Minh Sang
Chủ tịch UBND TP. Sầm Sơn lên tiếng vụ tượng đài 225 tỷ đồng
Tuoitre – Thông tin dự án với tổng vốn đầu tư 255 tỷ đồng này sắp được triển khai xây dựng khiến một số người, có cả những người là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, lo ngại việc xây dựng dự án hàng trăm tỉ đồng này chưa cần thiết.
Chủ tịch TP. Sầm Sơn Lê Văn Tú cho biết, Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa đang cùng cả nước tập trung phòng, chống dịch COVID-19, nên chưa triển khai dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Chiều nay, 29/6, UBND TP. Sầm Sơn đã có báo cáo lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và một số cơ quan chuyên môn về việc dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đang gây tranh cãi về sự cần thiết của dự án này ở thời điểm cả nước đang vật lộn phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, TP. Sầm Sơn khẳng định thời điểm này TP và cả tỉnh Thanh Hóa đang cùng cả nước tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên chưa triển khai dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Trong thời gian tới, chỉ khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, TP. Sầm Sơn mới phối hợp với Hội Cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc lựa chọn một số hạng mục thật sự thiết thực, có quy mô phù hợp để triển khai xây dựng vào thời điểm thích hợp.
Các hạng mục này sẽ được xây dựng bằng nguồn vốn do Hội Cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc huy động và các nguồn xã hội hóa khác, không dùng ngân sách nhà nước.
Trước đó, ngày 21/6, Hội đồng nghệ thuật tư vấn tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội Cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã tổ chức phiên họp thứ nhất để lựa chọn mô hình thiết kế tượng đài (một hạng mục quan trọng trong tổng thể dự án).
Thông tin dự án với tổng vốn đầu tư 255 tỷ đồng này sắp được triển khai xây dựng khiến một số người lo ngại việc xây dựng dự án hàng trăm tỉ đồng này là chưa cần thiết vào lúc cả nước đang phải huy động mọi nguồn lực để phòng, chống dịch COVID-19, nhiều người dân, doanh nghiệp gặp cảnh khốn khó.
Trong số các ý kiến không ủng hộ dự án có cả những người là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc trước đây.
Kiến nghị Bộ Công an điều tra sai phạm tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia
NLD – Ngày 29/6, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có thông báo kết luận thanh tra, thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia.
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia. Theo đó, Khu Liên hợp thể thao quốc gia là chủ thể quản lý bãi đỗ xe với diện tích hơn 94.417m2 nhưng lại không trực tiếp quản lý, sử dụng, mà bàn giao mặt bằng cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe (nay là Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội).
Cơ quan thanh tra chỉ ra từ năm 2002, công ty đã khai thác, sử dụng khu đất trên nhưng đến nay chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc giao đất, đồng thời chưa phát sinh nghĩa vụ tài chính về đất (tiền thuê đất) đối với Nhà nước.
Bắt đầu từ năm 2003, Ban quản lý dự án Khu liên hợp thể thao quốc gia ký hợp đồng với Công ty TNHH Tân An Bình hợp tác đầu tư xây dựng trạm phân phối gas và giao cho công ty sử dụng 865m2 đất nằm trong khuôn viên khu đất Cung thể thao dưới nước.
Điều đáng nói, trong hợp đồng hợp tác đầu tư lại không có quy định nghĩa vụ tài chính về đất đối với Công ty TNHH Tân An Bình. Theo quy định, diện tích đất 865m2 này không được phép sử dụng để hợp tác đầu tư nhưng Khu liên hợp thể thao quốc gia không thực hiện điều chỉnh hoặc chấm dứt hợp đồng.
Cơ quan thanh tra cho rằng quá trình thực hiện hợp tác đầu tư trên có nhiều “dấu hiệu bất thường”, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Từ năm 2003 đến nay, Khu liên hợp thể thao quốc gia cũng không nộp tiền thuê khu đất trên cho ngân sách nhà nước với số tiền tạm tính hơn 1,94 tỷ đồng.
