Thêm 95 ca COVID-19
VnExpress – Bộ Y tế sáng 29/6 ghi nhận 95 ca dương tính nCoV, gồm tại Sài Gòn 58, Phú Yên 18, Long An 8, Bắc Giang 4, Hà Tĩnh 3, Nghệ An 2, Trà Vinh 1, Vĩnh Long 1.
95 ca mới từ số 16042-16136. Trong đó, 89 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang lên 5.667, Sài Gòn 3.494, Hà Tĩnh 101, Nghệ An 80, Long An 75, Phú Yên 56, Trà Vinh 4, Vĩnh Long 2.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 12.788, ghi nhận ở 48 tỉnh thành.
Phú Yên; Ca 16042-16049, 16051-16052, 16054-16055, 16062-16067 là các trường hợp F1 trong khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 27-28/6 dương tính.
Nghệ An; Ca 16050, 16053 là các trường hợp F1, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 28/6 dương tính.
Bắc Giang; Ca 16056-16057, 16059-16060 là các trường hợp trong khu cách ly và khu vực đã được phong toả. Kết quả xét nghiệm ngày 28/6 dương tính.
Long An; Ca 16058, 16068-16074 gồm 4 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 3 ca liên quan đến chợ Bình Điền – TP. Hồ Chí Minh, 1 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 26-27/6 dương tính, đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Long An.
Trà Vinh; Ca 16061 nữ, 18 tuổi, địa chỉ tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; liên quan đến chợ Bình Điền – TP. Hồ Chí Minh, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 28/6 dương tính, đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh Trà Vinh.
Hà Tĩnh; Ca 16075-16077 gồm 2 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 1 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 26-27/6 dương tính.
Vĩnh Long; Ca 16078 nữ, 68 tuổi, địa chỉ tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp; đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 28/6 dương tính.
TP.HCM; Ca 16079-16136 gồm 47 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 1 ca liên quan đến chợ Sơn Kỳ – Tân Phú, 2 ca liên quan đến chợ Bình Điền, 5 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng, 3 ca đang điều tra dịch tễ.
COVID-19 xâm nhập Trại giam Chí Hòa, 3 cán bộ nhiễm bệnh
Nld – Ngày 28/6, trại tạm giam Chí Hòa ở Q.10 đã phát thông báo đến TAND TP.HCM cùng Viện KSND TP và tòa án, viện kiểm sát một số quận, huyện để thông báo về việc 3 cán bộ công tác tại trại dương tính với COVID-19.
Theo thông báo, 3 cán bộ nhiễm bệnh gồm một thiếu tá và một đại úy đã có kết quả khẳng định nhiễm COVID-19; một thiếu tá khác có kết quả test nhanh dương tính, đang chờ kết quả khẳng định.
Trường hợp đại úy là cán bộ y tế của Bệnh viện Chí Hòa, làm nhiệm vụ sàng lọc COVID-19 đối với cán bộ của các cơ quan và luật sư đến trại làm việc, liên hệ công tác trong khung giờ từ 13h đến 16h30 ngày 25/6 tại cổng số 1.
Hiện trại tạm giam Chí Hòa thông báo, nếu tiếp xúc gần với 3 cán bộ chiến sĩ trên thì cán bộ TAND TP.HCM, VKSND TP cùng TAND và VKSND quận 3, 4, 5, Bình Thạnh, Bình Tân; TAND huyện Nhà Bè, Bình Chánh cũng như các luật sư cần khai báo y tế.
TP.HCM có 5 quận huyện ‘nguy cơ rất cao’ về COVID-19
Tuoitre – Theo đó, sáng 28/6, nói trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đây là ngày thứ 12 liên tiếp TP.HCM ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 lên đến 3 con số mỗi ngày chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Ông Phong yêu cầu phân nhóm mức độ diễn biến dịch bệnh đối với TP. Thủ Đức, quận – huyện để có các giải pháp phù hợp.
Cụ thể, nhóm quận huyện có nguy cơ rất cao gồm Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Tân Phú và một phần của TP. Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ).
Nơi có nguy cơ cao là Gò Vấp, Củ Chi, quận 1, Bình Thạnh, Tân Bình, quận 5, quận 4, quận 12 và một phần của TP. Thủ Đức (quận 2 và quận 9 cũ). Các quận có nguy cơ gồm Cần Giờ, quận 10, quận 11, quận 7 và quận Phú Nhuận.
Trong ngày 28/6, TP.HCM ghi nhận thêm 218 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở thành phố lên 3.436 ca.
TP.HCM xin giữ lại tiền ủng hộ phòng chống dịch để mua vắc-xin
Zing – Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ngày 28/6 có văn bản khẩn gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính về việc quản lý, sử dụng kinh phí ủng hộ hoạt động phòng chống dịch COVID-19 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tiếp nhận.
Từ khi vận động đến ngày 31/5, Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 thành phố (Ban vận động) đã nhận gần 268 tỷ đồng. Thành phố đã chi gần 191 tỷ đồng cho hoạt động phòng, chống dịch.
Do nhu cầu kinh phí mua vaccine để tiêm phòng cho người dân rất lớn trong khi nguồn ngân sách Nhà nước giới hạn, Ban vận động đã kêu gọi ủng hộ từ nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay, hơn 80 đơn vị, cá nhân đã đăng ký ủng hộ với số tiền hơn 2.210 tỷ đồng và Ban vận động đã tiếp nhận hơn 65 tỷ đồng.
Với thực tế đó, UBND TP.HCM kiến nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính xem xét cho phép TP.HCM không chuyển vào ngân sách Nhà nước kinh phí mua vắc-xin phòng chống dịch COVID-19 mà Ban vận động đã tiếp nhận.
Đồng thời, UBND TP.HCM đề nghị Trung ương giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM theo dõi, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí ủng hộ để thực hiện hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch, bao gồm cả việc mua vắc-xin.
Sài Gòn tiếp tục áp dụng chỉ thị 10 sau 0h ngày 29/6
Tuoitre – Trước thời điểm kết thúc thời gian giãn cách xã hội đợt 2, nhiều người dân Sài Gòn quan tâm biện pháp tiếp theo của TP để chống dịch trong thời gian tới. Trong đó, nhiều người thắc mắc về việc có tiếp tục tạm dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu hay không.
Trao đổi với báo chí, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết Sài Gòn sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị 10 của UBND TP sau 0h ngày 29/6.
Như vậy, từ 0h ngày 29/6, Sài Gòn tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp của chỉ thị 10 của UBND TP. Trong đó, có giải pháp mạnh như dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát.
Liên quan đến Sài Gòn, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM ngày 28/6 cho biết tính đến 15h cùng ngày, Sài Gòn có 569 điểm phong tỏa do liên quan các ca mắc COVID-19.