia ghi nhận số ca lây nhiễm thường nhật cao nhất Đông Nam Á

Thùy Dương

image.png
Tranh cổ động ca ngợi đội ngũ nhân viên y tế chống Covid-19 tại Depok, ngoại ô thủ đô Jakarta, Indonesia, ngày 25/06/2021. AP – Dita Alangkara

Hôm 26/06/2021, với hơn 21.000 ca nhiễm mới được ghi nhận trong vòng 24 giờ, số ca nhiễm Covid-19 thường nhật ở Indonesia không chỉ đạt mức cao kỷ lục tính từ đầu mùa dịch mà còn là mức cao nhất của cả khu vực Đông Nam Á. Theo đài Nhật NHK, tại thủ đô Jakarta của Indonesia, 90% số giường bệnh Covid-19 đã có bệnh nhân.

Kỷ lục đáng buồn về số ca nhiễm virus corona được cho là do sự lây lan của biến thể Delta và các chuyến đi sau mùa chay Ramadan. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là Indonesia là một trong những quốc gia xét nghiệm ít nhất thế giới, nên con số ghi nhận chính thức có lẽ thấp hơn rất nhiều so với thực tế.

Trong khi đó, các nhà quan sát chỉ trích thái độ phủ nhận dịch bệnh của chính quyền trong thời gian qua. Từ Kuala Lumpur, thông tín viên Gabrielle Maréchaux tại khu vực Đông Nam Á giải thích :

« Đây là một đại dịch mà chính phủ Indonesia từ lâu nay không muốn nhìn nhận. Khi những ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở tất cả các nước láng giềng, vào tháng 2/2020, bộ trưởng Y Tế Indonesia đã rất tự tin nói : « Ở đây tình hình đang trong tầm kiểm soát và chúng tôi vẫn khỏe mạnh nhờ những lời cầu nguyện của tất cả người dân và đất nước Indonesia ».

Một năm rưỡi sau, đối với nhà dịch tễ học Najmah, sự phủ nhận thực tế vẫn còn đó và được các nhà lãnh đạo tôn giáo khuếch đại. Bà nói : « Một số lãnh đạo tôn giáo giải thích đại dịch xảy ra vì người ta bài Hồi Giáo. Họ nói “Hãy nhìn xem, các nhà thờ Hồi giáo bị đóng cửa nhưng người ta lại có thể đi chợ ; lễ Aid bị cấm tổ chức trong gia đình nhưng nhân công Trung Quốc thì lại có thể nhập cảnh” ». Và đối với đa số những người mà chúng tôi hỏi, cái chết nằm trong tay thượng đế, nếu ai đó chết thì đó là ý thượng đế chứ không phải là do virus ».

Còn về phía chính phủ, việc chỉ có ít xét nghiệm được thực hiện giúp họ làm cho dân chúng quên đi virus corona. Nhà dịch tễ học Najmah nói tiếp : « Các kết quả thu được, vốn rất ít, được sử dụng để khiến mọi người nghĩ rằng virus corona không phải là quá nguy hiểm và cho phép nhà chức trách dập các ý kiến chỉ trích và tập trung vào chương trình nghị sự về kinh tế ».

Đối với một số nhà quan sát, số bệnh nhân Covid-19 cần được nhân lên 22 lần mới ra con số sát thực tế ».

Thái Lan : Thủ đô Bangkok áp dụng biện pháp hạn chế trong một tháng
Nhìn sang Thái Lan, ngày 27/06, chính quyền thông báo những biện pháp hạn chế mới trong vòng 30 ngày ở thủ đô Bangkok để phòng dịch.

Kể từ ngày 28/06, các nhà hàng ở Bangkok và 5 tỉnh lân cận phải đóng cửa. Các trung tâm mua sắm đóng cửa trước 21 giờ. Các bữa tiệc, lễ kỷ niệm, hoạt động tập trung hơn 20 người đều bị cấm. Các công trường xây dựng ở 6 khu vực phải ngưng hoạt động, khu lán trại của công nhân bị phong tỏa đề phòng các ổ lây nhiễm.

Crisis Group lo ngại tập đoàn quân sự Miến Điện thẳng tay trả thù người dân

Thu Hằng

image.png
Binh lính Miến Điện đứng cạnh đoàn chiến xa trong lúc người dân biểu tình phản đối cuộc đảo chính, Rangoon, Miến Điện. Ảnh chụp ngày 15/02/2021. REUTERS – Stringer .

Hơn 880 người chết tại Miến Điện kể từ khi quân đội đảo chính ngày 01/02/2021. Các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số đã tham gia phong trào chống tập đoàn quân sự khiến tình trạng bạo lực gia tăng. Trong bản báo cáo công bố ngày 28/06, một tổ chức phi chính phủ cảnh báo cái giá phải trả về nhân mạng là « rất lớn » nếu chế độ quân sự sử dụng mọi quyền lực để thẳng tay trấn áp, trả thù người dân.

Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group, ICG) lưu ý đến việc cả hai bên gia tăng bạo lực. Tại nhiều vùng, người dân lập « lực lượng tự vệ », thường sử dụng súng săn và vũ khí tự chế để chống lại tập đoàn quân sự. Trong khi đó, quân đội huy động máy bay trực thăng và pháo binh để phản công, nhắm vào nhiều nhóm tại tây bắc bang Chin và dọc biên giới phía đông với Thái Lan.

Theo tổ chức phi chính phủ này, được AFP trích dẫn, « trước cuộc khởi nghĩa vũ trang, tập đoàn quân sự có thể sẽ trút sức mạnh vào thường dân ». Nếu việc này xảy ra, « giá nhân mạng sẽ rất lớn, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi, nhưng người vốn đang phải đối mặt với những khó khăn do tình trạng bạo lực và di chuyển gây ra ».

Trước đó, Liên Hiệp Quốc đưa ra con số 230.000 người đã phải sơ tán vì các cuộc giao tranh và tình trạng mất an ninh. Ngoài 20 nhóm dân tộc thiểu số nổi dậy vẫn hoạt động trước cuộc đảo chính, việc có nhiều « lực lượng phòng vệ » tự phát khiến tình hình tại Miến Điện sẽ thêm bất ổn. Vào tuần trước, có ít nhất 6 người bị chết trong một vụ đấu súng giữa lực lượng an ninh và một nhóm tự vệ tại Mandalay.

Tập đoàn quân sự bắt nghiên cứu sinh Miến Điện ở nước ngoài thề trung thành

Ngoài trấn áp trong nước, tập đoàn quân sự cũng tìm cách đe dọa kiều dân Miến Điện ở nước ngoài. Ngày 28/06, báo mạng Úc abc.net.au cho biết một nhà ngoại giao tại đại sứ quán Miến Điện ở Canberra, thay mặt cho đại sứ, đã gửi một bức thư qua email đến các du học sinh và nghiên cứu sinh nước này tại Úc.

Nội dung bức thư yêu cầu các nhà nghiên cứu của chính phủ Miến Điện tại Úc phải cam kết « trung thành và phục tùng » chính quyền quân sự, còn du học sinh có học bổng, trong đó có rất nhiều người nhận được học bổng của chính phủ Úc, phải tuyên bố « không tham gia phong trào bất tuân dân sự và không xúi giục bất kỳ ai tham gia ». Họ cũng được yêu cầu không được đăng bất kỳ nội dung nào « chống lại Liên bang Miến Điện » trên các mạng xã hội.

Related posts