Theo kết luận thanh tra, Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch là cơ quan chủ quản giai đoạn 2009-2018 có tổ chức nhiều cuộc kiểm tra hiện trạng nhà đất, cơ sở vật chất nhưng không phát hiện được việc Khu liên hợp thể thao quốc gia hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Tân An Bình.
Cũng theo cơ quan thanh tra, Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia còn cho Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Thành phố xanh mượn 12 gian nhà cấp 4 có diện tích hơn 623 m2 và 639 m2 đất khác không thu tiền, gây thiệt hại gần 600 triệu đồng.
Khu liên hợp thể thao quốc gia còn cho 5 doanh nghiệp thuê đất nhưng chậm nộp tiền thuế dẫn đến nợ cơ quan thuế hơn 46 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, để xảy ra những sự việc trên là do Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao thiếu sự kiểm tra, rà soát việc thực hiện liên doanh, liên kết nên không phát hiện được những vi phạm của Khu liên hợp thể thao quốc gia.
Cùng với việc chỉ ra những tồn tại, thiếu sót cần khắc phục, trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển thông tin (tài liệu hồ sơ, chứng cứ) cho cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để thụ lý, xem xét theo quy định của pháp luật đối với 2 nội dung sau:
Nội dung thứ nhất, việc Khu liên hợp thể thao quốc gia cho thuê mặt bằng các khu đất đã giải phóng mặt bằng đang chờ thực hiện dự án, vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý sử dụng tài sản nhà nước, tài sản công, thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất nhưng chưa nộp ngân sách nhà nước số tiền lớn, có dấu hiệu gây thất thu tiền ngân sách nhà nước.
Nội dung thứ hai là việc Khu liên hợp thể thao quốc gia sử dụng đất thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư trạm phân phối gas với công ty TNHH Tân An Bình trong khuôn viên Cung thể thao dưới nước vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý sử dụng tài sản nhà nước, tài sản công, thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất nhưng chưa nộp ngân sách nhà nước, có dấu hiệu gây thất thu tiền ngân sách nhà nước.
Bác kháng cáo kêu oan, xin giảm hình phạt của 3 bị cáo trong đại án BIDV
Thanh Niên – Chiều 29/6, sau 2 ngày xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên án đối với kháng cáo của các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển VN (BIDV) và một số đơn vị liên quan, gây thất thoát hơn 1.664 tỷ đồng.
Theo đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) không chấp nhận kháng cáo, tuyên bị cáo Đinh Văn Dũng, cựu Tổng giám đốc Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà), y án 12 năm tù; Đoàn Hồng Dũng, cựu Giám đốc Công ty TNHH thương mại và du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng), 18 năm tù và Nguyễn Thị Thanh Sơn, cựu Giám đốc Công ty Hà Nam, 3 năm tù, cùng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, bị cáo Đinh Văn Dũng liên đới cùng Trần Anh Quang (cựu Tổng giám đốc Công ty Bình Hà) bồi thường hơn 21 tỷ đồng, trong đó cá nhân bị cáo Dũng bồi thường 6 tỷ đồng; Công ty Trung Dũng phải hoàn trả BIDV hơn 600 tỉ đồng, hai vợ chồng Đoàn Hồng Dũng liên đới bồi thường 263 tỉ đồng chiếm đoạt của BIDV.
HĐXX nhận định quá trình điều tra và tại các phiên tòa, bị cáo Đinh Văn Dũng thừa nhận là người trực tiếp chỉ đạo hoạt động tại Công ty Bình Hà, trong đó có việc bán bò và thỏa thuận với các nhà thầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để góp vốn vào công ty này.
Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Đinh Văn Dũng không thừa nhận hành vi nhưng HĐXX có căn cứ xác định do không có tiền góp vốn, bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền bán bò, là tài sản đảm bảo cho khoản vay của BIDV, để dùng vào mục đích cá nhân. “Bị cáo kêu oan và không nhận tội là thể hiện ý thức coi thường pháp luật”, chủ tọa phiên tòa nói.
Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn, HĐXX phúc thẩm cho rằng mức án cấp sơ thẩm tuyên với 2 bị cáo là phù hợp. Tại phiên tòa này, các bị cáo không đưa ra được tình tiết nào mới, cũng như không có biện pháp nào để tiếp tục khắc phục hậu quả thiệt hại trong vụ án nên không có căn cứ để xem xét.
Người dân Quảng Trị thu hàng tỷ đồng nhờ trồng những giống cây ít ai biết
Dân Trí – Từ những giống cây ít ai biết, người dân Quảng Trị đã biến thành cây “thần dược” tốt cho sức khỏe, cho thu nhập hàng tỷ đồng.
Qua nhiều năm triển khai, sản phẩm cà gai leo Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã xuất hiện trên thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Điều ít ai ngờ rằng, loại cây mọc hoang dại trong tự nhiên chính là cây thảo dược quý, tốt cho sức khỏe và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Hoàn thiện quy trình chế biến cà gai leo
Bà Lê Hồng Nhạn – chủ một cơ sở cà gai leo – cho biết, sau khi “bén duyên” với cây cà gai leo, bà bắt đầu tiếp cận nhiều tài liệu khoa học và biết được cà gai leo là một cây thuốc rất quý đối với sức khỏe, được nghiên cứu bài bản bởi nhiều thế hệ các nhà khoa học, dược học Việt Nam.
Với mong muốn cung cấp nguồn dược liệu sạch, an toàn, chất lượng cao, phân phối rộng rãi tới người tiêu dùng, từ năm 2015, bà Nhạn bắt tay vào trồng cà gai leo. Ban đầu, nguồn giống được gia đình mua từ một cơ sở tại Quảng Ngãi.
Sau một thời gian chăm sóc, nhận thấy loại cây này thích hợp với điều kiện vùng đồi Quảng Trị, bà Nhạn quyết tâm xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh cà gai leo tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ.
Cây cà gai leo được trồng trên vùng đồi, nhưng thảo dược cho hoạt chất cao gấp nhiều lần, chu kỳ sinh trưởng kéo dài từ 5-7 tháng.
Hiện bà Nhạn đã phát triển vùng nguyên liệu có diện tích hơn 5 ha. “Cây cà gai leo cho thu hoạch mỗi năm 2 lần, với sản lượng mỗi ha đạt hơn 12 tấn cây tươi. Sau quá trình phơi khô sẽ được 4 tấn, với giá bán 70-80 triệu đồng/tấn” – bà Nhạn cho hay.
Sau khi xây dựng được vùng nguyên liệu cà gai leo ổn định, đảm bảo các tiêu chuẩn, cùng với việc đóng gói các sản phẩm cây cà gai leo khô bán ra thị trường, gia đình bà Nhạn đã đầu tư dây chuyền sản xuất cao cà gai leo từ nguyên liệu tươi.
Cũng theo bà Nhạn, cây cà gai leo được trồng và chế biến theo quy trình hiện đại, khép kín từ khâu trồng đến cho ra sản phẩm, với yêu cầu nghiêm ngặt nên có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Đến nay, cơ sở của bà Nhạn đã sản xuất được nhiều sản phẩm từ cà gai leo và đã có mặt trên thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong nước.
Hiện doanh thu hàng năm từ sản phẩm cà gai leo của cơ sở bà Nhạn chưa trừ chi phí đạt trên 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đang vào giai đoạn đầu nên doanh thu được dùng để tái đầu tư, xây dựng nhà xưởng và mua các loại máy móc, thiết bị.
Nhằm phát triển vùng nguyên liệu cà gai leo, bà Nhạn sẵn sàng hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhờ loại cây thảo dược này, nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập khá, góp phần thay đổi đời sống.
“Cơ sở sản xuất cà gai leo cũng tạo việc làm quanh năm cho khoảng 10 lao động địa phương. Mức thu nhập của lao động đạt từ 5-6 triệu đồng, có người 10 triệu đồng” – bà Nhạn cho hay.
Bà Nhạn cho biết, mục tiêu của những năm tới là hoàn thiện hơn nữa quy trình chuẩn về sản xuất hữu cơ đối với cà gai leo, nâng cấp máy móc để làm sản phẩm bài bản hơn.